Văn hóa ứng xử trong gia đình truyền thống hiện đại | Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lạng Sơn
Ứng xứ văn hóa trong gia đình Việt Nam chính là nét đẹp lâu đời, một nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam, sự hòa thuận, chung thủy, nghĩa tình, lòng yêu thương con cái, tôn trọng hiếu nghĩa với cha, mẹ… đã tạo nên nề nếp gia phong của truyền thống gia đình văn hóa Việt.
Gia đình Việt Nam truyền thống vẫn được lưu giữ trong nhiều gia đình hiện đại, thông qua các giá trị truyền thống yêu nước, cần cù lao động, sự hiếu học, tôn trọng tình cảm… được hình thành kết hợp giữa văn hóa bản địa nảy sinh từ xã hội, dựa trên nền tàng của nền sản xuất nông nghiệp lúa nước với hệ tư tưởng Nho giáo và triết lý đạo phật về gia đình; những giá trị chuẩn mực giữa những thành viên trong gia đình được phản ánh qua đời sống gia đình với xã hội, gắn liền với điều kiện phát triển kinh tế, môi trường tự nhiên và xã hội. Ở thời đại nào văn hóa gia đình cũng là nền tảng văn hóa xã hội, văn hóa gia đình giàu tính nhân văn, nhân bản, đề cao giá trị đạo đức, xây dựng nếp sống văn hóa, trật tự kỷ cương, hun đúc tâm hồn, bản lĩnh con người, chính vì vậy gia đình tốt là bảo đảm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xa hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Văn hóa ứng xử trong gia đình truyền thống được gắn kết bền chặt, là do tình nghĩa và trách nhiệm của các thành viên trong gia đình; trong đó vai trò của người cha đóng vai trò trụ cột kinh tế, nắm toàn bộ quyền kiểm soát gia đình, coi trọng quan hệ dòng họ, liên minh gia đình; do đó nhiều gia đình có biểu hiện tính gia trưởng, trọng nam, khinh nữ, giáo dục con trai trọng trách nối dõi tông đường, con gái thường mang tính hướng nội; quan hệ hôn nhân theo kiểu “Cha, mẹ đặt đâu, con ngồi đó”, giáo dục truyền thống gia đình trên nền tảng “Gia đạo”, “Gia phong” và “Gia lễ”; giáo dục con, cháu phải nhớ tới cội nguồn, lòng hiếu thảo, phụng dưỡng cha, mẹ, thờ kính tổ tiên, coi trọng gia đình, hiếu thuận trong ứng xử… chính nhờ những giá trị đó đã tạo ra nề nếp kỷ cương, lối ứng xử văn hóa để mọi người cùng noi theo. Nhờ biết duy trì lối ứng xử có văn hóa đã tạo ra nề nếp, kỷ cương, là cái gốc của gia đình, giữ cho con người Việt Nam, gia đình và xã hội Việt Nam một sức sống mãnh liệt và sự trong sáng nguồn cội.
Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa văn hóa ứng xử trong gia đình hiện đại ngày càng được quan tâm với mục tiêu là ổn định, củng cố, xây dựng gia đình theo tiêu chí ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, để mỗi gia đình Việt Nam thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội. Trong gia đình hiện đại, gia đình được hình thành và xây dựng trên cơ sở tình yêu chân chính, sự bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, cùng tham gia lao động, công việc xã hội, cùng quyết định những vấn đề chung của gia đình, thông cảm, sẻ chia, quan tâm đến lợi ích chung cũng như lợi ích riêng của mỗi người, để tạo nên gia đình hạnh phúc. Trong quan hệ giữa cha mẹ và con cái là sự yêu thương, hy sinh của cha mẹ cho con cái, sự kính trọng, biết ơn và hiếu thảo của con cái với cha mẹ, ông bà, truyền thống kính trên, nhường dưới luôn tồn tại trong quan niệm truyền thống, phong tục văn hóa gia đình người Việt Nam, đã làm cho mối quan hệ trong gia đình ngày càng mật thiết, gắn bó, gần gũi với nhau hơn.
Ngày nay trong guồng quay của xã hội hiện đại, phần nào cũng ảnh hưởng tới các giá trị tốt đẹp trong văn hóa ứng xử gia đình; sự phát triển mạnh mẽ của các thành phần kinh tế đã tác động đến đời sống kinh tế gia đình; sự phân hóa giàu, nghèo; tình trạng ly hôn, ly thân, sống chung như vợ chồng không đăng ký kết hôn; mâu thuẫn giữa các thế hệ về phép ứng xử, lối sống… phẩm chất đạo đức và một số giá trị truyền thống gia đình có phần bị mai một, một số gia đình chưa thật sự quan tâm đúng mức tới việc giáo dục những giá trị truyền thống cho con em mình, khiến cho các mối quan hệ trong gia đình có nhiều rạn nứt và tan vỡ…, những vấn đề đó đang đặt ra những thách thức mới trong xây dựng văn hóa gia đình trong giai đoạn hiện nay.
Với ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác gia đình, ngày 04/5/2001 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001-QĐ/TTg về ngày Gia đình Việt Nam, Quyết định nêu rõ lấy ngày 28 tháng 6 hàng năm là ngày gia đình Việt Nam, nhằm đề cao trách nhiệm lãnh đạo của các cấp, các nghành cùng toàn thể gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; xây dựng nền văn hóa con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân – thiện – mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội.
Kỷ niệm 20 năm ngày gia đình Việt Nam 28/6 năm 2021, với chủ đề “Gia đình bình an – xã hội hạnh phúc” là dịp để triển khai tuyên truyền rộng rãi tới cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về tầm quan trọng của công tác gia đình, giữ gìn các giá trị chuẩn mực văn hóa gia đình Việt nam trong giai đoạn phát triển kinh tế – xã hội hiện đại, nâng cao nhận thức xây dựng gia đình hạnh phúc không chỉ là việc riêng của mỗi nhà, mà còn là trách nhiệm của cả xã hội, góp phần tạo nên sức mạnh của đất nước.
Đối với tỉnh Lạng Sơn, Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 năm 2021, đã triển khai cùng một số hoạt động và hưởng ứng “tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình” trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn năm 2021, với mục đích nhằm lan tỏa và tôn vinh những giá trị nhân văn sâu sắc của gia đình Việt Nam. Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp và các chuẩn mực đạo đức, lối sống, thuần phong mỹ tục của gia đình Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng sống của mỗi gia đình và thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu của chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030.
Theo kế hoạch của tỉnh, tùy theo tình hình Covid-19, tỉnh sẽ tổ chức Lễ phát động “tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình” gắn với kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Gia đình Việt Nam; tuyên truyền vận động và tạo điều kiện để các gia đình cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở cơ quan, đơn vị và Nhân dân tổ chức bữa cơm cùng người thân trong gia đình vào đúng ngày Gia đình Việt Nam trong khung giờ từ 17 giờ – 19giờ ngày 28/6/2021. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền triển khai các hoạt động nhân Ngày Gia đình Việt Nam; tuyên truyền qua các cơ quan báo chí, các phương tiện truyền thông phổ biến, giáo dục pháp luật về hôn nhân và gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình; tiêu chí ứng xử trong gia đình, về đạo đức, lối sống, phong tục tập quán, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Thực hiện tốt các hoạt động kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6/2021, “Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình”, góp phần xây dựng gia đình ngày càng no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
Trần Huyền
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy