Untitled Document

TRẦU

THÂN CHÚC TOÀN THỂ QUÝ VỊ NĂM MỚI BÍNH THÂN AN VUI, SỨC KHỎE VÀ MAY MẮN
Song Thao

Ngày Tết ở Việt Nam là ngày tíu tít mua sắm. Thường ngày, người ta tính từng xu khi đi chợ, nhưng Tết thì khác. Đồng tiền tiêu ngày Tết là đồng tiền…thiêng liêng nên không cần tính. Cứ xả ga. Thứ gì cũng muốn phải là thứ hạng nhất dù cái túi tiền có khuyết đi một mảng lớn. Tết nhất, một năm mới có một lần! Đó là câu an ủi khi Tết đã qua, cái say Tết đã hết, chỉ còn thực trạng đớn đau là cái túi rỗng.

Ở hải ngoại chúng ta không cảm được cái tết như hồi còn ở trong nước. Cảm sao được khi ra đường tây đầm mặt mũi tỉnh bơ chẳng biết tết là gì. Nhưng nhớ lại những cái tết xưa, khi còn ở trong nước, cả một trời tết bỗng trở lại. Ngày đó, chúng ta không ăn tết cho chúng ta mà ăn tết cho…hàng xóm. Chúng ta cạnh tranh nhau từ chậu hoa, cái giỏ đi chợ cho tới những đĩa hoa quả, khay mứt và những trang hoàng diêm dúa cho căn nhà trong dịp tết. Chúng ta nhìn nhau ăn tết và vênh mặt với những cái ta hơn người dù phải trả giá cho sự hơn thua đó.

Bánh chưng, câu đối là chuyện đương nhiên. Không có không phải là tết. Gói bánh chưng là một nghệ thuật. Luộc bánh chưng là một hoạt động mang vẻ tết nhất. Bên ngọn lửa hồng réo rắt trên những thớt củi to đùng, thân người cuốn gọn trong chiếc chăn mỏng, vừa uống trà ăn mứt hút thuốc, vừa chuyện trò thâu đêm bên nồi bánh. Chuyện lũ trẻ chúng tôi say mê nhất hồi đó là chuyện ma do các anh chị lớn kể. Đêm khuya, tiếng gió rít, ánh lửa bập bùng, những con ma như đứng sát bên cạnh làm nổi da gà. Sợ vãi…linh hồn nhưng lại thích nghe!

Bánh kẹo, mứt, trà trên bàn tiếp khách là chuyện dĩ nhiên. Hộp thuốc lá cũng phải ăn đứt thiên hạ. Thứ Cotab, Ruby là đồ bỏ. Phải thuốc ngoại quốc nhả khói ra thơm phức. Chẳng “Con Mèo” cũng “Ba Số 5”, kèm theo tí thuốc bạc hà Kool hay Salem. Vậy mới trọn bộ. Chơi trội hơn thì thay vì bao thuốc 20 điếu thông thường, bắt nguyên một hộp thuốc tròn 50 điếu. Khi mời khách, mở nắp hộp ra, mùi thơm bốc lên nhức mũi, khẽ kéo cái đầu giấy bìa, vài điếu thuốc vươn lên mời mọc, mặt chủ nhân cũng vươn lên. Tiền nào mua được sự hãnh diện đúng lúc này!

Câu đối đỏ là một biểu trưng tết khác. Có đôi câu đối treo trong phòng tiếp khách, chủ nhân tỏ ra chữ nghĩa cùng mình. Ngày xưa muốn có câu đối thì phải lễ mễ bưng lễ vật tới nhà các cụ đồ để xin chữ. Cụ Nguyễn Khuyến là một nhà nho khôn lỏi! Chữ của cụ là chữ của chính người nộp lễ vật xin. Cụ chẳng mất chữ nào. Người xin nói sao cụ cứ nôm na chép ra như vậy. Thế mà thành câu đối!

Kiếm một cơi trầu sang biếu cụ
Xin đôi câu đối để mừng ông.

