Văn hóa, con người Việt Nam – Nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước trong giai đoạn mới
Hội thảo tập trung vào 2 nội dung chính: Giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam; Văn hóa, con người Việt Nam – Nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Ở phiên nội dung 2 với chủ đề: Văn hóa, con người Việt Nam – Nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước trong giai đoạn mới, có sự trình bày tham luận của ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT); PGS.TS Lê Thị Bích Hồng, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội; ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế; ông Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 – 2023) – Khởi nguồn và động lực phát triển”
Muốn phát triển văn hóa cần một ngành công nghiệp, thị trường văn hóa đủ mạnh
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, thực hiện chủ trương, quan điểm của Đề cương về văn hóa Việt Nam, văn hóa dân tộc đang có bước phát triển mạnh mẽ, nhất là trong thời kỳ chuyển đổi số. Với tinh thần đại chúng hoá, Việt Nam đang nỗ lực đưa văn hóa phát triển trên đa nền tảng, đến được với mọi tầng lớp nhân dân.
“Chưa bao giờ chúng ta có cơ hội đại chúng hóa văn hoá; thu hẹp khoảng cách tiếp cận, hưởng thụ văn hóa như hiện nay. Chỉ riêng với sách, trong thời kỳ chuyển đổi số, một cuốn sách ra đời được phát hành trên nhiều nền tảng mạng xã hội với đủ phiên bản như tóm tắt, phiên bản phát hành riêng cho di động, âm thanh… Sách được phát hành dưới vô vàn hình tướng là cách để sách đến được với đông đảo bạn đọc. Một cuốn sách trọn vẹn có thể tiếp cận được chỉ hàng trăm nghìn người nhưng một cuốn sách ở dạng tóm tắt, phát hành đa nền tảng có thể đến được với hàng triệu người. Giá trị của một cuốn sách vì thế tăng lên, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân ngày càng phong phú”, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Cũng theo lãnh đạo Bộ TT&TT, một trong những xu hướng tiếp cận văn hóa phổ biến hiện nay là hỏi – đáp. Tức là cần thông tin gì sẽ đặt câu hỏi. Vì lẽ đó, chúng ta cần xây dựng được công cụ trợ lý ảo, chẳng hạn như ChatGPT chuyên về văn hóa Việt Nam. Từ đó, mọi công dân Việt Nam, thậm chí là bạn bè quốc tế có cơ hội được vào đối thoại, học hỏi, mở mang hiểu biết mọi lúc, mọi nơi. Đây là cách thức truyền bá văn hóa Việt Nam nhanh, hiệu quả.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh, văn hóa muốn phát triển thì cần một ngành công nghiệp, thị trường văn hóa đủ mạnh. Công nghiệp văn hóa Việt Nam sẽ phát triển hơn khi có càng nhiều người tham gia sáng tạo văn hoá. Điều này là khả thi khi Việt Nam đang cung cấp nhiều công cụ sáng tạo số để người dân tham gia, có cơ hội sáng tạo văn hoá. Ngoài các nền tảng sẵn có, Việt Nam có thể nghiên cứu, cho ra đời thêm một sàn thương mại điện tử chuyên cung cấp các sản phẩm văn hoá; giúp phát triển các ngành công nghiệp, thị trường văn hoá. Những yếu tố này đều góp phần thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (năm 2021) rằng xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế, xã hội và không gian số sẽ giúp văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững của đất nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội thảo
Định hướng lâu dài cho sự phát triển của văn hóa Việt Nam
PGS.TS Lê Thị Bích Hồng, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội cho rằng, bản Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đã trang bị những lý luận căn bản cho cán bộ hoạt động văn hóa – tư tưởng; đặt nền móng lý luận căn bản và định hướng lâu dài cho sự phát triển của văn hóa Việt Nam. Đây là văn kiện chính thức đầu tiên, tương đối hoàn chỉnh của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ; đã phân tích đúng đắn tình hình đời sống văn hóa dưới ách Pháp – Nhật, vạch ra đường lối văn hóa cách mạng và những nhiệm vụ trước mắt, tiến tới xây dựng nền văn hóa dân tộc, nhân dân. Đề cương chính là cuốn cẩm nang có tác dụng soi đường, giúp văn hóa Việt Nam vượt qua thời kỳ đen tối, hướng tới một tương lai rạng rỡ.
Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 cho thấy “quan niệm về văn hóa mới mẻ, khoa học, phản ánh nhận thức đúng đắn về chức năng văn hóa của những người mácxít”.
Đề cương đã xác định những định hướng mới về nhận thức, hành động thực tiễn cho nền văn hóa của Đảng. Tinh thần bản Đề cương với giá trị cốt lõi (dù còn sơ khai), nhưng luôn được phát triển, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn đất nước ở từng giai đoạn lịch sử. Có thể thấy các văn kiện định hướng quan trọng của Đảng sau này được soi sáng từ Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943.
Theo bà Lê Thị Bích Hồng, ba nguyên tắc trong Đề cương: “dân tộc hóa”, “đại chúng hóa”, “khoa học hóa” đã được bổ sung, điều chỉnh ở giai đoạn sau và có ý nghĩa lớn trong chỉ đạo, xây dựng, phát triển nền văn hóa dân tộc.
“Có thể khẳng định, sự ra đời của Đề cương về văn hóa Việt Nam đã đáp ứng được đòi hỏi của lịch sử, của thực tiễn cách mạng do Đảng lãnh đạo. Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 chính là cái gốc của đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng; là một văn kiện đã đặt nền móng, mở đường cho việc xây dựng lý luận văn hóa cách mạng ở Việt Nam; là ngọn cờ tập hợp đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ nước nhà hăng hái tham gia, phụng sự sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo. 80 năm qua, Đảng ta đã có nhiều văn kiện chỉ đạo lĩnh vực văn hóa, văn nghệ phù hợp với từng thời kỳ lịch sử; nhưng Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 vẫn giữ nguyên giá trị lý luận và thực tiễn; định hướng lâu dài cho sự phát triển của văn hóa Việt Nam và mang tầm vóc cương lĩnh của Đảng”- PGS.TS Lê Thị Bích Hồng nhận định.
PGS.TS Lê Thị Bích Hồng, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội phát biểu tại Hội thảo
Làm cho văn hóa thật sự là nền tảng tinh thần của xã hội
Phát biểu tại điểm cầu Thừa Thiên- Huế, ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế cho biết, Thừa Thiên Huế là vùng đất đang lưu giữ những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần phong phú, đa dạng, đặc sắc, nơi có hệ thống di sản vật thể với gần 1.000 di tích lịch sử, văn hóa, di tích cách mạng, di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, di tích kiến trúc tôn giáo…
Thừa Thiên Huế còn là nơi có cảnh quan thiên nhiên độc đáo, có hệ sinh thái, nguồn tài nguyên biển, đầm phá đa dạng. Từ những yếu tố về tự nhiên, xã hội, đã hình thành nên “bản sắc văn hóa Huế và đặc trưng con người Huế” với những dấu ấn riêng. Đến nay, trải qua bao biến cố lịch sử và thăng trầm, Huế vẫn giữ được sự hài hòa giữa cổ kính với hiện đại, giữa những yếu tố nhân tạo với môi trường thiên nhiên.
Qua quá trình phát triển, nhân dân Thừa Thiên Huế đã có nhiều thay đổi tích cực. Vận dụng ba nguyên tắc vận động để xây dựng nền văn hóa mới được “Đề cương về văn hóa Việt Nam” nêu ra: dân tộc, khoa học, đại chúng, cùng với đường lối đổi mới đúng đắn, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế rất quan tâm đến văn hóa, đã và đang cùng cả nước ra sức xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng bản sắc văn hóa, con người Thừa Thiên Huế; làm cho văn hóa thật sự là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội, nhằm mục tiêu tất cả vì con người, vì hạnh phúc của nhân dân.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế Phan Ngọc Thọ phát biểu trực tuyến tại điểm cầu Thừa Thiên- Huế (ảnh baovanhoa.vn)
Trong đó văn hóa Huế đã lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội, vừa thể hiện tính dân tộc, tính khoa học và tính đại chúng, vừa là bản sắc riêng với những yếu tố tích cực; ngăn chặn, đẩy lùi sự xuống cấp đạo đức xã hội.
