“Văn hóa chửi”

8,628

lượt xem

Cuộc sống ngày càng tốt lên, ứng xử với nhau như thế nào cũng là điều mà trẻ con, người lớn cũng phải học. Mong sao những người ứng xử với nhau theo kiểu “văn hóa chửi” sẽ dần thấy lạc lõng để con người với con người sống tốt với nhau hơn.

Vừa im ắng đuợc ít ngày, hôm nay tôi lại nghe thấy tiếng ầm ĩ ở bên nhà hàng xóm. Khởi đầu là một tiếng choang nghe lãng tai, tiếp đó là điệp khúc quen thuộc: Mày cũng ăn cơm, ăn gạo mà sao mày ngu thế. Tính tò mò tôi chạy sang nghe lỏm. Ông hàng xóm tiếp tục cao giọng: Mày cũng là nguời, nó cũng là nguời vậy mà mới nghe nó dọa vài câu đã móc tiền ra cho nó. Ngu, ngu hết chỗ nói. Ðang chăm chú nghe thì tôi giật mình vì tiếng còi và chiếc xe Toyota màu đỏ ớt của bạn ông chủ đỗ ngay truớc mặt. Cô gái trẻ buớc xuống xe lạnh lùng nhìn tôi rồi lặng lẽ mở cửa vào nhà, cánh cửa khép lại và tiếng ầm ĩ cũng không còn. Tôi thầm nghĩ con người này cũng kinh thật chỉ cần xuất hiện là mọi chuyện gần như đâu vào đấy.

Nhớ ngày gia đình ông mới ở quê lên, cô vợ gầy đen được giới thiệu là giáo viên truờng làng. Cô luôn đon đả chuyện trò với hàng xóm, nguời ở quê mới lên tỉnh nên tính thật thà vẫn còn chứa đầy trong lòng nguời phụ nữ. Cô vui vẻ kể với mọi người về chuyện gia đình mình, từ việc mua lại nhà của vị lãnh đạo, đến chuyện học hành của hai cậu ấm, chuyện đứa cháu gái thiệt thòi gia đình cô phải cưu mang và cả chuyện công tác của chồng. Cũng từ những cuộc trò chuyện ấy mà khối chuyện thâm cung của gia đình dần dần hàng xóm, bạn bè cũng biết.

Có lần tôi hỏi: Sao anh ấy hay nói tục, chửi bậy vậy? Chị bảo: Lúc hai người lấy nhau ông ấy mắng chửi ít hơn nhưng tính cùn thì đã có từ lâu rồi. Ngồi im lặng một chút như để nghĩ lại cho tường tận những gì đã qua, rồi chị nói như tâm sự, nhiều lần nghe chồng chửi mà nằm khóc một mình nhưng rồi dần dần cũng quen. Nhiều khi bạn bè cứ hay nói đùa, mày làm giáo viên mà sao cứ để cho ông ấy chửi mãi vậy? Những lúc như thế, chị chỉ nói lảng đi: Tuy vậy thôi nhưng anh ấy quý tao lắm, yêu tao lắm. Có lần mẹ chị hỏi hai vợ chồng mày thế nào, chị bảo chúng con vẫn vui vẻ bình thường. Bà nói luôn: Vui vẻ bình thường gì mà nó mang cả bố, cả mẹ mày ra chửi.

Gần 40 năm ở với nhau, có với nhau hai mặt con và đều đã trưởng thành nhưng giờ nghĩ lại những ngày đầu ở với nhau chị thấy vẫn còn nguyên cái kinh, cái sợ mỗi khi anh lên giọng chửi bới hoặc đập cái nọ, phá cái kia. Cũng may cùng với thời gian công việc của ông cũng bận rộn thêm và chuyện mắng chửi cũng bớt dần. Cái văn hóa chửi chỉ nổi lên những khi ông dính tí men hoặc bực dọc chuyện này, chuyện khác. Tôi hỏi thế lúc nào ông ấy cũng bực dọc vậy à? Chỉ bực với chị, với con cái hay với cả mọi nguời? Chị bảo chuyện đó cũng tùy mỗi khi có chuyện này chuyện khác mà không vừa lòng là ông lấy vợ, lấy con ra để chửi. Nhưng không phải lúc nào ông ấy cũng chửi, có người ông ấy đon đả đến mức bạn bè, hàng xóm, con cái cũng phải ghen tỵ. Thằng con công tác xa nhà nhưng phải xin cả số điện thoại của bạn bố để chỉ nói mỗi câu “cô hãy xa bố cháu ra”. Vì nó thấy cứ mỗi lần cô này xuất hiện bất kể ở nhà hay ở quê, bên nội hay bên ngoại thì bố nó cũng mềm yếu một cách khác lạ.

