Văn hóa Biển đảo Việt Nam – Giá trị truyền thống và khát vọng phát triển bền vững

 

Việt Nam có bờ biển dài trên 3.260km từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Hà Tiên (Kiên Giang) cùng hàng nghìn đảo lớn nhỏ. Từ đặc thù về vị trí địa lý, qua quá trình cộng sinh với biển, dân tộc Việt Nam sở hữu hệ thống di sản văn hóa biển, đảo rất đa dạng với nhiều loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể. Việc bảo tồn các giá trị văn hóa biển, đảo đã góp phần tạo không gian văn hóa đa dạng, độc đáo, giàu bản sắc, kết nối giữa hiện đại và truyền thống; cho phép ngày càng nhiều người dân, cộng đồng có cơ hội tiếp cận, hưởng thụ các giá trị văn hóa biển, đảo…

van hoa bien dao viet nam - gia tri truyen thong va khat vong phat trien ben vung hinh anh 1

Hội thảo có sự tham dự của nhiều nhà lý luận, nhà khoa học trong nước

Tuy nhiên, việc bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa biển, đảo của nước ta vẫn còn nhiều khó khăn như: Một số giá trị văn hóa, tín ngưỡng truyền thống bị mai một, biến tướng; quá trình giao lưu, hội nhập quốc tế về văn hóa đang tạo những tác động đa chiều khiến văn hóa biển, đảo Việt Nam có nhiều cơ hội và các thách thức mới…

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy, đứng trước yêu cầu thực tiễn xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn cách mạng mới, việc nghiên cứu, nhận diện, đánh giá, tìm giải pháp phát huy sức mạnh của giá trị văn hóa biển, đảo vô cùng quan trọng.

“Đại hội XIII của Đảng đã xác định phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Văn hóa biển, đảo trong tiến trình lịch sử dân tộc là một yếu tố cấu thành nền văn hóa đa dạng, đậm đà bản sắc của dân tộc cần được nhìn nhận, đánh giá đúng để nó trở thành động lực, nguồn lực phát huy sức mạnh tổng hợp của nền văn hoá, con người Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nói.

van hoa bien dao viet nam - gia tri truyen thong va khat vong phat trien ben vung hinh anh 2

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy

Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng làm rõ nhiều vấn đề nhằm tháo gỡ khó khăn, khơi dậy và phát huy các giá trị văn hóa biển, đảo làm nền tảng tạo động lực và nguồn lực quan trọng cho phát triển bền vững, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đánh giá vai trò, tầm quan trọng của các giá trị truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa biển, đảo trong quảng bá hình ảnh đất nước, con người và truyền thống văn hóa biển của Việt Nam ra thế giới. Nhiều ý kiến cũng nghiêm túc chỉ ra những hạn chế, những mặt chưa làm được trong trong quá trình triển khai chính sách, quản lý, khai thác văn hóa biển, đảo; làm sáng tỏ kinh nghiệm của các địa phương có biển, đảo trong khơi thông, sử dụng hiệu quả nguồn lực giá trị văn hóa biển, đảo hiện nay…

GS. TSKH Vũ Minh Giang, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng rất cần có sự kết hợp giữa 3 nhà: Nhà quản lý – nhà khoa học và nhà đầu tư để đưa văn hóa biển đảo thành sản phẩm có giá trị thực tiễn.

van hoa bien dao viet nam - gia tri truyen thong va khat vong phat trien ben vung hinh anh 3

GS.TSKH Vũ Minh Giang, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội)

“Nhà quản lý phải có tầm, nhà khoa học phải chỉ ra căn cứ khoa học để nhà đầu tư thấy thuyết phục và đầu tư. Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta vừa phải xúc tiến nhưng vừa phải có sự điềm tĩnh, vừa phải có quy hoạch mang tính tổng thể vừa phải làm sao phối kết hợp với rất nhiều các lĩnh vực khác của đời sống xã hội và cái quan trọng bậc nhất là phải có sự tham gia của quần chúng nhân dân. Phải làm cho họ hiểu và phải làm sao cho hấp dẫn họ để tham gia thì đấy là cái rất quan trọng”, GS.TSKH Vũ Minh Giang nói./.