Cơi trầu cũng là một thứ bắt buộc trong ngày tết. Đó là vào thập niên 1960, sau đó miếng trầu ngày tết biến mất dạng. Những ngày tết đó, mẹ tôi chăm lo cơi trầu cẩn thận. Bà là dân Bắc kỳ răng đen nên việc ăn trầu đã thành thói quen từ nhỏ. Ngày thường bà dùng cái âu trầu bằng đồng. Cái âu giống như một cái tô sâu có nắp ở trên. Trầu cau, con dao bài nhỏ, mảnh vỏ và chiếc hộp nho nhỏ đựng thuốc lào nằm bên dưới nắp. Trên nắp là những miếng trầu đã được quấn, những miếng cau đã được cắt đủ một lần ăn và bình vôi nho nhỏ. Ngày tết, chiếc âu này được nghỉ việc, bà dùng chiếc cơi trầu để tiếp khách. Cơi trầu của mẹ tôi bằng sơn mài đen có trang trí hoa lá cành. Nắp không trần trụi như cái âu đồng nhưng được chia ra thành từng ngăn nhỏ vừa đủ chứa một khẩu trầu gồm miếng trầu, cau và vỏ. Đó là nắp trong, còn một cái nắp ngoài phủ kín cơi trầu. Phía trong ngăn màu đỏ chót nổi bật trên nền đen của nắp. Tất cả đều bóng loáng. Có nhiều kiểu cơi trầu, kiểu nào cũng đầy nét thẩm mỹ. Bên nhà mấy bà bác của tôi có những cơi trầu bằng gỗ đánh vẹc-ni láng bóng, chạm trổ bằng xà cừ. Chiếc ống nhổ bằng đồng là thứ không thể thiếu được dưới bàn tiếp khách. Ngày tết nó bóng lộn vì được lũ chúng tôi bị sai làm tạp dịch chùi với cát ngoài sân. Cơi trầu là thứ được cưng quý nhất trong ngày tết vì “miếng trầu là đầu câu chuyện”. Vừa nhai trầu bỏm bẻm, các bà vừa kề cà đủ thứ chuyện. Thỉnh thoảng lại với chiếc ồng nhổ, cúi đầu xuống nhổ ra một chất đỏ chói. Càng đỏ miếng trầu càng ngon.

Trầu có ngon không, tôi đã có lần tò mò ăn thử. Cay sè! Vị cay của lá trầu, vị chát ngọt của cau, vị chát đắng của vỏ, vị nồng của vôi, tất cả quyện vào nhau như một hợp chất tân khổ. Đối với tuổi trẻ của tôi hồi đó, trầu đâu có chi hấp dẫn mà các bà nhai cả ngày. Hút trộm điếu thuốc thơm, ho sặc sụa nhưng còn thấy khoái hơn nhiều. Trầu chỉ có được một điểm thích thú là thứ nước đo đỏ được nhổ ra ống  nhổ. Đó là thứ nước lạ, kết quả của việc nhai đến mỏi miệng các thứ chẳng có thứ nào có màu đỏ cả. Chúng tôi thích thú vì khi nhổ nước ra có cảm tưởng như vừa làm được một trò quỷ thuật!

Ăn trầu đâu có chi thích thú nhưng dân ta đã ăn liên miên từ thời nảo thời nào tới giờ. Việc ăn trầu mỗi ngày mỗi mai một vì các cô tân thời không muốn đỏ miệng đỏ răng. Mốt răng đen đã bị dẹp từ khuya. Thứ “hạt huyền” không còn là thứ hạt quý nữa. Với bà cụ tôi, việc ăn trầu được khai tử từ những năm giữa thập niên 1960. Ngày tết mẹ tôi không còn bận tâm về chiếc cơi trầu nữa. Nhưng việc ăn trầu chưa chấm dứt. Vẫn còn bỏm bẻm cho tới tận bây giờ. Các siêu thị người Việt tại nơi có người Việt tạm cư nay vẫn còn bán trầu cau.

