Văn hóa cà phê Việt Nam – Một tương lai cần được khai phá
Cà phê, thức uống thân thuộc có ở khắp mọi nơi trên đất nước hình chữ S. Từ quán ven đường sầm uất cho đến cửa tiệm nhỏ bình dị nằm khuất quanh góc phố. Khám phá phong cách uống cà phê Việt Nam, là ta đang khám phá cả một nền văn hóa sôi động bậc nhất. Vậy điều gì đã làm nên văn hóa cà phê Việt Nam?
Khi cà phê đã trở thành lối sống
Những cây cà phê đầu tiên theo chân người Pháp đến Việt Nam vào thế kỷ 19. Hạt cà phê chủ yếu vào thời điểm đó là Robusta. Thức cà có hương vị đậm, đắng và đã ảnh hưởng đến cách thưởng thức của người Việt trong một thời gian dài.
Sự bùng nổ của văn hóa uống cà phê đã kéo dài hàng thập kỷ từ những năm 90 đến nay. Biến nó từ một món thức uống giản đơn để giải khát, trở thành một lối sống đặc trưng của người Việt.
Thật trống rỗng và vô hồn biết bao nếu thiếu đi những quán cà phê lớn nhỏ chạy dọc các con phố! Vắng vẻ làm sao khi ven đường không còn những con người ở đủ mọi lứa tuổi đang say sưa chuyện trò, hay trầm ngâm đọc báo bên cạnh tách cà phê bình dị!
Có lẽ sự ưa chuộng cà phê của người Việt được thể hiện rõ ràng và bao quát nhất ở văn hóa cà phê Sài Gòn. Vùng đất của dân tứ xứ luôn dang tay ôm trọn nỗi niềm muôn phương. Nơi cà phê như một điểm giao nằm ở trung tâm của nhiều vòng kết nối xã hội. Dù chỉ là một món thức uống thôi nhưng lại chứa đựng nội lực gắn kết mối quan hệ giữa mọi người lại với nhau.
Mỗi giọt “phin” đen đặc rơi xuống là một câu chuyện riêng, một vùng miền thân thương, một nền văn hóa đa dạng của đất nước. Ở đó có người thích cảm nhận cái đắng nguyên chất chảy chầm chậm của cà phê đen đá, có người thích dư vị ngọt ngào khi thêm chút sữa đặc ngầy ngậy. Có người hoạt bát, có người điềm đạm. Có người chỉ quen ngồi quán cóc, có người thích thả mình suy tư nơi không gian thanh cảnh. Dù là ai chăng nữa, họ cũng chẳng thể nào từ chối được hấp lực của ly cà phê Việt Nam.
Cà phê Specialty và khát vọng xây dựng nền văn hóa mới
Danh xưng “đất nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 trên thế giới” của Việt Nam chủ yếu đến từ ngành công nghiệp sản xuất cà phê Robusta. Nó chiếm khoảng 97% diện tích trồng cà phê của đất nước. Loài hạt Robusta vốn dễ trồng hơn hạt Arabica bởi sự hậu thuẫn của điều kiện thời tiết và thổ nhưỡng ở Việt Nam.
Khái niệm cà phê Specialty (cà phê đặc sản) lần đầu tiên được đưa ra thảo luận ở Việt Nam vào năm 2019. Đó là những hạt cà Arabica được trồng, chế biến và rang xay theo tiêu chí SCA – Hiệp Hội Cà Phê Hoa Kỳ. Mọi thảo luận nhằm thúc đẩy xuất khẩu và xây dựng thị trường nội địa cho các loại cà phê được chỉ định trong khu vực. Với mục đích nâng cao hình ảnh và vị thế của Việt Nam.
Việc ưu tiên sản xuất cà phê chất lượng cao đồng thời cũng là đang xây dựng một nền văn hóa mới. Ở đó, sự văn minh được đo đếm trong những tách cà phê sạch, không còn những rang tẩm, pha tạp. Chúng định nghĩa lại tiêu chuẩn quản lý chất lượng cho những Coffee Roasters tại Việt Nam, như Mr.Ric Rhinehart (*) đã từng nói:
“Một loại cà phê đáp ứng mọi tiêu chuẩn chất lượng và làm tăng giá trị cuộc sống cũng như sinh kế của tất cả những người tham gia vào chuỗi cung ứng, thực sự là một Specialty Coffee”.
43 Factory Coffee Roaster ý thức được sứ mệnh và luôn khát vọng xây dựng văn hóa thưởng thức cà phê chất lượng nhất. Với sự khắt khe ngay từ nguồn nguyên liệu Arabica được nhập, Xưởng hi vọng trong tương lai điều đó sẽ ảnh hưởng tích cực đến các đồn điền, trang trại cà phê tại Việt Nam. Hình thành cho họ sự đầu tư, tập trung và cẩn trọng trong mọi kỹ thuật canh tác để đáp ứng nhu cầu cao của thị trường. Đảm bảo sự cân bằng sinh học, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tích cực đến sức khỏe cộng đồng bởi nguồn cà phê sạch, nguyên chất.
Người ta nói, cà phê được du nhập vào Việt Nam bởi người Pháp, nhưng những tâm hồn Việt đã đặt lại cho chúng một quy chuẩn riêng. Ở đó, một nền văn hóa sôi động, thú vị, và đầy khác biệt được ra đời thật tự nhiên và mạnh mẽ. Trong tương lai, tin chắc Specialty Coffee sẽ là một bước tiến mới của ý thức hệ, xây dựng văn hóa cà phê Việt Nam trở nên hoàn chỉnh nhất.
* người có quyền lực điều hành và quản lý của SCA