Vai trò của văn hóa đối với phát triển du lịch
Đinh HươngThứ bảy, 29/4/2023
|
17:00 GMT+7
Loại hình du lịch được ưa chuộng
Theo thống kê của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), trước dịch Covid-19, du lịch văn hóa đóng góp 37% doanh thu du lịch toàn cầu và dự báo có thể tăng 15%/năm. Theo nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), hơn 60% du khách xem việc có ít nhất một điểm du lịch văn hóa trong chương trình tour là quan trọng, 10% du khách xem việc đến các điểm văn hóa là mục tiêu chính của chuyến đi, số khách du lịch văn hóa tham quan các bảo tàng chiếm khoảng 59%, thăm các di tích lịch sử, di sản văn hóa khoảng 56%.
Từ nhiều năm qua, Việt Nam đã có loại hình du lịch văn hóa qua các hình thức như tham quan di sản, di tích, nghiên cứu văn hóa, lịch sử thông qua hệ thống di sản, di tích, bảo tàng, tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa truyền thống, đời sống văn hóa cộng đồng, lễ hội, văn hóa ẩm thực, tâm linh. Theo đó, nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc đã được kết hợp, như tour hành trình di sản miền Trung, quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình), quần thể di tích cố đô Huế (Thừa Thiên – Huế), khu di tích Mỹ Sơn, phố cổ Hội An (Quảng Nam); Lễ hội Festival nghệ thuật Huế, Festival cồng chiêng Tây Nguyên, Festival hoa Đà Lạt, Lễ hội Ẩm thực đất phương Nam, Lễ hội Áo dài TP.HCM; chương trình thực cảnh ký ức Hội An, Tinh hoa Bắc bộ, Múa rối nước, À Ố Show; làng nghề tơ lụa Vạn Phúc, gốm sứ Bát Tràng (Hà Nội), làng chài Mũi Né, Bảo tàng Nước mắm (Bình Thuận), Bảo tàng Áo dài (TP.HCM), chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ)…
Những năm gần đây, Việt Nam nhận được các danh hiệu “Điểm đến di sản hàng đầu châu Á”, “Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á”, “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới”… Việc phát triển sản phẩm du lịch văn hóa đã mang lại thu nhập, việc làm và phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương nói riêng và kinh tế – xã hội Việt Nam nói chung.
Festival Huế 2022
Ngành công nghiệp văn hóa đầy tiềm năng
“Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030” đã nêu rõ, du lịch văn hóa là một trong 13 ngành công nghiệp văn hóa cần được tập trung phát triển. Cuối năm 2020, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định 3767/QĐ-BVHTTDL phê duyệt “Đề án xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa”. Theo đó, thương hiệu du lịch văn hóa Việt Nam được định vị dựa trên giá trị văn hóa đặc sắc, tập trung vào giá trị di sản và giá trị văn hóa ẩm thực, qua đó hình thành hệ thống điểm đến, sản phẩm du lịch đặc trưng, có chất lượng, giá trị cao và được thị trường đón nhận tích cực. Phấn đấu đến năm 2030, du lịch văn hóa chiếm 20-25% trong khoảng 130 tỷ USD tổng thu từ khách du lịch.
Để thực hiện mục tiêu này, ngành du lịch xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch văn hóa, quảng bá du lịch văn hóa trên kênh truyền hình trong nước, quốc tế và tại các hội chợ du lịch, tổ chức Tuần văn hóa Việt Nam, Năm Du lịch quốc gia; các địa phương khuyến khích khởi nghiệp gắn kết du lịch với văn hóa, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch văn hóa.
Theo số liệu của Cục Di sản văn hóa, Việt Nam hiện có 29 di sản văn hóa được UNESCO công nhận, có 7.966 lễ hội, trong đó một số lễ hội văn hóa có quy mô lớn tổ chức định kỳ, hơn 4.000 di tích quốc gia, trên 400 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và hơn 9.000 di tích cấp tỉnh.
Ký ức Hội An
Trung tuần tháng 4 vừa rồi, tại Diễn đàn Du lịch toàn quốc năm 2023 chủ đề “Phát triển du lịch văn hóa Việt Nam”, do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, nhiều nhà chuyên môn đồng tình rằng, Việt Nam còn thiếu sản phẩm trình diễn văn hóa, thiếu các công trình văn hóa nghệ thuật, các trung tâm văn hóa đặc sắc, sản phẩm du lịch văn hóa vẫn còn ít sáng tạo, chủ yếu khai thác di sản, di tích. Trong khi đó Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Malaysia… rất thành công trong việc phát triển du lịch văn hóa, xây dựng các show diễn thực cảnh về văn hóa – lịch sử được đầu tư về tài chính và công nghệ hiện đại, tạo sức hút lớn với du khách.
Việt Nam đang bước đầu khai thác văn hóa để phát triển du lịch nên rất cần những giải pháp mang tính bền vững, chẳng hạn như xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa dựa trên hình thức du lịch văn hóa và tài nguyên văn hóa của các địa phương, doanh nghiệp liên kết tài nguyên văn hóa của mỗi địa phương với dịch vụ du lịch để xây dựng sản phẩm mang bản sắc vùng miền, đẩy mạnh truyền thông và xúc tiến du lịch văn hóa qua việc ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số để giới thiệu tài nguyên văn hóa, sản phẩm du lịch độc đáo đến du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là xây dựng những chương trình nghệ thuật khai thác được giá trị cốt lõi, tốt đẹp của văn hóa, lịch sử, truyền thống và bản sắc dân tộc tại các điểm du lịch.
Được biết, trong năm 2023 này, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch sẽ liên kết triển khai show diễn Việt Nam huyền sử ca, tổ chức Diễn đàn Du lịch và Điện ảnh, Hội nghị Xúc tiến đầu tư và phát triển thương hiệu du lịch qua điện ảnh. Một số tập đoàn sở hữu điểm đến về du lịch nổi tiếng sẽ đầu tư chương trình nhạc kịch, lễ hội, show thực cảnh để phục vụ du khách.