Một lần vào bệnh viện thăm nguời nhà, tôi thấy ở cửa phòng bệnh nhân mọi nguời đứng xúm đông xem một bệnh nhân đang vùng vẫy do bị buộc chặt chân tay và nghe anh ta chửi bậy, anh chửi vợ, chửi con, chửi y bác sĩ và chửi cả ông giám đốc bệnh viện đến thăm mình. Hỏi ra tôi mới biết anh là một sĩ quan quân đội đã nghỉ hưu về nhà với vợ, với con anh cũng mang theo cả cái thói quen thích uống rượu. Anh uống rượu không cần đồ nhắm, cứ có rượu là anh uống, hết ruợu anh lại sai con đi mua, không có ruợu là anh chửi bới thậm chí đánh vợ, đánh con, quát cả bà mẹ già đã gần 90 tuổi. Con đường từ một sĩ quan quân đội đến nguời nghiện rượu rồi nát rượu của anh diễn ra chỉ trong vòng 2 năm. Anh uống rượu bất cứ lúc nào và khi thiếu rượu thì anh cũng chửi vợ, đánh vợ bất kể nhà chỉ có hai nguời hay có khách ngày tết, hay ngày giỗ. Chị vợ cũng là một giáo viên, chị bảo trong những lúc anh như thế chị chỉ biết thương chồng mà không làm sao đuợc. Chị bảo giá mà phải đổi cả gia tài để anh bỏ rượu chị cũng đổi. Vì chị nhớ rất rõ những kỷ niệm hồi hai người mới đến với nhau khi mà anh chưa nghiện rượu, chưa nát rượu như bây giờ anh yêu vợ, thương con, quý mẹ vô cùng. Chị bảo mọi thói hư tật xấu của anh bây giờ đều từ rượu mà ra. Biết vậy nên anh chửi chị nghe, anh mắng chị cũng nghe, anh đánh chị chịu.

Thương chồng, thương con, thương bố mẹ nên ngoài việc đi dạy ở trường chị dành tất cả thời gian cho gia đình, chỉ mong anh biết mà bỏ ruợu. Nhưng điều mong muốn đó chỉ là giấc mơ vì anh bỏ làm sao được rượu.

Tôi còn nhớ hồi bé mỗi khi nghe thấy tôi nói tục, chửi bậy, bố tôi thường bảo học cái hay, cái tốt thì khó chứ học cái dở thì dễ lắm. Cố mà học lấy cái hay, cái tốt. Bây giờ lớn lên đi làm viên chức nhà nước mỗi khi nghe thấy ai nói tục, chửi bậy tôi lại nhớ tới điều bố tôi dặn. Ấy vậy mà nghe nói ở cơ quan nọ có ông giám đốc chửi cả cơ quan từ người già đến người trẻ, từ cô thạc sĩ đến anh cán bộ trung cấp, kỹ sư, đại học ông đều chửi tuốt, đã nói tục, chửi bậy ông lại còn có thêm cái tài chuyên nói dối, nói dựa và đổ lỗi cho người khác. Có người nghe ông chửi đã thành quen, nhưng cũng không ít người cứ thấy ông chửi là phải lảng đi chỗ khác. Một anh cán bộ sắp đến tuổi nghỉ hưu nghĩ mãi buồn quá nên đem chuyện nói tục, chửi bậy của ông ra góp ý ở hội nghị cơ quan, nghe đâu ông cũng tiếp thu được vài ngày rồi sau đó vẫn chứng nào tật ấy. Anh cán bộ kia thì khổ vì cái tội đã nói thẳng, nói thật, thậm chí quân gia trong phòng cũng khổ theo vì sếp thẳng tính dám góp ý với lãnh đạo.

Chúng ta đang sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Ở cơ quan, đơn vị nào, ở xã nào, phường nào cũng đang xây dựng cơ quan văn hóa, gia đình văn hóa, nếp sống văn minh. Vẫn biết rằng những chuyện như trên không nhiều, nó chỉ là những con sâu làm rầu nồi canh nhưng mỗi khi nhớ đến, nghe thấy, tôi vẫn thấy buồn vì đã sang thế kỷ 21 rồi mà vẫn còn những người nói tục như hát hay, coi vợ con, coi nhân viên như người ở trong nhà, lấy mắng chửi là thước đo cho hiệu quả công việc, đối xử với mọi người theo ý thích của mình. 

Cuộc sống ngày càng tốt lên, ứng xử với nhau như thế nào cũng là điều mà trẻ con, người lớn cũng phải học. Mong sao những người ứng xử với nhau theo kiểu “văn hóa chửi” sẽ dần thấy lạc lõng để con người với con người sống tốt với nhau hơn.

Tuấn Dung