Văn hóa Champa trong dòng chảy văn hóa Việt
Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Kỳ Phương được đồng nghiệp biết đến là một người làm việc kỹ lưỡng, chất lượng, khao khát tìm tòi cái mới, khao khát nhận thức trọn vẹn sự khác biệt văn hóa vùng để nhận thức sâu sắc hơn văn hóa bản địa có thể xem là cội nguồn cảm hứng để ông Trần Kỳ Phương lầm lũi với Văn hóa Chăm suốt hơn 40 năm qua.
Nhân dịp Di chỉ Khảo cổ Champa Phong Lệ, thuộc phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng, được xếp hạng di tích cấp thành phố, chúng tôi có cuộc trò chuyện ngắn với ông.
– Thưa nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương, thông tin Di chỉ Khảo cổ Champa Phong Lệ, thuộc phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng, được xếp hạng di tích cấp thành phố, ông có nhận xét gì về sự kiện này?
Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Kỳ Phương.
+ Di chỉ khảo cổ học Champa Phong Lệ là một di tích quan trọng trong hệ thống khảo cổ học Champa tại miền Trung cũng như tại Đà Nẵng. Giá trị nổi bật của di tích này là hệ thống nền móng kiến trúc của một ngôi đền Hindu Champa được phát lộ với nguyên vẹn cấu trúc của kỹ thuật và vật liệu xây dựng.
Trong thời thuộc Pháp, các nhà khảo cổ học chỉ khai quật được một vài di chỉ Champa có cấu trúc nền móng, chẳng hạn tại Po Nagar Nha Trang hay tại Trà Kiệu; tuy nhiên những chứng cứ vật chất phát hiện được trong các cuộc khai quật đó không được phong phú vì thế những hiểu biết về cấu trúc nền móng tháp Chàm vẫn còn hạn chế.
Trong cuộc khai quật tại di chỉ Phong Lệ vào những năm 2011- 2012 các nhà khảo cổ học của Đại học Quốc gia Hà Nội và Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng (BTĐKCĐN) đã phát hiện được một tổ hợp gồm nhiều kiến trúc đền – tháp Ấn Độ giáo, trong đó, quan trọng nhất là hệ thống cấu trúc nền móng trong lòng tháp của ngôi đền chính mà tiếng Chăm gọi là kalan.
Những phát hiện mới này giúp các nhà khảo cổ học và lịch sử nghệ thuật Champa có cơ sở vật chất để nghiên cứu về kỹ thuật kiến trúc đền – tháp, là một vấn đề vẫn còn bỏ ngỏ.
Nghiên cứu sâu vấn đề này sẽ góp phần nâng cao hiểu biết của chúng ta về trình độ phát triển kỹ thuật của nền văn minh vật chất Champa, cũng như làm sáng tỏ tư duy sáng tạo của cư dân bản địa trong sự tiếp biến văn hóa đa dạng đến từ các nền văn hóa bên ngoài.
Việc di chỉ Phong Lệ được xếp hạng di tích cấp thành phố là một tin vui, đến với công chúng và giới chuyên môn vì quyết định này tạo cơ sở pháp lý để bảo vệ di tích không bị xâm phạm góp phần khẳng định giá trị của nó cũng như giúp định hướng bảo tồn di sản văn hóa Champa tại Đà Nẵng trong tương lai.
– Hơn 40 năm gắn bó với Văn hóa Champa, điều gì ở nền văn hóa này thu hút ông lâu bền đến vậy?
+ Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật Champa đối với tôi là một niềm vui lớn, giúp tôi giải đáp được một phần những thắc mắc về văn hóa lịch sử Việt Nam khi còn là sinh viên. Thời trẻ, tôi được dịp sống tại nhiều địa phương ở miền Trung, những tiếp xúc với sự khác biệt trong văn hóa ứng xử của từng vùng khiến tôi hình thành những thắc mắc về một nền văn hóa chung. Do đó tôi khao khát tìm hiểu những khác biệt tiềm ẩn trong dòng văn hóa chung của người Việt.
Nhờ tiếp xúc với văn hóa nghệ thuật Champa, tôi có được những cơ sở ban đầu để tìm hiểu sâu hơn về sự khác biệt của văn hóa vùng mà giới chuyên môn gọi là “cultural area studies”. Dĩ nhiên, sự khác biệt về mô hình kinh tế của từng địa phương, nhất là vai trò của địa-kinh tế, đã hình thành nên cơ sở của sự đa dạng văn hóa của Việt Nam trong lịch sử cũng như hiện tại. Hơn nữa, nghiên cứu học thuật đòi hỏi tính chuyên nghiệp rất cao, cho nên một khi đã chọn được đề tài thích hợp thì khó có thể chuyển đổi sang một đề tài khác.
– Văn hóa Champa đã ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển Văn hóa Trung bộ nói chung và Đà Nẵng nói riêng?
+ Chúng ta có thể dễ dàng nhận thức được diện mạo văn hóa Việt Nam với tính chất vùng miền độc đáo của nó. Sự khác biệt rõ nét của văn hóa ba miền Bắc –Trung – Nam bộc lộ rất rõ trong cá tính của mỗi vùng trong văn hóa vật thể cũng như phi vật thể như tín ngưỡng, lễ hội, ẩm thực, âm nhạc, ca múa, cho đến kiến trúc dân gian, kỹ thuật nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp, v.v. đều mang tính khác biệt. Và từ đó chúng ta có thể nêu câu hỏi về sự khác biệt đa dạng này?
