Ủy Ban mặt trận Tổ Quốc Việt Nam tỉnh Hải Dương

Xét cho cùng, văn hóa chính là con người, sản phẩm văn hóa do con người tạo ra. Văn hóa chứa đựng ở mỗi con người chính là quan niệm, nhận thức, đạo đức, nhân cách, tác phong… của người đó. Tất cả “những cái đó” được thể hiện qua lối sống: từ lời ăn, tiếng nói, ứng xử, hành động… của mỗi người với “môi trường” và cộng đồng xung quanh mình.

 

Ảnh minh họa

Trong dân gian, người ta thường nói “ông ấy/bà ấy/anh ấy… là người có văn hóa; người có học”, hay khi họ không hài lòng về cách ứng xử, hành động của một người nào đó, người ta lại nói “người thiếu văn hóa”, “đồ vô văn hóa”,…, khi đó, người ta không cần biết anh học đến trình độ nào, bằng cấp gì, anh làm cán bộ cấp gì, chỉ biết là anh ứng xử thiếu văn hóa, không có văn hóa.

Đã không ít lần trên các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh về những trường hợp (chắc đây cũng là cá biệt thôi), người này, người kia khi bị lực lượng chức năng kiểm tra thì tự vỗ ngực, xưng danh là “tao là VTV, tao là tiến sỹ”, hay “mày biết tao là ai không”… đại loại những cách ứng xử như thế.

Vấn đề này được hiểu như thế nào? Chắc chắn rằng, dù anh là ai, con ông nào, làm nghề gì, học vấn đến đâu, nhưng đều là người thiếu văn hóa, ít văn hóa! Vậy để thực sự là một người có văn hóa, mỗi chúng ta cần làm gì?

Trong thực tế, không ít người, có khi học cao, hiểu rộng, quyền cao, chức trọng nhưng lại ít, lại thiếu văn hóa. Và “khái niệm” văn hóa không phải lúc nào cũng đồng nhất với việc học vấn, hiểu biết. Nhưng chắc chắn rằng, có nhưng chỉ là số ít người hoặc có học vấn, bằng cấp đấy nhưng không phải là học thật. Những người đã đạt đến học vấn tiến sỹ (thật), chẳng ai lại ứng xử như vậy cả.

Học là cơ sở để có văn hóa. Về cơ bản, đối với mỗi người phải trên cơ sở học hành thật, làm việc siêng năng (làm việc cũng là học ở thực tế) thì mới có điều kiện, thời gian để tiếp thu, rèn luyện và hình thành nên một con người có văn hóa. Những sản phẩm văn hóa có giá trị do con người tạo ra và được lưu truyền mãi mãi cũng là trên cơ sở của sự học hành, sáng tạo.

Con người khi sinh ra ai cũng giống ai, nhưng sẽ dần dần khác nhau khi lớn lên và trưởng thành, bởi môi trường và sự rèn luyện, học hành và làm việc. Người xưa có câu: “Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lý”, nghĩa là, hòn ngọc thô kia nếu chẳng được mài giũa thì cũng chẳng thành món đồ trân quý được, con người ta không học qua thầy hay bạn tốt, qua nghịch cảnh của đường đời thì chẳng thể hiểu đạo lý làm người.            

Câu này ý nghĩa của nó tương tự như câu: “Ngọc không mài sao sáng, người không học sao hay”, đại ý là nếu chúng ta không học hỏi những tri thức ở cuộc sống, cả thế giới này thì mãi mãi sẽ không hiểu được đạo lý sống của cuộc đời, mãi mãi lầm đường lạc lối trong chốn trần gian này.

Thực ra cuộc sống vốn có nguyên nhân và hệ quả rất rõ ràng từ nhỏ tới lớn, từ nhanh tới lâu đều có nguyên nhân và kết quả. Những người chưa hiểu đạo lý sống ở đời dễ xảy ra tình trạng than trời trách đất – mà trời đất vốn là cái thuộc tự nhiên, nó đã được minh chứng ngàn đời nay, không thể nào sai được. Chỉ trách ta không đủ hiểu, không đủ khả năng thích nghi theo cuộc đời mà thôi.

Người không hiểu đạo lý nhân sinh, hễ gặp khó khăn trở ngại là thối chí, hễ gặp thất bại là coi cuộc đời bất công, hễ gặp nghịch cảnh, khó khăn là than thân trách phận là tuyệt vọng, thậm chí muốn tự kết thúc cuộc đời.

Nếu mọi việc đều thuận lợi, dễ dàng, thì biết ai là người trí tuệ, ai là kẻ phàm phu, ai là anh hùng tuấn kiệt, ai kẻ tiểu nhân. Vậy nên, người xưa có dạy: “Gian nan luyện chí anh hùng”. Khó khăn càng lớn, thì thành tựu càng vĩ đại.

