Văn hóa Phật giáo trong đời sống văn hóa Lào

Tác giả: ĐĐ.Thích Quảng Tâm
Học viên Cao học khóa II – Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế

Tóm tắt:

Phật giáo ở Lào không đơn thuần là một tôn giáo mà là sự hiện thân của văn hóa và lối sống của người Lào. Điều này đã được một số nhà nghiên cứu văn hóa, cũng như giới sư sãi Lào khẳng định, Phật giáo gần như đã trở thành một phong tục tập quán của nhân dân Lào, một Phật giáo mang bản sắc văn hóa riêng của Lào. Từ những ấn tượng của Phật giáo đối với đất nước và con người Lào, qua nội dung bài viết Văn hóa Phật giáo trong đời sống văn hóa dân tộc Lào này, ngoài hy vọng độc giả hiểu rõ hơn về lịch sử hình thành và phát triển Phật giáo nước bạn Lào, còn giúp họ thấy được văn hóa Lào luôn gắn liền với văn hóa Phật giáo.

Từ khóa: đời sống văn hóa Lào, văn hóa Phật giáo Lào, Phật giáo Lào…

Dẫn nhập

Cư dân các bộ tộc Lào đã đón nhận đạo Phật từ bi vào xứ sở của mình. Qua thời gian, Phật giáo có một sức sống mãnh liệt, ảnh hưởng đến hầu hết các lĩnh vực đời sống chính trị, xã hội và văn hóa của dân tộc Lào. Đối với mỗi người dân Lào từ khi chào đời cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay đều gắn bó mật thiết với ngôi chùa, với nhà sư. Cho đến ngày nay, người Lào vẫn quan niệm nếu người nào chưa vào chùa học chữ, học đạo lý thì người ấy vẫn chưa được xem là người chín chắn. Cho nên, đối với mỗi người dân Lào, đặc biệt là thanh niên, việc khoác áo ca-sa, dẫu chỉ một ngày, được xem như giấy chứng nhận trưởng thành của anh ta đối với cộng đồng.

Đánh giá chung, người Lào không quan tâm và cũng không hiểu được nhiều triết lý, vũ trụ quan, nhân sinh quan hay cõi niết-bàn xa xôi. Cuộc sống của họ đều xem đạo Phật là đạo lý, là cách xử thế và cái cốt lõi là lòng từ bi, vị tha và tu nhân tích đức.

Trải qua nhiều thế kỷ du nhập và phát triển trên đất nước Lào, Phật giáo đã được dân tộc hóa, địa phương hóa và quần chúng hóa sâu sắc. Ngược lại, không ít tín ngưỡng cổ của dân tộc Lào mang đậm dấu ấn Phật giáo.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Van hoa Phat giao trong doi song van hoa Lao 1

1. Con đường du nhập của Phật giáo

Phật giáo được du nhập vào Lào bằng con đường nào và tư bao giờ thì cho đến nay chưa có câu trả lời thống nhất. Nhưng tựu chung các nhà nghiên cứu cho rằng Phật giáo đã có mặt một số Muang ở nhiều khu vực khác nhau từ khi quốc gia chưa thống nhất.

Theo học giả G. Coedès[1] cho rằng, Phật giáo du nhập vào Tây Lào khoảng thế kỷ thứ VIII do người Môn đầu tiên di cư vào vùng Lava. Ông cũng cho biết việc truyền bá này có quy mô lớn, với 500 vị sư am hiểu kinh Phật từ Srilanka đến. [4,28]

Theo nhà nghiên cứu Trần Quang Thuận, thế kỉ XIII[2], dân tộc Tai khi tiến xuống phương nam chịu ảnh hưởng của hai nền văn hóa: văn hóa Trung Hoa với truyền thống văn hóa Phật giáo Đại thừa, Kim Cang thừa và văn hóa Phật giáo Dvaravati[3] liên hệ chặt chẽ với dân tộc Mon và đế quốc Khmer. [5,63]