Theo tôi một trong những nguyên nhân chính tạo ra sự khác biệt đó chính là yếu tố môi trường được cấu tạo bởi tính chất địa lý riêng biệt của mỗi miền. Chẳng hạn những yếu tố khác biệt sâu xa mang tính địa lý của đồng bằng sông Hồng, duyên hải miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long. Từ sự khác biệt về thổ nhưỡng đó dẫn đến sự khác biệt về phương cách ứng xử trước thiên nhiên rồi dẫn đến các phương thức kinh tế khác nhau.
Ngoài ra, một yếu tố quan trọng nữa mà lâu nay thường bị quên lãng trong nghiên cứu lịch sử văn hóa Việt Nam, đó là sự tương tác kinh tế – thương mại và văn hóa giữa miền xuôi và miền ngược, trong đó đồng bào các dân tộc đã góp phần tích cực vào việc hình thành diện mạo văn hóa Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước.
Thần Siva múa Phong Lệ, thế kỷ 10, chất liệu sa thạch. Trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Ảnh Trần Kỳ Phương.
Vì vậy, văn hóa miền Trung cũng như của Đà Nẵng cũng thuộc về những phạm trù đó. Duyên hải miền Trung cấu thành bởi một dải đất hẹp nằm ép sát giữa núi và biển cùng với một hệ thống sông ngòi kết nối miền thượng với miền xuôi, mở ra những cửa sông lớn, do đó một hệ thống cảng – thị được hình thành và phát triển thịnh đạt từ thời tiền – sơ sử cho đến thời Champa, rồi Đàng Trong và triều Nguyễn sau này.
Sự phát triển kinh tế liên tục dựa vào nguồn xuất nhập khẩu và được bổ sung bằng mạng lưới trao đổi hàng hóa thuận tiện giữa miền ngược và miền xuôi đã hình thành nên những yếu tố đặc trưng của văn hóa miền Trung.
– Thành phố Đà Nẵng đãkhai thác tài nguyên văn hóa này như thế nào để phát triển du lịch – văn hóa trong thời gian qua?
+ Hệ thống di tích Champa được phát hiện dọc theo những dòng sông chính của thành phố như sông Hàn, sông Cẩm Lệ, sông Cổ Cò, v.v… có thể cho thấy diện mạo của các hoạt động văn hóa tại đây trong các thế kỷ X cho đến XIII. Trong đó di tích Khuê Trung hay Hòa Khuê cung cấp một bản văn khắc rất giá trị có niên đại đầu thế kỷ X nhấn mạnh vai trò tổ chức trong hoàng gia Champa cũng như việc xây dựng một tu viện đạo Siva tại đây. Nhờ văn khắc này các học giả về lịch sử và tôn giáo Đông Nam Á có thêm chứng cứ về hoạt động đương thời của đạo Siva tại vùng này bên cạnh Phật giáo Mật tông Đại thừa.
Ngoài ra di tích Phong Lệ và những di tích quan trọng khác gồm hơn mười đơn vị như Non Nước, Quá Giáng, Túy Loan, An Sơn, Xuân Dương, v.v. đã hình thành một phức hệ đền – tháp Champa được xây dựng từ thế kỷ IX đến thế kỷ XIII tạo nên bề dày lịch sử của thành phố này. Tuy nhiên, nổi bật nhất chính là Bảo tàng Điêu khắc Chăm nơi đã trở thành địa chỉ du lịch chính của thành phố, hằng năm thu hút hàng vạn khách du lịch trong và ngoài nước.
Bên cạnh những hoạt động phong phú và có hiệu quả của BTĐKCĐN thì các di tích Champa khác trên địa bàn thành phố vẫn chưa được kết nối thành một hệ thống. Nếu tổ chức và quản lý tốt các di tích Champa này thì có thể hình thành một tour du lịch – văn hóa mang tính độc đáo của riêng nó; và có thể bổ sung kiến thức để tìm hiểu giá trị của sưu tập BTĐKCĐN.
– Ông đã tham gia nhiều cuộc hội thảo quốc tế về văn hóa – nghệ thuật Châu Á và Đông Nam Á, theo ông, văn hóa Champa có sức hút như thế nào đối với các nhà nghiên cứu văn hóa trên thế giới?
+ Đối với giới nghiên cứu lịch sử, khảo cổ học và lịch sử nghệ thuật quốc tế thì Champa là một bộ phận hình thành nên lịch sử – văn hóa của Đông Nam Á nói chung và của Việt Nam nói riêng. Vì thế họ rất quan tâm đến Champa trong những công trình nghiên cứu so sánh (comparative study) về lịch sử và nghệ thuật.
Trong những công trình xuất bản mới nhất hiện nay về lịch sử và văn minh Đông Nam Á, Champa luôn chiếm một vị trí trang trọng có thể sánh ngang với các nền văn minh cổ khác trong vùng như Angkor của Campuchia, Bagan của Miến Điện, Java của Indonesia, Dvaravati của Thái Lan, Hoàng thành Thăng Long, v.v.
– Xin cảm ơn nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương!