Văn hóa doanh nghiệp là gì? 4 loại hình văn hóa phổ biến – MECI Sài Gòn

Chia sẻ ngay:

5/5 – (1 bình chọn)

Khi tìm hiểu về một doanh nghiệp nào đó, bạn thường sẽ thấy thông tin về Sứ mệnh, Giá trị cốt lõi, Phúc lợi… Mỗi công ty sẽ có những nét riêng tạo nên thương hiệu và gắn liền với công ty đó. Tất cả được gọi chung là văn hóa doanh nghiệp. Vậy bản chất thực sự của văn hóa doanh nghiệp là gì, văn hóa doanh nghiệp quan trọng như thế nào? MECI sẽ giải đáp tất cả thắc mắc của bạn qua bài viết dưới đây.

1. Văn hoá doanh nghiệp là gì?

Tất cả mọi người cùng tham gia xây dựng văn hóa doanh nghiệpTìm hiểu về khái niệm văn hóa doanh nghiệp

Văn hóa doanh nghiệp tựa như linh hồn của mỗi một doanh nghiệp. Công ty khác nhau sẽ có văn hóa doanh nghiệp khác nhau nên khái niệm của văn hoá doanh nghiệp khá trừu tượng và cũng khó xác định cụ thể.

Tuy nhiên, về tổng thể văn hoá doanh nghiệp sẽ bao gồm các yếu tố sau:

  • Giá trị cốt lõi (Core Value) là nền tảng quan trọng và là yếu tố bất biến của một doanh nghiệp. Giá trị cốt lõi sẽ không bị thay đổi dù doanh nghiệp có chịu sự tác động từ thị trường bên ngoài hay thay đổi mô hình kinh doanh, sản xuất. Giá trị cốt lõi định hướng chiến lược cho công ty, vạch ra chuẩn mực cho toàn bộ nhân viên và là đặc điểm nhận diện thương hiệu. 
  • Tầm nhìn (Vision) hướng đến tương lai, là mục tiêu dài hạn, những điều mà công ty muốn đạt được trong tương lai. Tầm nhìn tạo động lực để doanh nghiệp tiến xa hơn.
  • Sứ mệnh (Mission) hướng đến hiện tại, là mục đích hiện tại, trách nhiệm và nhiệm vụ cần thực hiện để doanh nghiệp phát triển.
  • Chiến lược kinh doanh (Business Strategy) hay còn được gọi là kế hoạch kinh doanh bao gồm các phương pháp, cách thức kinh doanh của doanh nghiệp trong một giai đoạn.
  • Ngoài ra, văn hoá doanh nghiệp còn bao gồm nhiều khía cạnh khác như: phong cách giao tiếp, thông tin nội bộ, cách điều hành của cấp quản lý, quy tắc… của mọi thành viên trong công ty. 

Văn hóa doanh nghiệp được hình thành, tồn tại và cùng phát triển với doanh nghiệp, là trụ cột vững chắc cho mỗi nhân viên, góp phần quyết định đến sự thành bại của doanh nghiệp.

2. Phân loại văn hóa doanh nghiệp

Văn hóa gia đình (Clan Culture)

Văn hóa gia đình hay văn hóa hợp tác tại doanh nghiệp tạo nên môi trường làm việc thân thiện. Loại văn hoá này chủ yếu tập trung vào tinh thần đồng đội, các mối quan hệ giữa các thành viên trong công ty và giảm thiểu những rào cản giữa các cấp điều hành. Công ty mô hình văn hóa gia đình thường là những công ty về đào tạo, tuyển dụng…

Ưu điểm:

  • Hiệu quả làm việc nhóm tốt, khả năng gắn kết nhân viên cao
  • Mối quan hệ đồng nghiệp thoải mái

Nhược điểm:

  • Lộ trình phát triển không rõ ràng
  • Có thể ảnh hưởng đến năng suất làm việc 

Văn hóa sáng tạo (Adhocracy Culture)

