Văn hóa công sở là gì? Ví dụ và nội dung của văn hóa công sở
Hiện nay, tình trạng hách dịch, cửa quyền của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức khiến người dân, doanh nghiệp gặp phiền hà, khó khăn trong khi giải quyết các vấn đề với cơ quan nhà nước. Do đó, bài viết dưới đây Luật Minh Khuê xin giới thiệu bạn đọc về “Văn hóa công sở là gì? Ví dụ và nội dung của văn hóa công sở?”.
Mục lục bài viết
1. Văn hóa công sở là gì?
Công sở là nơi làm việc của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp và các cơ quan hành chính sự nghiệp có tư cách pháp nhân nhằm thực hiện chức năng quản lý nhà nước hoặc dịch vụ công.
Văn hóa công sở được hiểu là phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội các cấp, đơn vị sự nghiệp công lập, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp.
Theo quy định tại Điều 3 Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg ban hành quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước thì mục đích của văn hóa công sở là xây dựng cách ứng xử cho cán bộ, công chức, viên chức trong khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình cũng như xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có phẩm chất đạo đức tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
2. Quy định về trang phục, lễ phục
(1) Trong khi làm vệc, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình thì cán bộ, công chức, viên chức phải ăn mặc gọn gàng, lịch sự
+ Đối với nam: áo sơ mi, quần âu, comple, đi giày hoặc dép có quai hậu; còn với trang phục mùa đông phải gọn gàng, lịch sự.
+ Đối với nữ: áo sơ mi, quần âu, bộ ký giả, comple nữ, váy công sở (chiều dài váy tối thiểu phải ngang đầu gối), áo dài truyền thống, áo dài cách tân, đi giày hoặc dép có quai hậu; còn đối với trang phục mùa đông phải gọn gàng, lịch sự.
+ Đối với những đơn vị có đồng phục riêng thì phải thực hiện theo quy định của ngành.
(2) Cán bộ, công chức, viên chức có trang phục riêng thì thực hiện theo quy định của pháp luật
Ví dụ: Trang phục của cán bộ, thanh tra viên, công chức, viên chức thuộc cơ quan thanh tra nhà nước (được quy định trong Thông tư số 02/2015/TT-TTCP về trang phục của cán bộ, thanh tra viên, công chức, viên chức thuộc cơ quan thanh tra nhà nước).
Áo măng tô: màu xanh rêu đậm, chất liệu Tuytsi pha len, kiểu veston, cổ hình chữ B, thắt đai lưng, khóa bằng đồng. Ngực may cúp, có một hàng cúc 4 chiếc mạ màu trắng bóng. May bật vai đeo cấp hiệu, có ken vai bằng bông ép. Phía trong trên ngực mỗi bên bổ một túi viền. Thân trước phía dưới may 2 túi cơi chéo. Thân sau cầu vai rời, may chắp sống lưng, có xẻ sống. Tay kiểu 2 mang may cá tay, đính cúc. Toàn bộ cổ áo, nẹp áo, nắp túi, thân áo được dựng bằng mex. Chiều dài áp ngang đùi.
Áo xuân hè ngắn tay: màu xanh nhạt, chất liệu vải pôpơlin, kiếu dáng áo sơ mi, cổ bẻ. Thân trước may 2 túi ngực ốp ngoài, giữa bị túi dán đố, góc đáy túi tròn. Ngực một hàng cúc 6 chiếc bằng đồng, cúc thứ 2 từ trên xuống và 2 cúc túi ngực thành một đường thẳng nằm ngang. May bật vai đep cấp hiệu. Thân sau cầu vai chắp, mỗi bên xếp 1 ly. Tay ngắn, cửa tay gập vào trong may 2 đường song song….
(3) Lễ phục của cán bộ, công chức, viên chức là trang phục chính thức được sử dụng trong buổi lễ, cuộc họp trọng thể, các cuộc tiếp khách nước ngoài:
+ Đối với nam: lễ phục bao gồm bộ comple, áo sơ mi, cravat.
+ Đối với nữ: áo dài truyền thống, bộ comple nữ.
+ Đối với người dân tộc thiểu số, trang phục ngày hội dân tộc cũng được xem là lễ phục.
(4) Thẻ cán bộ, công chức, viên chức
+ Cán bộ, công chức, viên chức phải đeo thẻ khi thực hiện nhiệm vụ
+ Thẻ cán bộ, công chức, viên chức phải có tên cơ quan, ảnh, họ và tên, chức danh, số hiệu của cán bộ, công chức, viên chức.
3. Quy định về giao tiếp và ứng xử
Ứng xử được thể hiện qua hành động, cử chỉ, lời nói, thái độ của mình đối thế giới xung quanh. Một người có những ứng xử đúng đắn, phù hợp thì được rất nhiều người yêu quý cũng như tạo ra được những giá trị cho bản thân mình. Ngược lại, người đó có ứng xử không phù hợp như thô lỗ, bất lịch sự, chửi tục… sẽ bị xa lánh, ghét bỏ. Việc rèn luyện kỹ năng ứng xử sẽ giúp cải thiện mối quan hệ giữa người với người, giúp xã hội phát triển một cách toàn diện cả về kinh tế, chính trị, ngoại giao,… Trong giao tiếp, ta cần lựa lời, thận trọng với những gì mà mình định nói ra để tránh đối phương khó chịu, bực bội mà không đi đến được mục đích của cuộc nói chuyện. Người xưa cũng có câu: “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” hay “học ăn, học nói, học gói, học mở”. Giao tiếp, ứng xử không phải là tự nhiên sinh ra mình đã thành thạo mà là những kỹ năng cần phải được trao dồi, học hỏi và rèn luyện hằng ngày.
(1) Trong khi thi hành nhiệm vụ thì cán bộ, công chức, viên chức phải thực hiện theo quy định về những việc phải làm và những việc không được làm theo quy định của pháp luật.
Khi giao tiếp, ứng xử thì cán bộ, công chức, viên chức phải có thái độ lịch sự, tôn trọng và ngôn ngữ nói ra phải rõ ràng, mạch lạc, không nói tục, nói tiếng lóng, quát nạt.
(2) Trong giao tiếp và ứng xử với nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức phải nhã nhặn, lắng nghe ý kiến, giải thích, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể về quy định liên quan đến giải quyết công việc.
Cán bộ, công chức, viên chức không được có thái độ hách dịch, nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà khi thực hiện nhiệm vụ và cần thực hiện nghiêm túc “4 xin, 4 luôn”: xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cưới, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ.
(3) Trong giao tiếp và ứng xử với đồng nghiệp thì cán bộ, công chức, viên chức phải có thái độ trung thực, thân thiện, hợp tác, tương trợ lẫn nhau trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ và không bè phải gây mất đoàn kết nội bộ cơ quan.
(4) Khi giao tiếp qua điện thoại thì cán bộ, công chức, viên chức phải xưng tên, cơ quan, đơn vị nơi công tác; trao đổi ngắn gọn, tập trung vào nội dung công việc; không ngắt điện thoại đột ngột.
(5) Cách giao tiếp, ứng xử với lãnh đạo cấp trên: Cán bộ, công chức, viên chức phải tuân thủ thứ bậc hành chính, phục tùng sự lãnh đạo, điều hành, phân công công việc của cấp trên; không trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ; không nịnh bợ lấy lòng vì động cơ không trong sáng.
4. Quy định về chuẩn mực về đạo đức, lối sống
Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động phải không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức, lối sống; thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; trung thực, giản dị, thẳng thắn, chân thành; không có biển hiện cơ hội, sống ích kỷ, ganh ghét, đố kỵ.
Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động không được đánh bạc, tổ chức đánh bạc dưới mọi hình thức, sa vào các tệ nạn xã hội; không được sử dụng đồ uống có cồn trong giờ làm việc và giờ nghỉ trưa của ngày làm việc; hút thuốc là đúng nơi quy định; tuân thủ kỷ luật phát ngôn, không sử dụng mạng xã hội để khai thác, tuyên truyền các thông tin chưa được kiểm chứng, một chiều ảnh hưởng đến hoạt động công vụ.
Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động phải tuân thủ chuẩn mực đạo đức xã hội, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc; không mê tín dị đoan và có những hành vi phản cảm khi tham gia lễ hội.
5. Quy định về tinh thần, thái độ làm việc
Thứ nhất, sẵn sàng nhận và nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được phân công; không kén chọn vị trí công tác, chọn việc dễ, bỏ việc khó, tâm huyết, tận tụy, gương mẫu làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao.
Thứ hai, có ý thức tổ chức kỷ luật; sử dụng hiệu quả thời giờ làm việc; tránh làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả; nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan; chủ động phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ.
Thứ ba, tôn trọng và tận tụy phục vụ, không được gây khó khăn, phiền hà, kéo dài thời gian xử lý công việc của cơ quan, tổ chức và người dân; không thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc của Nhân dân.
Thứ tư, cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phải gương mẫu, công tâm, khách quan trong sử dụng, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý, không lợi dụng vị trí công tác để làm lợi cho bản thân, chủ động xin thôi chức vụ khi nhận thấy bản thân cong hạn chế về năng lực và uy tín.
6. Xây dựng văn hóa công sở
Hiện nay, vẫn còn xảy ra tình trạng hách dịch, cửa quyền, có thái độ thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức đối với người dân, doanh nghiệp khiến nhiều người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn, phiền hà hay kéo dài thời gian giải quyết công việc cho người dân….
Để xây dựng văn hóa công sở trở nên chuyên nghiệp thì yếu tố con người là yếu tố quyết định. Văn hóa công sở của cơ quan, tổ chức phụ thuộc vào năng lực tổ chức, điều hành hoạt động công sở của những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Người lãnh đạo, quản lý biết được văn hóa công sở có tầm quan trọng như thế nào và không ngừng nỗ lực xây dựng và phát triển thì văn hóa công sở sẽ được đảm bảo và ngày càng phát triển. Nhưng người lãnh đạo, quản lý hời hợp, quan liêu, không được cấp dưới ủng hộ,…thì văn hóa công sở không được coi trọng, phát triển. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị, tổ chức cần ban hành nội quy, quy chế quy định cụ thể những chức năng, nhiệm vụ quyền hạn liên quan đến văn hóa công sở giúp cho cán bộ, công chức, viên chức có phương hướng xây dựng, phát triển những phẩm chất đạo đức tốt đẹp và hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước hoạt động một cách hiệu quả hơn.
Nếu bạn đọc có bất kỳ vướng mắc liên quan đến vấn đề pháp lý nào thì vui lòng gọi điện đến bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến của Luật Minh Khuê qua số 1900.6162 để được hỗ trợ kịp thời. Xin chân thành cảm ơn bạn đọc rất nhiều!.