Văn hóa, con người Hà Tĩnh – tiềm năng vô tận
Mục lục bài viết
Văn hóa, con người Hà Tĩnh – tiềm năng vô tận
Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, những giá trị văn hóa quê hương Hà Tĩnh tiếp tục được hun đúc, kết tinh, hội tụ và tỏa sáng mãnh liệt.
Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự lập, tự cường, tinh thần cố kết cộng đồng, trí thông minh, lòng dũng cảm, nghị lực vô song, tinh thần vượt khó trong học tập và lao động cần cù, sáng tạo, lạc quan, tin tưởng về ngày mai tươi sáng, không bao giờ chịu khuất phục trước nghịch cảnh, tràn đầy tinh thần nhân văn cao cả của người Hà Tĩnh.
Núi Hồng, sông La. Ảnh: Đậu Hà
Văn hóa, con người – tiềm lực to lớn của đất nước
Lịch sử nhân loại bao nhiêu thế kỷ qua cho thấy: để sinh tồn và phát triển, mọi quốc gia, dân tộc đều đã từng phải trải qua những cuộc chiến đấu gian khổ chống lại thiên tai, giặc giã, dịch bệnh… Để giành thắng lợi trong các cuộc đấu tranh sinh tồn ấy, con người phải luôn huy động nguồn sức mạnh nội sinh đặc biệt: sức mạnh văn hóa, con người.
Cuối thế kỷ XX, “Tuyên bố về chính sách văn hóa” tại Hội nghị quốc tế về chính sách văn hóa của UNESCO năm 1982 ở Mexico từng nêu rõ: “Văn hóa đem lại cho con người khả năng suy xét về bản thân. Chính văn hóa làm cho chúng ta trở thành những sinh vật đặc biệt – con người, có lý tính, có óc phê phán và dấn thân một cách đạo lý. Chính nhờ văn hóa mà con người tự thể hiện, tự ý thức được bản thân, tự biết mình là một phương án chưa hoàn thành đặt ra để xem xét những thành tựu của bản thân, tìm kiếm không mệt mỏi những ý nghĩa mới mẻ và sáng tạo nên những công trình vượt qua cả giới hạn của bản thân”.
Ca trù và dân ca ví, giặm là những nét văn hóa độc đáo của Hà Tĩnh được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ảnh: Đậu Hà – Trần Chung
Bước sang thế kỷ XXI, nhân loại đã phát hiện ra rằng: văn hóa, con người chính là nguồn tài sản vô giá của một quốc gia, dân tộc. Thực tế cho thấy, có những quốc gia, tài nguyên khoáng sản không nhiều, thiên nhiên khắc nghiệt nhưng vẫn phát triển mạnh mẽ, bởi đất nước đó có sức mạnh đặc biệt của văn hóa, con người.
Con người là chủ thể sáng tạo ra văn hóa. Cả một cộng đồng dân tộc sẽ sáng tạo nên dòng sông văn hóa cuộn chảy qua các bến bờ thời gian, chuyên chở vô vàn phù sa giá trị văn hóa màu mỡ bồi đắp cho đồng bằng châu thổ tâm hồn, trí tuệ và cảm xúc cho con người đời sau.
Khi một nền văn hóa hình thành và phát triển sẽ trở thành một không gian môi trường văn hóa rộng lớn chứa đựng các giá trị chân – thiện – mỹ, giúp con người ngày càng thể hiện bản chất người hơn.
Văn hóa chính là phẩm chất người, giá trị người của con người. Văn hóa chính là bản sắc, phong cách, năng lượng tư duy; là sức nghĩ, cách nghĩ, cách làm sáng tạo của một dân tộc nhằm cải biến tự nhiên, xã hội để sinh tồn, sẽ có tác động to lớn đến sự phát triển nhanh và bền vững, như Bác Hồ kính yêu từng nói: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.
