Văn hóa Ấn Độ, Trung Quốc đã ảnh hưởng đến văn hóa Đông Nam Á như thế nào?

Văn hoá của Ấn Độ và Trung Quốc được coi như là hai nền văn hoá lớn của châu Á, có những ảnh hưởng mạnh mẽ tới văn hoá của các khu vực lân cận. Vậy văn hoá của hai quốc gia này có ảnh hưởng như thế nào đến văn hoá của Đông Nam Á? Mời quý bạn đọc cùng tìm hiểu với Luật Minh Khuê trong bài viết dưới đây.

1. Khái quát về văn hoá Ấn Độ

1.1. Sơ lược về đất nước Ấn Độ

Ấn Độ hay Cộng hoà Ấn Độ là một quốc gia nằm ở khu vực Nam Á với diện tích đứng thứ bảy trên thế giới và dân số đứng thứ hai thế giới (khoảng trên 1,366 tỷ người). Quốc gia này có phía Nam tiếp giáp với Ấn Độ Dương, phía Tây Nam giáp với biển Ả Rập, phía Đông Nam giáp Vịnh Bengal. Ở phía Tây, Ấn Độ có đường biên giới trên đất liền với Pakistan; đường biên giới với Trung Quốc, Nepal và Bhutan ở phía Đông Bắc và biên giới với Myanmar, Bangladesh ở phía Đông. Ngoài ra, Ấn Độ cũng giáp với Sri Lanka và Maldives trên biển Ấn độ Dương và hai quần đảo Andaman và Nicobar của Ấn Độ thì có chung đường biên giới trên biển với Thái Lan và Indonesia.

Ngày nay, lãnh thổ của Ấn Độ có 29 bang và 7 lãnh thổ liên bang. Đây là quốc gia có nền kinh tế với quy mô đứng thứ 6 trên thế giới xét theo GDP và thứ ba toàn cầu nếu tính theo sức mua tương đương. Ấn Độ đang trở thành một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, trở thành một nước công nghiệp mới kể từ sau khi quốc gia này ban hành các cải cách kinh tế mới.

 

1.2. Các văn hoá của Ấn Độ

Khi nói đến văn hoá của Ấn Độ, chúng ta chắc hẳn sẽ nhớ ngay tới những lễ hội của quốc gia này. Các lễ hội ở đây với đa dạng các hoạt động từ các nghi lễ, ẩm thực, ca hát, nhảy múa … đều thể hiện được tinh thần của người Ấn Độ. Khi đến đất nước này vào bất kể dịp nào trong năm bạn cũng có thể dễ dàng được tận hưởng không khí của các lễ hội bởi dường như quanh năm ở Ấn Độ đều diễn ra các lễ hội khác nhau. Một số những ngày lễ lớn của đất nước này có thể kể đến như: lễ hội Diwali (chào mừng năm mới), lễ hội Ganesha, lễ hội Pooram, hội chợ Pushkar ….

Trang phục của người dân Ấn Độ cũng là một phần đặc sắc của nền văn hoá nơi đây. Những bộ trang phục truyền thống của người Ấn Độ là những tấm sari lộng lẫy nhiều màu sắc đã trở thành một nét truyền thống không thể thiếu, là một trang phục quen thuộc của nữ giới quốc gia này cho tới hiện tại.

Nói đến văn hoá Ấn Độ, chúng ta có thể thấy đây là một mảnh đất mà triết học và tôn giáo phát triển rất mạnh mẽ và gắn bó mật thiết với nhau, điều này đã tạo lên những tư duy độc đáo của người Ấn Độ. Ở nơi đây, văn hoá, triết học và nghệ thuật có những bước phát triển vô cùng rực rỡ để lại nhiều di sản lớn cho con người. Nhắc tới Ấn Độ, chúng ta có thể kể tới các công trình kiến trúc tuyệt đẹp, những bộ kinh Vê – đa, kinh Phật hay kinh Upanishads…. Bên cạnh đó, Ấn Độ còn là một quốc gia có nhiều chủng tộc với nhiều ngôn ngữ khác nhau, điều này cũng góp phần khiến cho văn hoá của quốc gia này trở nên phong phú hơn rất nhiều.

 

2. Khái quát về văn hoá Trung Quốc

Văn hoá Trung Quốc là một trong những nền văn hoá lâu đời và phức tạp bậc nhất trên thế giới. Ở đây, mỗi vùng miền, mỗi địa phương lại có những nét văn hoá riêng tạo nên tính đặc trưng của từng khu vực, các trung tâm văn hoá xuất hiện hầu khắp ở mọi vùng miền của quốc gia này. Cũng bởi điều này mà văn hoá của Trung Quốc vô cùng phong phú và tạo nên những sự ảnh hưởng mạnh mẽ tới các quốc gia, các khu vực lân cận.

Sự phong phú, đa dạng của văn hoá Trung Quốc trước hết có thể nói là do diện tích của quốc gia này. Đây là một quốc gia có lãnh thổ rộng lớn, địa hình cũng rất đa dạng nên mỗi khu vực khác nhau con người nơi đó sẽ có những phong tục, tập quán khác nhau để thích ứng với điều kiện về khí hậu, địa hình… của khu vực mình sinh sống tạo nên nền văn minh của quốc gia này. Bên cạnh đó, Trung Quốc là một đất nước có nhiều dân tộc khác nhau, đông nhất chính là người Hoa. Đến hiện tại, Trung Quốc có 56 dân tộc chung sống với nhau trên lãnh thổ quốc gia này.