Nhà nghiên cứu Minh Chi thì cho rằng, vào thế kỷ XIII, nhóm người Lào Thái[4] tràn xuống vùng Tây và Bắc Lào. Năm 1296, sau khi chiếm được Haripunjaya, thủ lĩnh Mang Ray bắt đầu lập kinh đô mới tại đây. Nhóm người Lào Thái vốn theo Phật giáo Đại thừa ở phía Nam Trung Hoa, vì thế khi chiếm nơi đây đạo Phật không bị tàn lụi mà ngày càng phát triển. Một nhánh khác của người Lào Thái định cư cùng miền Trung trên thượng và trung lưu sông Me Kong, nhóm Lào này gọi là Thái Sukho. Năm 1280, thủ lĩnh Thái Sukho là Rama Kamheng chinh phục các bộ lạc lân ban lên ngôi vua, ông cho tiếp thu Phật giáo Theraveda từ Myanmar. Sau đó truyền lại cho người Khmer và người Lào Lùm. [4,29]

Năm 1353, vua Fa Ngum thống nhất đất nước lấy tên Lan Xang, xây dựng chế độ chính trị theo mô hình Khmer. Đáp ứng nguyện vọng của hoàng hậu Keo Keng Nya[5], vua cử phái đoàn sang Khmer thỉnh chư tăng cùng kinh tượng pháp khí về nước. Vua Khmer chấp nhận lời thỉnh cầu của con rễ, cho phái đoàn gồm các vị cao tăng trong đó có ngài Phra Maha Pasman[6], Maha Devalanka cùng tam tạng kinh điển Pali, thợ, cây bồ đề và đặc biệt là tượng Phật vàng Prabang[7]. Sau khi phái đoàn đến Lào, tượng Phật được lưu tại Vienkam, phái đoàn tiếp tục hành trình về  Luang Prabang. Vua Fa Ngum xây dựng chùa Pasman để cho phái đoàn lưu trú trong thời gian hoằng pháp nơi đây. Từ đây, vương quốc Lan Xang chính thức chọn Phật giáo Theravada làm quốc giáo và truyền thống này vẫn được giữ gìn đến ngày nay.

Phật giáo du nhập vào Lào từ hai hướng Bắc và Nam. Phía Bắc theo đường Srilanka qua người Môn và theo đường từ Nam Trung Hoa qua người Lào Thái, phía Nam do người Khmer và người Lào Thái tại lưu vực sông Me Kong. Tóm lại, dù qua nhóm dân tộc nào, Mahayana hay Theravada thì dân tộc Lào cũng đón nhận và tiếp thu một cách hòa bình. Theo thời gian, Phật giáo dần chiếm vị thế quan trọng trong đời sống nhân dân Lào, đặc biệt là đời sống chính trị.

2. Phật giáo trong văn hóa vật chất dân tộc Lào

2.1. Văn hóa ẩm thực

Ngay khi đức Phật còn tại thế, ngài không quy định đệ tử mình ăn chay hay ăn mặn[8] mà chỉ dạy miễn là không ăn vì tham đắm và ác ý. Vì thế, theo truyền thống Phật giáo Nguyên Thủy nói chung và Phật giáo Lào nói riêng không bắt buộc phải ăn chay (theo quan niệm của Phật giáo Bắc tông là ăn rau, củ, quả và thực vật) hay ăn mặn mà chỉ tùy duyên theo sự cúng dường của tín đồ.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Van hoa Phat giao trong doi song van hoa Lao 2

Mỗi buổi sáng, tất cả chư tăng trong chùa đều ôm bình bát đến các ngã đường nơi các tín đồ đang chờ để dâng cúng. Thức ăn của sư là do tín đồ cung cấp, vì thế người dân ăn như thế nào thì quý sư ăn như thế và xôi nếp chính là món ăn chính của họ giống như cơm của người Việt.

