Văn hóa là động lực và nguồn lực phát triển quan trọng

Tuy nhiên, cho đến nay văn hóa trong Đảng vẫn còn nhiều bất cập với các biểu hiện khác nhau. Đó là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, mất dân chủ, vô trách nhiệm trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên… Một bộ phận cán bộ đảng viên thoái hoá biến chất gây ra những hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại về kinh tế, làm mất lòng tin của nhân dân. Tổ chức Đảng nhiều nơi không phát huy được vai trò lãnh đạo. Những điều này đang làm ảnh hưởng đến văn hóa trong Đảng, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, làm phương hại tới năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Đó cũng chính là những biểu hiện suy thoái về văn hóa, biểu hiện của sự yếu kém và thiếu hụt năng lực văn hóa, biểu hiện của sự lệch chuẩn văn hóa của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên.

Xây dựng văn hoá trong Đảng và hệ thống chính trị vẫn đang là một trong những vấn đề cấp bách, nhằm góp phần xây dựng Đảng “là đạo đức, là văn minh”.

Xây dựng văn hóa trong Đảng và rộng hơn là cả hệ thống chính trị, theo nghĩa rộng, là xây dựng và nâng cao văn hóa lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước và các đơn vị trong hệ thống chính trị bao gồm cả nội dung xây dựng một đội ngũ cán bộ, đảng viên có văn hóa – làm việc có văn hóa và sống có văn hóa, có tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống lành mạnh… Xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước, trong hệ thống chính trị cũng là xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, nhờ đó nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, hoàn thiện phương pháp, phong cách lãnh đạo, giữ vững các nguyên tắc của Đảng…

Tính văn hóa trong Đảng trước hết đậm nét nhân văn trong mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Mục tiêu đấu tranh trên hết và trước hết của Đảng là giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức của chủ nghĩa thực dân – một vết nhơ trong văn hóa nhân loại. Đảng đại diện cho lợi ích của dân tộc, của quần chúng lao động và toàn thể nhân dân. Sau khi hoàn thành sứ mệnh lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành độc lập dân tộc, Đảng lãnh đạo toàn dân xây dựng đất nước Việt Nam phát triển về mọi mặt, nâng cao mức sống của nhân dân, nâng cao vị thế của quốc gia.

Văn hóa trong Đảng được thể hiện đậm tính nhân dân ở mối liên hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân. Mọi đường lối, chủ trương của Đảng đều phải xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, với nguyên tắc “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, với nguyên tắc và cơ chế “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Làm được những điều đó, Đảng thể hiện có trách nhiệm với dân và dân tin Đảng. Mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân vì thế sẽ được củng cố, tăng cường.

Văn hoá trong Đảng còn được thể hiện trong văn hoá của từng cán bộ, đảng viên và các tổ chức Đảng. Một trong những biểu hiện phổ biến của văn hóa trong Đảng là văn hóa ứng xử của cán bộ, đảng viên. Đảng luôn nhấn mạnh nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong mối quan hệ ứng xử với mỗi người đảng viên. Đó là “cách để Đảng tiến bộ” khi thật thà tự phê bình và phê bình trên tinh thần “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” (Hồ Chí Minh – Di chúc).

Trong ứng xử với công việc, cán bộ, đảng viên phải tận tâm, tận lực. Điều nhất thiết là phải thực hiện “Cần, Kiêm, Liêm, Chính, Chí công vô tư” – đây là những đòi hỏi của đạo đức công vụ mà bất cứ người “công bộc của dân” nào cũng phải thực hành đúng, Bên cạnh đó, trong ứng xử với công việc, Đảng nêu cao yêu cầu với các cán bộ, đảng viên là phải rèn luyện phong cách giản dị, chân thành khi tiếp xúc với nhân dân, hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, lắng nghe ý kiến và giải quyết những kiến nghị chính đáng của nhân dân, cầu thị tiếp thu phê bình của nhân dân để sửa chữa khuyết điểm của mình.

Xổ số miền Bắc