Những doanh nghiệp thuộc nhóm văn hóa này thường sẽ tập trung vào đổi mới và luôn sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Thử nghiệm và cải tiến luôn là phương châm chính. Họ chú trọng vào việc tạo ra xu hướng, trở thành doanh nghiệp tiên phong trên thị trường và cũng khuyến khích nhân viên của mình chủ động đưa ra sáng kiến, dám thử dám làm, tạo không gian cho nhân viên tự do phát triển. Các công ty văn hóa sáng tạo đa phần là công ty về thiết kế, thời trang…

Ưu điểm:

  • Nhân viên có không gian phát huy, có động lực sáng tạo những ý tưởng mới
  • Cơ hội phát triển lớn

Nhược điểm:

  • Rủi ro cao dễ gây tổn thất cho công ty
  • Mức độ cạnh tranh lớn, áp lực cao

Văn hóa thị trường (Market Culture)

Đối với mô hình văn hóa thị trường, danh tiếng và hiệu quả sau cùng là những điều quan trọng nhất. Môi trường làm việc theo văn hóa thị trường có tính đào thải rất cao đòi hỏi mỗi nhân viên phải có tính cạnh tranh và có khả năng chịu được áp lực tốt. Các công ty về phân phối, bán lẻ… thường có khuynh hướng trội về văn hóa này.

Ưu điểm:

  • Bầu không khí cạnh tranh thúc đẩy hiệu quả làm việc của nhân viên 
  • Năng suất làm việc cao mang lại lợi nhuận lớn cho công ty

Nhược điểm:

  • Cạnh tranh gay gắt dễ dẫn đến những điều tiêu cực 
  • Tạo áp lực lớn cho nhân viên

Văn hóa phân cấp

Đây là văn hóa tuân theo cấu trúc truyền thống, quy củ, có mệnh lệnh rõ ràng. Tính ổn định và sự tin cậy là mục tiêu dài hạn, quy trình là công cụ để điều hành doanh nghiệp. Loại hình công ty theo văn hóa phân cấp có cách thức hoạt động cụ thể, quy định nghiêm ngặt như các quy tắc về trang phục, tác phong nhân viên, giờ làm việc… Các công ty về sản xuất linh kiện, chi tiết chính xác, tư vấn quản lý chất lượng sẽ thiên về văn hóa phân cấp nhiều hơn.

Ưu điểm:

  • Sự ổn định cao, có mục tiêu và định hướng rõ ràng
  • Mọi quy trình đều công khai, minh bạch để đảm bảo sự công bằng nhất có thể cho nhân viên

Nhược điểm:

  • Cứng nhắc, bảo thủ và thường sẽ ưu tiên mục đích chung của tập thể, cá nhân mỗi nhân viên sẽ không có nhiều không gian tự do phát triển
  • Khó thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của thị trường

3. Yếu tố cấu thành văn hóa doanh nghiệp

4 yếu tố của văn hóa doanh nghiệp: đội nhóm (nút kết sợi dây), trung thực (các hòn đá xếp chồng), đổi mới (bóng đèn), thành công (bắt tay)Yếu tố nào tạo nên văn hóa doanh nghiệp

Yếu tố tầm nhìn (Vision)

Đây được cho là bước khởi đầu và cũng là nền tảng trong quá trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Một doanh nghiệp muốn tiếp tục tồn tại và phát triển cần phải có tầm nhìn chiến lược, xác định được mục đích cần hướng đến. Từ đó định hướng cho mọi quyết định của doanh nghiệp, tạo nên giá trị cho doanh nghiệp đó.

Một điều tất nhiên là không ai muốn gắn bó với công việc mà họ cảm thấy không có triển vọng hay phương hướng để phát triển. Yếu tố tầm nhìn nhằm thúc đẩy, động viên nhân viên để họ có động lực khi làm việc. 

Yếu tố giá trị (Values) – Thực tiễn (Practices)

Giá trị là một trong những yếu tố cốt lõi ảnh hưởng đến văn hóa doanh nghiệp, đóng vai trò định hướng tư duy và hoạt động của công ty, hiện thực hóa các chiến lược. Hệ thống giá trị dù có độc đáo đến đâu thì cũng không quan trọng bằng việc áp dụng nó vào thực tiễn và có thể duy trì được giá trị ấy.

