Văn hóa và du lịch – Điểm sáng trong hợp tác Việt Nam – Trung Quốc

Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là sự kiện chính trị đặc biệt của hai nước đã kết thúc thành công tốt đẹp. Hai bên nhất trí tiếp tục củng cố và phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc theo phương châm 16 chữ “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần 4 tốt “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”. Hai bên đã ra Tuyên bố chung 13 điểm, bao gồm những nội dung mang tính chiến lược định hướng cho phát triển quan hệ hai nước trên tất cả lĩnh vực trong thời gian tới. Trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hai Bên đã ký kết 13 văn kiện quan trọng, trong đó có “Kế hoạch hợp tác văn hóa và du lịch giai đoạn 2023-2027” được đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam và đồng chí Hồ Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc ký ngày 31/10/2022 tại Bắc Kinh. Bản Kế hoạch được trưng bày tại Đại Lễ đường Nhân dân cùng 12 văn kiện quan trọng được đích thân hai Tổng bí thư dự khán, thể hiện quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước. 

“Kế hoạch hợp tác văn hóa và du lịch giai đoạn 2023-2027” được hai Bộ chuẩn bị công phu, được đánh giá có nội dung toàn diện, tương xứng với quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc, tiếp tục thúc đẩy giao lưu, hợp tác văn hóa và du lịch, tăng cường quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Kế hoạch mang tính kế thừa hợp tác của giai đoạn trước, vừa phù hợp với tình hình mới, trên cơ sở Hiệp định Văn hóa giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã ký ngày 02 tháng 12 năm 1992; Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về việc thành lập Trung tâm Văn hóa ký ngày 05 tháng 11 năm 2015, tôn trọng chủ quyền mỗi nước và phù hợp pháp luật trong nước và điều ước quốc tế mà mỗi nước là thành viên. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cùng chứng kiến 13 văn kiện đã được các ban, bộ, ngành, trung ương và địa phương ký kết

Trong giai đoạn trước đại dịch covid-19, hợp tác văn hóa, thể thao và du lịch luôn là điểm sáng về hợp tác, giao lưu giữa hai nước. Trung tâm Văn hóa Trung Quốc tại Hà Nội đã được khai trương và đang trong quá trình cải tạo; Hai Bộ đã ký kết “Bản Ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa giữa Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch Việt Nam và Bộ Văn hóa Trung Quốc”. Hằng năm hai nước cử đoàn trao đổi kinh nghiệm quản lý, giao lưu học thuật… đón và cử các đoàn nghệ thuật lưu diễn nhân dịp Lãnh đạo Cấp cao hai nước thăm và làm việc tại Trung Quốc và Việt Nam, tổ chức các chương trình Tuần, Ngày Văn hóa Việt Nam tại Trung Quốc và “Tết vui vẻ” tại Việt Nam. Ta thường xuyên cử các đoàn nghệ thuật tham gia sự kiện văn hóa quốc tế lớn do Trung Quốc đăng cai như Tuần lễ Sân khấu ASEAN-Trung Quốc tại Nam Ninh, Liên hoan nghệ thuật Mê Công – Lan Thương, Liên hoan nghệ thuật Châu Á…Trung Quốc định kỳ cử đoàn nghệ thuật tham gia Festival Huế, Liên hoan múa quốc tế…  

Một điểm nổi bật nữa về hợp tác giữa hai Bên là cơ chế “Gặp gỡ thường niên cấp Lãnh đạo Bộ” được hình thành từ tháng 01/2018, giúp hai Bên thúc đẩy hợp tác văn hóa, thể thao và du lịch đi vào thực chất và hiệu quả. Hằng năm hai Bên luân phiên đăng cai, lựa chọn một chủ đề lớn cùng quan tâm để tổ chức các hội nghị, diễn đàn song phương với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của hai Bộ.

Việt Nam và Trung Quốc đã ký Hiệp định hợp tác du lịch cấp Chính phủ và Hiệp định về hợp tác bảo vệ, khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam) – Đức Thiên (Trung Quốc). Trung Quốc luôn là thị trường gửi khách hàng đầu của Du lịch Việt Nam, chiếm tỉ lệ cao (trung bình khoảng 30%) trong tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Năm 2019 đạt 5.806.425 lượt khách (thống kê của Tổng cục Thống kê Việt Nam tính theo tiêu chí khách nhập cảnh nghỉ qua đêm). Việt Nam là 1 trong 5 các thị trường nước ngoài lớn nhất gửi khách tới Trung Quốc, năm 2019 đạt 7.948.000 lượt (thống kê từ phía Trung Quốc theo tiêu chí nhập cảnh, bao gồm cả cư dân vùng biên giới qua lại trong ngày). Xác định Trung Quốc là thị trường hàng đầu, sau khi thay đổi chính sách zero Covid, hai Bên tập trung hợp tác thúc đẩy tăng trưởng trao đổi khách bền vững, quản lý khách và đảm bảo chất lượng dịch vụ. 

Trong giai đoạn tới, hai Bên tập trung thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đã ký, tiếp tục đẩy mạnh và góp phần làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc. Sau khi Trung Quốc chính thức mở cửa, tiến hành “Gặp gỡ thường niên Lãnh đạo Bộ” nhằm tăng cường lòng tin chính trị, thúc đẩy giao lưu, lan tỏa hợp tác trên lĩnh vực văn hóa và du lịch, đóng góp cho tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, thúc đẩy thị trường du lịch hai nước hồi phục nhanh chóng và lành mạnh. 

Âu Việt Hưng – Nguồn ảnh: Trí Dũng (TTXVN)