Ăn trầu thịnh hành nhất là ở miền Bắc nước ta. Ngày nay tại nông thôn trầu cau vẫn còn có cuộc sống. Sống hùng sống mạnh nhất là ở làng Phú Lễ, xã Cần Kiệm thuộc Thạch Thất, Hà Nội. Dân làng này ăn trầu tuốt luốt không trừ ai.Trẻ nhỏ, thanh niên, thiếu nữ đều nhóp nhép. Các cụ già thì khỏi nói. Đây là một làng trù phú có nhiều nhà lầu và những cánh đồng lúa xanh mướt, nhưng cái đập vào mắt mọi người khi tới thăm làng là những thân cau cao vút. Nhà nào cũng trồng cau. Cau là một đơn vị tính toán đầu tiên trong những dịp cưới hỏi. Trai làng Phú Lễ lấy vợ ngoài làng thì thường chỉ phải nộp sính lễ 500 quả cau. Trai làng khác lấy gái Phú Lễ thì phải chẵn ngàn quả. Trai gái Phú Lễ lấy nhau thì phải vác tới hai ngàn quả mới đủ cho dân làng chia nhau ăn trầu. Ngày Tết trong nhà có thể thiếu bánh chưng, thiếu hoa đào, thiếu chậu quất nhưng cau trầu thì bắt buộc phải có. Không ăn trầu không phải dân làng Phú Lễ. Có người biết ăn trầu từ năm 4 tuổi. Ngày nay thanh niên thiếu nữ trong làng đâu có thể chỉ ru rú trong xó bếp như các cụ xưa. Họ cũng phải lên tỉnh đi học đi làm. Lên chốn thị thành, họ phải kiêng trầu cau nhưng khi về làng họ lại bị trầu cau cám dỗ. Vậy là lại nhai. Thầy giáo Kiều Quang Học là một trong những người này. Anh nói: “Mỗi khi đi đâu xa tôi đều phải đánh răng nhiều lần hoặc đi lấy cao răng vì hàm răng đã bị xỉn màu. Nhưng về đến nhà là không chịu được, lại phải lấy trầu để nhai cho đỡ thèm”. Ngày nay trong lễ hội quan họ Bắc Ninh, người ta vẫn mời trầu cho khách du lịch Tây phương. Không biết có ông tây bà đầm nào dám nhai thử món…ứa ra máu này không?

Như vậy trầu cau là thứ quốc hồn quốc túy của nước ta. Chuyện ngày xưa có hai anh em nhà kia, cùng thầm yêu một cô gái làng bên mà chúng ta hay hát chẳng phải là minh chứng sao? Sự tích trầu cau là câu chuyện tình buồn. Chết liên miên hết. Hai anh em Tân và Lang rất thương yêu nhau. Khi Tân lấy vợ, quấn quít với vợ, khiến Lang buồn. Ôi ta buồn ta đi lang thang bởi vì đâu? Bởi vì lảng xẹc! Vậy là Lang bỏ nhà ra đi tới kiệt sức chết biến thành tảng đá vôi. Chàng Tân thương em đi tìm cũng kiệt sức chết bên tảng đá và biến thành cây cau. Cô vợ đi tìm chồng, cũng chết và biến thành dây trầu leo lên cây cau. Vậy là phải mất tới ba mạng người mới ra món trầu cau cho dân ta nhai. Trầu cau đúng là thứ made in Vietnam.

Nhưng chúng ta bé cái nhầm. Dân Miến Điện cũng nhai kun-ya vớiđậu khấu , đinh hương và cau. Dân Ấn Độ nhai paan với cau vụn gói trong lá trầu, thuốc lào, bạch đậu khấu, bạc lá, dừa và cả mứt nữa! Dân Đài Loan còn ăn trầu bạo hơn nữa. Cứ năm người thì có một người nhai trầu. Mỗi năm họ chi ra tới 3 tỷ đô Mỹ để nhập cảng cau từ Sumatra, Malacca, Thái Lan và Việt Nam.

Dân Philippines cũng nhai nga-nga. Chuyện này tôi có mục kích khi sống ở Manila. Thường thì chỉ có người già mới ăn trầu. Họ cũng dắt cục thuốc lá to tổ chảng trên môi. Ăn trầu đi đôi với hút thuốc lá. Các cụ Phi có lối hút thuốc lá rất ngược ngạo. Họ ngậm đầu có lửa vào bên trong miệng!

Vậy thì trầu cau chẳng phải là thứ độc quyền của dân nước ta. Nhưng trầu cau hình như gắn bó với cuộc sống của dân ta nhất. Tết nhất, cưới xin là phải có trầu cau tháp tùng mới nên chuyện. Trầu cau đã thô bạo xen vào chuyện tình duyên. Tôi chỉ trích ra hai câu ca dao rất tình…cau:

Thương nhau cau sáu bổ ba,
Ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười.

Quả cau vào tay bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương mới thật tình:

Quả cau nho nhỏ, miếng trầu ôi,
Nay của Xuân Hương đã quệt rồi.
Có phải duyên nhau thì thắm lại,
Đừng xanh như lá, bạc như vôi.

