Văn khấn cúng tiễn ông Công, ông Táo ngày 23 tháng Chạp dùng nhiều nhất
1. Văn khấn cúng tiễn ông Công ông Táo (Theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam – NXB Văn hóa Thông tin)
Nam mô A-di-đà Phật (3 lần)
– Con lạy chính phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.
– Con kính lạy ngài Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân
Tín chủ chúng con là: (thí dụ: Nguyễn Văn T, sinh năm: Canh Tuất (1970), hành canh: 41 tuổi)
Ngụ tại số nhà …….., đường/phố …., ấp/khu phố …………, xã/phường/thị trấn ……., huyện/quận/thành phố/thị xã …….., tỉnh/ thành phố ………
Nhân ngày 23 tháng Chạp, tín chủ chúng con thành tâm sắm sửa hương hoa phẩm vật, xiêm hài áo mũ, nghi lễ cung trần, dâng lên trước án, hiến cúng tôn thần, đốt nén tâm hương, chí thành bái thỉnh.
Chúng con kính mời:
Ngài Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân giáng lâm trước án thụ hưởng lễ vật.
Phong theo lệ cũ, Ngài là vị chủ, ngũ tự gia thần (*), soi xét lòng trần, Táo Quân chứng giám.
Trong năm sai phạm các tội lỗi lầm, cúi xin tôn thần gia ân châm chước, ban lộc ban phúc, phù hộ toàn gia: trai, gái, trẻ, già, an ninh khang thái, vạn sự tốt lành, bách sự hanh thông.
Chúng con lễ bạc tâm thành, kính lễ cầu xin, mong tôn thần phù hộ độ trì.
Nam mô A-di-đà Phật (3 lần)
Giải tấm lòng thành cúi xin chứng giám.
2. Bài khấn nôm ngày 23 tháng Chạp (Theo Nguyễn Thị Nhi – Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam)
Hôm nay là ngày… tháng… năm.
Tên con là…, cùng toàn gia ở tại…
Kính lạy đức “Đông Trù tư mệnh Táo phủ Thần Quân:
(Khấn thêm: Thổ địa Long Mạch Tôn Thần. Ngũ phương ngũ thổ Phúc Đức chính Thần)
Hàng năm gặp tiết hết năm, tháng vừa cuối Chạp. Gia đình sửa lễ bạc dâng lên. Cảm tạ phúc dày nhờ Thần phù hộ. Kính mong thần tâu bẩm giúp cho:
Bếp trong nếp sống rất hòa, ngoài mặt dám rằng cũng đẹp. Cảm thông xin tấu thực thà. Cầu mong giúp đỡ lợi lạc. Người người lo ấm, cả nhà thêm tiếng tốt lẫy lừng. Việc việc thành công, một cửa ngút khí lành man mác. Muôn trông ơn đức vô cùng.
Cẩn cáo (vái 4 vái).
3. Bài cúng ông Công ông Táo (Theo GS. Lương Ngọc Huỳnh)
Kính lạy Thượng Đế
Kính lạy Ngũ Đế, Đông phương Thanh Đế, Nam phương Xích Đế, Tây phương Bạch Đế, Bắc phương Hắc Đế, Trung ương Hoàng Đế.
Kính lạy thượng đàm thần tướng thiên thiên tướng
Trung đàm thần tướng thiên thiên binh
Hạ đàm thần tướng thiên thiên mã
Kính lạy sơn thần, long thần, thổ địa, thổ công táo quân, thổ kỳ lai sàng chứng giám
Hôm nay là ngày 23 tháng chạp năm… Bính Thân. Là ngày thần Táo Quân về trời tấu sớ
Tín chủ con tên là… sinh ngày… tháng… năm… nguyên quán… địa chỉ thường trú…
Với tấm lòng thành kính con xin có chút lễ vật, nhang đăng thỉnh cầu kính mời Thượng Đế, Ngũ Đế, các vị Thần Tướng, Thiên Tướng, Thiên Binh, Thiên Mã, cùng chư vị thần tiên trên trời dưới đất, chứng giám cho con được làm lễ tiễn thần Thổ Công Táo Quân về trời.
Kính lạy Thổ thần thổ địa, thổ công táo quân, thổ kỳ lai sàng chứng giám. Trong năm qua nhờ ân phúc của các ngài chúng con được mạnh khoẻ, hạnh phúc, mọi điều may mắn.
Nay con làm lễ với tấm lòng thành kính tiễn ngài về trời tấu xin Thượng Đế, Ngũ Đế, cùng chư vị thần tiên phù hộ độ trì cho đất nước con, quê hương con, gia tộc và gia đình con được mạnh khoẻ hạnh phúc, an khang thịnh vượng.
Con cầu xin Thượng Đế, Ngũ Đế các vị thần tiên cùng chư ngài chứng giám cho tấm lòng thành kính của con.