Văn hóa ẩm thực của Phật giáo Nguyên thủy là không dùng đũa, vì thế phương thức ăn của người Lào thường dùng tay để bốc xôi và thức ăn, với những món có nước thì dùng muỗng để múc. Chính vì vậy, trong mâm cơm người Lào hoàn toàn vắng bóng đôi đũa. Ngoài ra, nếu như chư tăng dùng bình bát để thọ thực thì người Lào đều có một nồi cơm nhỏ riêng[9] để dùng trong mỗi bữa ăn.

2.2. Văn hóa trang phục

Có nhiều danh từ Phật giáo để gọi chung áo của tu sĩ như Ca-sa, y phước điền, pháp y, pháp phục… và những trang phục này có hình thức thiết kế khác nhau tùy theo truyền thống Phật giáo.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Van hoa Phat giao trong doi song van hoa Lao 3

Vì theo truyền thống Nam truyền nên trang phục của tu sĩ Phật giáo Lào không may thành quần áo như Bắc truyền mà chỉ dùng những mảnh vải vàng được quấn lên người.

Y của chư tăng Lào gồm Y nội ( y An-đà-hội) và Y vai trái (y Uất-đa-la-tăng):

Y nội có tác dụng như quần áo lót, gồm 2 mảnh vải. Mảnh thứ nhất dài 150 cm, rộng 40 cm, vắt trước ngực qua vai trái, qua lưng, chéo xuống hông phải, tiếng Lào gọi là Phạbiêng. Hai cạnh vải ở hông phải, gần hai đầu vải có những sợi vải nhỏ để buộc lại với nhau. Mảnh thứ hai để nguyên khổ vải dài 150cm, rộng từ 70-90cm quấn quanh bụng như chiếc váy, tiêng Lào gọi là Phạxábôông.

Y vai trái, tiếng Lào gọi là Phạkhum, là một mảnh vải to hình chữ nhật dài từ 200-300cm, rộng từ 150-200cm. tấm vải này được ghép từ nhiều mảnh vải nhỏ và may thành nhiều ô[10] (thường từ 10 đến 15 ô). Đây là cách may y mà đức Phật đã chỉ bày khi còn tại thế. Viền quanh y là một nẹp rộng khoảng 10cm gọi là Riệp.

Lào là đất nước theo truyền thống Phật giáo, nên trong y phục của người Lào cũng có ít nhiều ảnh hưởng lối mặc của thiền môn. Trước tiên là phải kể đến là chiếc khăn chéo trước ngực của người dân[11], tiếng Lào gọi là Phạ biêng. Đối với mọi người Lào từ già đến trẻ, nam hay nữ, trong các lễ hội truyền thống hay trong lễ tiệc gia đình, dù với các lễ phục truyền thống hay thường phục đều có chiếc khăn chéo trước ngực.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Van hoa Phat giao trong doi song van hoa Lao 4

2.3. Văn hóa kiến trúc chùa tháp

Nói đến đất nước Lào, người ta thường nghĩ ngay đến một đất nước của  bình yên, của những ngôi chùa, ngọn tháp cổ kính. Thật vậy, chùa tháp ở Lào đã trở thành một bộ phận chính của cảnh trí đất nước Lào. Vì thế khi nói đến đặc điểm kiến trúc Lào là nói đến kiến trúc chùa tháp của Phật giáo.

Chùa Lào hình thành trong nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau nên mỗi thời kì lịch sử đều có phong cách khác nhau nhưng tựu chung cũng đều ảnh hưởng kiến trúc chung của các nước Phật giáo Nguyên thủy mà đặc biệt là Campuchia. Hiểu được điều này thì mới thấy vì sao chính ngôi chùa chứ không phải chỗ nào khác, tinh hoa và tài năng sáng tạo nghệ thuật của người Lào được thể hiện. Kiến trúc cơ bản của chùa Lào có hình vuông, có cờ và rào bao quanh, cổng chính nằm hướng Tây[12] và các cổng phụ ở ba hướng còn lại. Quần thể kiến trúc chùa Lào thường có ba ngôi chính: Xỉm (điện Phật), Sảla (Phật đường), Kuti (Tăng phòng).