Ba biến thể của vợ chồng anh chàng Tân và anh chàng Lang: trầu, cau và vôi là nền tảng cho miếng trầu. Lá trầu có thứ ngon thứ không ngon. Ngon nổi tiếng là trầu làng Chả vì lá nhỏ, vừa thơm vừa cay. Ngày nay có trầu Hưng Yên thuộc loại xịn. Nhưng đẹp mặt dùng trong dịp cưới hỏi là trầu Tây Sơn vì lá to và đẹp. Têm một miếng trầu ăn thông thường rất giản dị. Thế hệ chúng tôi chắc ai cũng rành sáu câu cả. Nhưng những thế hệ sau có người chỉ nhìn thấy hình, chưa bao giờ được nhìn thấy miếng trầu ngoài đời. Nói chi tới việc ngồi têm một miếng trầu. Ngày nhỏ, thấy mẹ ngồi têm trầu tôi tưởng dễ cũng đòi têm. Đụng vô mới thấy trần ai khoai củ. Lấy một lá trầu, nếu lớn thì vạt đi một vạt, nếu nhỏ thì kèm theo vào cái vạt cắt ở lá lớn. quệt vào tí vôi. Nhớ để cái cuống lá lại, đừng cắt. Cuốn lá trầu lại như cuốn…sushi. Tính trước cái cuống lá có thể đâm vào chỗ nào thì lấy cuống dao đâm thành một lỗ ở chỗ đó. Nhét cái cuống lá vào lỗ cho cuốn trầu giữ chặt lại. Dao têm trầu có cái đuôi cán nhọn như một chiếc dùi để đục lỗ. Thường thì miếng trầu do tay mơ như tôi hồi đó têm trông tả tơi. Bỏ xuống là cái cuống lá tuột ra, miếng trầu tanh bành như phơi cả tấm lòng dính vôi bạc bẽo. Chỉ quấn một cách chân phương như thế cũng không xong huống chi thấy người ta cuốn điệu nghệ cánh phượng cành phiếc, tôi phục sát đất.

Bổ cau là thứ tôi chẳng bao giờ được mó tay vào. Con dao mỏng te, sắc như lá liễu, lúc nào cũng như đe dọa xơi tái một miếng tay như không. Thứ đó trẻ con không được đụng vào. Cau thường được bổ làm tư hay làm tám, tùy theo trái lớn hay nhỏ, và tùy theo cau hiếm hay không. Cau ngon phải là cau bánh tẻ, không già, không non, vừa tới hạt. Cau Đông ở Hải Hưng có tiếng là loại cau ngon nhất. Khi trái mùa, người ta dùng cau khô. Miếng cau khô như chiếc thuyền cong veo cứng quèo quèo trông chẳng hấp dẫn chi. Nhưng trái mùa cau thì phải dùng đỡ. Cứ như thân phận bò ở Canada, tuyết xuống thì chỉ có nhai cỏ khô đóng thành từng bành từ hồi mùa hè. Để đỡ vất vả cho hàm răng, các cụ thường ngâm cau khô cho mềm trước khi ăn. Cụ nào hàm răng đi chơi hết thì có cối giã trầu, còn gọi là ống ngoáy. Đó là một cái chén nho nhỏ như cái chung uống rượu bằng đồng hoặc bằng sứ. Cho tất cả trầu cau và vỏ vào rồi dùng một cái que bằng kim loại nghiền trầu cho nát ra. Khi đã đủ nát, lua tất cả vào miệng, nhai nhè nhẹ tiếp. Đây là vật bất ly thân của các cụ. Cụ Nguyễn Khuyến đã than: còn một nỗi này thêm chán ngắt / đi đâu giở những cối cùng chày.

Một trong những điều các tiểu thư khuê các phải học hỏi là têm trầu. Đó là một nghệ thuật. Qua cách têm trầu người ta có thể phán đoán phong cách, tính nết cũng như nếp sống của mỗi con người. Bởi vậy nên trong các cuộc đi xem mặt nàng dâu tương lai thường có màn nhà trai vời cho được cô dâu ra têm trầu. Đây là một…chiến thuật. Cô gái ngồi đó, các cụ tha hồ ngắm nghía để coi tướng và coi cử chỉ têm trầu của cô gái để đoán tính nết. Miếng trầu têm vụng là người không khéo tay; miếng trầu nhỏ miếng cau to là người không biết tính toán làm ăn; miếng trầu quệt nhiều vôi là người hoang phí không biết lo xa.

