Văn hóa ứng xử giao tiếp với đồng nghiệp

 

Một ngày có 24 tiếng và trong khoảng thời gian 24 tiếng đó có bao nhiêu thời gian bạn dành cho công việc, bao nhiêu thời gian bạn dành cho cá nhân và bao nhiêu thời gian bạn dành cho gia đình. Nếu làm một phép tính nhẩm chắc chắn rằng thời gian bạn gặp gỡ giao tiếp với đồng nghiệp ở cơ quan chiếm phần lớn số thời gian ấy. Vì vậy mà việc ứng xử với đồng nghiệp như thế nào cũng là một nét Văn hóa cần được quan tâm.

Bạn thử nghĩ, khi bạn có hiềm khích với đồng nghiệp nhưng phải đối mặt và làm việc chung với nhau ít nhất 8 tiếng trong một ngày thì kết quả sẽ ra sao. Điều này chỉ mang lại không khí làm việc căng thẳng, mệt mỏi và ảnh hưởng đến chất lượng công việc của mỗi người, vì vậy chúng ta hãy tự mình tạo nên những mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp thay vì phải bận tận với những suy nghĩ tiêu cực làm ảnh hưởng đến mối quan hệ đó.

Tôn trọng đồng nghiệp trong giao tiếp ứng xử sẽ giúp bạn xây dựng mối quan hệ lâu dài, bền vững và hãy xem đồng nghiệp như những người bạn đồng hành cùng nhau chia sẻ công việc và tận hưởng niềm vui khi hoàn thành công việc. Bên cạnh đó khi đồng nghiệp mắc lỗi bạn không nên dùng lời trách cứ bởi lời nói của bạn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến người đón nhận, bạn nên thể hiện thái độ nhẹ nhàng, lịch thiệp với những lời góp ý chân thành sẽ giúp cho mối quan hệ của bạn với đồng nghiệp tốt đẹp hơn.

Khi làm việc theo nhóm bạn phải luôn tin tưởng đồng nghiệp của mình bởi bạn luôn cần có sự hỗ trợ trong công việc. Việc tin tưởng đồng nghiệp sẽ tạo động lực giúp mọi người gắn kết, hòa đồng với nhau và sự tin tưởng sẽ mang lại hiệu quả cao trong công việc. Khi làm việc theo nhóm bạn cần phải làm đúng công việc được giao để mọi người không phải khó chịu khi chờ đợi. Bên cạnh đó khi bạn gặp khó khăn hãy nhờ đến sự giúp đỡ của đồng nghiệp bởi sự giúp đỡ ấy sẽ giúp bạn và đồng nghiệp thấu hiểu, tin tưởng nhau hơn.

Nhân viên Phân xưởng SC-Cơ khí thủy lực đang sửa chữa tổ máy

Trong công việc đôi lúc ta cũng bắt gặp nhiều trường hợp khó khăn trong xử lý khiếm khuyết thiết bị mà bản thân không thể giải quyết được vì thế bạn phải thường xuyên trao đổi công việc với đồng nghiệp để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm và nâng cao hiểu biết cho bản thân cũng như luôn sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ những kiến thức mà mình biết với đồng nghiệp để cùng nhau giải quyết công việc nhanh hơn, hiệu quả hơn. Trao đổi học hỏi chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp giúp ta tự tin hơn, năng động hơn, tư duy công việc cũng tốt hơn và tạo ra sự gắn kết vững chắc giữa đồng nghiệp với đồng nghiệp.

Trong công việc, khi bạn được giao nhiệm vụ cùng đồng nghiệp để giải quyết một vấn đề nào đó nhưng bị bất đồng về quan điểm, cách nghĩ, hướng giải quyết công việc và không tìm ra tiếng nói chung điều đó sẽ dẫn đến xung đột giữa bạn và đồng nghiệp, kết quả của sự xung đột là thù oán lẫn nhau. Để giải quyết thành công xung đột nảy sinh trong công việc không hề đơn giản bạn cần phải xác định chính xác nguyên nhân gốc và đưa ra hướng giải quyết hợp lý. Giải quyết thành công xung đột giúp bạn có nhiều sự hiểu biết, kiến thức cho bản thân, tuy nhiên trong trường hợp xung đột không được giải quyết ổn thỏa sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường như thù oán cá nhân, công việc bị đổ vỡ và đổ lỗi cho nhau. Làm thế nào để bạn và đồng nghiệp có tiếng nói chung khi được giao nhiệm vụ làm việc cùng nhau. Trước hết khi bắt đầu vào công việc, bạn và đồng nghiệp nên thảo luận, đặt ra mục tiêu chung, hướng giải quyết và thống nhất mọi việc.

Thảo luận với đồng nghiệp khi giải quyết công việc

Thực hiện tốt giao tiếp ứng xử với đồng nghiệp sẽ giúp bạn sống trong không khí, môi trường làm việc hòa đồng, thân thiện, mang lại lợi ích cho nhiều người và cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ, công việc được giao.

 

Nguồn: sesanhpc.vn

Sưu tầm: Lê Vân – TT. Hoàng Hoa Thám