Văn hóa Đảng cầm quyền dẫn dắt văn hóa dân tộc
Các lãnh tụ tiền bối của Đảng ta đều là trí thức tiêu biểu, nhiều người trong số đó là nhà văn hóa, giáo dục lớn: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trường Chinh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng Tố Hữu…
Cho nên, trong quá trình lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ cách mạng, Đảng ta không xem văn hóa là phương tiện phục vụ chính trị mà văn hóa cũng là một mục tiêu cần xây dựng, bồi đắp theo đúng tinh thần bản Đề cương Văn hóa Việt Nam đã nhấn mạnh: “Phải hoàn thành cách mạng văn hoá mới hoàn thành được cuộc cải tạo xã hội”.
Nếu không cải tạo văn hóa xã hội lành mạnh, tiến bộ, nâng tầm trình độ dân trí thông qua giáo dục, văn hóa văn nghệ thì tuyên truyền, vận động và triển khai bất cứ nhiệm vụ cách mạng để phát triển đất nước cũng sẽ rất khó khăn. Giả sử cứ để tình trạng hưởng lạc ăn chơi, lười biếng, mê tín, gia đình đa thê… như trong xã hội phong kiến thực dân thì làm sao cán bộ, đảng viên và nhân dân có đủ tâm trí, thời gian vượt qua bao khó khăn ngay sau Cách mạng Tháng Tám?
Thử hỏi, nếu không đề cao lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, đề cao tính tập thể lên trên chủ nghĩa cá nhân ích kỷ…, làm sao quân và nhân ta có đủ vật chất, nhân lực, ý chí quyết tâm để giành chiến thắng sau 21 năm trường chống Mỹ ngụy?
Nhìn lại chiến tranh Việt Nam, các học giả trong và ngoài nước đều có chung nhận định: Một trong những yếu tố để quân và dân ta giành thắng lợi là nhờ truyền thống văn hóa yêu nước được khơi dậy, kết hợp nền văn hóa mới tiến bộ là văn hóa xã hội chủ nghĩa trở thành vũ khí tinh thần sắc bén. Lấy ví dụ trong lĩnh vực văn nghệ, nếu hỏi những cựu chiến binh tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, họ sẽ hồi tưởng lại đã từng thưởng thức bài hát “Chiếc gậy Trường Sơn” (Phạm Tuyên), bài thơ “Dáng đứng Việt Nam” (Lê Anh Xuân)…; để rồi nhiều người viết đơn xin nhập ngũ bằng máu, ra chiến trường với tâm thế như câu nói của Anh hùng Lê Mã Lương: “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù!”.
Nhìn về phía bên kia, văn nghệ dưới chế độ Mỹ ngụy với ca khúc “nhạc vàng” ủy mị, phim ảnh đầy rẫy hưởng lạc xác thịt thì làm sao binh lính có sĩ khí chiến đấu, ý chí chịu đựng gian khổ hy sinh; tình trạng đào ngũ, chưa đánh đã hàng xảy ra như cơm bữa cũng dễ hiểu.
Chiếc gậy Trường Sơn (Phạm Tuyên) – Trình bày: Tốp ca Quân khu 7
Văn công phục vụ chiến sĩ ngay tại chiến trường. Trích phim tài liệu “Việt Nam trên đường thắng lợi” của đạo diễn Liên Xô Roman Karmen.
Ngày nay, khi chiến tranh đã lùi xa và đã hơn 35 năm nước ta tiến hành công cuộc Đổi mới, do mặt trái của kinh tế thị trường, ảnh hưởng văn hóa ngoại lai làm thay đổi nhiều giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp, đến mức nhiều người ao ước: “Giá kinh tế bây giờ có đạo đức ngày xưa”. Điều đáng lo ngại là bạo lực gia đình và học đường, thanh niên sa vào tệ nạn xã hội, lối sống ích kỷ cá nhân, lười lao động phấn đấu chỉ chú trọng hưởng thụ… không phải chỉ là những hiện tượng, vụ việc cá biệt.
