Văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân việt nam – vhnt.org.vn
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, kinh tế thị trường và cạnh tranh gay gắt như hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đang từng bước chuyển mình, vai trò của các doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân ngày càng được đề cao và coi trọng. Vấn đề xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân nổi lên như một yêu cầu cấp thiết, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực hội nhập, khả năng cạnh tranh, khẳng định uy tín, hướng tới phát triển bền vững. Trên thế giới có rất nhiều doanh nghiệp thành công nhờ phát huy vai trò của văn hóa doanh nghiệp. Apple, Toyota, Sony, Samsung, IBM, Audi, Nike… là một số ví dụ về các mẫu hình doanh nghiệp như vậy. Văn hóa doanh nghiệp là chất keo dính kết nối các thành viên trong công ty, thúc đẩy họ nỗ lực sáng tạo, cống hiến, đóng góp vào sự phát triển chung. Văn hóa trở thành nhân tố then chốt tác động tới mọi khía cạnh của hoạt động kinh doanh, từ tổ chức, quản lý, điều hành đến phong cách lãnh đạo, cách ứng xử của nhân viên, các quan hệ trong và ngoài doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có môi trường làm việc năng động, sáng tạo, dân chủ, được điều hành bởi những doanh nhân tài năng, có tầm cao văn hóa luôn là những doanh nghiệp có thương hiệu mạnh trên thị trường quốc tế.
Hiện nay, chúng ta đang tụt hậu so với các nước trong khu vực và thế giới trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân. Nghị quyết số 33-NQ/TW của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã nhấn mạnh: “Chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân với ý thức tôn trọng pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh” (1). Mới đây, Nghị quyết số 35-NQ/TW về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 cũng nêu rõ: “Doanh nghiệp phải nêu cao ý thức tuân thủ pháp luật, thực hiện liêm chính trong kinh doanh, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân và trách nhiệm xã hội” (2).
Đất nước ta đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với rất nhiều khó khăn, lúng túng cả về lý luận và thực tiễn. Do vậy, việc xây dựng văn hóa doanh nhân, văn hóa doanh nghiệp trong bối cảnh này càng đặt ra một cách cấp thiết.
1. Văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân với sự phát triển bền vững đất nước
Đã có khá nhiều ý kiến khác nhau của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước về khái niệm văn hóa doanh nghiệp, tùy thuộc quan niệm rộng, hẹp về văn hóa, góc độ tiếp cận, lĩnh vực nghiên cứu. Tuy nhiên, về cơ bản, các ý kiến thống nhất cho rằng: “Văn hóa doanh nghiệp là hệ thống các giá trị do doanh nghiệp sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động kinh doanh, là tổng thể các truyền thống, cấu trúc, phương thức kinh doanh, quản lý điều hành nhằm xác lập quy tắc ứng xử của một doanh nghiệp, từ đó chi phối hoạt động của mọi thành viên và tạo ra bản sắc kinh doanh riêng có của doanh nghiệp” (3).
Văn hóa doanh nghiệp chính là bầu không khí làm việc do các thành viên trong doanh nghiệp, trước hết là ban lãnh đạo tạo ra, ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần, thái độ lao động của mỗi thành viên và lòng trung thành của họ đối với doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp tốt sẽ tạo ra môi trường làm việc tốt, khơi gợi cảm hứng khiến cho các cá nhân cố gắng phấn đấu vì mục tiêu chung. Văn hóa doanh nghiệp có quan hệ sâu sắc với động cơ hoạt động của doanh nghiệp, tạo nên định hướng mang tính chiến lược cho doanh nghiệp, điều chỉnh hành vi của các nhân viên. Do vậy, văn hóa doanh nghiệp trở thành động lực tinh thần giúp cho doanh nghiệp phát triển bền vững.
Về khái niệm văn hóa doanh nhân cũng có khá nhiều quan điểm, có ý kiến cho đó là “tập hợp của những giá trị căn bản nhất, những khuôn mẫu văn hóa xác lập nên nhân cách con người doanh nhân” (4); có ý kiến lại cho rằng đó là “toàn bộ các nhân tố văn hóa mà các doanh nhân chọn lựa, tạo ra và sử dụng trong hoạt động kinh doanh của mình” (5)… Tổng hợp lại, có thể đưa ra một khái niệm mang tính khái quát như sau: “Văn hóa doanh nhân là một hệ thống các giá trị, chuẩn mực, các quan niệm và hành vi của doanh nhân trong quá trình lãnh đạo và quản lý doanh nghiệp” (6). Văn hóa doanh nhân là sự kết hợp của văn hóa dân tộc, văn hóa doanh nghiệp với các đặc tính cá nhân và không chỉ bó hẹp trong hoạt động kinh doanh, mà hiện diện cả trong đời sống xã hội (7).
