Văn hóa biển đảo: Đậm đặc và giàu giá trị
(HNM) – Khẳng định vùng biển nước ta chứa kho tàng di sản văn hóa đồ sộ nhưng khai thác chưa đáng là bao, các nhà khoa học, quản lý văn hóa tham dự hội thảo khoa học “Văn hóa biển đảo – bảo vệ và phát huy giá trị” do Bộ VH-TT&DL phối hợp với Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia vừa tổ chức tại Hà Nội đã đưa ra một số giải pháp quan trọng nhằm bảo vệ, phát huy nguồn di sản văn hóa vô giá này.
Khẳng định chủ quyền quốc gia
Theo GS.TS khoa học Vũ Minh Giang (Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia), văn hóa biển đảo là một khái niệm rộng, bao gồm cả văn hóa các vùng duyên hải và là tất cả những gì do con người sáng tạo ra. Từ sự nhìn nhận đó, GS Vũ Minh Giang cho rằng, Việt Nam có chiều dài bờ biển lên đến 3.260km với hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ nên kho tàng di sản văn hóa biển đảo rất đa dạng, phong phú. Về di sản văn hóa phi vật thể, chúng ta đã phát hiện được hàng loạt di chỉ cư trú, sinh hoạt của cư dân thời tiền sử với những đặc trưng có thể khái quát thành những nền văn hóa như: Hạ Long, Bàu Tró, Sa Huỳnh… Ở những giai đoạn tiếp theo, ngoài hệ thống di tích, lễ hội phản ánh cuộc sống, phong tục, tập quán, sinh hoạt của người dân ven biển, người dân còn đúc kết được kinh nghiệm sống, làm ăn… được truyền từ đời này sang đời khác.
Vịnh Hạ Long. Ảnh: Bảo Lâm
PGS.TS Tống Trung Tín (Viện Khảo cổ học Việt Nam) khẳng định, hàng nghìn năm về trước, người Việt Nam đã tiếp xúc với biển khơi. Vì thế, dải đất hình chữ S có nền văn hóa biển đồ sộ đã, đang và sẽ góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Chẳng hạn, khu mộ táng ở Thủy Nguyên (Hải Phòng) và Yên Hưng (Quảng Ninh) cho thấy khu vực này từng là một thương cảng quốc tế lớn vào khoảng thế kỷ X. Sâu vào phía Nam, một loạt cửa biển khác cũng đã được khai thác, như cửa Lạch Trường (Thanh Hóa), cửa Hội (Hà Tĩnh), thương cảng Cù Lao Chàm, Nha Trang, Phan Rang, rồi nền văn hóa Óc Eo ở Nam bộ… Khi nước Đại Việt giành độc lập, các triều đại Lý, Trần, Lê cũng đặc biệt chú ý xây dựng thương cảng quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh). Hiện nay, các nhà khảo cổ học tìm thấy ở Vân Đồn nhiều di tích, chùa, gốm sứ từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIX-XX. Đáng nói hơn, dấu ấn Đại Việt đã được tìm thấy ở quần đảo Trường Sa qua các di vật gốm có niên đại từ thế kỷ X-XX, chứng tỏ hoạt động lâu đời và liên tục hàng nghìn năm của người Việt ở đây.
Như phân tích của ThS Trịnh Xuân Hạnh (Tạp chí Khoa học và chiến lược), lễ khao lề thế lính Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) hiện nay gắn liền với sự ra đời và hoạt động của hải đội Hoàng Sa trong lịch sử – những người lính mang sứ mệnh xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa…
Như vậy, văn hóa biển đảo của Việt Nam không chỉ đậm đặc, mà còn là một trong những bằng chứng, căn cứ lịch sử, pháp lý khẳng định chủ quyền đất nước.
Quan tâm khai thác, phát huy giá trị
Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đặng Thị Bích Liên thẳng thắn nhìn nhận: Việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, văn hóa biển đảo nói riêng có ý nghĩa trực tiếp góp phần thực hiện đề án “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” đã được Ban Chấp hành TƯ Đảng thông qua. Tiếc rằng, cho đến nay, nhận thức và hành động của chúng ta về văn hóa biển đảo vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, chưa đáp ứng được yêu cầu khai thác, bảo tồn, phát huy giá trị.
GS.TS khoa học Vũ Minh Giang: Việc cần làm ngay lúc này là các ngành chức năng phải xây dựng kế hoạch thu thập, hệ thống hóa, số liệu hóa các tư liệu về văn hóa biển đảo (cả văn hóa vật thể và phi vật thể) trên quy mô lớn; tiến hành pháp lý hóa, quốc tế hóa những di sản có giá trị cần được bảo tồn lâu dài và khai thác vào những mục tiêu quan trọng; đồng thời phát triển các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật chuyên biệt phục vụ công tác nghiên cứu, khai thác di sản văn hóa biển đảo, ưu tiên khảo cổ học dưới nước…
Là người trực tiếp chỉ đạo việc quản lý kho tàng di sản văn hóa đồ sộ này, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa Nguyễn Thế Hùng đề ra một số nhiệm vụ cụ thể như: Với hệ thống di tích lịch sử, ngành văn hóa các địa phương cần tiến hành kiểm kê, lập và công bố danh mục di tích có trên các đảo và vùng ven biển; từng bước đầu tư kinh phí tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích gắn liền với văn hóa biển đảo, nhất là các di tích phản ánh lịch sử tổ chức đấu tranh bảo vệ chủ quyền của ông cha ta. Đối với di sản phi vật thể, ngoài việc lập hồ sơ khoa học với các di sản tiêu biểu, công tác phục hồi, duy trì các lễ hội cổ truyền cũng không thể xem nhẹ. Quan trọng hơn, hệ thống bảo tàng các tỉnh, thành phố vùng biển đảo cần chú trọng triển khai hoạt động nghiên cứu, sưu tầm nhằm làm nổi bật những yếu tố, giá trị về văn hóa biển đảo và chủ quyền biển đảo của Việt Nam…
Cho rằng văn hóa biển đảo là nguồn tài nguyên phong phú để phát triển du lịch bền vững, TS Nguyễn Văn Lưu (Vụ Đào tạo, Bộ VH-TT&DL) kiến nghị các ngành chức năng nên rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách về thuế, thị trường, ưu tiên đầu tư cho phát triển du lịch biển đảo; từng bước xúc tiến quảng bá du lịch; phát triển nguồn nhân lực và tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ để phát triển du lịch biển đảo….
Văn hóa biển đảo là một khái niệm rộng, mới mẻ, kết quả nghiên cứu cũng chưa có nhiều. Bởi thế, những giải pháp để bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa biển được các nhà khoa học, quản lý văn hóa đưa ra tại hội thảo khoa học về văn hóa biển đảo lần đầu tiên này là những gợi mở ban đầu để tiếp tục nghiên cứu, tiếp cận ở nhiều góc độ.