Kinh nghiệm của các nước phát triển cho thấy từng cá nhân, từng gia đình cho đến các cơ quan, đơn vị và rộng ra là toàn xã hội không thể tìm thấy hạnh phúc, phát triển bền vững nếu chỉ chạy theo giá trị vật chất và theo đuổi tăng trưởng kinh tế. Lúc này văn hóa sẽ phát huy chức năng điều tiết giúp điều chỉnh xã hội vận hành ổn định vì mục tiêu chung của cộng đồng.
Trao đổi với chúng tôi, GS.TS Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương nhấn mạnh: “Văn hóa thẩm thấu vào toàn bộ đời sống xã hội, là những giá trị, chuẩn mực đã trở thành nhu cầu tự thân, chi phối, điều chỉnh suy nghĩ, tình cảm, hành vi và các mối quan hệ của mỗi người và cả cộng đồng, tạo nên các giá trị nhân cách, trở thành nền tảng tinh thần, định hướng và có sức mạnh điều tiết xã hội vì sự phát triển bền vững. Sức mạnh điều tiết của văn hóa không chỉ dừng lại ở những quan hệ cá nhân, cộng đồng mà còn có chức năng điều tiết các quan hệ của toàn xã hội, của một quốc gia, một dân tộc”.
Sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng tạo cảm hứng sáng tác bất tận cho các họa sĩ.
Mỗi thời kỳ lịch sử, văn hóa có nhiệm vụ cụ thể; song văn hóa luôn luôn là nền tảng tinh thần, đồng thời là động lực phát triển đất nước bền vững. Đi trên con đường xã hội chủ nghĩa, càng rõ ràng, văn hóa là một thành tố không thể bị xem nhẹ, một bộ phận trong chỉnh thể hữu cơ: Chính trị – kinh tế – xã hội – văn hóa.
Lịch sử 93 năm của Đảng ta đã chứng minh chân lý mà Bác Hồ đã đúc kết: “Ngoài lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích gì khác”. Cho nên, Đề cương Văn hóa Việt Nam đặt vấn đề Đảng lãnh đạo văn hóa, suy cho cùng là rất có lợi cho đất nước, nhân dân, cho chính sự phát triển đúng đắn của văn hóa Việt Nam.
Không cần phải có những số liệu thống kê mà chỉ cần so sánh đời sống văn hóa xã hội trước và sau Cách mạng Tháng Tám sẽ thấy Đảng lãnh đạo văn hóa đã đạt nhiều thành tựu, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta. Chẳng hạn, trước năm 1945, chỉ có tầng lớp quý tộc, tư sản mới có điều kiện thưởng thức các tác phẩm văn nghệ hiện đại, phong phú; đa phần dân chúng thỉnh thoảng được thưởng thức văn nghệ dân gian.
Sau này, dù trong chiến tranh ác liệt, Đảng và Nhà nước rất cố gắng đáp ứng nhu cầu văn nghệ của đông đảo quần chúng thông qua các thiết chế văn hóa, các hình thức biểu diễn, trình diễn lưu động…; qua đó xóa bỏ khoảng cách thụ hưởng trong xã hội.
Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 được tổ chức nhằm đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua; kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm đổi mới đất nước.
Còn rất nhiều ví dụ khác có thể dẫn ra, chung quy Đảng ta thực tâm muốn nâng cao dân trí, đảm bảo quyền con người trong văn hóa (Quyền được thụ hưởng văn hóa, quyền được sáng tạo và thể hiện văn hóa, quyền được tôn trọng các biểu đạt đa dạng của văn hóa); khác với bọn thực dân, phong kiến chỉ muốn duy trì thi hành chính sách ngu dân, kìm hãm văn hóa dân tộc, đề cao văn hóa hưởng lạc, để duy trì ách áp bức của chúng.
Đảng ta đại diện cho lợi ích dân tộc nên việc giữ gìn văn hóa truyền thống là điều tất yếu bởi nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Văn hóa là bản sắc của một dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn. Văn hóa mất thì dân tộc mất”. Bản sắc văn hóa dân tộc ở đây cần được hiểu là gắn liền với quan điểm của Đảng, đại diện cho lợi ích chính đáng của dân tộc Việt Nam.