Toàn cảnh di chỉ khảo cổ học Phôi Phối – Bãi Cọi (xã Xuân Viên, Nghi Xuân) – nơi lưu giữ nhiều hiện vật của người Việt cổ từ hậu thời đá mới, đồng thau, văn hóa Sa Huỳnh đến thời Lý, Trần… Được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1974, đến năm 2014, Phôi Phối – Bãi Cọi được Bộ VH-TT&DL công nhận là di tích khảo cổ cấp quốc gia. Ảnh: Đậu Hà.
Phát triển đất nước trong thời kỳ đổi mới, cùng với các nguồn lực kinh tế, tài nguyên thiên nhiên, QP-AN, văn hóa ngày càng khẳng định vị trí quan trọng trong các mối quan hệ xã hội, trong chiến lược phát triển quốc gia. Trong điều kiện toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, với lợi thế của một nền văn hóa đa màu sắc, có nhiều nét độc đáo thì việc phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam là một chiến lược đúng đắn.
Đây vừa là nhiệm vụ trọng tâm, vừa là khâu đột phá có ý nghĩa chiến lược để đẩy mạnh quá trình phát triển nhanh và bền vững đất nước trong thời gian tới. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (ngày 24/11/2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định vị thế cực kỳ quan trọng này của văn hóa dân tộc: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn…”.
Sức mạnh nội sinh to lớn của Hà Tĩnh
Văn hóa của một dân tộc là toàn bộ hệ thống giá trị do con người sáng tạo ra trong các mối quan hệ tương tác giữa con người với tự nhiên, giữa con người với con người, giữa con người với xã hội, giữa cộng đồng xã hội này với cộng đồng xã hội khác. Do sinh tồn trên những vùng đất có điều kiện tự nhiên, xã hội khác nhau, cho nên các dân tộc sẽ không ngừng sáng tạo ra những giá trị riêng của mình để thích ứng với điều kiện tự nhiên, xã hội ấy.
“Hoan Châu đệ nhất danh lam” – chùa Hương Tích nằm trên dãy núi Hồng Lĩnh, thuộc địa phận xã Thiên Lộc, Can Lộc là điểm đến không thể bỏ qua mỗi khi tết đến, xuân về.
Hà Tĩnh là nơi giang sơn tụ khí gắn liền với con người tụ nghĩa để tạo nên bản sắc riêng của mình. Từ thuở hồng hoang, Hà Tĩnh là nơi tụ cư của người Việt cổ, được minh chứng bằng các di chỉ khảo cổ có niên đại trên 4.000 năm như: Phôi Phối – Bãi Cọi (Nghi Xuân), Thạch Lạc (Thạch Hà)…; là vùng giao thoa của nhiều nền văn hóa (Đại Việt – Chămpa – Chân Lạp – Trung Hoa…); từng là biên viễn, phên trấn một thời, được coi là “tiền tuyến” của hậu phương và “hậu phương” của tiền tuyến trong nhiều thời kỳ lịch sử.
Tỉnh Hà Tĩnh tọa lạc trong không gian văn hóa Bắc Trung Bộ có thiên nhiên hùng vĩ và thơ mộng, dữ dội và hoang sơ; có núi Hồng Lĩnh 99 đỉnh xanh cao, có Biển Đông bao la mặn mòi muôn ngàn sóng vỗ; có rừng đại ngàn bất tận và ruộng đồng bát ngát; có nắng gắt dữ dội và mưa tuôn xối xả; có bão tố cuồng phong và gió lào cháy bỏng…
Tất cả những sắc màu, những cung bậc thiên nhiên đa dạng ấy đã hun đúc nên tính cách đặc biệt người Hà Tĩnh: gan góc và kiên trung; đằm thắm và dịu dàng; trong sáng và khát vọng; hào hiệp và cần cù; bản lĩnh và khoáng đạt; chắt chiu và hào sảng; văn võ song toàn; trí tuệ hàn lâm và giản dị, chất phác…
Tượng đài Xô viết Nghệ Tĩnh tại thị trấn Nghèn (Can Lộc). Ảnh: Đồng Anh.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hà Tĩnh là trọng điểm đánh phá dữ dội của quân giặc. Trên mảnh đất Hà Tĩnh kiên cường còn ghi mãi tấm gương hy sinh anh dũng của 10 cô gái thanh niên xung phong ở Ngã ba Đồng Lộc, những anh hùng: La Thị Tám, Uông Xuân Lý, Nguyễn Tri Ân, Võ Triều Chung…
Đó là những biểu tượng ngời sáng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời đại Hồ Chí Minh quang vinh. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, những giá trị văn hóa quê hương Hà Tĩnh tiếp tục được hun đúc, kết tinh, hội tụ và tỏa sáng mãnh liệt. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần cố kết cộng đồng, trí thông minh, lòng dũng cảm, nghị lực vô song, tinh thần vượt khó trong học tập và lao động cần cù, sáng tạo, lạc quan, tin tưởng về ngày mai tươi sáng, không bao giờ chịu khuất phục trước nghịch cảnh, tràn đầy tinh thần nhân văn cao cả.
