Văn hóa ăn uống của các quốc gia trên thế giới – Indochina Study Abroad
Với một du học sinh thì việc “nhập gia tùy tục” trong từng nền văn hóa khác nhau là một điều rất cần thiết. Dưới đây là những tips giúp bạn tránh khỏi phút bối rối không đáng có khi tham gia vào một bữa tiệc ở những quốc gia khác nhau khi đi du học.
Ở Đức, không nên dùng tay chạm vào thức ăn
Khi ăn tại Đức, bạn nên lịch sự để hai tay lên bàn, nhưng khuỷu tay không nên để nằm xuống bàn. Chừa thức ăn ở đĩa cũng được coi là một hành động bất lịch sự. Phục vụ có thể xin 5-10% tiền tip.
Người Đức hay người châu Âu rất hiếm khi sử dụng tay để cầm, nắm đồ ăn, nhất là khi đi ăn ở nhà hàng, những bữa tiệc trang trọng hay bữa tiệc đứng. Có một điểm đặc biệt đó là, người Đức dùng dao và nĩa ngay cả khi ăn Pizza. Tuy nhiên, bạn có thể dùng tay để ăn các loại thức ăn nhanh như hambuger hoặc xúc xích khi tham gia một bữa ăn nhẹ ngoài trời.
Ở Nhật Bản, đừng ngại húp thật to khi thưởng thức những bát mì ngon lành
Ở Nhật Bản, âm thanh sột soạt phát ra lúc thực khách húp những sợi mì ramen hay mì soba không những là thứ âm thanh rất vui tai, mà còn thể hiện cho người nấu hoặc chủ nhà rằng chúng ta đang thưởng thức món mì một cách ngon lành và cảm kích tấm lòng hiếu khách của họ dành cho chúng ta. Âm thanh càng to càng tốt! Một điều cần lưu ý trong văn hóa ăn uống của người Nhật là tuyệt đối không được ghép đôi đũa lại thành hình chữ thập, liếm đũa, hay cắm đũa thẳng đứng trong bát cơm vì đó được xem là hành động bất lịch sự mang đến điềm gở.
Ở các nước Trung Đông, Ấn Độ và một vài nước châu Phi, tuyệt đối không ăn bằng tay trái
Có lẽ những người thuận tay trái sẽ phải cân nhắc khi đến những nước này vì người bản địa ở đây cho rằng tay trái không được sạch sẽ. Vì thế, tay trái tuyệt đối không được dùng để cầm nắm thức ăn, hay thậm chí là dụng cụ nhà bếp như đũa, đĩa thức ăn và lọ muối.
Ở Mexico, không bao giờ ăn tacos với dao và nĩa
Lời khuyên cho các bạn là khi đến Mexico nên ăn taco bằng tay, vì hành động ăn taco bằng dao và nĩa được cho là kênh kiệu và ngớ ngẩn.
Ở Ý, không nên gọi thêm phô mai parmesan nếu chưa được người khác mời
Cho thêm phô mai rắc lên phần trên của pizza được xem là hành động “tội lỗi”. Và không phải tất cả các loại mì Ý đều dùng phô mai parmesan. Bạn sẽ nhận được những ánh nhìn khó hiểu từ người đầu bếp lẫn phục vụ khi đang thưởng thức món bucatini all’amatriciana cổ điển mà lại hỏi thêm parmesan, vì loại phô mai được dùng trong món này là pecorino. Quy tắc vàng: Người khác cho thì hãy nhận và đừng xin thêm.
Ngoài ra, Capuccino, món cà phê trứ danh của Ý cũng không được dùng từ sau 12h trưa bởi Capuccino có thể thay thế cả bữa ăn do tạo cảm giác đầy bụng khi dùng cùng những loại thực phẩm khác. Nếu bạn muốn tỉnh táo hơn, hãy gọi 1 espresso thay vì cappuccino.
Ở Pháp, họ không chia ra từng người trả bill thức ăn, chỉ một người đề nghị trả hết
Nếu sau một bữa ăn thân mật và bạn có ý hào phóng thì hãy đề nghị trả hết cho bữa ăn, người Pháp không thích sự rắc rối nên họ không thích tính toán phân chia sau mỗi bữa ăn. Quy tắc là hãy trả hết cả bữa ăn hay để một người khác làm điều đó.
Ngoài ra ở Pháp, bánh mì cũng không được coi là khai vị mà thay vào đó là để đẩy thức ăn vào nĩa. Khi ăn bánh mì, bạn hãy xé ra một phần nhỏ rồi dùng và đừng cắn trực tiếp lên ổ bánh mì.
Ở Thái Lan, không nên cho thức ăn vào miệng bằng nĩa
Ở Thái Lan, trong những bữa cơm, nĩa không phải là dụng cụ mà chúng ta dùng để ăn trực tiếp mà chỉ được dùng để đẩy phần thức ăn vào thìa. Trong trường hợp bữa ăn không có cơm hay xôi mà chỉ có thức ăn mặn thì chúng ta có thể dùng nĩa. Ngoài ra, người Thái Lan cũng không hề dùng đũa trong bữa cơm như người Việt Nam.
Ở Nga, vodka không được trộn với các loại đồ uống khác
Người Nga uống vodka nguyên chất từ chai rượu và thậm chí còn không cho đá vào. Họ cho rằng rượu Vodka nếu cho thêm bất cứ thứ gì vào sẽ làm hỏng đi sự tinh khiết của nó (beer là ngoại lệ duy nhất có thể mix với vodka).
Khi được một người Nga mời rượu vodka, đó là dấu hiểu của sự thân thiện và tin tưởng, nên nhận lời mời rượu cũng như là nhận lấy lòng thiện cảm của họ dành cho mình.
Cuối cùng, ở Bồ Đào Nha, tránh hỏi phục vụ thêm gia vị như muối và tiêu
Ở Bồ Đào Nha, nếu muối và tiêu không có sẵn ở trên bàn, đừng hỏi phục vụ đem thêm gia vị đến vì đó được xem là một sự mỉa mai với tay nghề nấu nếm của người đầu bếp. Quy tắc trong bữa ăn ở Bồ Đào Nha là hãy hài lòng với những gì bạn đang có.