Văn khấn lễ tạ năm mới – lễ hóa vàng chuẩn nhất Tết Canh Tý 2020
Theo phong tục dân gian, lễ tạ năm mới tức là kết thúc Tết, thường tiến hành vào ngày mùng 3 Tết hoặc ngày khai hạ mùng 7 Tết Âm lịch. Song gia chủ không cứng nhắc phải tiến hành chỉ trong 2 ngày này, mà có thể làm trong khoảng từ mùng 3 tới mùng 10 Tết.
Nghi lễ này đặc biệt quan trọng trong các gia đình người Việt, bởi người ta tin rằng khi làm lễ tạ năm mới thì tấm lòng của gia chủ mới được chứng giám và gia đình sẽ được phù hộ bình an trong năm mới, làm ăn phát đạt, sung túc hơn.
Khi thực hiện lễ này, đèn và nến được thắp sáng trong suốt thời gian cúng, lúc nào gần hết một tuần hương thì có thể hóa vàng mã. Gia chủ mang tất cả vàng mã được cúng trong dịp Tết ra hóa vàng. Hóa vàng xong, nên vẩy mấy giọt rượu cúng xuống để giữ sự linh thiêng cho lễ cúng hoá vàng và cũng là để người ở cõi âm nhận được vàng mã của con cháu.
Nhiều gia đình vẫn giữ tục mua 2 cây mía chưng hai bên ban thời ngày Tết. Tới lễ hóa vàng, 2 cây mía được đem hơ trên lửa đã hóa vàng, dân gian quan niệm khi đó, hai cây mía để làm đòn gánh vàng cho người ở cõi âm cũng là vũ khí để xua đuổi quỷ dữ.
Việc hóa vàng nên được tiến hành ở sân hoặc một góc vườn sạch sẽ, thoáng mát. Lưu ý là mỗi lễ vàng tiền đều được hóa riêng từ các bậc cao xuống, theo thứ tự gia thần trước, gia tiên sau. Khi hóa vàng không nên dùng gậy hay que gẩy tiền vàng liên tục, bởi dân gian quan niệm làm vậy thì tiền vàng sẽ rách và “các cụ không tiêu được”.
Lễ vật chuẩn bị để cúng dâng tạ năm mới thường gồm mâm cỗ mặn với các món đặc trưng ngày Tết Nguyên đán như gà luộc, bánh chưng, giò, nem rán, canh măng…, cùng với hương, hoa, nước, quả (ngũ quả), trầu cau, rượu trắng, đèn, nến, hai cây mía.
Văn khấn lễ tạ năm mới (lễ hóa vàng) (trích trong sách Văn khấn Nôm truyền thống – Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc):
Nam mô A Di Đà Phật (3 lần)
Kính lạy………………………………………..
– Hoàng thiên Hậu thổ Chư vị tôn thần
– Ngài Đương niên, Ngài Bản cảnh Thành hoàng; Các ngài Thổ địa, Táo quân, Long mạch, Tôn thần
Các cụ Tổ khảo, Tổ tỷ, nội ngoại tiên linh.
Hôm nay là ngày mùng 3 tháng Giêng năm………………
Tín chủ chúng con là……………………Ngụ tại…………………………….
Thành tâm sửa biện hương hoa phẩm vật phù tửu lễ nghi, cung trần trước án. Kính cẩn thưa trình: tiệc Xuân đã mãn, Nguyên đán đã qua, nay xin thiêu hóa kim ngân, lễ tạ Tôn thần, rước tiễn tiên linh trở về âm giới.
Kính xin: Lưu phúc lưu ân, phù hộ độ trì, dương cơ âm mộ, mỗi chỗ tốt lành. Cháu con được chữ bình an, gia đạo hưng long thịnh vượng. Lòng thành kính cẩn, lễ bạc tiến dâng, lượng cả xét soi, cúi xin chứng giám.
Cẩn cáo.
Văn khấn hóa vàng mã (trích trong sách Văn khấn Nôm truyền thống – Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc)
Theo cuốn Văn khấn Nôm truyền thống của NXB Văn hóa dân tộc, khi gia chủ gửi đồ vàng mã cho “người âm” thì nên ghi vào giấy đầy đủ các đồ hiến cúng và gửi cho ai, mộ táng tại đâu. Giống như chúng ta gửi trần sao thì âm vậy, phải có tên và địa chỉ của người gửi, người nhận.
Khi hóa vàng mã xong thì nên đọc câu kính xin tôn thầ, kính rước vong linh về nơi âm giới.
Dưới đây là bài văn khấn mà gia chủ có thể dùng cho mọi trường hợp hóa vàng mã:
Nam mô A Di Đà Phật (3 lần)
Kính lạy
Hoàng thiên Hậu thổ Chư vị Tôn thần
Thần Vũ Lâm sứ giả
Hôm nay là ngày……………….
Tín chủ con là……………………..Ngụ tại số nhà……………………………
Nay nhân tiết (nhân ngày gì thì đổi lại)…………………
Âm dương cách trở, ngày tháng vắng tăm, lòng con cháu tưởng nhớ khôn nguôi, đã sắm sang quần áo, dụng cụ, tiện nghi khác chi lúc sống, nhưng xin theo lối đường âm, báo đáp ân thâm, tỏ lòng hiếu kính. Xin được kính dân hương linh gia tiên chúng con là:
1. Hương linh:…………………. Mộ phần táng tại:………………….
Đồ mã gồm:………………..
2. Hương linh:…………………. Mộ phần táng tại:………………………..
Đồ mã gồm:……………………………………………………………
Mọi thứ được kể tên rành rõ trong giấy, vong nhận không lo ngại quỷ, chứng kiến chúng con trình lên trên xét, hội trí nhờ Đức Vũ Lâm. Kính ngài cho phép vong linh được nhận.
Cẩn cáo.
(Thông tin mang tính chất tham khảo)
(Tổng hợp)