Văn hóa – nguồn lực kiến tạo bản sắc du lịch Việt

(PLVN) – Tiềm năng di sản văn hoá phong phú được xem là nguồn lực quan trọng phát triển du lịch. Đặc biệt trong bối cảnh du lịch nội địa phát triển mạnh mẽ sau dịch nhưng du lịch quốc tế vẫn phục hồi chậm, yêu cầu ngành du lịch nước nhà phải tạo ra nhiều sản phẩm đặc trưng, hấp dẫn du khách hơn trước sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ từ các quốc gia khác.

Phát triển du lịch văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc

Thực tế cho thấy, công tác bảo tồn kết hợp với khai thác hiệu quả các giá trị di sản, văn hoá đã tạo ra nguồn lực và không gian mới cho phát triển du lịch bền vững ở các địa phương, góp phần vào nền kinh tế bền vững của đất nước.

Đơn cử là câu chuyện tại tỉnh Bắc Kạn. Thời gian qua, công tác bảo tồn di tích lịch sử cấp quốc gia đã góp phần tạo nền tảng thuận lợi cho tỉnh khai thác, phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng – du lịch lịch sử gắn với du lịch trải nghiệm văn hóa truyền thống. Những điểm đến như Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt ATK Chợ Đồn; Di tích lịch sử cấp quốc gia Nà Tu, Địa điểm Đồn Phủ Thông, Địa điểm Chiến thắng đèo Giàng, Địa điểm Lưu niệm Bác Hồ trở thành những “địa chỉ đỏ” có ý nghĩa giáo dục truyền thống đối với thế hệ trẻ của tỉnh cũng như của cả nước; là nơi thu hút du khách, cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên đến tham quan, nghiên cứu, học tập.

Đáng nói, tỉnh Bắc Kạn đã xác định rõ việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch vừa là nhiệm vụ trước mắt, vừa là nhiệm vụ có tính lâu dài, góp phần nâng cao ý thức về bản sắc dân tộc, bảo vệ bản sắc văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa bền vững, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển. Bởi vậy, các giá trị văn hóa du lịch của hệ thống di tích lịch sử, văn hoá đã và đang tiếp tục được khai thác tối ưu nhằm mục đích phục vụ cho phát triển du lịch, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của du lịch văn hóa nói riêng và du lịch Bắc Kạn nói chung. Cùng với công tác bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử, tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra để kịp thời ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị của di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh.

Trên thế giới, các quốc gia phát triển du lịch mạnh mẽ đều biết cách khai thác, phát huy hiệu quả sức mạnh và giá trị tài nguyên văn hóa của nước họ. Mặt khác, du lịch cũng trở thành phương thức thu hút đầu tư, phát triển kinh tế nhằm quay trở lại bảo vệ, bảo tồn, củng cố và phát triển nền văn hóa ngày càng giàu đẹp, vững mạnh.

Sau dịch, du lịch văn hoá được xác định là một trong những xu hướng chính của ngành du lịch Việt Nam nói riêng và ngành du lịch thế giới nói chung. Những di sản được khai thác hợp lý sẽ góp phần để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách, giúp họ có những cái nhìn rõ nét và sâu sắc hơn về những giá trị văn hóa bản địa còn hiện diện, làm cho họ cảm thấy thích thú và muốn quay trở lại.

Các chuyên gia trong và ngoài nước đều đã không ít lần đánh giá Việt Nam có tiềm năng di sản văn hoá dồi dào, do đó hoàn toàn có lợi thế để phát triển du lịch văn hóa. Theo thống kê, cả nước có khoảng 40.000 di tích được kiểm kê; trong đó, có khoảng 10.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, thành phố; trên 3.460 di tích cấp quốc gia; 107 di tích quốc gia đặc biệt, 164 bảo vật quốc gia. Truyền thống văn hóa lâu đời, bề dày lịch sử sẽ là nền tảng vững chắc cho sự phát triển du lịch bền vững, tạo ra nhiều giá trị thiết thực tại các địa phương.

Nhiều điểm đến của Việt Nam như Hà Nội, Hạ Long, Đà Nẵng, Hội An, Quảng Bình, TP Hồ Chí Minh, Phú Quốc… đã được các tờ báo, tạp chí du lịch quốc tế, trang thông tin điện tử hướng dẫn du lịch hàng đầu thế giới bình chọn là top điểm đến giàu bản sắc văn hóa nhất, hấp dẫn nhất châu Á.

Nâng cao thương hiệu quốc gia bằng văn hóa

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã đặt nhiệm vụ “mở rộng và nâng cao hiệu quả ngoại giao văn hóa, đóng góp thiết thực vào quảng bá hình ảnh, thương hiệu quốc gia và tăng cường sức mạnh tổng hợp của đất nước”.

Văn hóa - nguồn lực kiến tạo bản sắc du lịch Việt ảnh 1

Tại Hội thảo Văn hoá 2022, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc đã khẳng định: “Kết quả việc thực hiện Chiến lược Ngoại giao văn hoá đến năm 2020 đã góp phần tích cực trong việc quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa và con người Việt Nam với cộng đồng quốc tế, tôn vinh trí tuệ, phẩm chất, cốt cách, lý tưởng cao đẹp của người Việt Nam và nâng tầm giá trị văn hóa Việt; tham gia thu hút đầu tư, du lịch, đóng góp vào phát triển bền vững kinh tế – xã hội của các địa phương và cả nước; đồng thời góp phần tăng cường sức mạnh mềm quốc gia”.

Biểu hiện rõ thấy là đến nay, Việt Nam đã có 57 di sản/danh hiệu UNESCO, đứng đầu các nước Đông Nam Á về số di sản được UNESCO ghi danh. 63 địa phương đều sở hữu hoặc đồng sở hữu ít nhất 1 danh hiệu UNESCO, trong đó có nhiều địa phương đã tận dụng lợi thế này để xây dựng những thương hiệu văn hoá trên quốc tế. Các sự kiện, lễ hội văn hoá và danh hiệu/di sản UNESCO đã góp phần thu hút mạnh mẽ khách du lịch, giúp nhiều địa phương chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế dựa trên một trong những trụ cột là phát triển du lịch và khai thác giá trị di sản.

Mặt khác, trong thời gian qua, ngành du lịch Việt Nam đã chú trọng đẩy mạnh công tác xúc tiến du lịch ra hầu hết các thị trường du lịch tiềm năng trên thế giới, từ các thị trường truyền thống như châu Âu, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, khu vực Đông Nam Á… đến các thị trường mới nổi gần đây như Trung Đông. Theo đó, chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn 2030, logo và slogan cùng bộ nhận diện thương hiệu du lịch Việt Nam đều đã được ban hành, giới thiệu rộng rãi trên thị trường du lịch quốc tế.

Những minh chứng nêu trên đa cho thấy tầm quan trọng của văn hoá trong việc định vị thương hiệu du lịch của một quốc gia trên trường quốc tế, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành du lịch nước nhà. Các sản phẩm, trải nghiệm du lịch trên nền tảng văn hoá dân tộc là đặc trưng của riêng Việt Nam, do vậy nếu du khách quốc tế muốn trải nghiệm, họ sẽ cần phải đến Việt Nam.

Vị thế của du lịch văn hóa cũng đã được khẳng định trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, khi được Chiến lược xác định là “1/13 ngành phát triển công nghiệp văn hóa”. Theo đó, Chiến lược đặt mục tiêu cụ thể phát triển các ngành công nghiệp du lịch văn hóa chiếm 10 – 15% trong số 18.000 triệu USD doanh thu từ khách du lịch. Kỳ vọng đến năm 2030, ngành du lịch văn hóa chiếm 15-20% trong tổng số 40 tỷ USD doanh thu từ khách du lịch.

Đáng nói, việc phát triển công nghiệp du lịch văn hóa, hay nói cách khác là phát huy tối đa các giá trị tài nguyên văn hoá trong du lịch, được xem là nhiệm vụ dài hạn và không hề dễ dàng. Theo các chuyên gia, dù tiềm năng du lịch văn hoá của Việt Nam rất đa dạng, phong phú nhưng vẫn chưa được khai thác một cách đúng tầm.

Thiết nghĩ, để tháo gỡ những rào cản về mặt kỹ thuật, chính sách, thúc đẩy du lịch văn hoá bứt phá, vai trò quản lý, điều phối của nhà nước có ý nghĩa rất quan trọng, đòi hỏi cần phải có sự phối hợp đồng bộ các giải pháp, sự kết hợp gắn bó mật thiết giữa các ngành, các cơ quan quản lý từ Trung ương tới địa phương, giữa các bên liên quan, trong đó nhấn mạnh vai trò của ngành du lịch và văn hóa.

Cùng với đó là phải tiếp tục đẩy mạnh triển khai công tác bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý về du lịch, đặc biệt trong lĩnh vực bảo tồn và phát triển văn hoá, du lịch. Như vậy văn hoá mới có thể thực sự trở thành nguồn lực kiến tạo bản sắc du lịch Việt, góp phần giúp ngành du lịch tăng trưởng bền vững và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong tổng thể nền kinh tế quốc gia.