Văn hóa lãnh đạo, quản lý
VHO- Văn hóa, hiểu theo nghĩa cô đọng nhất, đó là giá trị, là chuẩn mực, là sức mạnh nội sinh của sự phát triển. Văn hóa lãnh đạo, quản lý là một bộ phận quan trọng của văn hóa, là biểu hiện sinh động trong hệ thống đa dạng của đời sống văn hóa.
Quan tâm văn hóa lãnh đạo, quản lý chính là quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý về đạo đức, năng lực, phong cách lãnh đạo, cách ứng xử… Làm tốt văn hóa lãnh đạo, quản lý sẽ thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, khắc phục quan liêu, phòng chống tham nhũng, góp phần lan tỏa những giá trị sống đẹp trong xã hội. Chúng ta biết rằng quan liêu, mệnh lệnh không phù hợp với văn hóa lãnh đạo, quản lý. Trong lãnh đạo, quản lý, nếu không chú trọng đến yếu tốvăn hóa thì không thể có quản trị mà chỉ có “cai trị”. Quản trị bằng văn hóa là xu thế tất yếu của thời đại… Trên thực tế, việc hành xử có văn hóa trong lãnh đạo, quản lý không phải ai cũng làm được.
Từ xưa đến nay, văn hóa lãnh đạo được xem là đạo trị nước. Tiêu chí chung của người lãnh đạo là gương mẫu trong hành xử, trong lối sống, trong quan hệ và phải trung thực với chính mình; có tầm nhìn, biết sử dụng người tài; biết đặt lợi ích chung lên trên. Với mong muốn của người dân, người lãnh đạo phải là người ưu tú và là người nhân đức. Đã có nhiều lãnh đạo nêu gương sáng, được lòng dân nhưng cũng có không ít những lãnh đạo quan liêu, hách dịch, thiếu trách nhiệm, bè phái, lạm dụng quyền lực… bị xã hội lên án, bị xử lý theo pháp luật.
Để có văn hóa lãnh đạo, quản lý, người lãnh đạo cần được trang bị kiến thức, cần có trình độ, chuyên môn nhất định để có thể thực hiện công việc được giao và cần có lòng nhân. Theo Lênin, văn hóa quản lý của người cán bộ thể hiện ở công việc thiết thực thường ngày; biết nhận sai và sửa sai; biết bàn thảo dân chủ, sử dụng trí tuệ tập thể; có đủ dũng khí để quyết định, thực thi và chịu trách nhiệm. Theo Bác Hồ: Cán bộ là cái gốc của mọi công việc và huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng. Những nội dung cần tập trung huấn luyện bao gồm: Huấn luyện chính trị, huấn luyện văn hóa, huấn luyện lý luận. Mỗi cán bộ, đảng viên thường xuyên học tập, tu dưỡng hằng ngày, nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủnghĩa cá nhân, để trở thành người có đức, có tài, “vừa hồng, vừa chuyên”.
“Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý…” được nêu trong Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thu hút nhiều sự quan tâm. Nhiều ý kiến cho rằng, lãnh đạo ở lĩnh vực nào cần phải có chuyên môn, có sự am hiểu về lĩnh vực đó nhưng sẽ là một lãnh đạo yếu khi chỉ có chuyên môn sâu. Người lãnh đạo phải là tinh hoa và cần có hai điều kiện. Một là, trang bị cho bản thân vốn văn hóa như văn học, triết học, lịch sử, nghệ thuật, khoa học… Dựa trên nền tảng văn hóa đó mà có được cái nhìn toàn cục và năng lực phán đoán tổng hợp ưu việt mà người thường khó có thể sánh được. Hai là, biết đặt lợi ích chung lên trên, có tấm lòng sẵn sàng hy sinh vì lợi ích quốc gia dân tộc.
Người lãnh đạo, quản lý cần biết nội hàm lãnh đạo, quản lý đối với công việc được giao theo thẩm quyền, theo quy định. Cần nắm vững chủ trương, chính sách, tuân thủ pháp luật hiện hành… Quan trọng là không chỉ hiểu việc mà phải hiểu người, hiểu giá trịđích thực của bản thân, không ảo tưởng về bản thân, quyền lực. Người lãnh đạo, quản lý suy cho cùng cũng là sự ủy quyền của dân, bởi dưới chế độ ta, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân. Phải biết đặt lợi ích đất nước, nhân dân lên trên trong hành xử công việc, phải biết bảo vệ lẽ phải, bảo vệ người tốt… Nhất là trong tình hình chính sách pháp luật chưa hoàn thiện, còn chồng chéo, xung đột, nhiều cán bộ, công chức, viên chức gặp nhiều khó khăn, thậm chí rủi ro khi thực hiện nhiệm vụ được giao, nếu người tốt không được bảo vệ, tình trạng trì trệ trong bộ máy chậm khắc phục.
Hơn ai hết, người lãnh đạo cần có văn hóa lòng nhân, luôn biết tôn trọng và có tình thương đối với con người. Không có lòng nhân, tình người, chỉ quan tâm đến công việc, kỹ thuật, công nghệ để xử lý công việc một cách máy móc, phiến diện, có nhiều khi làm người khác bị tổn thương hoặc vô cảm, dửng dưng trước sự tổn thương của người khác, trong khi con người rất cần được cảm thông, sẻ chia, nhất là người bị lãnh đạo, bị quản lý, những người dưới quyền, yếu thế, những hoàn cảnh khó khăn… Sự tử tế, mực thước của nhà lãnh đạo, quản lý có sức cảm hóa lớn. Bác Hồ và nhiều người thuộc lớp học trò kế cận của Bác đã làm được việc này.
Văn hóa lãnh đạo, quản lý chính là đề tài mở cần được quan tâm nghiên cứu, chia sẻ. Đối với người lãnh đạo, quản lý, điều cần được coi trọng là trong quá trình hành xử công việc sao cho hiệu quả, thấu lý đạt tình, làm lan tỏa những giá trị sống đẹp và những điều tử tế. Đây cũng là việc học tập và rèn luyện không ngừng trong hành trình phấn đấu vươn lên trong cuộc đời, sự nghiệp của mỗi con người.
Văn hóa lãnh đạo là tố chất trong xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam.
PHẠM PHƯƠNG THẢO, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM