Vai trò của du lịch văn hóa trong phát triển công nghiệp văn hóa tại Việt Nam


Thời gian qua, câu chuyện mối quan hệ giữa phát triển du lịch với phát triển công nghiệp văn hóa (CNVH) được quan tâm và tạo ra những luồng quan điểm khác nhau. Bên cạnh mối quan hệ tương hỗ bất biến, một số nhà nghiên cứu lại cho rằng, rất cần phát triển du lịch văn hóa thành một ngành CNVH, nhưng những nhà du lịch học lại cho rằng, bản thân du lịch đã là một ngành kinh tế tổng hợp, có yếu tố công nghiệp dịch vụ đặc thù nên việc phát triển du lịch văn hóa thành ngành CNVH là không hợp lý, mà chỉ nên phát triển ngành CNVH dựa trên ngành kinh tế du lịch, trong đó có du lịch văn hóa. Dù theo quan điểm nào thì vai trò của du lịch trong phát triển CNVH là rất lớn và ngược lại, vai trò của văn hóa trong phát triển du lịch cũng chiếm một vị trí quan trọng. Vấn đề là làm thế nào để du lịch văn hóa đóng một vai trò quan trọng trong phát triển ngành CNVH tại Việt Nam trong thời gian tới?

1. CNVH trên thế giới và tại Việt Nam

Trong bối cảnh thế giới toàn cầu hóa và sự phát triển của các quốc gia ngày càng ảnh hưởng lẫn nhau, quá trình giao thoa văn hóa ngày càng mạnh mẽ thì các ngành CNVH chính là “tài sản mang tầm chiến lược” trong chính sách phát triển, chính sách đối ngoại, ngoại giao. Vậy chúng ta nên hiểu CNVH như thế nào cho đúng?

Trên thế giới, khái niệm CNVH được manh nha vào những năm 30 TK XX, sau đó được nghiên cứu, áp dụng và nhanh chóng khẳng định ưu thế vượt trội trong sản xuất, kinh doanh, thu hút, chinh phục được nhiều thị trường khó tính. Khi đó, CNVH được xem là quá trình sản xuất, tái sản xuất, truyền bá các sản phẩm, dịch vụ văn hóa thông qua cơ chế thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần của người dân. Tuy vậy, thuật ngữ CNVH lần đầu tiên xuất hiện năm 1944, trong cuốn sách Dialectic of Enlightenment của hai nhà nghiên cứu người Đức là Theodor W.Adorno và MaxHorkheimer. Năm 1982, UNESCO cho rằng: “CNVH xuất hiện khi các hàng hóa và dịch vụ văn hóa được sản xuất và tái sản xuất, được lưu trữ và phân phối trên dây chuyền công nghiệp và thương mại, tức là trên quy mô lớn, phù hợp với chiến lược kinh tế hơn là phát triển văn hóa”. Bộ Văn hóa, Truyền thông và Thể thao Anh (DCMS) trước đây gộp chung CNVH vào công nghiệp sáng tạo với 13 lĩnh vực gần giống quan điểm và phân loại của Việt Nam (chúng ta xác định bao gồm 12 lĩnh vực: Quảng cáo; Kiến trúc; Phần mềm và các trò chơi giải trí; Thủ công mỹ nghệ; Thiết kế; Điện ảnh; Xuất bản; Thời trang; Nghệ thuật biểu diễn; Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm; Truyền hình và Phát thanh; Du lịch văn hóa). Theo định nghĩa của UNESCO và Hiệp ước chung về thuế quan và mậu dịch GATT, CNVH là một phần của ngành công nghiệp sáng tạo, được hình thành từ sự kết hợp của sự sáng tạo, quá trình sản xuất và phân phối hàng hóa, dịch vụ thuộc về văn hóa và thường được các quyền sở hữu trí tuệ bảo vệ. Như vậy, có thể nói, không gian phát triển của CNVH lấy văn hóa, nghệ thuật là nội hàm, bản sắc văn hóa làm nền tảng cho mỗi quốc gia, song quá trình tạo thành sản phẩm CNVH không chỉ là câu chuyện đơn thuần của việc phát triển văn hóa, nghệ thuật, mà còn là một tổ hợp công nghệ tạo dựng ngành CNVH thực thụ, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế. Nó không dừng lại ở sáng tạo tác phẩm, bảo tồn, phát huy như văn hóa, nghệ thuật đơn thuần, mà đó là một chuỗi liên kết lớn, quy mô; là một quy trình từ sáng tạo sản phẩm, sản xuất, đóng gói, phân phối và lưu thông được vận hành, tạo nên doanh thu và lợi ích trực tiếp cũng như gián tiếp cho các chủ thể trong quy trình đó. Hay nói cách khác, sự hình thành CNVH như là hình thành một chuỗi giá trị trong CNVH, đó là bắt đầu từ việc sáng tạo ra sản phẩm đầu vào về văn hóa nghệ thuật, cho đến quy trình sản xuất chuyên nghiệp, bán, phân phối và khuếch trương, xúc tiến, quảng bá sản phẩm đến tay người tiêu dùng cuối cùng chính là công chúng hưởng thụ sản phẩm sáng tạo và sẵn sàng trả tiền cho sản phẩm đó.