Xỉm là nơi quan trọng và thiêng liêng nhất của quần thể chùa Lào, có hình chữ Nhật với nhiều tầng mái, giữa đỉnh có nóc Sophạ[13], của vào luôn luôn từ đầu mái hồi.

Sảla thường được xây dựng trên nền cao, cănm ở trung tâm của quần thể chùa Lào và của vào chính phía Tây. Nếu Xỉm chỉ có một hướng vào từ đầu mái hồi thì Sảla có tới ba cửa ở ba hướng. Đặc biệt, chùa Lào không có làm cửa đi vào từ sau lưng đức Phật.

Kuti là ngôi nhà đơn giản giống như nhà sàn của người dân, thường không được trang trí cầu kì. Cửa vào truyền thống cũng là từ mái hồi. Kuti thường được xây dựng ở gần bờ tường xung quanh chùa, trong chùa thường có nhiều khu Kuti để đến thời xuất gia gieo duyên của trai làng thì có thể làm nơi ở.

Xét về quy mô, sảla là ngôi nhà lớn nhất trong quần thể kiến trúc, tiếp đến là Xỉm và Kuti. Điều đặc biệt ở đây chính là việc xây dựng là bắt đầu từ Kuti.

3. Phật giáo trong văn hóa tinh thần dân tộc Lào

3.1. Phong tục vòng đời

Sư tăng ở Lào là tầng lớp đăc biệt trong xã hội rất được mọi người kính trọng. Tuy nhiên, mối quan hệ giữ một tu sĩ với tín đồ phải phải kiểu “kính nhi viễn chi” mà lại rất gần gủi. Nếu như người dân chăm lo cho sư tăng về đời sống vật chất thì sư tăng là người chăm sóc cho họ trong đời sống tinh thần. Chính vì thế, vai trò nhà sư trong đời sống người Lào vô cùng lớn đối với vòng đời của họ.

Khi đứa bé chưa chào đời

Người nhà đã thỉnh sư về tụng kinh cầu an cho mẹ và thai nhi. Người Lào tin rằng, tính cách người mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến đạo đức của con cái. Cho nên, trong thời gian mang thai, người mẹ phải cố gắng sống đời chuẩn mực, siêng làm việc thiện tích phước, thực hành lòng nhân ái. Cũng trong giai đoạn này, người mẹ thường xuyên lên chùa tụng kinh, lễ Phật, kiêng kỵ thực hiện các việc như nói dối, lấy của không cho, ăn những thức ăn mà nhà sư kiên cử như thịt rắn, hưu, bò, chó…Đến khi gần sinh người nhà lại thỉnh sư về làm lễ cầu phúc cho bé, đeo bùa bình an cho người mẹ để mong cầu mẹ tròn con vuông.

Đặt tên cho bé

Khi chào đời một tháng tuổi, cha mẹ đưa bé lên chùa lễ Phật, cầu phước và nhờ sư đặt tên. Đối với những đứa trẻ bất hạnh người ta đưa bé vào chùa để cho sư nuôi dưỡng dạy dỗ. Hoặc với những đứa bé khó nuôi thường hay bệnh, người Lào cho rằng trong người bé có ma hoặc cha mẹ làm sai phong tục tập quán hay có lỗi với tổ tiên nên đưa bé lên chùa thỉnh sư nhận làm con nuôi.

Đến tuổi đi học

Khi lên tám, các bé lại được cha mẹ dẫn vào chùa để làm tiểu. Vào chùa, các bé được các sư dạy giáo lý, kinh kệ, dạy chữ, đạo đức làm người và dạy tất cả mọi mặt có thể ảnh hưởng đến cuộc sống sau này như cách ăn mặc, đi đứng, nằm ngồi…Nhà sư luôn luôn kề bên quán xuyến, hướng dẫn, giáo dục cho bé trong sinh hoạt lẫn học tập, lao động trên cơ sở giáo lý nhân đạo của nhà Phật. Sau một thời gian nhất định, bé có thể trở về với gia đình hoặc tiếp tục tu càng tốt.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Van hoa Phat giao trong doi song van hoa Lao 6

Đến tuổi trưởng thành

Đến tuổi thành niên, không một chàng trai nào không một lần khoắc áo ca-sa. Việc đi tu trở nên tục lệ phổ biến đối với người dân Lào. Tu hành là bước ngoặt quan trọng đối với thiếu niên Lào, bởi trong giai đoạn này, chàng trai được học kiến thức vào đời, hiểu biết truyền thống văn hóa dân tộc, rèn luyện phẩm chất đạo đức. Qua thời gian sống ở chùa, những thanh niên mới lớn sẽ hiểu được lẽ sống ở đời, biết quý trọng sư tăng, biết tôn kính ông bà, cha mẹ và biết cách tự lập cho bản thân. Sự phát tâm đi tu này có thể kéo dài một tuần, nữa tháng, ba tháng tùy theo tâm nguyện của mỗi người.

Lập gia đình

Đến tuổi lập gia thất, người thanh niên lại một lần nữa khoác áo ca-sa để đền ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Sau khi hoàn thành một thời gian ngắn cạo đầu đi tu, gia đình hai bên mới tiến đến hôn sự. Đầu tiên gia đình lên chùa thỉnh sư xem ngày lành tháng tốt để tổ chức lễ cưới. Ngày cưới phải tránh các ngày như ba tháng chư tăng an cư, ngày rằm, các ngày của đức Phật, bởi người Lào tin rằng cưới vào những ngày đó sẽ không tốt cho hạnh phúc sau này của đôi vợ chồng.

Khi đau ốm

Ở Lào có rất nhiều dược liệu quý, cho nên từ lâu người Lào có kinh nghiệm trị bệnh bằng những phương thuốc dân gian. Khi Phật giáo du nhập, ngôi chùa là nơi lưu giữa và phát thuy truyền thống đó. Nhà chùa không chỉ là nơi tôn thờ Phật, nơi tu hành của các tăng sĩ mà còn là bệnh viện miễn phí của nhân dân. Nhà sư không chỉ tụng kinh niệm Phật mà còn biết khám bệnh, bốc thuốc không phân biệt đẳng cấp đối tượng. Sau khi hết bệnh, gia đỉnh thỉnh sư về nhà làm lễ cầu nguyện, buộc chỉ cổ tay cho mọi thành viên trong gia đình.

Khi qua đời

Văn hóa Phật giáo từ bao đời đã thâm sâu vào từng nhịp thở của người dân Lào, thậm chí đến khi qua đời cũng mang đầy tư tưởng Phật giáo. Khi gia đình có người hấp hối, con cháu chuẩn bị mâm lễ với ý nghĩa mong muốn người mất lễ Phật lần cuối. Sau khi qua đời, một người có uy tín đại diện cho gia đình lên chùa thỉnh sư chọn ngày tốt để đưa xác lên chùa hỏa tán, đồng thời thỉnh sư đến nhà tụng kinh mỗi ngày. Người Lào quan niệm chết chỉ là sự giải thoát của con người từ kiếp này sang kiếp khác. Vì thế, người Lào thường hay nói chết là hết nghiệp. Trong nhà có người mất, họ thường treo bảng Hươn đì (nhà tốt) trước cổng và họ không bao giờ khóc khi có người thân qua đời, trái lại họ còn tổ chức tiệc vui, ca hát thâu đêm.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Van hoa Phat giao trong doi song van hoa Lao 5

3.2. Lễ Hội

Dân tộc Lào là dân tộc của lễ hội. Quanh năm đều có lễ hội từ quy mô quốc gia đến địa phương. Người Lào gọi ngày lễ hội là Bun, nghĩa là Phước đức.

Bun pimay (Tết mừng năm mới), đây là lễ hội đầu năm, mở đầu cho chu kỳ sản xuất mới. Té nước là tụ lệ chính của Bun Pimay gắn liền với nghi lễ cầu mưa. Đồng thời cũng được xem là một nghi thức quan trọng của Phật giáo mừng đức Phật ra đời, tổ chức vào tháng 4 dương lịch.

Bun Vesakkha, lễ tam hợp gồm giáng sinh, thành đạo và niết-bàn vào trung tuần tháng 5 dương lịch.

Bun Bang Fay[14] (lễ hội pháo thăng thiên), lễ này tổ chức rầm rộ khắp nước trừ Luang Prabang vào tháng 5 dương lịch. Đây là một lễ hội lễ cầu mưa của dân tộc có nguồn gốc từ Bà-la-môn giáo, sau được Phật giáo hóa. Mục đích chính của lễ hội là để tưởng nhớ công hạnh của Phật và nói lên ước vọng của dân chúng cầu có mưa sau nhiều tháng nắng hạn. Trái pháo thăng thiên làm bằng tre dài khoảng 2m, được bọc bằng giấy bạc và giấy màu, trong đựng phân dơi và củi giã nhỏ trộn làm thuốc pháo.

Bun Xăm Hạ (lễ hội tống ôn, tống tai họa): người Lào quan niệm mọi tai ương thiên nhiên hay nhân tạo đều do lòng người mà ra. Dân trong bản làng khi gặp tai biến như bất hòa, đau ốm, ôn dịch… đều làm lễ Xăm Hạ để giải trừ. Lễ hội này có nguồn gốc từ truyền thuyết Phật cùng 500 thánh tăng đến mường Phay La Xi dùng nước phép để trị bệnh dịch cho nhân dân. Từ đó trở đi, cứ vào ngày rằm tháng 6 dương lịch người mường Phay La Xi và toàn thể nhân Lào làm lễ Bun Xăm Hạ.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Van hoa Phat giao trong doi song van hoa Lao 7

Ngoài ra còn một số lễ hội khác trong năm như Bun Khao Pansa (lễ hội vào chay, lễ nhập hạ) tổ chức vào ngày rằm tháng 7 dương lịch, Bun Khâu Pạ Đắp Đin (lễ hội chúng sinh-tưởng nhó người chết) vào tháng 8 dương lịch, Bun Hô Khâu Xạc (lễ hội cúng các oan hồn) vào tháng 9 dương lịch, Bun Ok Pansa (lễ hội mãn chay) vào tháng 10 dương lịch, Bun Kathena (lễ hội dâng ý) vào tháng 11 dương lịch.

Thay lời kết

Những nét lớn được trình bày ở trên cho thấy, văn hóa Phật giáo có ảnh hưởng hết sức sâu đậm trong đời sống văn hóa của người Lào và ngược lại văn hóa Phật giáo cũng chịu ảnh hưởng không ít từ văn hóa truyền thống của cư dân Lào. Cả hai tạo thành mối quan hệ giao lưu, cùng nhau nương tựa, cùng nhau tồn tại, phát triển tạo thành một tổng thể duy nhất. Thật vậy, không phải dễ dàng với những ai chưa có sự nghiên cứu, tìm hiểu đầy đủ về lịch sử – văn hóa Lào mà có thể phân biệt được nghi thức này là phong tục tập quán của người Lào và tục lệ kia được tạo lập do những quy định của Phật giáo.