Vôi giữ một vai trò quan trọng trong miếng trầu. Nhiều vôi thì nồng, ít vôi thì nhạt. Muốn có vôi thì phải tôi vôi. Chuyện này tôi cũng đã…nghịch qua. Vôi là những cục màu trắng. Muốn biến chúng thành thứ nhão nhão để ăn trầu, người ta phải tôi vôi, nghĩa là trộn cục vôi vào nước. Khi vôi gặp nước nó sôi sùng sục, khói bốc lên. Vôi sau đó sẽ được trét vào bình vôi. Bình này như một chiếc ấm nước kín mít chỉ có một lỗ lớn bằng cái chén hạt mít. Cụ Phan Khôi có bài viết “Ông Bình Vôi” đăng trên Giai Phẩm Mùa Thu, tập 1. Cụ tả chiếc bình vôi: “Theo như tôi biết, ở vùng quê chúng tôi, có hai thứ bình vôi. Đều bằng đất nung cả, mà một thứ giống như cái hũ nhỏ, duy cổ eo, miệng loa, cho nhà bậc trung thường dùng; một thứ bình tròn mà đít bằng, trên có quai xách, miệng ở về một bên, toàn thân tô màu lục hoặc vàng, cho nhà sang dùng. Cả hai dùng để đựng vôi trong lòng nó. Nhưng mỗi khi cho vôi vào, người ta lại cũng dùng vôi đắp cái miệng nó cho cao lên. Nhà tôi, hồi bà nội tôi còn sống, có cái bình vôi hạng sang ấy. Mỗi khi mua vôi ở chợ về, bà tôi ngồi tỉ mỉ lấy cái chìa quệt vôi nhét vào miệng nó, gọi là “cho Ông Bình ăn”. Và lâu lâu lại tắp thêm cái miệng nó một lần, hóa nên cái miệng càng ngày càng chêu vêu ra”. Cái miệng chêu vêu đó cứ được đắp thêm hoài nên ngày càng tum húm lại không dùng được nữa nên phải mua cái khác. Những bình cũ được để trên trang thờ tam vị. Làng tôi theo công giáo nên những bình cũ thường được mang ra để hoặc treo ở gốc đa đầu làng. Đó là những thứ hết xài!

Giai Phẩm Mùa Thu cũng như Nhân Văn, hồi đó là những tạp chí đòi cởi trói văn nghệ, bị đì hết mức. Cuối bài, nhà văn Phan Khôi hạ bút: “Tôi viết cái bài khảo cứu nhỏ này cốt để cắt nghĩa mấy câu thơ của Lê Đạt:

Những kiếp người sống lâu trăm tuổi
Y như một cái bình vôi
Càng sống càng tồi
Càng sống càng bé lại”.

Khỏi nói, chúng ta cũng biết, trong một chế độ độc tài đảng trị, mà viết như vậy, nhất định phải nhận những đòn thù. Từ các ông bình vôi! Các nhà văn nhà thơ có bài viết trên các tạp chí khai phóng này đã bị hành hạ sất bất sang bang cho tới cuối đời. Ngày đó cũng như ngày nay, không ai lạc quan tếu để mong chờ sự thay đổi của những chiếc bình vôi đặc sệt đang nắm quyền.

Năm hết tết đến, ngao ngán chuyện nước non, thôi thì cố gượng vui bằng cách nắm áo cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Cụ đã phán: thân dậu niên lai kiến thái bình. Cụ sanh năm 1491 và mất năm 1585. Biết bao cái thân dậu đã đi qua từ ngày cụ phán câu sấm này. Hy vọng năm Bính Thân 2016 này là thời điểm cụ nhắm tới cho đất nước thanh bình, thoát khỏi mấy ông bình vôi đã hết xài mà tưởng mình còn ngon. Pháo đâu, đì đùng cho vận hội mới của đất nước coi!

01/2016
Website: www.songthao.com

 


Tranh vẽ cụ Nguyễn Khuyến mặc áo quan treo trong từ đường tại quê nhà cụ.


Tượng cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tại Văn miếu Trấn Biên (Đồng Nai)


Têm trầu tại làng Phú Lễ, Thạch Thất, Hà Nội.


Bình đựng vôi ăn trầu bằng gốm Bát Tràng


Tráp đựng trầu

 


Cối giã trầu, Bến Tre, 1940


Trầu cánh phượng.


Mời trầu tây đầm tại lễ hội quan họ Bắc Ninh.