Văn hóa trong bữa ăn gia đình Việt – Ủy ban nhân dân Quận Tân Bình
Ăn uống là một trong những nhu cầu thiết yếu của con người không chỉ đơn thuần là duy trì sự sống mà thông qua cách ăn uống còn thể hiện nét văn hóa ẩm thực của một dân tộc, quốc qua. Từ cách ăn uống, có thể phần nào thấy được trình độ văn hóa, trình độ nhận thức thẩm mỹ của một cá nhân, một gia đình, một vùng miền và một dân tộc.
Văn hóa ẩm thực Việt trải qua hàng nghìn năm, nhưng những giá trị tốt đẹp vẫn còn được gìn giữ và lưu truyền đến tận hôm nay, nhất là văn hóa dùng cơm gia đình của người Việt. Trong văn hóa ẩm thực của người Việt bữa ăn gia đình đóng vai trò quan trọng, thể hiện tình cảm, sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình. Bữa cơm gia đình còn chứa đựng nhiều ý nghĩa và giá trị sâu xa mà chúng ta chưa tìm hiểu hết.
1. Ý nghĩa bữa cơm gia đình Việt:
Bữa cơm gia đình của người Việt ẩn chứa nhiều đạo lý quan trọng, là sự thể hiện tình cảm yêu thương gắn bó giữa các thành viên thông qua việc cùng nhau ăn cơm trò chuyện. Sau một ngày làm việc vất vả, mệt nhọc, ông bà, cha mẹ, con cháu cùng quây quần bên mâm cơm dù đạm bạc hay sang trọng cũng đầy ắp tiếng cười.
Bữa cơm gia đình đầy ắp tiếng cười. Ảnh Internet
Hình ảnh người mẹ, người vợ tất bật bên gian bếp nghi ngút khói, hương thơm của các món ăn theo gió thoang thoảng luôn là những hình ảnh khó quên trong ký ức của mỗi thành viên trong gia đình. Dù những món ăn không phải là mỹ vị nhưng chứa đựng sự chân tình và tấm lòng của người nấu.
Bữa cơm gia đình là linh hồn của hạnh phúc, sự yêu thương, gắn bó và nuôi dưỡng tình cảm giữa các thế hệ trong gia đình. Bữa cơm còn là nơi thể hiện nét đẹp văn hóa trong ẩm thực của người Việt.
2. Văn hóa trong bữa cơm gia đình Việt:
Có thể nói, bữa cơm của gia đình Việt Nam mang đậm nét văn hóa truyền thống phương Đông qua một số đặc điểm sau:
Thứ nhất, mâm cơm. Bữa ăn gia đình Việt xưa thường là biểu tượng cả gia đình quây quần bên mâm cơm. Nhà giàu thì mâm đồng, nhà nghèo thì mâm gỗ và thậm chí là cái mẹt tre đan. Việc quây quần bên mâm cơm thể hiện sự đùm bọc trên dưới một lòng, đoàn kết.
Sự sắp xếp món ăn trên mâm cơm cũng biểu thị văn hoá của một gia đình, một vùng miền.
Ảnh Intrernet
Trong bữa cơm, cả nhà sum họp, nói chuyện về đời sống, cùng chia sẻ với nhau những niềm vui, nỗi buồn trong ngày làm việc. Mâm cơm xưa trừ nhà có kinh tế khá giả còn thì được bày biện đơn giản.
Việc bố trí các món ăn có tính thẩm mỹ thường ít được chú ý mà cơ bản vẫn chú ý đến chất lượng, số lượng món ăn. Người ta thường khen “mâm cơm đầy tú ụ, thịt cá ê hề” chứ ít khi khen mâm cơm đẹp.
Tính thẩm mỹ chỉ được đầu tư khi gia đình làm mâm cỗ. Tuy nhiên, ngày nay, nhiều gia đình không còn dùng mâm mà dùng bàn ăn. Tính thẩm mỹ cũng từng bước được chú trọng. Một điều đặc biệt nữa là mâm cơm gia đình người Việt tất cả các món đều được dọn ra cùng một lần, khác với một số nơi, dọn dần từng món.
Thứ hai, vị trí ngồi. Trong bữa ăn, vị trí ngồi là một nét ứng xử văn hóa rất quan trọng. Mâm cơm trong bữa ăn gia đình có hình tròn, tượng trưng tinh thần bình đẳng vì mỗi vị trí trên vòng tròn đều ngang nhau, không có chỗ trên, chỗ dưới, chỗ trước, chỗ sau.
