Văn hóa lãnh đạo Hồ Chí Minh – giá trị văn hóa lãnh đạo của Đảng ta hiện nay – Học tập theo tấm gương chủ tịch HCM – Phường Gia Thụy
Hiểu một cách khái quát nhất thì văn hóa lãnh đạo là tổng thể giá trị hình thành từ quan niệm, chuẩn mực, nguyên tắc và phương thức lãnh đạo, tạo nên mối quan hệ hài hòa giữa chủ thể và khách thể trong hoạt động lãnh đạo để hướng đến một mục tiêu chung. Văn hoá lãnh đạo là hệ thống những chuẩn mực, ý nghĩa, giá trị, niềm tin chủ đạo, với những biểu trưng khác nhau, được hình thành trong tổ chức, được các chủ thể tham gia quá trình lãnh đạo cùng đồng thuận, tạo nên phong cách lãnh đạo độc đáo của mình và có ảnh hưởng ở phạm vi rộng lớn đến cách thức hành động của toàn bộ thành viên trong tổ chức, nhằm đạt được các mục tiêu đã đặt ra”[1].
Văn hóa lãnh đạo của người lãnh đạo, thì đều phải đặt trong điều kiện của một Đảng – Đảng cầm quyền, Đảng lãnh đạo, thể hiện sự thống nhất dựa trên nhiều mặt, nhiều đặc điểm, phẩm chất biểu hiện trong các quan hệ và hoạt động lãnh đạo để tố chức đời sống của cộng đồng hay xã hội. Hay nói cách khác đó chính là sự thống nhất giữa lý trí và tình cảm, giữa đạo đức và tài năng, giữa bản lĩnh và sự thích ứng, giữa nội dung và phong cách lãnh đạo, giữa hành vi bản năng với hành vi xã hội, giữa lợi ích cá nhân với lợi ích giai cấp và lợi ích cộng đồng. Điều quan trọng là đối với văn hóa lãnh đạo đó chính là phải có những phẩm chất vượt trội so với những người khác hay rộng hơn là so với các tổ chức khác. Nói đúng hơn đó chính là những người thông minh, có trí tuệ, hiểu biết rộng, am hiểu sâu sắc về các lĩnh vựa khác nhau, có khả năng tư duy khoa học, lôgic, khái quá hóa, trừu tượng hóa; biết nhìn nhận, đánh giá đúng bản chất; có năng lực dự bảo, định hướng tốt, có khả năng thực hiện các mục tiêu đạt chất lượng và hiệu quả.
Văn hóa lãnh đạo Hồ Chí Minh là một bộ phận cấu thành văn hóa chính trị của Người, bao gồm những giá trị Chân, Thiện, Mĩ của tư tưởng và hành vi, được sản sinh ra trong quá trình hoạt động cách mạng với cương vị là người lãnh đạo, có vai trò quan trọng góp phần tạo nên mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam và là tài sản tinh thần to lớn của Đảng ta.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng từ lức ra đi tìm đường cứu nước cho tới khi đứng ở vị ngôi cao nhất của quyền lực, Hồ Chí Minh đều thấm đượm chữ “Dân”. Người luôn lấy tất cả là vì dân, kính trọng dân, chăm lo cho dân, lấy dân làm gốc. Đó là một nội dung quan trọng, một giá trị cốt lõi của văn hóa lãnh đạo Hồ Chí Minh. Nguyên tắc lãnh đạo mà Hồ Chí Minh xây dựng đối với hệ thống chính trị của đất nước ta là tập trung dân chủ. Người giải thích: “Dân làm chủ thì Chủ tịch, Bộ trưởng, thứ trưởng, ủy viên này khác là làm gì? Làm đầy tớ. Làm đày tớ cho nhân dân, chứ không phải là làm quan cách mạng”. Người đòi hỏi: “Nhà nước ta phải phát huy quyền dân chủ và sinh hoạt chính trị của toàn dân… làm cho mọi công dân Việt Nam thực sự tham gia vào công việc của Nhà nước”. Dân chủ và tập trung phải đi đôi với nhau. Người nêu rõ: “Tập thể lãnh đạo là dân chủ. Cá nhân phụ trách là tập trung. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tức là dân chủ tập trung”. Ý nghĩa của nguyên tắc này chính là ở hiệu quả của công việc chung: “Lãnh đạo không tập thể thì sẽ đi đến cái tệ bao biện, độc đoán, chủ quan. Kết quả là hỏng việc. Phụ trách không do cá nhân thì sẽ đi đến cái tệ bừa bãi, lộn xộn, vô chính phủ. Kết quả cũng là hỏng việc”. Dân chủ vừa là nguyên tắc vừa là giá trị của lãnh đạo, quản lý. Dân làm chủ cho nên cán bộ là công bộc, là đầy tớ của dân.
