Văn hóa và Xã hội Việt Nam Hiện đại: Có nhiều hơn một Việt Nam để học – Trường Đại Học Fulbright Việt Nam

Văn hóa và Xã hội Việt Nam Hiện đại là một trong những môn học nền tảng đặc sắc nhất của Chương trình Cử nhân ở Đại học Fulbright bởi không gian tiếp cận tri thức đa diện và trải nghiệm bối cảnh lớp học theo nhiều cách thức sống động. Môn học này dẫn dắt sinh viên bước vào thế giới phong phú của những tư tưởng, vấn đề và quan điểm nổi lên trong thời kì Việt Nam hiện đại (từ thời kì thuộc Pháp cho đến ngày nay), trải dài trên các lĩnh vực từ văn hoá-xã hội, kinh tế-chính trị cho đến chủ nghĩa dân tộc, quan hệ quốc tế và toàn cầu hoá, trong bối cảnh khu vực và toàn cầu.

Christopher K. Goscha, Giáo sư ở Đại Học Québec tại Montreal, Canada ngồi ở vị trí cử toạ một cuộc hội thảo của Trung tâm Woodrow Wilson ở Washington, DC (Mỹ). Trong hơn 1 giờ đồng hồ, sử gia nổi tiếng về Đông Dương trao đổi với giới nghiên cứu quốc tế về Việt Nam những nội dung trong cuốn sách của ông Vietnam: A New History.Cuốn sách là phiên bản phát hành tại Mỹ của cuốn The Penguin History of Modern Vietnam, được ông viết theo đơn đặt hàng của nhà xuất bản Penguin (Anh). Vietnam:A New History gây tiếng vang trong giới học thuật với những nghiên cứu thú vị, tiếp cận một Việt Nam hiện đại thay đổi qua nhiều thế kỷ, đặt lịch sử phát triển của Việt Nam trong bối cảnh Đông Nam Á và khu vực. Cuộc hội thảo được C-SPAN, một mạng truyền hình cáp và vệ tinh của Mỹ quay lại, cùng với cuốn sách của Giáo sư Goscha và 2 cuốn sách khảo cứu khác của học giả người Anh nổi tiếng Raymond Williams và nhà nghiên cứu văn hóa Chris Barker là những tài liệu đầu tiên nhập môn Văn hóa và Xã hội Việt Nam Hiện đại của sinh viên Fulbright năm thứ nhất. Họ phải đọc khoảng 50 trang của cuốn sách và xem lại cuộc hội thảo này trước buổi học đầu tiên trên lớp với giảng viên môn học.

Đây mới chỉ là khởi động nhẹ nhàng.

Không gian nhận thức đa chiều

Quách Minh Phát, sinh viên lớp 2024, vẫn nhớ lại “tuần kinh hoàng” khi phải đọc hơn 80 trang sách chuẩn bị cho học phần liên quan lịch sử thời kỳ thuộc địa. Do học trên nền tảng thảo luận, nghiên cứu, thực địa và viết luận nên Văn hóa và Xã hội Việt Nam Hiện đại ngốn một khối lượng văn bản khảo cứu đồ sộ hơn bất kỳ môn học nào khác. Kéo dài suốt Kỳ học Mùa Thu, 13 chuyên đề cụ thể của môn học có những danh mục bài đọc riêng rẽ cho từng phần với các đầu sách nghiên cứu chuyên sâu của các học giả trong nước và quốc tế. Để giúp sinh viên không bị ngợp trước khối lượng lớn bài đọc, ngoài sự trợ giúp sát sao của Trợ giảng, bộ phận Cầu nối Đại học của trường đã tổ chức một hội thảo riêng để hướng dẫn sinh viên kỹ thuật đọc các nguồn tài liệu tiếng Anh.