Theo PGS,TS Bùi Hoài Sơn, khái niệm về CNVH được sử dụng phổ biến nhất hiện nay là: “Những ngành công nghiệp xuất phát từ sự sáng tạo, kỹ năng và tài năng của cá nhân, có tiềm năng tạo ra lợi nhuận và việc làm thông qua việc tạo ra và khai thác tài sản trí tuệ”. Thực tế cho thấy, trên thế giới, nhiều cường quốc về CNVH đã khai mở đường đi riêng để phát huy sức mạnh văn hóa quốc gia dân tộc ở cả 4 vai trò: phát triển con người, đóng góp trực tiếp vào GDP, kiến tạo nền kinh tế bền vững không lệ thuộc tài nguyên, quảng bá văn hóa quốc gia. CNVH hiện đang là “con gà đẻ trứng vàng” của nhiều nền kinh tế thế giới. Theo Bản đồ toàn cầu đầu tiên về CNVH và sáng tạo (Cultural and Creative Industries – CCIs) của UNESCO công bố năm 2017, tổng doanh thu về lĩnh vực này trên toàn thế giới lên đến 2.250 nghìn tỷ USD, bằng GDP của 1 quốc gia trong top 7 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ngành CNVH thế giới đã tạo công ăn việc làm cho trên 29,5 triệu lao động trên toàn cầu. Nhiều quốc gia có ngành CNVH và sáng tạo hàng đầu giai đoạn gần đây như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Ðộ đã trở thành thị trường CCIs lớn nhất thế giới, thậm chí có những quốc gia, thời điểm vượt trên cả châu Âu và Bắc Mỹ.

Còn tại Việt Nam, khái niệm CNVH dù đã được dùng nhiều hơn trong vài năm gần đây, nhưng nó chỉ thực sự được coi là chiến lược phát triển của Chính phủ Việt Nam từ 2016 khi Thủ tướng ban hành Quyết định 1755/QĐ-TTg giao Bộ VHTTDL, các Bộ, Ngành và chỉ thực sự được quan tâm như một việc cần ưu tiên làm ngay. CNVH tại Việt Nam có 4 yếu tố nhận diện gồm: tính sáng tạo, vốn văn hóa, công nghệ và kỹ năng kinh doanh. Về bản chất, chúng ta đang nói tới một nền CNVH được gọi tên mà chưa định hình, bởi Việt Nam vẫn chưa có một ngành CNVH thực sự, chưa có một đội ngũ chuyên gia về CNVH, chưa có một trung tâm nghiên cứu hay sáng tạo cho CNVH một cách chuyên nghiệp với đội ngũ tài năng và không có các chương trình đào tạo chuyên sâu trong các trường đại học, cao đẳng về CNVH. Các câu hỏi thường xuyên được đặt ra: Thế nào là CNVH? CNVH có phải công nghiệp sáng tạo? Liệu Việt Nam có làm nổi CNVH không? Phát triển văn hóa và phát triển CNVH có phải là một?… vẫn đang chờ được trả lời và còn chưa thực sự thông suốt ngay trong giới nghiên cứu văn hóa, giới chuyên gia kinh tế và giới học thuật, giảng viên, sinh viên những trường đại học. Sau khi trả lời được các câu hỏi đó, chúng ta lại phải trả lời những câu hỏi khác: Khi nào tác phẩm văn hóa nghệ thuật trở thành sản phẩm CNVH? Nghệ sĩ, cán bộ văn hóa, nghệ thuật tại Việt Nam nhiều lĩnh vực như tuồng, chèo, cải lương, xiếc, ca kịch… nhiều nơi còn chưa nuôi sống nổi bản thân thì làm sao sáng tạo để làm CNVH? Nếu không có sự góp sức từ nguồn xã hội hóa, từ doanh nghiệp ngoài công lập, từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thì ngành CNVH Việt Nam có phát triển được hay không, khi mà thời gian qua, những sản phẩm đầu tay của ngành CNVH Việt Nam chủ yếu đến từ những doanh nghiệp tư nhân hay tổ chức, cá nhân ngoài công lập? Và tất nhiên, câu hỏi cuối cùng dành cho chúng ta là: “Đâu là lực lượng sản xuất của ngành CNVH tại Việt Nam”?