Văn hóa doanh nhân đóng vai trò quan trọng tạo nên văn hóa doanh nghiệp, có thể nói, đó là linh hồn của văn hóa doanh nghiệp. Có sự tỷ lệ thuận giữa văn hóa doanh nhân, đặc biệt là văn hóa của người lãnh đạo doanh nghiệp với văn hóa doanh nghiệp. Các doanh nhân có khả năng thay đổi tư duy, truyền niềm tin, cảm hứng cho các thành viên khác, tạo nên sức sống mới, đổi mới văn hóa doanh nghiệp.
Ảnh tư liệu
Hiện nay, phát triển bền vững là mục tiêu phần lớn các quốc gia trên thế giới đang hướng tới. Phát triển bền vững là sự phát triển về mọi mặt trong hiện tại mà vẫn bảo đảm sự phát triển tiếp tục trong tương lai, chủ yếu là phát triển hài hòa ba lĩnh vực: kinh tế, văn hóa xã hội và môi trường. Ở đây phát triển không phải là tăng trưởng đơn thuần, phát triển kinh tế với bất kỳ giá nào, thậm chí hy sinh lợi ích xã hội, bản sắc văn hóa, môi trường sinh thái, mà là nhằm nâng cao chất lượng sống của con người, bảo đảm phát triển hài hòa giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần, giữa phát triển kinh tế với văn hóa, sinh thái. Do vậy, để hướng tới phát triển bền vững đất nước, việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân hiện nay càng cần được chú trọng.
2. Thực trạng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân ở Việt Nam
Về văn hóa doanh nghiệp, trong thời gian qua, do môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, giao lưu văn hóa trong hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, không ít doanh nghiệp Việt Nam đã có những thay đổi nhất định từ nhận thức đến hành động trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Các doanh nghiệp bước đầu gia nhập được môi trường kinh doanh quốc tế, chú trọng khẳng định văn hóa doanh nghiệp, thể hiện cả ở các yếu tố vô hình như: triết lý kinh doanh, chiến lược phát triển, sứ mệnh, tầm nhìn, các giá trị cốt lõi, lẫn các yếu tố hữu hình: logo, slogan, kiến trúc nội, ngoại thất, mẫu mã sản phẩm… Đã xuất hiện không ít doanh nghiệp tạo được bản sắc riêng, giành được thiện cảm của khách hàng, gắn lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích cộng đồng, có ảnh hưởng tốt tới xã hội và đất nước như: Vinamilk, Vingroup, FPT, Viettel, May 10, Traphaco, Trung Nguyên, Vietsoftware…
Tuy nhiên, bên cạnh đó, còn rất nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm chú trọng đến nhân tố văn hóa trong kinh doanh. Đa phần còn làm ăn chụp giật, đặt lợi nhuận lên trên hết, cạnh tranh không lành mạnh, làm ăn thiếu chữ tín… Một số doanh nghiệp không quan tâm đến triết lý kinh doanh, trách nhiệm xã hội, kinh doanh bất hợp pháp, làm hàng giả, trốn lậu thuế, ứng xử thiếu văn hóa, chưa tạo nên sự gắn bó trong nội bộ doanh nghiệp…
Về văn hóa doanh nhân, cùng với sự phát triển của đất nước và môi trường kinh doanh rộng mở, đội ngũ doanh nhân Việt Nam bước đầu có những thay đổi cả về lượng và chất. Đã xuất hiện nhiều tấm gương doanh nhân thành đạt với những phẩm chất tốt đẹp: khát vọng vươn lên làm giàu cho bản thân và đất nước; kết hợp những giá trị văn hóa phương Đông với khoa học kỹ thuật phương Tây; có kiến thức chuyên môn và kỹ năng quản lý tiên tiến; có trí tuệ, thông minh, chịu khó học hỏi; có bản lĩnh văn hóa vững vàng; trọng tình nghĩa, giữ chữ tín; có ý thức công dân và trách nhiệm xã hội… Một số doanh nhân lãnh đạo doanh nghiệp phát triển xuất sắc, có ảnh hưởng lớn tới xã hội như Mai Kiều Liên, Phạm Nhật Vượng, Trương Gia Bình, Đoàn Nguyên Đức, Đặng Lê Nguyên Vũ, Lê Phước Vũ, Phạm Thị Việt Nga…
Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có rất nhiều doanh nhân chưa thực sự đạt được cái tâm, cái tầm cần có của một doanh nhân đúng nghĩa. Vẫn còn tình trạng tối đa hóa lợi nhuận, chạy theo danh lợi, bất chấp đạo lý, vi phạm đạo đức kinh doanh, không giữ chữ tín, thiếu ý thức công dân và trách nhiệm xã hội…
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã đưa ra 7 “cặp đôi chưa hoàn hảo” trong văn hóa kinh doanh của doanh nhân Việt Nam là: người Việt Nam rất tài xoay xở, nhưng rất thiếu căn cơ; ta rất dễ hứa hẹn, nhưng lại rất khó thực hiện; một người thì giỏi, nhiều người thì kém; chúng ta rất giỏi thích nghi, nhưng rất ít sáng tạo; chúng ta rất coi trọng hình thức, nhưng không quan tâm đầy đủ đến thực chất, đến cái chất bên trong; tham cái nhỏ, bỏ cái lớn; người Việt Nam rất nổi tiếng về cần cù, nhưng lại thiếu tính kỷ luật trong sản xuất, kinh doanh (8). Đây quả thật là những mặt được và chưa được, tích cực và tiêu cực trong văn hóa doanh nhân Việt Nam mà chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận để khắc phục những cái chưa hoàn hảo.
3. Một số vấn đề đặt ra đối với việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân hiện nay
Đất nước ta đang tiến vào kỷ nguyên của nền kinh tế tri thức, bước vào sân chơi của toàn cầu hóa với rất nhiều cơ hội và thách thức. Để xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân thành công, hướng tới phát triển bền vững đất nước, một số vấn đề căn cốt cần quan tâm chú trọng là:
Đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của doanh nhân, văn hóa doanh nhân, văn hóa doanh nghiệp trong đời sống xã hội hiện nay. Khắc phục định kiến, tàn dư của quan niệm “khinh thương”, đánh đồng “buôn bán” với “lừa đảo”, xếp giới kinh doanh xuống dưới cùng trong trật tự “sỹ, nông, công, thương” trong xã hội trước kia.
Xác lập hệ giá trị cốt lõi của văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân Việt Nam. Đơn cử, đối với văn hóa doanh nhân, có thể xây dựng dựa trên những giá trị cốt lõi: tâm – tài – trí – dũng. Tâm là biết sống vì người khác, trung thực, không tham lam, thương người. Có tâm sẽ dẫn tới có đức, có chữ tín trong kinh doanh, trong liên kết làm ăn, đối đãi khách hàng. Tài là có tầm nhìn xa, giàu ý tưởng, thấy được những điều người khác không thấy, luôn linh hoạt, nhạy bén, ứng biến. Trí là có trí tuệ, thông minh, có kiến thức, trình độ, thường xuyên cập nhật khoa học, công nghệ hiện đại. Dũng là có chí khí, quyết tâm, khao khát thành công, dám mạo hiểm, quyết đoán, theo đuổi đến cùng.
Đối với văn hóa doanh nghiệp, cần xác định triết lý kinh doanh trên nền tảng văn hóa, từ đó xác định được sứ mệnh, tầm nhìn, trách nhiệm của doanh nghiệp, xây dựng các giá trị cốt lõi, quy tắc ứng xử, chuẩn mực văn hóa, nguyên tắc kinh doanh, gắn chặt lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích cộng đồng, từ đó có các hoạt động từ thiện, nhân đạo, bảo vệ môi trường. Những nội dung này phải được thường xuyên giáo dục và duy trì, trở thành truyền thống, niềm tự hào của mỗi thành viên trong doanh nghiệp.