Thảo luận là trọng tâm của môn học nên thời gian phân bổ cho bài đọc rất lớn. Bởi, chất lượng đọc được xem như một tham chiếu đánh giá hiệu quả thảo luận, cũng như chất lượng học tập của từng sinh viên. Buổi tối chuẩn bị cho giờ học sáng hôm sau, Phát và các bạn trong nhóm học tập đặt lịch hẹn thảo luận trực tuyến với Trợ giảng.

“Sau hướng dẫn của Trợ giảng môn học, tụi em đã ngồi lại cùng nhau đến 1-2 giờ sáng để chuẩn bị xong cho bài học trên lớp. Những buổi học khuya như vậy trở thành kỷ niệm nhưng hơn cả là tạo ra sự trải nghiệm vô giá. Khi mình đã giành nhiều thời gian tới mức độ đó để đọc có nghĩa mình đã rất tâm huyết và nghiêm túc với môn học. Và, việc mình đổ thời gian cho việc này làm em thấy có ý nghĩa ở chỗ giúp mình hiểu bài vở một cách giá trị hơn”– Minh Phát chia sẻ.

Giá trị lớn đằng sau khối lượng văn bản đọc đồ sộ này đó là nguồn lực tài liệu phong phú và cập nhật.Mỗi một chủ đề của môn học luôn có nhiều hơn 3 đầu sách (cả tiếng Việt và tiếng Anh) của các tác giả là những học giả hàng đầu trong nước và quốc tế nghiên cứu về lịch sử, văn hóa Việt Nam. Với những nội dung như Lịch sử Triều Nguyễn, sinh viên thậm chí được tiếp xúc không chỉ bản dịch tiếng Việt, tiếng Anh mà cả văn bản Hán cổ (đã được dịch sang quốc ngữ).

“Chúng tôi không muốn bỏ sót cơ hội để sinh viên chạm được vào những giá trị sát thực nhất của tư liệu. Hai bản dịch tiếng Việt và tiếng Anh hỗ trợ cho nhau, có những tầng nghĩa mà bản dịch tiếng Việt chưa bộc lộ hết nhưng bản dịch tiếng Anh lột tả được. Ngược lại, có những tầng nghĩa bản dịch tiếng Anh chưa lột tả được thì đọc bản dịch tiếng Việt để thấm nghĩa nhiều hơn” – Tiến sĩ Nguyễn Nam, giảng viên môn học, cho biết thêm.

Điều thú vị tạo ra sự bất ngờ, lôi cuốn và cả thử thách cho người học nằm ở cách định nghĩa khái niệm văn bản rộng rãi của giảng viên bộ môn. Tiến sĩ Nguyễn Nam cho biết, ông không đóng khung văn bản của môn học này ở những dạng tài liệu viết mà văn bản được hiểu là bất cứ điều gì sinh viên quan sát, tiếp xúc trong cuộc sống. Đó có thể là các hiện tượng xã hội, triển lãm trưng bày ở bảo tàng hay các lễ kỉ niệm lịch sử. Bên cạnh các nguồn tài liệu chính thức được sử dụng làm bài đọc, môn học còn kèm danh mục một số phim tài liệu, phim chuyên đề liên quan nội dung môn học.

Với bản chất liên ngành, môn học này cũng đưa sinh viên ra khỏi lớp học và thông qua các chuyến đi nghiên cứu thực tế, cho phép họ trực tiếp trải nghiệm cách xã hội (bao gồm cả bản thân họ) đang xây dựng nền văn hóa hiện tại, tái tạo quá khứ và định hình tương lai của nó ra sao. Môn học cũng giới thiệu cho sinh viên một số viện bảo tàng và các di tích lịch sử, khuyến khích họ suy nghĩ về cách các câu chuyện và mô tả lịch sử đã thay đổi trong suốt chiều dài thời gian. Không gian văn bản này hay cũng là bối cảnh trải nghiệm sống động môn học giúp bồi đắp năng lực diễn giải của người học.