Có nhiều vấn đề được đặt ra trong việc phát triển CNVH ở Việt Nam. Không dễ để trả lời cho các câu hỏi nêu trên nếu ngành Văn hóa Việt Nam không có chiến lược phát triển CNVH trong thời gian tới. Rất mừng là ngày 12-11-2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, trong đó có đề cập, xây dựng một nền CNVH. Đây là một nhiệm vụ trọng tâm để Bộ VHTTDL triển khai những đề án xây dựng thương hiệu quốc gia cho các ngành CNVH, tiếp tục nghiên cứu, khảo sát, học tập kinh nghiệm tại một số quốc gia có ngành CNVH phát triển. Cũng có thể, trong quá trình phát triển CNVH, Việt Nam sẽ không thể trở thành một cường quốc về CNVH như Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, nhưng việc Việt Nam có thể trở thành một cường quốc tầm trung về CNVH trong 10-20 năm tới là khả thi bởi dư địa, tiềm năng và sức sáng tạo của người Việt là không nhỏ. Quan trọng nhất, phát triển CNVH tại Việt Nam chính là kết quả trên hai khía cạnh lớn: xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam, nâng cao vị thế và đem lại nguồn thu lớn, lợi ích kinh tế đặc biệt cho đất nước.

 2. Vai trò của du lịch văn hóa trong phát triển CNVH tại Việt Nam

Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, có tính dịch vụ, liên ngành cao và chứa đựng hàm lượng văn hóa sâu sắc. Đó là sự khác biệt của ngành Du lịch với những ngành kinh tế dịch vụ khác và các ngành công nghiệp sản xuất. Do đó, du lịch và văn hóa luôn có mối quan hệ đặc biệt. Chắc chắn, trong quá trình phát triển CNVH tại Việt Nam, du lịch nói chung và loại hình du lịch văn hóa nói riêng sẽ đóng góp rất nhiều cho CNVH bởi những lợi thế mà du lịch đang có. Đó là số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam lên đến 18 triệu lượt khách năm 2019, 85 triệu lượt khách nội địa đi du lịch trong nước mỗi năm, hàng triệu lượt khách Việt Nam đi du lịch ra nước ngoài… đó là lợi thế lớn về quảng bá, truyền thông, tính kết nối rất lớn của du lịch. Có nhiều cách để quảng bá ngành CNVH Việt Nam đến với thế giới như: thông qua việc xây dựng thương hiệu quốc gia; quảng bá qua các sự kiện âm nhạc, giải trí của Việt Nam mang tầm vóc khu vực và quốc tế; quảng bá qua điện ảnh; quảng bá qua truyền hình trong và ngoài nước; quảng bá qua các triển lãm trưng bày đồ thủ công mỹ nghệ; quảng bá qua mạng xã hội… Trong đó, với hoàn cảnh Việt Nam hiện nay, việc quảng bá CNVH Việt Nam qua du lịch văn hóa là thuận lợi nhất, bởi tính sẵn có về tài nguyên và nền tảng kinh tế du lịch Việt Nam.

Du lịch văn hóa góp phần hình thành sản phẩm CNVH và cùng chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong du lịch sẽ nhanh chóng đem đến nguồn thu tài chính đối với CNVH, tạo hiệu quả tốt hơn so với các lĩnh vực khác trong ngành CNVH. Theo World Bank (Ngân hàng thế giới) công bố năm 2019, tỷ lệ đóng góp doanh thu của ngành CNVH (bao gồm cả lĩnh vực du lịch văn hóa) đối với tổng doanh thu toàn cầu là xấp xỉ 4,04% và đem lại việc làm chiếm tỷ trọng 2,21% tổng số lao động trên thế giới. Tại Việt Nam, chưa có bất kỳ thống kê chính thức nào về việc có bao nhiêu % lao động trong ngành Du lịch làm những công việc gắn với CNVH (mà du lịch văn hóa là nền tảng), nhưng chắc chắn tỷ lệ đó sẽ rất thấp bởi chúng ta chưa hoàn toàn hình thành một ngành CNVH đúng nghĩa.