Tuy nhiên, bên mâm cơm ấy vẫn có những vị trí trang trọng, thuận lợi khi ăn. Vì thế, khi ăn, những vị trí này thường được nhường cho ông, bà, cha mẹ… con cháu phải ngồi ở vị trí khác để xới cơm, phục vụ thức ăn. Vì vậy, tục ngữ Việt Nam có câu: “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”.
Trong bữa ăn gia đình Việt Nam, người già và trẻ em thường được đặc biệt quan tâm. Khi xới bát cơm mời bố mẹ già, người con dâu trong nhà thường chọn phần cơm mềm, dẻo, không bao giờ đơm miếng cháy vào bát các cụ. Thậm chí ngày xưa, ông, bà và bố có khi còn được bố trí ngồi một mâm ở nhà trên, mẹ và các con, cháu ngồi mâm ở dưới nhà bếp.
Trong mâm cơm gia đình Việt, vị trí ngồi của các thành viên cũng là một nét văn hoá.
Ảnh Internet
Thứ ba, lời mời. Trước và sau khi ăn, người Việt thường có “thủ tục” mời ăn, điều này thể hiện lễ giáo và sự kính trọng với người trên. Theo tục lệ xưa, khi ngồi vào mâm cơm, trước khi bưng bát, cầm đũa thì phải “mời cơm”, người ít tuổi mời những người nhiều tuổi hơn.
Sau khi mời xong rồi, người lớn tuổi nhất cầm chén lên thì những người khác mới cầm chén đũa của mình lên ăn. Và khi ăn xong lại mời, thường đại ý là: “Mời mọi người ăn ngon miệng, con (cháu) xin phép”. Gần như giống nhau về thủ tục mời nhưng mỗi vùng, miền lại có lời mời khác nhau, rất đa dạng. Vì thế, nhiều cô dâu mới về nhà chồng phải quan sát tập cho quen để “nhập gia tùy tục”.
Lời mời trong bữa cơm là một nét văn hóa đáng quý nhưng ngày nay, nét văn hóa này đang dần bị mai một, rất cần được duy trì, phát triển.
Thứ tư, nói năng trong bữa ăn. Bữa ăn của người Việt là dịp quan trọng để các thành viên trong gia đình tụ họp, trao đổi, thể hiện tình cảm. Vì vậy, rất nhiều kiến thức về đời sống, họ tộc, lễ nghĩa được ông, bà, cha, mẹ truyền dạy cho con cháu qua bữa cơm.
Nhiều tâm tình giữa các thành viên cũng được thể hiện tại bữa cơm. Chính vì vậy, nhiều người đến gần cuối cuộc đời vẫn nhớ lời dạy bảo, tâm sự của các thành viên trong gia đình qua các bữa cơm. Đây là một nét văn hóa rất đặc sắc. Tuy nhiên, theo lời khuyên của các bác sĩ thì trong bữa ăn nên hạn chế nói để đảm bảo vệ sinh và việc hấp thu tốt thức ăn.
Mặt khác, trong bữa ăn gia đình phải tránh quở trách, nhắc nhở những khuyết điểm, không cãi nhau, không nên nói những chuyện gây sốc, nặng nề… mà chỉ nói về những chuyện vui vẻ, những dự định tương lai và thể hiện tình cảm quan tâm, chia sẻ, động viên với những thành viên khác trong gia đình.
Trong bữa ăn, dù gia đình giàu hay nghèo, người Việt cũng luôn coi trọng sự vui vẻ và sự kính trên nhường dưới. Hình ảnh Bữa cơm gia đình Việt Nam xưa và nay. Ảnh Internet
Thứ năm, tốc độ ăn, uống. Trong bữa cơm, người Việt không ăn quá nhanh hoặc quá chậm, không ngồi quá lâu và ăn quá nhiều hoặc quá ít, không ăn hết nhẵn hoặc bỏ dở. Khác với người phương Tây, người Việt thường không ăn hết món ăn mà thường để lại miếng “lịch sự”. Vì vậy, trong dân gian Việt Nam có câu: “Ăn hết bị đòn, ăn còn mất vợ”.
Thứ sáu, văn hóa dùng đũa. Tập quán dùng đũa đã khiến cho ở người Việt Nam hình thành cả một triết lý: triết lý đôi đũa. Đó là triết lý về tính cặp đôi và triết lý về tính số đông. Dân gian nói về triết lý cặp đôi rất hay như: “Vợ chồng như đũa có đôi; Bây giờ chồng thấp vợ cao/ Như đôi đũa lệch so sao cho vừa”… và ở thời Lê, bẻ gãy đôi đũa là dấu hiệu ly hôn.