Xây dựng văn hóa lãnh đạo của Đảng, của người lãnh đạo là vấn đề mà sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm. Người cho rằng, lãnh đạo mà được mọi người, từ cấp dưới, quần chúng nhân dân, cấp trên, đồng nghiệp nể trọng, quý mến, thì sẽ có điều kiện để phát huy vai trò lãnh đạo của mình, công việc cũng nhờ đó sẽ hoàn thành tốt hơn. Tất nhiên, làm được như vậy không phải dễ dàng chút nào. Bởi lẽ, có người nói thì hay, nói nhiều nhưng làm lại dở hoặc làm ngược lại với những gì đã nói. Cũng có người ít nói nhưng lại độc đoán, chuyên quyền, ít sâu sát cơ sở, gần gũi quần chúng. Có người trước mặt thì được khen ngợi này nọ, nhưng sau lưng lại không được nể phục. Chung quy, cũng phần nhiều liên quan đến tài và đức của người lãnh đạo.
Di sản Hồ Chí Minh thấm sâu tư tưởng, lối ứng xử văn hóa chính trị, văn hóa lãnh đạo, mặc dù Người không nói, viết trực tiếp một bài nào về vấn đề này. Nói văn hóa lãnh đạo, là nói tới cái đẹp, cái giá trị của cá nhân nhà lãnh đạo hoặc của tổ chức chính trị trong hệ thống chính trị, gồm Đảng cầm quyền và Nhà nước. Văn hóa lãnh đạo là nguồn lực nội sinh to lớn, vô tận của Đảng, chìa khóa cho năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, tạo dấu ấn khai sáng sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước. Người chỉ rõ: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Đây chính là Người muốn nhấn mạnh văn hóa lãnh đạo của Đảng. Như Người nói: Văn hóa không thể đứng ngoài mà đứng trong kinh tế và chính trị. Điều đó có nghĩa là tổ chức chính trị, hoạt động chính trị, đảng chính trị, cá nhân nhà chính trị phải thấm sâu văn hóa. Làm chính trị là phải có năng lực chính trị, mà thực chất và căn cốt là năng lực văn hóa. Cũng vì lẽ đó, làm chính trị mà say sưa quyền lực là chính trị phi văn hóa. Thực tiễn cách mạng cho thấy, những người làm chính trị mà thiếu tâm, dưới tầm, tức kém đức và tài, thường thích dùng quyền lực như là cứu cánh cho vị trí lãnh đạo của mình. Sinh thời, khi đang ở ngôi vị cao chất là Chủ tịch Đảng và Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh xác định: “như người lính vâng mệnh quốc dân ra trước mặt trận. Đồng bào cho tôi lui thì tôi vui lòng lui”.
Người luôn quan niệm, Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, ngoài lợi ích của dân tộc và giai cấp, Đảng ta không có lợi ích nào khác. Vì vậy, toàn Đảng và mỗi đảng viên “Phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân; phải hiểu thấu rằng lợi ích của nhân dân tức là lợi ích của Đảng và phải đặt lợi ích của nhân dân và của Đảng lên trên hết, trước hết”[2]. Mặt khác, để hoàn thành sứ mệnh của mình với tư cách là đội tiền phong, bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp và dân tộc, Đảng phải không ngừng củng cố, tăng cường mối quan hệ mật thiết với nhân dân. Mọi hoạt động của đảng phải lấy lợi ích của giai cấp và dân tộc làm nền tảng, bởi theo Người: “Giai cấp mà không có Đảng lãnh đạo thì không làm cách mạng được, Đảng mà không có giai cấp công nhân cũng không làm được gì”[3].