Kính chúc Thượng Đế, Ngũ Đế, các vị thần tiên cùng chư ngài thiên thiên tuế!
(Con xin đa tạ, Con xin đa tạ, con xin đa tạ)
* Sau khi cúng xong thì lại kính lễ 9 lần
* Lễ xong đi lùi ba bước mới được quay lưng đi
* Chờ nhang cháy 1/3 ta đã có thể mang vàng mã đi hoá cho các vị thần. Hoá xong thì gói tro vào một tờ giấy màu đỏ sạch sẽ, rồi mang cá và tro đi thả ở sông, suối, hay hồ nước có dòng chảy lưu thông. Không nên thả ở những hồ nước bẩn, ao tù.
4. Văn khấn ông Táo, bài cúng ông Táo được lưu truyền trong dân gian
Nam mô a di đà Phật! (3 lần)
Kính lạy Ngài Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân!
Tín chủ con là :………….
Ngụ tại :…………………..
Nhằm ngày 23 tháng Chạp, tín chủ chúng con thành tâm, sửa biện hương hoa phẩm vật, xiêm hài áo mũ, nghi lễ cung trần, dâng lên trước án, dâng hiến Tôn Thần, đốt nén Tâm Hương dốc lòng bái thỉnh.
Chúng con kính mời:
Ngài Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân giáng lâm trước án thụ hưởng lễ vật.
Phỏng theo lệ cũ, Ngài là vị chủ, Ngũ Tự Gia Thần, soi xét lòng trần, Táo Quân chứng giám.
Trong năm sai phạm, các tội lỗi lầm, cúi xin Tôn Thần, gia ân châm chước. Ban lộc, ban phước, phù hộ toàn gia, trai gái trẻ già, an ninh khang thái.
Dãi tấm lòng thành, cúi xin chứng giám.
Cẩn cáo.
Nam mô a di đà Phật! (3 lần)
Cách hóa vàng mã cúng ông Công, ông Táo 2018 chuẩn nhất
Vị trí đặt đồ lễ
Thường làm lễ ngay ở ban thờ thần linh gia tiên, chứ không nên đặt đồ lễ ở ban thờ Phật hoặc lập riêng ban thờ Táo quân. Một số nơi, nhất là miền Nam có xu hướng lập ban thờ Táo quân riêng ở bếp. Đây là điều không cần thiết và không nên vì trong một nhà thờ nhiều thần linh sẽ hay xảy ra tranh cãi, bất hòa giữa các thành viên trong gia đình, con cái khó bảo hoặc gây ra những trục trặc khác về tình cảm, tình duyên. Khi hương cháy đến 2/3 là có thể mang vàng mã ra hóa và mang cá đi phóng sinh.
Cách hóa vàng mã cúng ông Công, ông Táo chuẩn nhất:
Vàng mã cúng ông Công, ông Táo gồm quần áo, hia, tiền âm phủ được đốt đi sau khi cúng vào ngày 23 tháng Chạp cùng với bài vị cũ. Tiếp đó, gia chủ mới lập bài vị mới cho Táo công.
Quá trình cúng ông Công, ông Táo phải được làm trước thời điểm ông Táo cưỡi cá chép về trời tức là trước 12h ngày 23 tháng Chạp.
Vậy nên, tùy theo điều kiện, từng gia đình có thể cúng trước đó, vào tối 22 hoặc sáng 23 tháng Chạp hàng năm.
Trong mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo nhất định phải có cá chép. Nhiều vùng miền còn cúng cá chép sống với ý nghĩa “cá chép hóa rồng” để đưa các vị Táo về thiên đình.
Nếu không có thời gian cũng như điều kiện mua cá sống, các gia đình có thể hóa cá chép giấy cùng với vàng mã và các loại tiền âm phủ.
(Bài mang tính chất tham khảo)
Theo GS. Trần Lâm Biền – nhà nghiên cứu văn hóa dân gian – phong tục thờ cúng Táo quân của dân tộc ta không phải là một hủ tục mê tín dị đoan.
Đó là một tín ngưỡng văn hóa dân gian có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc nhưng được Việt hóa thành huyền tích “2 ông 1 bà” – vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc.
Theo đó, cứ đến ngày 23, 24 tháng Chạp, Táo quân lên chầu trời để báo cáo với Ngọc Hoàng việc làm tốt, xấu của gia chủ trong năm. Nên khi cúng người ta hay cúng bánh mật để Táo quân ăn, khi lên báo cáo thiên đình sẽ nói những lời ngọt ngào, có lợi cho gia chủ…
Tín ngưỡng này giàu ý nghĩa nhân văn, hướng con người ta tích cực làm việc tốt, sống lương thiện. GS Trần Lâm Biền chia sẻ, “Theo truyền thống thì lễ cúng Táo quân chỉ cần mâm cơm, chè ngọt, trầu cau, hoa quả đơn giản, không cần quá cầu kỳ…”.