Ứng xử tinh tế trong mâm cơm của người Việt Epoch Times Tieng Viet –
Bữa cơm của người Việt mang nhiều ý nghĩa, bởi vì bữa cơm chính là nơi để các thành viên trong gia đình nuôi dưỡng và bồi đắp tình cảm, gắn bó, yêu thương…
Mục lục bài viết
Cơm tẻ là mẹ ruột
Người Việt gắn bó với nền nông nghiệp trồng lúa nước, nên từ ngàn xưa cơm đã trở thành món ăn chính. Họ dùng từ “cơm” để gọi tên các bữa ăn như “mâm cơm”, “bữa cơm”, “nấu cơm”. Bên cạnh cơm, một bữa ăn chuẩn Việt cần đến các món rau, món canh, và món mặn như thịt, cá, tôm, …
Mâm cơm hình tròn
Mâm cơm của người Việt có hình tròn thể hiện tính cộng đồng và tượng trưng cho sự sum vầy, đầy đặn và hạnh phúc viên mãn. Các món ăn sẽ được bày cùng một lúc sao cho vừa mâm trong đó nước chấm ở giữa, các món rau và thịt được xếp xen kẽ nhau xung quanh sao cho đẹp mắt. Trong khi ăn, mọi người ngồi quây quần bên mâm cơm và cùng nhau trò chuyện tăng thêm không khí vui vẻ cho bữa cơm.
Dùng đũa
Việc dùng đũa trong bữa ăn đã xuất hiện từ rất lâu đời và xuôi cùng dòng chảy của thời gian. Đôi đũa truyền thống của người Việt Nam được làm từ tre.
Trước khi cầm đũa, phải xếp hai đầu đũa cho đều nhau, lúc sử dụng chỉ động tới cạnh trên của đũa, dùng 3 đầu ngón tay: ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa nhẹ nhàng cầm đũa. Trẻ con được dạy rằng, trước bữa ăn phải so đũa, chú ý đến đầu đũa có đúng hướng hay không, sau bữa ăn phải đặt đũa xuống một cách ngay ngắn, không nên để đũa bị so le hay xô lệch.
Không gắp thức ăn đưa thẳng vào miệng mà phải đặt vào bát riêng rồi mới ăn. Không dùng thìa đũa cá nhân của mình khuấy vào tô chung. Không xới lộn đĩa thức ăn để chọn miếng ngon hơn. Không cắm đũa dựng đứng vào bát cơm. Không nhúng cả đầu đũa vào bát nước chấm. Phải trở đầu đũa khi muốn gắp thức ăn cho người khác. Những nguyên tắc nghe có vẻ giáo điều này thật ra lại giúp cho bữa ăn trở nên vệ sinh và giữ sự thanh lịch sự trong ăn uống.
Chuyện mời cơm
Tục mời cơm là một nét đẹp trong ứng xử. Chính những lời mời tưởng chừng như vô thức ấy đã giáo dục cho con người ta hiểu lẽ biết ơn, biết nhận diện những hạnh phúc đơn thuần, bình dị, cũng là để biết trân quý, tôn trọng sự có mặt của nhau.
Khi mời cơm phải mời từ người lớn tuổi nhất trong nhà như ông bà rồi mới tới cha mẹ và anh chị. Lời mời phải nhẹ nhàng, lễ phép đi kèm là hành động so đũa, lau bát cho người lớn tuổi hơn, thể hiện sự kính trọng bề trên trong bữa ăn nói riêng và trong văn hóa ứng xử nói chung.
Ứng xử trong ăn uống
Người Việt rất coi trọng bữa cơm nên luôn tạo cảm giác thoải mái và ấm cúng trong suốt bữa ăn. Nếu bạn là một vị khách trong bữa cơm ấy thì bạn nên chú ý vài quy tắc để giữ lịch sự và đáp lại sự hiếu khách của gia chủ một cách tế nhị.
Khi ăn, không nên ngồi quá sát mâm hay quá xa mâm cơm để vừa tay gắp thức ăn trong mâm. Tuyệt đối tránh nói khi cơm đầy trong miệng, cũng không được thổi thức ăn nóng mà phải múc chậm phần nguội hơn ở sát thành bát. Khi nhai, tối kỵ chép miệng hay tạo ra tiếng ồn khi ăn. Khi ăn, người ta cũng chú ý cách chấm đồ ăn, chỉ nhúng phần thức ăn, không nhúng đầu đũa vào bát chấm, miếng đã cắn dở không được chấm.
Dù là trong khuôn khổ gia đình hay khi làm thực khách, tuyệt đối không chê nếu món ăn chưa hợp khẩu vị mình. Bởi nó có thể không ngon với người này nhưng ngon với người khác, và dù gì món ăn đó cũng được làm nên từ công sức, tâm huyết của người chế biến; nên chúng ta không ai có quyền phê phán hay chê bai.
Bữa cơm gia đình của người Việt ẩn chứa nhiều đạo lý, thể hiện tình cảm yêu thương gắn bó giữa các thành viên trong gia đình, đồng thời thể hiện sự ứng xử khéo léo của người Việt. Những nguyên tắc ngầm này không được ghi chép thành văn hay trở thành bài giảng, nhưng bất cứ đứa trẻ nào cũng phải học bởi đó là điều tốt đẹp, là truyền thống dân tộc từ bao đời nay.
Một số quy tắc trên bàn ăn của người Việt xưa
Mặc dù trải qua thời gian, những nét văn hóa quý báu của dân tộc này đang dần mai một, nhưng chúng ta hãy lưu lại một ít điều tạm gọi là tham chiếu cho thời hiện đại, để giữ được sự kết nối với những giá trị truyền thống tốt đẹp.
-
Không dùng thìa đũa cá nhân của mình quấy vào bát chung.
-
Không xới đĩa thức ăn để chọn miếng ngon.
-
Không cắm đũa dựng đứng vào bát cơm. Hành động này được cho là giống cắm nhang vào bát cơm, chẳng khác nào cúng cơm cho người chết.
-
Khi muốn gắp thức ăn cho người khác phải trở đầu đũa.
-
Khi ngồi ăn không rung đùi. Dân gian có câu “Cây rung thì lá rơi, người rung thì phúc bạc” hay “Nam mà rung chân thì cùng cực, nữ mà rung chân thì hèn mọn”. Từ nhân tướng học có thể nói rung chân là một loại tướng xui xẻo, phá tài.
-
Tránh nói khi cơm đầy trong miệng; điều này vừa mất vệ sinh vừa không lịch sự, tôn trọng người đối diện.
-
Muỗng múc canh phải đặt úp trong bát không được để ngửa.
-
Không tạo tiếng ồn khi ăn, ví dụ húp canh sột soạt hay nhai chóp chép.
-
Không ăn trước người lớn tuổi. Cần chờ mọi người ngồi đủ chỗ rồi mới bắt đầu dùng bữa. Nếu được mời làm khách thì chờ chủ nhà bố trí chỗ ngồi, không tự ý ngồi vào bàn trước khi chủ nhà mời. Ngoài ra nên thành thực nói về việc ăn kiêng, dị ứng (nếu có) để tránh bất tiện cho chủ nhà.
-
Không gắp liên tục một món dù đó là món khoái khẩu của mình.
-
Dành phần người đến muộn phải để vào dĩa riêng, không để dành phần theo kiểu đồ ăn thừa còn lại trong đĩa.
-
Ăn từ tốn, không ăn hối hả, không vừa đi vừa nhai.
-
Nếu ăn gặp xương hoặc vật lạ trong thức ăn, cần từ từ lấy ra.
-
Phải chú ý tay áo khi gắp đồ ăn, không được để chạm vào thức ăn.
-
Khi đang ăn mà có việc riêng phải xin phép rồi mới rời mâm.
-
Trong bữa ăn, người nhỏ tuổi phải mời hết lượt ông bà, cha mẹ, cô chú, anh chị… Khi được mời dùng bữa thì nên quan sát gia chủ, không thể mang tập quán nhà mình vào bữa ăn nhà người ta.
-
Ăn xong cần tô son lại thì xin phép vào phòng vệ sinh, không tô son trên bàn ăn trước mặt người khác. Không dùng điện thoại di động trong bữa ăn.
-
Tránh va chạm tay với người cùng mâm, nếu thuận tay trái thì nói trước để chọn chỗ cho thuận tiện.
-
Nói cảm ơn sau bữa ăn dù là chỉ có hai vợ chồng nấu cho nhau. Đừng tiếc lời khen ngợi những món ngon.
Trên đây chỉ là một số quy tắc ứng xử trên bàn ăn của người Việt. Người xưa có rất nhiều thành ngữ, tục ngữ về ăn uống như “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng” (ý nói cần phải biết giữ chừng mực khi ăn, không nên ăn quá nhiều, hết phần của người khác), “học ăn học nói học gói học mở” (nói về những điều cơ bản trong cuộc sống mà con người ta phải học như cách ăn ở, giao tiếp, cách đối nhân xử thế sao cho lịch sự, tế nhị). Người xưa rất coi trọng lễ nghi phép tắc, không chỉ trên bàn ăn mà còn ở các khía cạnh khác của cuộc sống.
Từ cách ăn uống có thể nhìn thấy sự tu dưỡng của một người, cung cách ăn uống cũng cho thấy được gia phong của mỗi một gia đình.
An Nam