Điều này đòi hỏi lãnh đạo doanh nghiệp/ tổ chức cần đưa những yếu tố mang tính thực tiễn vào quy tắc hoạt động của công ty để đảm bảo ai ai cũng thực hiện được. Ban quản lý, cấp điều hành công ty cũng cần có những tiêu chí để đánh giá, chính sách khích lệ, động viên đến mọi thành viên trong công ty.

Yếu tố con người (People)

Trong bất kỳ tổ chức, doanh nghiệp nào thì con người vẫn luôn đóng vai trò chủ đạo và quan trọng nhất. Tất cả mọi yếu tố như tầm nhìn, giá trị, câu chuyện… hay lợi nhuận đều do con người tạo ra, duy trì và phát triển.

Chính vì vậy mà có rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức khắt khe trong quá trình tuyển dụng. Không chỉ yêu cầu về tài năng mà còn muốn tìm kiếm những người phù hợp với văn hóa doanh nghiệp của công ty mình. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng có các chính sách, khen thưởng, chế độ đãi ngộ tốt cho nhân viên để giữ chân và thu hút thêm nhiều nhân tài, góp phần phát triển công ty.

Yếu tố từ sức mạnh của câu chuyện (Narrative)

Đây là yếu tố đủ để hoàn thiện văn hóa của một doanh nghiệp. Bất kỳ công ty nào cũng sẽ có câu chuyện thành lập tạo nên bản sắc riêng của mình. Câu chuyện đó nếu được kết hợp đúng vào văn hoá sẽ có tiềm năng trở thành động lực để thành công. Câu chuyện doanh nghiệp còn giúp kết nối ban lãnh đạo với nhân viên, kết nối doanh nghiệp với khách hàng. 

Chẳng hạn như Coca Cola đã chi đến hơn 250 triệu USD để kỉ niệm 100 năm ra đời kiểu chai contour huyền thoại trên khắp 140 quốc gia. Dù sau nhiều năm, loại chai này đã thay đổi rất nhiều về chất liệu, về kiểu dáng nhưng đặc trưng đường viền cong của chai đã trở thành ấn tượng của người tiêu dùng mỗi khi nhắc đến Coca Cola.

4. Cách tìm hiểu về văn hóa doanh nghiệp 

Một người đang tìm hiểu về biến động của thị trường, nhân sự, văn hóa doanh nghiệpCách tìm hiểu về văn hóa doanh nghiệp đơn giản

  • Xem trang web của công ty: Đặc biệt, hãy xem trang “Giới thiệu về chúng tôi” của công ty. Nó thường sẽ có mô tả về sứ mệnh và giá trị của công ty. Một số trang web của công ty cũng có lời chứng thực từ nhân viên, đây có thể là một cách để bạn tìm hiểu sâu hơn về văn hóa doanh nghiệp.
  • Tham khảo đánh giá: Tham khảo nhận xét, đánh giá của nhân viên hoặc đối tác của công ty. Có thể tìm trên các hội nhóm facebook về việc làm, doanh nghiệp; bài review về công ty trên LinkedIn…
  • Hỏi xung quanh: Nếu bạn biết ai đó đang làm việc cho một công ty mà bạn quan tâm thì hãy hỏi họ những thông tin liên quan đến công ty. 
  • Đặt những câu hỏi phỏng vấn phù hợp: Nhà tuyển dụng có thể sẽ hỏi bạn những câu hỏi để đánh giá xem bạn có phù hợp với văn hóa công ty hay không. Ngược lại, bạn cũng có thể đặt câu hỏi liên quan đến công ty. Chẳng hạn như khối lượng công việc độc lập so với làm việc nhóm, hoặc lịch trình hàng ngày của bạn sẽ như thế nào…

Qua bài viết này có lẽ bạn đã mường tượng ra được tầm quan trọng của văn hóa trong doanh nghiệp. Nó là nền tảng của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tồn tại và phát triển vững vàng. Vì vậy, dù là người lãnh đạo hay là nhân viên các cấp cũng nên nắm rõ văn hóa doanh nghiệp để góp phần xây dựng công ty lớn mạnh hơn nữa.