Văn hóa biển đảo Việt Nam: “Xuống biển” từ hàng ngàn năm trước

Văn hóa biển đảo Việt Nam: “Xuống biển” từ hàng ngàn năm trước

Địa lý – Ngữ văn – Lịch sử –

Địa lý

TT&VH) – Ngày 15/6, trong khuôn khổ Festival Biển Nha Trang – Biển hẹn 2011, tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam (Bộ VH,TT&DL) phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức hội thảo khoa học Văn hóa biển đảo ở Khánh Hòa với sự tham gia của hơn 60 nhà khoa học, chuyên gia văn hóa trên cả nước. Đa số các nhà khoa học đều đánh giá Khánh Hòa là nơi phát triển mạnh mẽ nền văn hóa biển đảo của Việt Nam.

TT&VH) – Ngày 15/6, trong khuôn khổ Festival Biển Nha Trang – Biển hẹn 2011, tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam (Bộ VH,TT&DL) phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức hội thảo khoa học Văn hóa biển đảo ở Khánh Hòa với sự tham gia của hơn 60 nhà khoa học, chuyên gia văn hóa trên cả nước. Đa số các nhà khoa học đều đánh giá Khánh Hòa là nơi phát triển mạnh mẽ nền văn hóa biển đảo của Việt Nam.

Xoay quanh vấn đề văn hóa biển đảo, các nhà khoa học đã trình bày 50 báo cáo, tham luận theo 3 chủ đề chính: Văn hóa biển đảo và văn hóa biển đảo ở Khánh Hòa, Du lịch biển đảo ở Khánh Hòa và quần đảo Trường Sa ở Khánh Hòa.

Nền văn hóa hướng ra biển

Theo GS-TS Trần Ngọc Thêm (Đại học Quốc gia TP.HCM), văn hóa biển đảo là những hệ thống, giá trị vật thể và phi vật thể do con người sáng tạo, tích lũy trong quá trình tồn tại lấy biển làm nguồn sống. Và Khánh Hòa được là địa phương nằm trong khu vực có nền văn hóa biển đảo phát triển mạnh nhất nước.

 

bien_dao1

Lễ hội Cầu ngư ở Khánh Hòa

Lễ hội Cầu ngư ở Khánh Hòa

Nhóm tác giả Trần Quý Thịnh (Viện Khảo cổ học Việt Nam) cũng cho rằng: Sau hơn 30 năm nghiên cứu, với 8 di tích khảo cổ như Văn Tứ Đông, Vĩnh Yên, Cù Hin… cùng các tư liệu tích lũy được, đã cho phép khẳng định văn hóa Xóm Cồn ở tỉnh Khánh Hòa là một nền văn hóa hướng biển. Đa số các di tích thuộc nền văn hóa này đều có vết tích của vỏ nhuyễn thể, nơi cư trú nằm gần mép nước trong vũng, vịnh biển và có các dãy núi liền kề…

Nhiều nhà khoa học khác đã đưa ra các dẫn chứng, chứng tỏ Khánh Hòa có có nhiều dấu ấn đặc trưng về văn hóa biển như: Biển trong ngữ văn dân gian Khánh Hòa, tên địa danh gắn với nghề biển Hòn Rớ, Hòn Hèo, Bến Cá, đầm Thủy Triều, đảo Sinh Tồn, đảo Thuyền Chài… nghề biển có nghề lưới đăng, câu cá biển; trong ẩm thực nổi tiếng có nghề làm nước mắm, các loại mắm cá cơm, cá thu; văn hóa dân gian có Lễ hội Cầu ngư thờ cá voi…

Không chỉ ở vùng bờ, Khánh Hòa còn có quần đảo Trường Sa, một thế mạnh của địa phương trong bảo tồn và phát huy văn hóa biển đảo.

Một “quốc gia biển” hùng mạnh

Không chỉ ở Khánh Hòa, người Việt từ xưa đến nay đã sống chung, khai thác và chinh phục biển. Những di chỉ “đống vỏ sò” hay “cồn sò điệp” trong các nền văn hóa khảo cổ như: văn hóa Quỳnh Văn, văn hóa Bàu Tró, văn hóa Thạch Lạc, văn hóa Hạ Long… là những dấu tích chứng minh rằng biển cả là nơi cung cấp nguồn sống chủ yếu cho các cộng đồng người tiền sử cư trú ở ven biển Việt Nam từ hàng ngàn năm trước.

 

bien_dao_2

Mẫu thuyền đa tác khắc trên Cao Đỉnh ở Đại Nội, Huế

Người Việt đã biết dùng nước biển để làm muối từ hàng ngàn năm trước và kỹ thuật làm muối của người Việt cũng vô cùng độc đáo: nấu nước biển để lấy muối. Chính vì thế, mà trong khi người Hoa gọi dân làm muối là diêm dân, thì người Việt lại gọi người làm muối là táo hộ hay táo công. Cách thức làm muối độc đáo ấy không chỉ được phản ánh trong sách Đại Việt sử ký toàn thư mà còn được chứng thực bởi nghề làm muối ở làng Nại Hiên (thành phố Đà Nẵng) với những dấu vết còn lưu giữ trên thực địa và cả trong ký ức dân gian.

Một minh chứng nữa, từ thế kỷ 16 – 17, các chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã cử những đoàn thuyền vượt biển đi giao lưu, buôn bán với các lân bang như Trung Hoa, Nhật Bản, Lưu Cầu, Nam Dương, Xiêm La… Chúa Nguyễn Phúc Chu (1675 – 1725) đã thành lập đội Hoàng Sa, dong thuyền đến các quần đảo Hoàng Sa và Bắc Hải (Trường Sa) để khai thác nguồn lợi hải sản, đo đạc hải trình, xác lập chủ quyền của tổ quốc trên những vùng biển đảo xa xôi.

Năm 1789, Nguyễn Ánh đã sai người đóng 40 đại chiến thuyền và hơn 100 ghe bầu cung cấp cho Xiêm La để đổi lấy vũ khí và sắt thép. Thuyền đóng ra không chỉ để bán cho Xiêm La, mà bán cho cả thương nhân người Hoa, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Tàu thuyền do người Việt đóng lúc ấy đã đạt trình độ kỹ thuật cao khiến người phương Tây phải khâm phục.

TS Trần Đức Anh Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Đà Nẵng, cho rằng: Một “quốc gia biển” chỉ thực sự hùng mạnh khi chủ quyền đối với các vùng biển đảo của tổ quốc được bảo vệ vững chắc. Và chiến lược “phát triển kinh tế biển” phải gắn liền với “bảo tồn văn hóa biển”.

 

bien_dao_3

Trang sức bằng đá tại di chỉ Văn Tứ Đông – Khánh Hòa

Cần lập 3 bảo tàng về biển đảo

Để bảo tồn văn hóa biển, theo TS Sơn: Nước ta cần xây dựng ít nhất 3 bảo tàng là: bảo tàng về hàng hải, bảo tàng ngành đóng tàu, bảo tàng văn hóa biển đảo; tiến hành kiểm kê, xếp loại và đánh giá toàn bộ di sản văn hóa biển trên cả nước; ưu tiên nguồn vốn tôn tạo, khảo cứu, các di tích lịch sử, văn hóa liên quan đến quá trình khai thác, chinh phục, xác lập và giữ gìn chủ quyền biển đảo; xây dựng các chương trình quảng bá di sản văn hóa biển Việt Nam đến với cộng đồng trong nước và quốc tế.

Quang Đức