Trên cơ sở hệ giá trị, từng bước hiện thực hóa, đưa vào cuộc sống từ nhiều phía: về phía các cơ quan công quyền, để tạo bầu sinh quyển tốt lành cho xây dựng văn hóa doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước cần rà soát thể chế, loại bỏ các quy định lỗi thời, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp. Đặc biệt, cần thay đổi thái độ hành xử của đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước, đảm bảo tôn trọng quyền và lợi ích của doanh nghiệp. Đồng thời, cần cương quyết xử lý các hành vi sai trái, vi phạm luật pháp và đạo đức kinh doanh (làm hàng giả, hàng nhái, xâm hại môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, khai thác tài nguyên…); về phía các doanh nhân và doanh nghiệp, phải phát huy chất văn hóa, nhân tố văn hóa trong mọi hoạt động của cá nhân và doanh nghiệp. Điều đó xuất phát từ ý thức tự thân, lương tâm làm người, đạo đức kinh doanh, độ sâu văn hóa của mỗi doanh nhân. Trên cơ sở đó xây dựng văn hóa doanh nghiệp, tinh thần liêm chính trong kinh doanh, thực hiện tốt trách nhiệm với cộng đồng, bảo vệ môi trường, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; về phía các hiệp hội, cần phát huy vai trò và tiếng nói của các hiệp hội doanh nhân, doanh nghiệp. Hiện nay trong cả nước có trên 300 hiệp hội doanh nghiệp, tập hợp được hàng vạn hội viên. Mới đây chúng ta có thêm Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam. Các hiệp hội bước đầu khẳng định vai trò, uy tín của mình, trở thành tác nhân không thể thiếu cho sự phát triển doanh nghiệp. Tuy nhiên, cần nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của các hiệp hội, tránh phô trương, hình thức, tăng cường tính trách nhiệm, hiệu quả; về phía người dân, cần gia tăng sự giám sát và phản biện xã hội. Người dân phải có thái độ phản kháng mạnh mẽ trước những hành vi sai trái, xâm hại quyền và lợi ích của cộng đồng như sản xuất thực phẩm bẩn, gây ô nhiễm môi trường, hành xử vô đạo đức, thiếu văn hóa trong kinh doanh…
Nâng cao hiệu quả của các định chế truyền thông, các phương tiện truyền thông đại chúng phải vừa là kênh tuyên truyền, cung cấp kinh nghiệm, cảm hứng xây dựng văn hóa doanh nhân, văn hóa doanh nghiệp, vừa thực hiện vai trò phản ánh dư luận xã hội, giám sát các hoạt động của doanh nghiệp, hành vi của doanh nhân.
Tăng cường nghiên cứu, tham khảo, bồi dưỡng doanh nhân và văn hóa doanh nhân Việt Nam. Trong môi trường kinh doanh toàn cầu và đa văn hóa hiện nay, việc học hỏi, hiểu biết về doanh nghiệp, doanh nhân các nước là điều cực kỳ quan trọng, bởi “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Trong các trường kinh tế, thương mại, ngân hàng, ngoại thương… phải chú trọng trang bị hệ thống kiến thức, chuẩn mực hành xử trong văn hóa nghề nghiệp. Cần học tập mô hình các nước xây dựng “vườn ươm doanh nhân”, “hãng ươm tạo doanh nghiệp”…
Tựu trung, xây dựng văn hóa doanh nhân, văn hóa doanh nghiệp là công việc lâu dài, phức tạp. Các nước phương Tây phải mất hàng trăm năm, các con rồng châu Á cũng phải mất từ vài chục đến 100 năm. Nhưng đó là công việc chúng ta nhất thiết phải làm, bởi chỉ khi xây dựng thành công văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân, thì nền kinh tế Việt Nam mới có cơ chuyển mình và cất cánh.
______________
1. Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI, ban hành ngày 9 – 6 – 2014.
2. Nghị quyết số 35-NQ/TW, ban hành, ngày 16 – 5 – 2016.
3. Dương Xuân Thao chủ biên, Giáo trình Văn hóa doanh nghiệp, Nxb Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội, 2015, tr.10.
4, 6. Dương Thị Liễu chủ biên, Văn hóa kinh doanh, Nxb Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội, 2009, tr. 204.
5. Đỗ Minh Cương, Nhân cách doanh nhân, văn hóa doanh nhân Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr. 42.
7. Dương Xuân Thao chủ biên, Giáo trình Văn hóa doanh nghiệp, Nxb Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội, 2015, tr. 24.
8. Vũ Khoan, Phát biểu đề dẫn Hội thảo Xây dựng văn hóa doanh nhân theo tinh thần Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 9 khóa XI, Bộ Công thương, ngày 22 – 4 – 2015.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 387, tháng 9-2016
Tác giả : TỪ THỊ LOAN
Đánh giá post