Văn hóa chửi mắng – Hội Nhà Văn Việt Nam
Vanvn- Chửi là la mắng, là nói những lời thô tục, cay độc để làm nhục người khác”, đó là theo từ điển tiếng Việt thông dụng. Cá nhân tôi cho rằng đôi khi cũng cần phải diễn đạt ngôn từ một cách mạnh mẽ, biểu cảm – đôi khi cũng cần phải chửi. Và rõ ràng khi không có đòn để đỡ, khi phải cam chịu ẩn nhẫn, khi yếu thế không làm được gì đối thủ, người ta có thể phải chửi. Chửi cho bõ tức. Chửi là cần thiết, vấn đề là chửi cũng cần có văn hóa, làm cho đối phương thấy nhục cũng phải có văn hóa.
Nhiều người tự hào rằng ở Việt Nam có hẳn một cái gọi là văn hóa chửi – có nghĩa là người Việt chửi có vần có vè, có ve có vẩy; chửi có bài bản, lớp lang. Nếu văn hóa được định nghĩa như là những giá trị vật chất, tinh thần do con người tạo ra trong lịch sử hay lối sống, cách ứng xử có trình độ cao thì quả thật chửi cũng là một nét văn hóa.
Trong cuốn Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam của Trần Ngọc Thêm có đoạn: “Với lối chửi có vần điệu, có cấu trúc chặt chẽ, người Việt Nam có thể chửi từ giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác mà không hề nhàm chán. Đó là một nghệ thuật độc nhất vô nhị mà không một dân tộc nào trên thế giới có được”.
Nghệ thuật chửi Việt Nam chủ yếu xuất phát từ miền Bắc do nếp sống cộng đồng tình cảm, ưa tế nhị và để tránh cái thô tục không cần thiết, người ta có hàng trăm cách, trăm lối diễn tả xa xôi, bóng gió được coi là tao nhã mà vẫn làm đối thủ tức đến hộc máu mồm. Bên cạnh chửi tục, người ta còn có lối nói mát, nói mỉa, nói xéo, chê bai cũng độc địa kinh khủng mà người ta cũng gộp luôn vào, mở rộng thuật ngữ chuyên “chửi”. Ở đây cũng cần phân biệt giữa “chửi thề” và “chửi”: chửi thề là văng tục, chửi vô tội vạ, chửi bất cứ lúc nào – kể cả lúc vui, chửi mà không có dụng ý bôi nhọ, không nhằm đối tượng nào; chửi thường nhắm đích danh người nào đó và thường trong lúc giận dữ, có dụng ý.
Ngày xưa, chửi được coi là vũ khí của người nghèo bất khuất, người yếu bất khuất. Những kẻ thống trị có đầy đủ vũ khí, sức mạnh, còn những người bị trị luôn bị tước đoạt đến trần trụi cả về vật chất lẫn tinh thần, nhưng không phải vì thế mà kẻ bị trị chịu yên, họ biết dùng đến vũ khí độc tôn của mình để chống lại những cái trái với luân thường, trái với pháp luật, trái đạo đức. Mà đúng là “chửi” là vũ khí độc tôn của kẻ nghèo, khi trời dường như phú cho họ cơ quan phát thanh rất tốt, có thể vang khắp xóm cùng quê, có thể chửi từ giờ này sang giờ khác. Chửi, với các bài chửi điển hình như bài “Chửi đứa bắt gà” kéo dài hàng giờ, hàng ngày, dù kẻ bắt gà chắc gì đã mang gà ra trả, nhưng cái việc chửi vẫn phải được tiến hành, trước tiên để bõ tức, để giải tỏa tâm lý, sau đó là để phòng ngừa, để đánh thức lương tâm, đánh thức và nuôi dưỡng công lý. Có lẽ, đây cũng là một biểu hiện văn hóa trong cái sự chửi.
Thật ra thì văn hóa chửi cũng không phải là đặc sản quá độc đáo của người Việt. Bộ sử thi tiểu thuyết hoành tráng Tam quốc chí đã kể rất kỹ về chuyện khi dàn trận đánh nhau các bên rất hay sử dụng một loại quân khá đặc biệt, đấy là những “mạ thủ”. “Mạ thủ” thường chọn những người giọng tốt, ngữ điệu chắc chắn phải cong cớn, đứng ngay ở hàng đầu gào to những lời xỉ mắng đối phương. Khổng Minh Gia Cát Lượng của nhà Thục đã từng đích thân đanh đá mắng chết Tư đồ Vương Lãng của nhà Ngụy.
Ở Ukraine hiện tại có cả cuộc thi chửi được tổ chức hàng năm có mục đích để thanh niên làm quen với văn hóa chửi của dân tộc và nâng cao tình yêu nước. Cuộc thi chửi được tiến hành theo hình thức hai người bước ra sàn đấu, lần lượt chửi nhau và bất cứ ai muốn đều có thể tham gia. Người dự thi có thể trích dẫn những câu nói từ văn học cổ Ukraine bao hàm các câu chửi rủa đậm màu sắc dân tộc. Người thắng cuộc là người có vốn từ vựng phong phú.
Cách chửi thay đổi rất nhiều, tùy theo vùng miền văn hóa. Ngay cả ở Việt Nam, người Bắc có cách chửi khác người Trung, người Trung chửi khác người Nam. Tuy nhiên, ngày nay, nhiều khi người ta quá lạm dụng “nghệ thuật” chửi, công cụ chửi, người ta chửi chỉ cốt để chứng tỏ mình chửi giỏi, người ta nói mát, nói mỉa, nói xéo người khác dù người đó chẳng làm gì mình – chỉ cốt để sướng miệng mà không hề nghĩ đến tác dụng độc địa của “lời nói-đọi máu”. Bàn về văn hóa chửi sẽ luôn là một đề tài thú vị và chắc hẳn cũng sẽ gây nhiều tranh cãi.
PHAN AN/TNO