“Khi nói về văn bản, ta dễ hình dung ra việc đọc. Nhưng văn bản trong khái niệm của chúng tôi không chỉ là việc “đọc” như đọc chữ mà còn là khả năng nhận thức, diễn giải. Vậy nhận thức, diễn giải như thế nào? Việc này đòi hỏi phải có ý thức về vai trò của chủ thể. Chính vì chủ thể đảm nhiệm việc “đọc” nên các diễn giải sẽ không khỏi mang tính chủ quan. Không có diễn giải nào hoàn toàn khách quan cả. Như thế, trong việc đọc Sử, hay tiếp cận Văn hóa, luôn có sự tham gia của yếu tố chủ quan. Do đó sự tôn trọng ý kiến khác biệt là cần yếu vì không thể nói chỉ có ý kiến của mình là duy nhất khách quanhay đúng đắn.” – Tiến sĩ Nguyễn Nam cắt nghĩa.

Sáng tỏ căn tính Việt

Để tăng sự sống động của lớp học, với sự hỗ trợ của các phương tiện truyền thông hiện đại như Zoom, giảng viên sẽ thỉnh giảng các học giả hàng đầu của Việt Nam và quốc tế tham gia lớp học, trao đổi trực tuyến với sinh viên về những nội dung khoa học thông qua chính những nghiên cứu của họ. Theo cách này, ở học kỳ mùa Thu năm nay, Tiến sĩ Nguyễn Nam đã mời Giáo sư Bruce Lockhart của Đại học Quốc gia Singapore (NUS) trao đổi về lịch sử Đàng Trong và cuộc Nam Tiến mở rộng bờ cõi của người Việt. Việc tiếp xúc một thế giới phong phú của những tư tưởng và quan điểm, góc nhìn về văn hóa, lịch sử, xã hội Việt Nam đã đặt sinh viên vào một tình huống khá đặc biệt, như không ít sinh viên từng thú nhận, trong đó là sự hội ngộ với những tư tưởng, quan điểm và nghiên cứu của các học giả thế giới còn rất mới, hay có phần lạ lẫm đối với họ. Chủ đích của môn học là để sinh viên tiếp cận với những tầng lớp, những kiến thức lịch sử, văn hóa, xã hội đa dạng, mở rộng ngoài khung tri thức bậc phổ thông để sinh viên có thể chiêm nghiệm lại với một tâm thế cởi mở đi cùng với tinh thần suy xét biện chứng.

“Tiếp xúc các góc nhìn khác từ bên ngoài của các học giả hàng đầu, đặc biệt là các học giả thế giới, không có nghĩa là sinh viên sẽ hoàn toàn chịu ảnh hưởng của họ. Nếu chỉ tiếp thu thụ động, họ nói gì mình nói đó thì sẽ không đánh thức được tư duy phản biện. Khi đọc bài của các học giả thế giới, sinh viên phải luôn nhớ rằng vẫn luôn có chỗ cho họ phản biện lại. Vậy đâu là cơ sở của phản biện? Đó chính là tinh thần khoa học, xem xét sự việc trong không gian tri thức đa chiều, và ý thức về căn tính Việt của chủ thể nhận thức. Các bạn sinh viên sẽ nhận ra mình đang đứng ở góc độ nào để bổ sung nhận thức, để hiểu rõ hơn về môi trường văn hóa xã hội mình đang sống.”– Tiến sĩ Nguyễn Nam lý giải.

Sinh viên Tạ Thị Thuỳ Duyên, lớp 2024 chia sẻ, việc “tiêu hoá” hàng trăm trang sách với bạn không quan trọng bằng thái độ đón nhận những tư tưởng, quan điểm khác biệt của vấn đề.

