Văn hóa ứng xử và hành vi ứng xử có văn hóa trong HS
Văn hóa là thể tổng hòa những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử. Văn hóa ứng xử là một biểu hiện của giao tiếp, là sự phản ứng của con người trước sự tác động của người khác với mình trong một tình huống nhất định được thể hiện qua thái độ, hành vi, cử chỉ, cách nói năng của con người nhằm đạt kết quả tốt trong mối quan hệ giữa con người với nhau. Văn hóa ứng xử chính là những đặc điểm tính cách của cá nhân được thể hiện qua thái độ, hành vi, cử chỉ, lời nói của từng cá nhân trong giao tiếp xã hội.
Thầy trò trao đổi sau tiết học tại một trường THCS ở TP.HCM
Hiện nay trong xã hội còn rất nhiều hành vi kém văn hóa, ứng xử kém văn minh như hiện tượng nói tục, chửi thề; vi phạm Luật Giao thông; hút thuốc lá nơi công cộng; khạc nhổ bừa bãi; ăn mặc thiếu nghiêm túc (thậm chí cởi trần) trên phố; sử dụng lời lẽ và hành vi khiếm nhã nơi công cộng…
Hãy điểm qua một số hành vi ứng xử lệch chuẩn của HS hiện nay như: chửi thề, vi phạm Luật Giao thông, sử dụng bạo lực, dửng dưng quay cóp bài trong giờ kiểm tra; thiếu kính trên nhường dưới, không vâng lời cha mẹ và người lớn; sống hưởng thụ, thực dụng, xa hoa, lãng phí; lười lao động và học tập, thiếu ý thức rèn luyện; không dám đấu tranh với cái sai, thờ ơ vô cảm trước nỗi đau, mất mát của người khác… Vậy cần làm gì để xây dựng văn hóa ứng xử và hành vi ứng xử có văn hóa trong HS?
Phía gia đình: việc hình thành và phát triển nhân cách con người chịu tác động từ nhiều yếu tố, trong đó văn hóa gia đình tác động trực tiếp. Gia đình là nơi hình thành đạo đức cơ bản của HS. Gia đình là nơi con người sinh ra và lớn lên, là môi trường đầu tiên và cũng là môi trường trọn đời của mỗi con người. Gia đình là môi trường quan trọng trong việc giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách cho mỗi con người. Gia đình là môi trường không thể thiếu và cũng không thể thay thế được đối với sự phát triển của mỗi con người. Cổ ngữ có câu “Ở nhà phải thói, ra đường khỏi lo” nghĩa là nếu đứa trẻ ngoan, tốt ở trong gia đình thì sẽ có nhiều khả năng “miễn dịch” được với cái xấu ngoài đời. Trong điều kiện hiện nay, nền kinh tế thị trường cùng với quá trình toàn cầu hóa đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự ổn định và bền vững của gia đình. Trên thực tế, nhiều gia đình không còn giữ gìn được nền nếp gia phong, không làm tốt chức năng giáo dục con cái, một số gia đình không thành nơi có đủ sức mạnh đề kháng, chống lại mọi sự ô nhiễm từ bên ngoài, ngăn chặn mọi tiêu cực từ phía xã hội, giúp con em có khả năng phát triển tốt hơn. Sự sút kém vai trò và hiệu quả của giáo dục gia đình, là một trong những lý do chủ yếu dẫn đến nhiều hiện tượng tiêu cực trong xã hội mà gia đình không ngăn chặn được ngay từ đầu.
Phía nhà trường: Nhà trường là nơi hình thành đạo đức cơ bản của người công dân có trí thức. Giáo dục đạo đức trong nhà trường không chỉ là sự tiếp tục của giáo dục gia đình mà còn là môi trường đào tạo cho con người có trình độ năng lực, có phẩm chất đạo đức, có bản lĩnh chính trị vững vàng, nhằm phát triển toàn diện con người. Hiện nay, việc giáo dục đạo đức trong nhà trường còn nhiều bất ổn. Các chương trình giáo dục đạo đức còn nặng về lý thuyết, nhẹ giáo dục kỹ năng sống, còn mang tính hình thức, thậm chí sơ sài, lý thuyết suông không tạo được dấu ấn và điều kiện thuận lợi để hình thành nhân cách cho HS nên chưa mang lại hiệu quả chưa tương xứng với yêu cầu của sự phát triển kinh tế – xã hội. Nội dung giáo dục đạo đức chính khóa của nhà trường, đặc biệt qua môn giáo dục công dân, tuy đã có nhiều cải tiến với nhiều tiết học về đạo đức, ứng xử, nhưng sự giáo dục, cảm hóa của nhà trường cũng có một mức độ nhất định, thậm chí yếu tố giáo dục gia đình và xã hội mới đóng vai trò quyết định. Ví dụ: các thầy cô dạy cho HS về ý thức tự trọng, lòng trung thực rất hay, rất đầy đủ nhưng nếu HS thấy được sự dối trá đang lan tràn trong xã hội, nhiều kẻ nhờ dối trá mà thành công, nhiều cái dối trá tự do hoành hành… thì bài học công phu của thầy cô, của nhà trường đã vô tác dụng. Hoặc sau khi học xong bài học về lòng nhân ái, HS về nhà định đóng góp cho đồng bào bị lũ lụt qua đợt vận động của địa phương thì bị mẹ phản đối, thậm chí các em còn thấy cha mẹ mình thiếu tôn trọng, yêu thương ông bà… thì bài học của thầy cô đối với những HS ấy liệu có còn đáng tin?
Vì thế, nhà trường hãy chọn lựa, giảm bớt các phong trào không thật sự hiệu quả, đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống, những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nâng cao ý thức trách nhiệm của HS với bản thân, gia đình, trách nhiệm của tuổi trẻ đối với quê hương, đất nước. Phải coi đạo đức học là một ngành khoa học thực sự và không thể thiếu trong chương trình giáo dục và đào tạo. Cần dạy HS những giá trị đạo đức cơ bản của con người cần giảm thiểu những vấn đề cao xa, lớn lao, thay vào đó cần kiên trì bồi đắp lòng nhân ái, tính trung thực, lòng tự trọng, nếp nghĩ và lối sống lành mạnh, trọng đạo lý, sống có kỷ luật.
Phía xã hội: Xã hội là môi trường góp phần làm phong phú thêm cho những điều con người học được trong gia đình và trong nhà trường. Giáo dục xã hội là sự tiếp tục quá trình hình thành, phát triển và hoàn thiện ý thức đạo đức và năng lực thực hiện hành vi đạo đức cho con người. Trong quá trình hội nhập mở cửa, bên cạnh những tiến bộ, thành tựu của nhân loại cũng không ít những luồng gió độc hại cũng du nhập công khai hoặc len lỏi thâm nhập vào giới trẻ, tác động của nền kinh tế thị trường, sự hội nhập các nền văn hóa đã làm cho các giá trị đạo đức truyền thống bị xâm hại và mai một dần. Những tiêu cực xã hội, những suy thoái về tư tưởng, phẩm chất, lối sống vẫn hàng ngày, hàng giờ tác động không ít đến thế hệ trẻ. Tạo cho một bộ phận không nhỏ HS những biểu hiện lệch lạc đạo đức, lối sống đáng lo ngại . Đó là việc các em thích thể hiện bản thân một cách thái quá, đề cao giá trị vật chất, lối sống hưởng thụ; quan hệ không lành mạnh, xa rời chuẩn mực đạo đức dân tộc; gian lận trong thi cử; thiếu ý thức sống tôn trọng và làm theo pháp luật…
Cần thiết phải có những sân chơi thật sự phong phú, hấp dẫn, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi HS, để từ đó, các em có thể thể hiện năng lực của mình, có kỹ năng sống với cộng đồng, ứng xử phù hợp với những chuẩn mực đạo đức xã hội.
Trần Đăng Huy
(TP.Cần Thơ)