Mỗi con người chúng ta được sinh ra đều giống nhau, đều là những viên ngọc tự nhiên thuần khiết, có thể trở thành viên ngọc trang sức quý giá, long lanh và đắt đỏ hay không ấy là tùy thuộc vào ý thức học tập và rèn luyện bản thân của chúng ta. Hãy cố gắng mài giũa mình bằng việc không ngừng học tập, rèn luyện và tu dưỡng để trở thành những viên ngọc sáng nhất, quý giá nhất.

Người có văn hóa thể hiện qua cách ứng xử – ứng xử có văn hóa hay văn hóa ứng xử, đó là hành vi ứng xử, cách ứng xử của con người đạt giá trị chuẩn mực văn hóa chân – thiện – mỹ của một cộng đồng xã hội. Đó cũng chính là sức mạnh mềm làm nên nét đẹp và là chìa khóa thành công của mỗi người, mỗi dân tộc.

Đối với mỗi cá nhân con người, văn hóa giao tiếp, ứng xử không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống đời thường hàng ngày, mà còn quyết định đến hiệu quả làm việc ở cơ quan và xã hội cũng như mức độ thành công trong sự nghiệp của người đó. Ví dụ, như một cán bộ chuyên môn chưa giỏi, thậm chí chỉ ở mức trung bình mà biết giao tiếp, ứng xử hợp tác với đồng nghiệp một cách tốt đẹp, linh hoạt, nhạy bén thì có thể thu hái nhiều thành công hơn những người có thể khá về chuyên môn, nhưng kiêu ngạo, chủ quan, giao tiếp ứng xử kém và thiếu tinh thần hợp tác.

Kỹ năng giao tiếp – văn hóa ứng xử thể hiện rõ rệt về năng lực trí tuệ, khả năng tư duy và ứng xử văn hóa của con người, bộc lộ khả năng của người đó trong thực tiễn cuộc sống công tác ở cơ quan, công sở cũng như trong gia đình, ngoài xã hội.

Qua cách ứng xử của một con người, ta hiểu được bản chất của con người đó. Đây chính là mối quan hệ giữa nội dung (bên trong) và hình thức (bên ngoài) của một người.

Căn cứ vào lời ăn, tiếng nói trong giao tiếp ứng xử, cổ nhân xưa đánh giá phẩm chất, năng lực của con người một cách hóm hỉnh, sâu sắc: “Người thanh, tiếng nói cũng thanh – Chuông kêu, khẽ đánh bên thành cũng kêu”, hoặc: “Người khôn ăn nói nửa chừng – Để cho kẻ dại nửa mừng nửa lo”.

Năng lực giao tiếp ứng xử có văn hóa được ông cha ta xem là tiêu chuẩn hàng đầu để đánh giá con người: “Vàng thì thử lửa, thử than/Chuông kêu thử tiếng, người ngoan thử lời”; “Khôn ngoan đến cửa quan mới biết…

Xưa kia, người Việt thường giao tiếp bó hẹp sau lũy tre làng. Mặc dù không gian giao tiếp nhỏ nhưng được rèn luyện rất cẩn thận. Cha mẹ dạy con từ những điều nhỏ nhất như: “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, đến những vấn đề như: “Lời chào cao hơn mâm cỗ”; “Đáo giang tùy khúc, nhập gia tùy tục”.

Như vậy, để giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa trong mỗi con người, chúng ta cần: Nhận thức đúng về tầm quan trọng của văn hóa. Nâng cao chất lượng giáo dục trong mỗi gia đình, nhà trường và xã hội, nhất là giáo dục đạo đức, nhân cách, trang bị những kỹ năng và lối sống đẹp cho trẻ em và thanh thiếu niên. Song song với việc giữ gìn tinh hoa văn hóa truyền thống, hình thành những chuẩn mực, giá trị đạo đức mới qua quá trình tiếp thu, chọn lọc văn hóa, văn minh nhân loại. Bên cạnh đó, cần xây dựng, bổ sung và hoàn thiện hệ thống, quy chế, quy phạm, quy tắc về cách ứng xử, giao tiếp ở nơi công cộng.

Hiện nay, chúng ta đang đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, tổ chức để mọi người học tập, noi theo, chính là nhằm giữ gìn và phát huy giá trị, truyền thống văn hóa quá giá của dân tộc ta đã lưu truyền ngàn đời nay, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng của truyền thống quý báu đó.

Lương Anh Tế

(còn nữa – bài hai)