Ông Phan Ngọc Thọ cho biết, dưới ánh sáng của “Đề cương về văn hóa Việt Nam” và đường lối văn hóa của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với những nỗ lực cao nhất và những lợi thế sẵn có của mình, đặc biệt là trong bối cảnh toàn tỉnh đang nỗ lực triển khai Nghị quyết số 54-TW/NQ của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên nền tảng bảo tồn di sản văn hóa và bản sắc văn hóa Huế, Huế đã và đang hành động theo hướng cân bằng và kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển bền vững để góp phần bảo vệ và lan tỏa, phát huy các giá trị của các di sản, nhất là di sản đã được UNESCO ghi danh, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế, bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa Việt Nam.
Tư tưởng vạch đường cho sự phát triển của văn hóa Việt Nam
Phát biểu trực tuyến tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh, ông Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời đã bắt đúng mạch nguồn tư tưởng, có sức mạnh hiệu triệu đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, các tầng lớp nhân dân Việt Nam; khơi dậy khát vọng tự do của dân tộc, chuẩn bị tinh thần và lực lượng cho Cách mạng tháng Tám, năm 1945 thành công, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Những tư tưởng chủ đạo mà Đề cương về văn hóa Việt Nam nêu ra: Dân tộc, khoa học, đại chúng không chỉ là đường lối văn hóa trong bối cảnh bị chủ nghĩa thực dân, đế quốc, phát xít nô dịch mà còn là tư tưởng vạch đường cho sự phát triển của văn hóa Việt Nam sau đó, đi qua 2 cuộc kháng chiến giành độc lập tự do và thống nhất nước nhà, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu trực tuyến tại Hội thảo
Sau ngày đất nước thống nhất, đặc biệt là sau đổi mới, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh luôn quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Đảng, xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI xác định tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về văn hóa: Nâng cao hiệu quả xây dựng đời sống văn hóa; Xây dựng môi trường văn hóa; phát triển văn hóa gắn với hoàn thiện thị trường văn hóa; hội nhập quốc tế và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
Thực hiện theo quan điểm chỉ đạo của Đảng về văn hóa và nguyên tắc vận động của bản Đề cương về hoá, TP.HCM đã đạt nhiều kết quả trong giữ gìn và phát huy bản sắc nền văn hóa dân tộc. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” có nhiều mô hình mới, cách làm hay được nhân rộng. Các thiết chế văn hóa cơ sở được quan tâm đầu tư. Hoạt động văn học, nghệ thuật có bước phát triển; định hướng sáng tác tác phẩm mang tính hiện thực, nhân văn, phản ánh các thành tựu phát triển văn hóa của thành phố và đất nước, hướng đến các yếu tố chân – thiện – mỹ…
Theo ông Phan Nguyễn Như Khuê, để phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố, trong thời gian tới Thành ủy xác định một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục nâng cao nhận thức các cấp ủy đảng về giá trị Đề cương về Văn hóa Việt Nam, tập trung phát triển văn hóa, xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, làm nền tảng cho thành phố phát triển bền vững; Tập trung phát triển toàn diện và đồng bộ về văn hóa, đời sống văn hóa, các thiết chế văn hóa; Thực hiện có hiệu quả nghị quyết của Đảng về văn hóa, văn nghệ tạo nguồn lực nội sinh trong xây dựng, phát triển thành phố; Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa trong các tổ chức chính trị, kinh tế; Phát huy hiệu quả hoạt động các cơ quan báo đài thành phố và Trung ương trên địa bàn thành phố…/.