Muốn du lịch văn hóa đóng vai trò quan trọng cho ngành CNVH thời gian tới, việc Việt Nam xây dựng các chuỗi giá trị du lịch văn hóa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhất. Chuỗi giá trị du lịch tại Việt Nam bao gồm: những giá trị do nhà nước, doanh nghiệp tạo ra trong các hoạt động như quảng bá, xúc tiến du lịch và các hoạt động khác liên quan đến du lịch trên phạm vi quốc tế và quốc gia; giá trị do các công ty lữ hành tạo ra trong các hoạt động của họ như nghiên cứu thị trường, xúc tiến quảng bá du lịch, thiết kế xây dựng chương trình du lịch, tổ chức thực hiện chương trình; giá trị do các cơ sở lưu trú, ăn uống, vận chuyển, dịch vụ bổ sung… tạo ra. Như vậy, CNVH tại Việt Nam gắn với du lịch văn hóa cần quan tâm đến việc làm thế nào để xây dựng những sản phẩm du lịch văn hóa theo chuỗi giá trị du lịch, bởi chuỗi giá trị du lịch văn hóa, nếu làm tốt, sẽ giúp cho kinh tế du lịch đạt được 5 tiêu chí: lượng khách tăng; chi tiêu bình quân 1 khách tăng; số lượng ngày lưu trú bình quân 1 khách tăng; thu nhập từ du lịch tăng cao hơn so với trước khi xây dựng chuỗi giá trị du lịch; tạo giá trị, nâng cao vị thế du lịch Việt Nam và góp phần quan trọng trong phát triển du lịch bền vững. Do đó, chúng ta không nên dựa vào các giá trị văn hóa là tài nguyên du lịch sẵn có, mà trong phát triển CNVH với nền tảng du lịch văn hóa, rất cần gia tăng giá trị nội sinh cho du lịch văn hóa, gia tăng những sáng tạo trong các loại hình văn hóa nghệ thuật để phục vụ du khách, qua đó quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới, đem lại giá trị kinh tế. Những chương trình trình diễn thực cảnh như: Tinh hoa Bắc Bộ (Hà Nội), Ký ức Hội An (Quảng Nam)… chính là kết quả của việc gia tăng giá trị, sáng tạo để tạo ra những sản phẩm du lịch văn hóa trong ngành CNVH, đem lại lợi ích lớn về kinh tế và thương hiệu du lịch Việt Nam.

Bên cạnh chuỗi giá trị du lịch văn hóa, chúng ta cần một nền kinh tế du lịch sáng tạo, trong đó có công nghiệp du lịch văn hóa sáng tạo. Điển hình của sáng tạo trong thời cách mạng công nghiệp 4.0 chính là kinh tế số, sáng tạo dựa trên số hóa, công nghệ, trí tuệ nhân tạo AI, Big Data… Trước đây khi đi du lịch, chúng ta liên hệ với các công ty lữ hành để đặt tour; trước khi ở khách sạn, chúng ta điện thoại, gửi email đặt phòng; trước khi đi máy bay, chúng ta ra phòng vé mua vé… nhưng hiện nay, khách du lịch chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh là có thể giải quyết được tất cả những việc này.

Tóm lại, kinh tế du lịch sáng tạo, thông minh và chuỗi giá trị du lịch văn hóa chính là các trụ cột để du lịch văn hóa có thể đóng góp sâu rộng và hiệu quả vào ngành CNVH Việt Nam. Cốt lõi vẫn là cần có một đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp trong CNVH, tạo cơ chế đồng bộ, tạo điều kiện cho các nguồn lực sáng tạo, tạo ra một môi trường công nghệ số hóa trong văn hóa du lịch để quảng bá, tạo nguồn thu.

_________________

Tài liệu tham khảo

1. Nghị quyết 31/NQ-CP ngày 13-5-2014 về hội nhập quốc tế.

2. Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

3. Quyết định 1755/QĐ-TTg ngày 8-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030.

4. Adorno, Horkheimer, Dialectic of Enlightenment (Biện chứng của khai sáng), Đức, 1947.

5. Đặng Hoài Thu, Phạm Bích Huyền, Các ngành công nghiệp văn hóa, Nxb Lao động, Hà Nội, 2012.

6. Phạm Hồng Thái (chủ biên), Sự phát triển của công nghiệp văn hóa ở Nhật Bản và Hàn Quốc, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2015.

TS NGUYỄN ĐỨC THẮNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 488, tháng 2-2022