Người Lào là dân tộc vốn có truyền thống hiền hòa, yếu chuộng hòa bình, mong muốn có cuộc sống bình yên và đặc biệt hiếu khách. Chính bởi bản chất đó, nên Phật giáo đã dễ dàng cảm hóa người Lào bằng triết lý từ bị bác ái. Người Lào tin theo và kính trọng Phật giáo, vì họ thấy ở Phật giáo gần gũi với tính cách họ hơn so với các tôn giáo khác và họ cũng không thấy có khó khăn gì trong việc tiếp nhận Phật giáo. Ngược lại, Phật giáo củng cổ thêm, phát triển thêm những quan niệm đạo đức phôi thai của người Lào. Và như thế, đạo Phật đã trở thành một tôn giáo của đại đa số dân, tạo nên một phong cách sống của nhân dân Lào.

Tác giả: ĐĐ.Thích Quảng Tâm
Học viên Cao học khóa II – Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế

***

CHÚ THÍCH
[1] Một học giả người Pháp nghiên cứu về nước Lào.
[2] Năm 1253, Đại Nguyên tiêu diệt Đại Lý, dân tộc Tai di cư tiến xuống phía Nam.
[3] Văn hóa Dvaravati phát triển dọc theo đường thương mại từ đồng bằng trung phần Thái Lan giữa Angkor và Miếng Điện. Những hình tượng Phật liên hệ đến nền văn hóa này được các nhà khảo cổ tìm thấy tại Lào, phía Bắc tỉnh Vientiane và Luang Prabang. Mặc dù đến nay chúng ta vẫn chư rõ mấy về nền văn hóa Phật giáo Dvaravati nhưng dựa vào di tích lịch sử và khảo cổ, chúng ta biết đó alf một nền văn minh Phật giáo rộng lớn và phồn vinh một thời.
[4] Tiền thân người Lào Lùm
[5] Hoàng hậu Keo Keng Nya là công chúa con vua Khmer, gả cho Fa Ngum khi vua còn lưu vong tại Khmer.
[6] Đại sư Pasman là vị sư đã cưu mang và dạy dỗ Fa Ngum từ nhỏ khi mới vào lãnh thổ. Chính ngài đã tiến cứ Fa Ngum cho vua Khmer.
[7] Tượng Phật Prabang làm bằng vàng pha đồng, bên trong tượng có chứa 5 viên ngọc xá-lợi của Phật, được đại sư  Chulanaga người Srilanka đúc năm 874. Năm 1056 được thỉnh về Khmer.
[8] Mạng sống loài khác
[9] Người Lào gọi là Típ xôi. Típ xôi và là nồi cơm cũng vừa là chén.
[10] Ô thuật ngữ Phật giáo gọi là điều với ý nghĩa là ruộng phước của chúng sinh
[11] Cách vắt khăn mô tả cách vắt Ca-sa của Phật.
[12] Tây phương là vùng đất của Phật, nơi Phật nhìn về phương Đông để cứu độ chúng sinh.
[13] So phạ là nét riêng của chùa Lào. Ngày xưa nhìn vào đỉnh tháp này để biết đại vị của người hiến cúng
[14] Bun là ống tre, Fay là lửa

TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Dương Văn Huy, Ngô Hải Ninh (Đồng chủ biên) (2021), Giáo trình văn hóa các nước Đông Nam Á, nxb Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
[2] Hồ Xuân Mai (2020), Đông Nam Á học một số vấn đề về ngôn ngữ và văn hóa, nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội.
[3] Thánh Nghiêm, Tịnh Hải (2008), Lịch sử Phật giáo thế giới, nxb Khoa học-Xã hội, Hà Nội.
[4] Nguyễn Văn Thoàn (2020), Phật giáo Lào dưới góc nhìn văn hóa, nxb Văn hóa-Nghệ thuật, Tp. Hồ Chí Minh.
[5] Trần Quang Thuận (2015), Phật giáo trong dòng lịch sử văn hóa Lào, nxb Hồng Đức, Hà Nội.
[6] https://nghiencuulichsu.com/2013/05/06/lich-su-lao-vuong-quoc-lang-xang/
[7] http://mocnoi.com/hoidap-ct-80456-lich-su-dat-nuoc-lao.htm