Thứ đến là triết lý về tính số đông. Bó đũa là biểu tượng của sự đoàn kết, của tính cộng đồng. “Vơ đũa cả nắm” là nói đến thói cào bằng xô bồ, tốt xấu không phân biệt… “Bó đũa chọn cột cờ” nói về việc chọn người nổi trội nhất trong đám đông…
Văn hóa dùng đũa của người Việt rất kỵ đũa lệch. Khi gắp thức ăn cho người khác phải trở đầu đũa hoặc có một đôi đũa dùng chung. Việc tập dùng đũa làm sao cho đẹp, cho khéo, gắp thức ăn, và cơm làm sao tránh rơi rớt, tạo tiếng kêu cũng là một chỉ dấu của giáo dục văn hóa gia đình.
Việc dùng đũa khi ăn của người Việt là triết lý về tính cặp đôi và triết lý về tính số đông.
Ảnh Internet
Thứ bảy, đồ uống trong và sau bữa ăn. Không phong phú các đồ uống trong và sau bữa ăn như một số dân tộc khác, người Việt thường chỉ uống rượu trong bữa ăn và uống chè xanh, trà sau bữa ăn.
Bát nước chè xanh sau bữa ăn của người Việt. Ảnh: Internet
Đối với rượu, các gia đình thường có rượu ngâm thuốc để phục vụ người già và trung niên và mỗi bữa ăn, mỗi người chỉ uống một vài chén theo phong cách uống thuốc bổ. Khi có món nhắm ngon, có thể uống hơn nhưng không quá đà. Còn uống sau bữa ăn có chè xanh, nước vối hoặc trà, tùy theo tập quán vùng miền. Con cháu thường phải mời ông, bà, cha mẹ uống sau khi ăn rồi mới đến lượt mình.
Thứ tám, tăm xỉa răng. Sau bữa cơm, người Việt bao giờ cũng dùng tăm xỉa răng. Đây là tập quán được giải thích từ nhiều cách khác nhau như: về mặt biểu tượng là thể hiện sự no đủ, hay chỉ dấu cho người đối diện thấy mình mới dùng bữa xong; hoặc cho rằng, xỉa răng là hậu quả của việc bỏ tục ăn trầu nhuộm răng của phụ nữ xưa…
Tuy nhiên, cách giải thích chính xác nhất có lẽ là do cách chế biến thức ăn. Người phương Tây không dùng tăm do thức ăn họ thường nấu rất nhuyễn. Người Việt mình thường dùng thức ăn nhiều chất chất xơ, thói quen thích nhai nghiền thịt xương nên hay bị giắt răng và tất yếu phải dùng tăm xỉa răng. Ứng xử có văn hóa sau bữa ăn là con cháu thường lấy tăm và đồ uống để phục vụ ông bà, cha mẹ.
Qua một số nét chính về văn hóa và ý nghĩa trong bữa cơm gia đình của người Việt cho thấy rằng chuyện ăn uống với người Việt đã trở thành đạo sống, đạo cư xử, hay nói rõ hơn, đạo làm người. Điểm qua những cách nói trong dân gian của ông bà từ ngày xưa ta có thể thấy rằng Người Việt diễn tả cái đạo làm người, lòng tôn kính tổ tiên qua “đạo ăn”: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây,” và qua “đạo uống”: “Uống nước nhớ nguồn” và do vậy rất ghét và khinh bỉ những kẻ: “Ăn cháo đá bát”, “Vắt chanh bỏ vỏ”, “Ăn quỵt,” “Ăn bẩn”, “Ăn bám”, “Ăn bớt, ăn xén”, “Ăn bậy, ăn bạ”, “Ăn trên ngồi trốc”, “Ăn không ngồi rồi”, “Ăn gian nói dối”… Hay như “Có thực mới vực được đạo”, phản ánh lối suy tư rất thực tiễn của người Việt là: “Dĩ thực vi tiên”. Người Việt lại lấy “Miếng trầu là đầu câu chuyện” và nhận ra ăn uống có tính chất linh thiêng “Trời đánh tránh bữa ăn”.
Văn hóa ẩm thực trong bữa cơm gia đình Việt thể hiện thông qua cách giao tiếp, cư xử giữa các thành viên trong gia đình. Trải qua nhiều biến động về lịch sử, kinh tế, xã hội nhưng ý nghĩa của bữa cơm gia đình vẫn giữ nguyên giá trị tinh thần và là một nét đẹp trong văn hóa ẩm thực của người Việt Nam.
Sưu tầm và Biên tập:
Huỳnh Nguyễn Tường Vy – Phòng Văn hóa và Thông tin quận
(Nguồn Baohatinh.vn: https://baohatinh.vn/van-hoa-ha-tinh/van-hoa-trong-bua-an-gia-dinh-viet/190762.htm)