“Trong môn học này em có dịp tiếp xúc nhiều nguồn tài liệu rất hay về văn hóa, lịch sử, xã hội Việt Nam nhưng không có nghĩa em sẽ đón nhận một chiều những kiến thức đó. Những thứ được hình thành trong chúng em như lòng yêu nước, bản sắc văn hóa, căn tính dân tộc được bóc tách và phân tích một cách có hệ thống. Qua đây, em có thể đặt bản thân vào bối cảnh rộng lớn hơn của đất mước và hơn nữa là thế giới, để nhận thấy mình là một phần trong đó và có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội của mình hơn”.

Tiếp cận những tư tưởng phong phú với tâm thế cởi mở song hành cùng tư duy phản biện, sinh viên cũng nhận ra qua mỗi tuần học, mình trở nên bản lĩnh hơn khi suy xét những thuộc tính, hiện tượng văn hóa, lịch sử xã hội của dân tộc cả trong quá khứ và đương đại.

“Em nhận ra những hiểu biết của mình về văn hóa, xã hội như bị thách thức. Thách thức sự hiểu biết hữu hạn và nhờ đó giúp mình đi tiếp, tìm ra những kiến thức, hiểu biết mới. Nó giúp mở rộng năng lực hiểu biết và cho em góc nhìn đa chiều hơn. Nó càng giá trị hơn khi học trong một môi trường quốc tế, em nhận ra bản sắc, căn tính dân tộc giúp định hình con người mình. Hiểu và khẳng định được căn tính dân tộc là một điều rất đáng quan tâm. Nó cho mình biết được mình đến từ đâu, cội nguồn như thế nào. Và em nhận ra nó giúp cho mình không bị lạc dòng giữa thời đại”– Quách Minh Phát chia sẻ.

Dư âm trực diện

Mô tả không gian của Văn hóa và Xã hội Việt Nam Hiện đại khơi gợi những câu hỏi rộng lớn và chất nghi về những hiện tượng phức hợp xảy ra trong cuộc sống, sinh viên Lê Minh Tú cho rằng cơ hội được học để suy xét một cách biện chứng về quá khứ đã giúp em học được nhiều bài học hơn từ quá khứ.

“Em không nghĩ môn học làm thay đổi hệ tư tưởng của mình mà giúp em bồi đắp tư tưởng bằng nhiều khía cạnh khác nhau của văn hóa, lịch sử dân tộc, từ những bài học của quá khứ.”-Tú chia sẻ.

Và, đến cuối cùng của môn học, sinh viên nhận ra rằng không chỉ có nhiều cách để học về Việt Nam mà có lẽ còn có nhiều hơn một Việt Nam để học.

“Đối với bản thân em, sự cởi mở là một trong những điều em học được nhiều nhất từ môn học này. Có rất nhiều khía cạnh lịch sử đa dạng và phức tạp. Điều quan trọng mình phải cởi mở đón nhận sự đa dạng, phức tạp đó mà không đóng khung bản thân trong một giới hạn tư tưởng hay nhận thức nào” – Tạ Thị Thuỳ Duyên chia sẻ.

Quách Minh Phát thì có một cảm xúc đặc biệt với những nội dung liên quan lịch sử trong khuôn khổ môn học. Những bài giảng, những giờ học tranh luận là sự đối mặt trực diện các khía cạnh của câu chuyện lịch sử.

“Điều làm em ấn tượng hơn hết sau tất cả những bài giảng đó là dư âm đọng lại của những câu chuyện lịch sử được tường thuật theo nhiều phía và cả những câu chuyện lịch sử trên bề mặt. Ẩn  sâu trong đó là câu chuyện về những thân phận con người. Nó khiến em nghĩ nhiều về các nhân vật lịch sử và thấy nặng lòng với dân tộc mình. Đồng cảm với những nỗi đau thân phận con người, mình nhìn lịch sử dân tộc với thái độ bao dung hơn. Nó khơi dậy lòng yêu nước một cách tự nhiên, nhẹ nhàng mà mãnh liệt, không cần phải đi theo những khuôn gò hay những khẩu hiệu sáo rỗng nào”– Phát chia sẻ.

Xuân Linh – Đoàn Hằng