Trong suốt chiều dài lịch sử của mình, Trung Quốc cũng đã có nhiều thành tựu về mặt văn hoá. Nói tới các thành tựu, đầu tiên chúng ta phải nói đến sự xuất hiện của chữ viết. Chữ viết đã được xuất hiện từ thời nhà thương với tên gọi Giáp Cốt Văn được viết trên mai rùa hoặc xương thú. Sau một quá trình biến đổi thì tạo nên Thạch Cổ Văn và KIm Văn. Cuối cùng, tới thời nhà Tần thì chữ viết của quốc gia này được thống nhất và lấy tên gọi là chữ Triều Tiên. Về văn học, Trung Quốc có thể được coi là cái nôi phát triển của nền văn học. Tập thơ nổi tiếng nhất trong văn học Trung Hoa phải kể tới Kinh Thi được sáng tác vào thời Xuân Thu. Bên cạnh đó cũng phải kể tới thơ Đường, các tác phẩm kinh điển như Tam quốc diễn nghĩa, Tây Du ký, Hồng lâu mộng… vẫn còn giá trị cho đến ngày nay. 

Ngoài ra, nền văn hoá Trung Quốc còn được thể hiện qua các tác phẩm hội hoạ, điêu khắc, kiến trúc. Tất cả những tác phẩm đều mang dấu ấn về một nền văn hoá lớn của nhân loại.

 

3. Những ảnh hưởng của văn hoá Ấn Độ, Trung Quốc tới văn hoá Đông Nam Á

3.1. Ảnh hưởng của văn hoá Ấn Độ

Văn hoá Ấn Độ đã có những ảnh hưởng mang tính đóng góp và thúc đẩy lên sự hình thành văn hoá của các nước Đông Nam Á. Cụ thể:

– Về mặt ngôn ngữ, một số quốc gia như Thái Lan, Lào, Campuchia… đã mượn chữ viết và ngôn ngữ Ấn Độ để sử dụng như tiếng Sanskrit hay tiếng Pali. Tiếng Sanskrit có vai trò vô cùng quan trọng trong việc để truyền tải văn hoá Ấn Độ vào khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh đó, dựa vào chữ Sanskrit các quốc gia khu vực này cũng đã tạo nên chữ viết của riêng mình. Ngoài ra, sự ảnh hưởng của các tác phẩm dân gian Ấn Độ như Mahabharata, Jakarta,… chiếm một phần không nhỏ với các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á.

– Về tôn giáo, tín ngưỡng và đạo đức thì những ảnh hưởng của Ấn Độ có những ý nghĩa vô cùng quan trọng, được coi là nền tảng cho tôn giáo của Đông Nam Á, đặc biệt là Phật giáo. Phật giáo được du nhập vào Đông Nam Á khá sớm, từ khoảng thế kỉ I – II Công nguyên. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng của Phật giáo đến mỗi quốc gia trong khu vực này là không giống nhau.

– Về kiến trúc cũng có những sự ảnh hưởng nhất định của Ấn Độ với các quốc gia ở Đông Nam Á. Kiến trúc của Ấn Độ rất đa dạng và phong phú, mang những nét riêng đặc biệt của từng tôn giáo: Phật giáo với lối kiến trúc dạng hình tháp, vòm mái tròn; kiến trúc Hindu thường được xây dựng với nhiều tầng đỉnh tháp nhọn, trang trí bằng phù điêu… Tất cả những điều này đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới kiến trúc của khu vực Đông Nam Á.

 

3.2. Ảnh hưởng của văn hoá Trung Quốc

Không chỉ văn hoá của Ấn Độ, văn hoá Trung Quốc cũng có những tác động rất mạnh mẽ đối với các quốc gia Đông Nam Á. Trước hết chúng ta có thể nhận thấy được sự ảnh hưởng của văn hoá Trung Quốc với Đông Nam Á ở lĩnh vực tín ngưỡng – tôn giáo. Các hệ tư tưởng, tôn giáo của Trung Quốc khi được du nhập vào Đông Nam Á đã có những tác động quan trọng vào đời sống tinh thần của người dân nơi đây. Điều này cũng tạo ra những ảnh hưởng nhất định trong việc phát triển của kiến trúc – điêu khắc, các quan điểm sống, đạo đức của người dân khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, những tôn giáo Trung Quốc khi du nhập vào cũng có những sự biến tấu để phù hợp với tín ngưỡng, lối sống của nhân dân bản địa.

Bên cạnh đó, chữ viết Trung Quốc cũng có ảnh hưởng với khu vực Đông Nam Á, nhất là với người Việt. Bởi vì việc trải qua hơn một nghìn năm Bắc thuộc nên người Việt đã được tiếp cận với hệ thống chữ Hán của người Trung Quốc và từ đó người Việt đã sáng tạo ra hệ thống chữ Nôm của riêng mình vào khoảng thế kỉ XIII. Cũng bởi sự ảnh hưởng của chữ viết nên người Việt cũng đã có những sự tiếp thu về văn học của Trung Quốc như chất liệu thi ca hay các thể loại văn thơ của đất nước này.

Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho quý bạn đọc những kiến thức hữu ích, chúc các bạn học tốt.