Cần phải khẳng định những giá trị tốt đẹp trong truyền thống văn hóa dân tộc, đặc biệt là truyền thống yêu nước và đại đoàn kết dân tộc, tinh thần độc lập, tự cường, lòng tự hào dân tộc, thể hiện ở các giá trị văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể của các dân tộc anh em trong cộng đồng quốc gia Việt Nam. Đây chính là cơ sở, là nguồn lực nội sinh để chúng ta sàng lọc và tiếp nhận các giá trị ngoại nhập trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay.
Có thể dễ dàng đúc kết chuỗi quan hệ có tính biện chứng: Chế độ chính trị, phương thức lãnh đạo tạo ra môi trường văn hóa; môi trường văn hóa lại tác động lớn đến hình thành nhân cách, phẩm chất con người; và cuối cùng con người quyết định thành công, thất bại trong mọi công việc. Đúng như tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh: Xây dựng văn hóa chính là xây dựng con người; văn hóa phải khơi dậy khát vọng của cả dân tộc trong công cuộc xây dựng đất nước hùng cường.
Trong bối cảnh nước ta chỉ có duy nhất một Đảng cầm quyền, đặt ra vấn đề phải xây dựng văn hóa Đảng, đặc biệt là văn hóa cầm quyền thể hiện ở các khía cạnh: Lý tưởng, tư duy chính trị, phương thức lãnh đạo, tính tiền phong gương mẫu…
Theo PGS.TS Bùi Đình Phong, Giảng viên cao cấp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: “Chủ tịch Hồ Chí Minh từng phát biểu vào dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng rằng: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Hàm ý Người muốn nói về văn hóa Đảng. Câu nói của Bác cho ta nhận thức từ khi Đảng ra đời đến lúc đó, nhờ văn hóa Đảng mà cách mạng thắng lợi. Vì vậy, lời nói của Bác còn gửi một thông điệp quan trọng là từ đó về sau phải xây dựng văn hóa Đảng, nhất là văn hóa cầm quyền”.
Trước tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên (trong đó có cả cán bộ cấp cao) suy thoái, biến chất làm mất thanh danh, tính chính danh của Đảng, làm xói mòn niềm tin của nhân dân vào Đảng thì công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là hết sức hệ trọng, cần được được thực hiện quyết liệt, không ngừng, không nghỉ.
Trong nhiều mục tiêu và giải pháp, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng về lĩnh vực văn hóa, đạo đức thực sự quan trọng, được xem là gốc của vấn đề. Bởi lẽ tổ chức đảng, đảng viên mất đi tính liêm chính, không giữ gìn đạo đức cách mạng thì chắc chắn sẽ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn đến tham nhũng, tiêu cực.
Đảng muốn trong sạch, vững mạnh, trước hết tự thân Đảng phải như “ngọn hải đăng” về văn hóa. Xây dựng văn hóa Đảng, làm cho đảng cầm quyền thể hiện được những gì tốt đẹp nhất, ưu tú nhất của văn hóa dân tộc từ truyền thống đến hiện đại và tiệm cận tinh hoa văn hóa của nhân loại, biểu hiện trong từng tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cấp chiến lược, đội ngũ cán bộ chủ chốt. Cho nên, mỗi cán bộ đảng viên phải là con người có văn hóa, đại diện phẩm chất tốt đẹp của các hệ giá trị văn hóa Việt Nam, chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
Văn hóa Đảng một khi được xây đắp vững bền không chỉ ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực, suy thoái biến chất trong nội bộ Đảng, bộ máy công quyền; mà còn có sức lan tỏa ra bên ngoài xã hội, dẫn dắt toàn xã hội học tập văn hóa Đảng mà biểu hiện cao nhất là đạo đức cách mạng vốn là “báu vật” của Đảng ta. Có như vậy, Đảng không cần hô hào, chỉ đạo mệnh lệnh mà vẫn lôi cuốn quần chúng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng đúng như câu nói của người xưa: “Hữu xạ tự nhiên hương”.