Những giá trị văn hóa quê hương còn là tinh thần hào hiệp, trọng nhân nghĩa, đạo đức của người Hà Tĩnh, trọng dân và lấy dân làm gốc, giàu lòng trắc ẩn, vị tha, luôn luôn “tôn sư, trọng đạo”, hiếu học, coi trọng tri thức, tạo nên miền “đất học” nổi tiếng của cả nước với danh tiếng của những “ông đồ xứ Nghệ”, “học trò xứ Nghệ”, quê hương những dòng họ khoa bảng lẫy lừng, không ngừng khao khát vươn lên một cách siêu phàm nhưng lại luôn bao dung, độ lượng, giản dị.
Đường ven biển Lộc Hà – Nghi Xuân. Ảnh: Khôi Nguyễn.
Trải qua hơn 35 năm đổi mới, quê hương Hà Tĩnh đang trên đà phát triển nhanh và bền vững. Đây chính là khi các giá trị văn hóa, đặc trưng tính cách tốt đẹp của con người Hà Tĩnh như sự kiên gan, bền chí, hiếu học, đoàn kết và cố kết cộng đồng… được khơi dậy, phát huy cao độ. Đây cũng là khi người Hà Tĩnh đang nâng cao ý thức học hỏi, “gạn đục khơi trong”, loại bỏ dần những hạn chế trong đặc trưng tính cách, bồi đắp thêm những giá trị mới để phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Tất cả tạo nên nguồn tài nguyên nhân văn quý báu, là “sức mạnh mềm” cho Hà Tĩnh phát triển bền vững.
Bởi vậy, Hà Tĩnh vẫn sừng sững một Hồng Lĩnh hùng vĩ, ẩn mang tư thế, khát vọng, bồi đắp cho dáng đứng vững vàng của người dân nơi đây; Hà Tĩnh vẫn dạt dào một dòng La, một dòng Lam như mạch nguồn từ truyền thống, đưa bước chân bao người vươn xa khắp bốn phương trời. Trên mảnh đất bom cày đạn dội năm xưa giờ là những hồ đập thủy lợi, thủy nông Kẻ Gỗ, Ngàn Trươi… xanh ngắt niềm tin, hy vọng; là những con đường huyết mạch giao thông, giao thương của cả nước; là những khu công nghiệp quy mô, hiện đại… Những thành quả đó được dựng xây bằng bàn tay, khối óc, bằng nỗ lực, quyết tâm, khát vọng vươn tới không ngừng của người Hà Tĩnh…
Formosa Hà Tĩnh – đầu tàu sản xuất kinh doanh ở KKT Vũng Áng.
Một mùa xuân mới tràn đầy niềm tin và khát vọng đang đến bên thềm thời gian. Người dân Hà Tĩnh đón chào xuân mới với khát vọng, tình yêu quê hương, đất nước tha thiết và niềm tin về một năm mới tiếp tục có nhiều thắng lợi vượt trội. Hướng tới tầm nhìn phát triển đến năm 2030, với tiềm năng sức mạnh nội sinh to lớn, Hà Tĩnh sẽ phát triển nhanh và bền vững, góp phần vì một nước Việt Nam thịnh vượng và hùng cường trong niềm tin yêu, mến phục của bạn bè quốc tế và nhân loại.
PGS.TS Nguyễn Toàn Thắng