Thước đo văn hóa lãnh đạo là lòng dân. Đảng cầm quyền nhưng dân là chủ. Đảng cầm quyền để dân làm chủ. Đảng cầm quyền nhưng dân là gốc. Đảng cầm quyền vì dân; cầm quyền do dân. Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân; trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân. Bài học quý giá Hồ Chí Minh để lại cho Đảng ta ngày nay là: “Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên”[4] Trong đường lối lãnh đạo và cương lĩnh của mình, Đảng đã khẳng định rõ tất cả mọi hoạt động của Đảng là vì hạnh phúc của nhân dân. Nhưng cái khó nhất, cũng là văn hóa cao nhất của Đảng cầm quyền lại không chỉ ở trong Cương lĩnh, mà phải dược thể hiện trong thực tiễn cuộc sống chăm lo cho dân, cho nước. Mọi hoạt động đều mang lại hiệu quả thật sự cho dân chúng, từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đến tương, cà, mắm, muối và lấy hiệu quả đó làm thước đo mới là điều khó nhất của một đảng cầm quyền. Bác Hồ thường dạy: “Nói thì dễ, làm thì khó. Cái khó trong khi làm không phải là khó khăn, vất vả, mệt nhọc mà cái chính là không vượt qua được chính mình, không thắng nổi chủ nghĩa cá nhân để thực hiện quan điểm quần chúng, để thật sự vì dân. Ví dụ: “Miệng thì nói dân chủ nhưng làm việc thì họ theo lối quan chủ. Miệng thì nói phụng sự quần chúng, nhưng họ làm trái ngược với lợi ích của quần chúng”. Làm theo lối quan chủ tức là lãnh đạo thiếu văn hóa, lãnh đạo bằng quyền lực, làm việc theo cách quan liêu. Cái gì cũng dùng mệnh lệnh ép dân chúng làm”. Làm như vậy thì dân oán. Mà dân oán, dù tạm thời may có chút thành công, nhưng về mặt chính trị, là thất bại”. Chính trị thất bại tức là không được lòng dân. Mà cái nguy hiểm nhất là mất lòng dân. Bởi vì, mất tiền và của cải cải thì còn làm lại được, còn một khi đã mất lòng tin, đặc biệt là mất lòng tin của dân là mất tất cả. Nâng cao văn hóa cầm quyền là Đảng phải có sự lựa chọn sáng suốt, có tầm nhìn, trí tuệ và bản lĩnh văn hóa giữa việc lấy cái căn bản quy tụ lòng dân thay vì lợi ích trước mắt và thành tích mang mầm bệnh. Văn hóa cầm quyền là phải sao cho được lòng dân “Chính phủ là công bộc của dân”.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đảng là một tổ chức tự nguyện của những người ưu tú nhất trong các tầng lớp nhân dân. Vì vậy, Đảng phải thực sự là người vạch đường, chỉ lối để dân tộc đi đến độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc và tiến bộ. Đảng viên phải là người đi đầu trong mọi hoạt động lý luận và thực tiễn với phương châm: “Đảng viên đi trước, làng nước đi sau”, phải biết “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”. Tiền phong gương mẫu để cảm hóa nhân dân vừa là phương thức biểu hiện quyền lực của Đảng, vừa là yếu tố bảo đảm cho Đảng giữ vững địa vị là đảng duy nhất lãnh đạo và cầm quyền ở Việt Nam. Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Đảng không thể đòi hỏi Mặt trận thừa nhận quyền lãnh đạo của mình, mà phải tỏ ra là một bộ phận trung thành nhất, hoạt động nhất và chân thực nhất. Chỉ trong đấu tranh và công tác hằng ngày, khi quần chúng rộng rãi thừa nhận chính sách đúng đắn và năng lực lãnh đạo của Đảng, thì Đảng mới giành được địa vị lãnh đạo”[5].
Nguyên tắc lãnh đạo mà Hồ Chí Minh xây dựng cho toàn bộ hệ thống chính trị của đất nước ta là tập trung dân chủ. Người giải thích “Dân làm chủ thì Chủ tịch, Bộ trưởng, thứ trưởng, ủy viên này khác là làm gì? Làm đầy tớ. Làm đầy tớ cho nhân dân, chứ không phải là làm quan cách mạng”. Người yêu cầu “Nhà nước ta phải phát huy quyền dân chủ và sinh hoạt chính trị của toàn dân… làm cho mọi công dân Việt Nam thực sự tham gia vào công việc của Nhà nước”. Dân chủ và tập trung phải đi đôi với nhau. Người khẳng định “Tập thể lãnh đạo là dân chủ. Cá nhân phụ trách là tập trung. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tức là dân chủ tập trung”. Ý nghĩa của nguyên tắc này chính là ở hiệu quả của công việc chung: “Lãnh đạo không tập thể thì sẽ đi đến cái tệ bao biện, độc đoán, chủ quan. Kết quả là hỏng việc. Phụ trách không do cá nhân thì sẽ đi đến cái tệ bừa bãi, lộn xộn, vô chính phủ. Kết quả cũng là hỏng việc”, Dân chủ vừa là nguyên tắc vừa là giá trị của lãnh đạo. Dân làm chủ nên cán bộ là công bộc, là đầy tớ. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh “đầy tớ trung thành của nhân dân” là mô hình nhân cách của người cán bộ lãnh đạo. Hệ giá trị bất di bất dịch của người cán bộ lãnh đạo mà Hồ Chí Minh quan niệm là cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, thước đo của trình độ văn hóa lãnh đạo là hạnh phúc của nhân dân, lợi ích của nhân dân. Quan niệm của Người về quyền lực, nguyên tắc, phương thức lãnh đạo cũng như nhân cách của người lãnh đạo chính là kết quả của sự tích hợp giữa văn hóa phương Đông và phương Tây, giữa truyền thống nhân văn của văn hóa dân tộc với tính nhân văn cách mạng và tính khoa học của chủ nghĩa Mác Lênin. Người là biểu tượng đẹp đẽ nhất về văn hóa lãnh đạo của Đảng và của Nhà nước ta.
Bên cạnh việc đề cao vai trò lãnh đạo của Đảng, Hồ Chí Minh luôn đòi hỏi Đảng thực sự là người đầy tớ của nhân dân. Thực tế cho thấy, với mục tiêu, lý tưởng tất cả vì độc lập của dân tộc, tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân, trong suốt cuộc đời cách mạng của mình, dù ở bất cứ cương vị nào Người cũng luôn nhất quán một phương châm hành động: “Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh”[6]. Phương châm đó là yếu tố quyết định việc hình thành phong cách lãnh đạo Hồ Chí Minh đó là: lãnh đạo phải xuất phát từ tâm tư, nguyện vọng, lợi ích của dân để xác định chủ trương, đường lối, biện pháp thực hiện và phải trở lại nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; lãnh đạo phải gần dân, sâu sát thực tế, tôn trọng dân, học hỏi dân, thực sự là công bộc, là đầy tớ trung thành của nhân dân.
Văn hóa lãnh đạo Hồ Chí Minh với những nét đặc trưng nêu trên đã bảo đảm cho Đảng ta thực sự là một đảng cách mạng chân chính, được nhân dân tin tưởng, đi theo Đảng, trao quyền lãnh đạo cho Đảng, quyết tâm bảo vệ Đảng và thực hiện thắng lợi mục tiêu, lý tưởng của Đảng là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Sự lãnh đạo của Đảng đã đưa đến sự thay đổi diện mạo đời sống chính trị của đất nước, đưa nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ, sánh vai cùng các dân tộc khác trên con đường tiến tới văn minh. Nhân kỷ niệm ba mươi năm thành lập Đảng, Hồ Chí Minh đã khái quát: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh, Là thống nhất, độc lập, là hoà bình ấm no. Công ơn Đảng thật là to, Ba mươi năm lịch sử Đảng là cả một pho lịch sử bằng vàng.
