Văn hóa ứng xử và trình độ học vấn: 2 phạm trù tách biệt
(Xây dựng) – Những ngày cuối năm thật bận rộn. Ai cũng tất bật ngược xuôi. Trong cái không khí huyên náo ấy, đâu đó có một cuộc hẹn. Trong cuộc hẹn đó, đã có một câu chuyện đã được đề cập.
Đó là câu chuyện rất đời thường được tranh luận nhẹ nhàng, xới lên một chủ đề xoay quanh giữa văn hóa ứng xử và trình độ học vấn. Ngày xuân xin góp vài dòng tản mạn về một câu chuyện rất xưa…
Thường thì hầu hết, ai cũng nhìn nhận, phong cách sống tương ứng với trình độ học vấn. Một anh xe ôm, hẳn cách ứng xử sẽ khác xa với anh tốt nghiệp tiến sĩ. Người có trình độ văn hóa cao thì thường có lối sống theo một phong cách tạm gọi là “thượng lưu” nên ứng xử cũng “cao siêu” và ngược lại.
Tôi công nhận điều đó, thế nhưng, vì trời sinh ra tôi một trái tim nhạy cảm, một tâm hồn đa đoan nên tôi dễ rung động trước cuộc sống, cả cái tốt lẫn cái xấu, để biến sự nhạy cảm ấy vào những câu chuyện tôi viết. Tôi dùng nhãn quan và trái tim để nhìn nhận về cuộc sống qua chắp lượm những mẩu chuyện về đời, để đến hôm nay mới nói được điều này: “Trên thực tế, không ít nghịch lý diễn ra. Người có trình độ văn hóa cao, thậm chí là tiến sĩ tốt nghiệp loại ưu nhưng trong cuộc sống lại có những biểu hiện quá tồi tệ, làm cho người ta phải kinh ngạc”. Và sau đây là một ví dụ nhỏ khiến vì sao tôi lại nói như vậy:
Trong cuộc sống vợ chồng, một anh tốt nghiệp mấy văn bằng loại ưu, học vị cao ngất, nhưng trong cuộc sống lại có quá nhiều biểu hiện nhỏ nhen, tầm thường đến mức cạn lời.
Khi người vợ đang ở thì sinh cữ, không có người giúp việc, anh ta tuyên bố “không có làm gì đâu nhé, nuôi con, cơm nước, giặt giũ, mọi việc là chuyện của đàn bà. Đây thì chỉ quan hệ ngoại giao thôi…”
Trước nhà ngoại, anh hay vỗ ngực ta đây đã từng bảo vệ xuất sắc luận án này luận án nọ, khi tranh cãi với người nhà của vợ, anh thường dùng những từ miệt thị người có ý kiến trái ngược mình, xem thường chị vợ ra mặt, mặc dầu cô ấy cũng chẳng thua kém là bao. Trong một buổi nấu ăn kém ngon, anh ta nói rằng: “vợ thế à, đây chẳng nuốt nổi đâu, trông mâm cơm như cho chó ăn thế à”. Trong khi chị vợ tay vừa ẵm con, vừa nấu nướng.
Vì làm trong một cơ quan lương thấp, chị vợ cũng rất năng động, làm thêm ở một đơn vị khác, trong lúc tất bật, có làm mất một đôi triệu đồng. Về nhà kể chuyện, tưởng chồng an ủi, nào ngờ, anh ta thả lời chua ngoa: “thôi nhé, đầu đất thì từ nay đừng có tham gia cái gì nữa. Làm với chả ăn…”.
Ngoại hình tốt đẹp chưa chắc thể hiện tâm hồn tương ứng (Ảnh: Internet).
Kinh tế không đến nỗi nào mà chưa bao giờ, kể từ ngày lấy nhau, anh mua tặng chị đóa hoa hay tấm quà nhân ngày phụ nữ. Lâu dần, khiến chị quên đi, rằng mình là đàn bà.
Còn trường hợp của một anh gần nhà tôi thì ngược lại. Anh ấy cũng không học hành cao siêu, lại buôn bán ở chợ Giời, thế mà ứng xử lại quá đẹp. Anh đối xử với vợ con hết mực tôn trọng và yêu quý. Ngày lễ tình nhân hay 8/3 hay ngày nào đó của vợ, anh ấy đều dành cho chị những tình cảm chân thành, đơn giản mà hết sức ấm áp; nói với vợ bằng lời lẽ gần gũi, đầy tình thương, khiến cho tôi, từng ước ao có được người đàn ông như anh ấy.
Điều đó cho thấy rõ rằng, phong cách sống của con người không chỉ phụ thuộc vào trình độ hiểu biết mà còn chịu ảnh hưởng không ít đến ý thức, tác phong, thái độ sống. Có học vấn cao mà ứng xử yếu kém, thái độ lệch lạc thì chưa chắc đã bằng người không học hành tử tế.
Văn hóa ứng xử chưa chắc tương đồng với trình độ văn hóa (Ảnh: Internet).
Mọi thứ trên cõi đời này, chỉ mang tính chất tương đối mà thôi. Cũng giống như một người ăn mặc đẹp, sành điệu, làm quyền cao chức vọng, cũng chưa hẳn là người tử tế. Có hình thức thể hiện nội dung, nhưng cũng có hình thức là một cá thể độc lập, thậm chí trái ngược hẳn với nội dung. Cuộc sống đa dạng, phong phú là vậy!
Không thể lấy hình thức mà che đậy nội dung, không thể lấy bề ngoài mà đánh lừa được thiên hạ, mà cải tạo được cái bên trong rỗng tuếch, nông cạn. Tôi cũng như bạn, trong mỗi con người, ai cũng là “một vầng trăng và một đám mây đen”. Không có ai hoàn hảo trên cõi đời này. Cũng như chưa có ai hoàn toàn xấu. Chẳng có ai mặt nào cũng tốt, khi nào cũng tốt, lúc nào cũng đẹp và cũng chẳng có ai ngược lại, không có gì đáng giá, chỉ một màu đen tuyền.
Kể cả ngoại hình cũng vậy, ngay cả người được xem là vô duyên, là xấu xí nhưng nếu tinh túy quan sát thì vẫn có thể thấy được một nét nào đó ưa nhìn, thậm chí hấp dẫn mà ở người thường lại không có.
Ngoài kia, tiết trời quá đẹp. Xuân đến nhẹ nhàng, lòng người an nhiên!