Hiện nay sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng, đã và đang đặt ra trên con đường phát triển của dân tộc cả thời cơ và thách thức, đòi hỏi Đảng ta phải không ngừng nâng cao bản lĩnh, trí tuệ, phẩm chất đạo đức và năng lực lãnh đạo để đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. Tuy nhiên, trước sự tác động tiêu cực của mặt trái nền kinh tế thị trường, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả những đảng viên có chức, có quyền suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Tình trạng quan liêu, xa rời thực tế, cửa quyền, hách dịch, tham nhũng, lãng phí đã và đang gây bức xúc trong nhân dân, làm phai nhạt niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ. Mặt khác, các thế lực thù địch không ngừng tìm mọi cách chống phá Đảng, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, mua chuộc, lôi kéo, khống chế cán bộ, đảng viên, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng, đòi thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập ở Việt Nam. Thực tế nêu trên càng đòi hỏi Đảng ta phải thấm nhuần văn hóa lãnh đạo Hồ Chí Minh, không ngừng bồi đắp và phát huy văn hóa lãnh đạo của Người trong tình hình mới.
Để văn hóa lãnh đạo Hồ Chí Minh tiếp tục tỏa sáng trong quá trình lãnh đạo của Đảng, trước hết cần khẳng định rằng: mặc dù điều kiện, hoàn cảnh có thay đổi đến đâu thì văn hóa lãnh đạo của Người vẫn mãi là chuẩn mực văn hóa lãnh đạo của Đảng ta. Trên cơ sở đó, các cấp ủy đảng quán triệt và cụ thể hóa thành các quy chế, quy định trong hoạt động lãnh đạo cũng như trong xác định tiêu chuẩn của cấp ủy viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy các cấp. Bên cạnh đó, đòi hỏi mỗi đảng viên phải không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao nhận thức về lý luận chính trị; về đảng chính trị và đảng cầm quyền; về quy luật vận động, phát triển tất yếu của nhân loại; về xu thế thời đại; về bản chất của cái gọi là “đa nguyên chính trị”, “đa đảng đối lập” mà các phần tử phản động lợi dụng dân chủ đang ra sức hô hào. Tiếp tục đưa việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đi vào chiều sâu, tức là phải thật sự làm theo, khắc phục tình trạng chỉ học mà không làm theo, thậm chí làm trái với những điều đã học. Mặt khác, cần phát huy vai trò của nhân dân, của các tổ chức quần chúng trong quản lý, rèn luyện đảng viên nói chung, trong kiểm soát quyền lực của những đảng viên có chức, có quyền nói riêng.
Trong văn hóa lãnh đạo Hồ Chí Minh, thước đo của văn hóa lãnh đạo là hạnh phúc của nhân dân, là lợi ích của nhân dân. Quan niệm của Người về quyền lực, nguyên tắc, phương thức lãnh đạo, cũng như nhân cách của người lãnh đạo, đó chính là kết quả của sự tích hợp giữa văn hóa phương Đông và văn hóa phương Tây, giữa truyền thống nhân văn của văn hóa dân tộc với tính nhân văn cách mạng với tính khoa học cách mạng của chủ nghĩa Mác – Leenin. Và cũng chính Hồ Chí Minh là một biểu tượng đẹp đẽ và sáng ngời về văn hóa lãnh đạo của Đảng ta.
Quyền lực thuộc về nhân dân và nhân dân ủy thác quyền lực đó cho đại biểu của mình. Một khi người nắm quyền thay mặt nhân dân lãnh đạo đất nước mà không còn sự tín nhiệm của nhân dân nữa thì nên từ chức và phải xin lỗi trước nhân dân. Khi trả lời các nhà báo ngước ngoài, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “bây giờ pahir gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui thì tôi vui lòng lui”. Cũng như ước muốn của Hồ Chí Minh: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tuột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh ước biếc, để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hải củi, trẻ em chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi”. Tư tưởng đó rõ ràng rất xa lạ với đầu óc địa vị, danh vọng, tư lợi của những ông quan cách mạng. Hồ Chí Minh mặc dù đứng ở đỉnh cao quyền lực, những luôn coi nhiệm vụ đó là do nhân dân ủy thác, giao cho mình,mình phải cố gắng làm đến nới, đến chốn. Vậy nên giờ đây, bàn đến văn hóa lãnh đạo Hồ Chí Minh thì phải biết đến văn hóa từ chức là chính vì lẽ đó.
Hồ Chí Minh có một sức cảm hóa kỳ diệu với mọi người xung quanh, ở Người có một sức cảm hóa vô biên đến mức là những người Việt Nam yêu nước, không phân biệt giai cấp, tầng lớp, gái trai, giàu nghèo, tôn giáo đều có thể đứng dưới ngọn cờ đại nghĩa Hồ Chí Minh mà tự giác hành động vì Tổ quốc. Bao nhiêu tấm gương lầm đường lạc lối đã được Hồ Chí Minh khuyên nhủ quay trở về phục vụ cách mạng, bao nhiêu người sẵn sàng từ bỏ vinh hoa phú quý để đi theo tiếng gọi của Người, mà lúc đầu họ chỉ mới nghe qua những câu chuyện kể cảm động, những huyền thoại về Hồ Chí Minh.
Sức cảm hóa kỳ diệu đó khởi nguồn từ cái văn hóa vật chất của lãnh tụ Hồ Chí Minh, nhất là trong việc làm gương cho mọi người noi theo. Theo Người: ở phương Đông và ở Việt Nam một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền. Trong thực tiễn Hồ Chí Minh thường phê phán những người nói nói mà không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, nói một đằng làm một nẻo. Khi nói về tiết kiệm, Người là một tấm gương về tiết kiệm; khi nói về rèn luyện sức khỏe,tập thể dục thể thao Người cũng là một tấm gương; khi nói về việc bỏ thuốc lá và rượu Người cũng là một tấm gương sáng. Đối với cán bộ lãnh đạo của chúng ta hiện nay, đã xuất hiện cả tư tưởng hãy làm theo tôi nói đừng làm theo tôi làm. Chúng ta còn nhớ ngay cả khi Bác hoạt động bí mật hay khi đã là Chủ tịch nước, Người cũng tìm mọi cách để đến được với nhân dân, những người lao động bình thường hoặc những người có nhiều khó khăn trong cuộc sống. Hồ Chí Minh đến với họ gần gũi như những người thân trong gia đình mình, cùng lao động, cùng động viên, thăm hỏi, cung chia sẽ những kinh nghiệm trong làm ăn. Nhiều lần Người đi thăm các gia đình, các địa phương không báo trước, mà chỉ đột xuất xuống các địa phương động viện, thăm hỏi, nói chuyện cùng bà con, mục đích là để tiết kiệm không phô trương hình thức và nhất là để nắm cái thực chất ở địa phương, ít nghe báo cáo, hội nghị. Tất cả những điều đó đã minh chứng một chân lý rằng: Người muốn thực sự sống một cuộc sống bình di như bao người dân khác để hiểu dân hơn và làm được nhiều điều có lợi cho dân hơn./.
[1]. Phạm Ngọc Thanh: Văn hóa lãnh đạo, quản lý trước yêu cầu đổi mới và phát triển xã hội hiện nay, tạp chí lý luận chính trị, số 12/2012, tr. 37.
[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, Tập 8, tr.13.
[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, Tập 10, tr.477.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, HN, 2002, tr.293
[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, Tập 4, tr.168.
[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, Tập 4, tr.21.
Nguồn : Nguyễn Huy Đại, Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng.