Văn khấn ông Công ông Táo theo ‘Văn khấn cổ truyền Việt Nam’
(VTC News) –
Theo quan niệm dân gian, ngày 23 tháng Chạp là ngày lễ ông Công ông Táo để gia chủ tỏ lòng biết ơn thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc.
Mục lục bài viết
Văn khấn ông Công ông Táo
2023Dưới đây là bài cúng ông Công ông Táo 2023 theo sách “Văn khấn cổ truyền Việt Nam” của Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin.
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Con lạy chín phương Trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương
Con kính lạy ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.
Tín chủ chúng con là… ngụ tại…
Hôm nay, ngày 23 tháng Chạp, tín chủ chúng con thành tâm sắp sửa hương hoa phẩm luật, xiêm hài áo mũ, kính dâng tôn thần. Thắp nén tâm hương, tín chủ con thành tâm kính bái.
Chúng con kính mời ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh trước án hưởng thụ lễ vật.
Cúi xin tôn thần gia ân xá tội cho mọi lỗi lầm trong năm qua gia chủ chúng con sai phạm. Xin tôn thần ban phước lộc, phù hộ toàn gia chúng con, trai gái, già trẻ sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành.
Chúng con lễ bạc tâm thành, kính lễ cầu xin, mong tôn thần phù hộ độ trì.
Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo.
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Bài cúng do GS Lương Ngọc Huỳnh giới thiệu
Kính lạy Thượng đế
Kính lạy Ngũ đế, Đông phương Thanh đế, Nam phương Xích đế, Tây phương Bạch đế, Bắc phương Hắc đế, Trung ương Hoàng đế.
Kính lạy Thượng đàm thần tướng thiên thiên tướng, Trung đàm thần tướng thiên thiên binh, Hạ đàm thần tướng thiên thiên mã.
Kính lạy Sơn thần, Long thần, Thổ địa, Thổ công, Táo quân, Thổ kỳ lai sàng chứng giám.
Hôm nay là ngày 23 tháng Chạp là ngày thần Táo quân về trời tấu sớ. Tín chủ con tên là… sinh ngày… tháng… năm… nguyên quán… địa chỉ thường trú…
Với tấm lòng thành kính, con xin có chút lễ vật, nhang đăng thỉnh cầu kính mời Thượng đế, Ngũ đế, các vị Thần tướng, Thiên tướng, Thiên binh, Thiên mã cùng chư vị thần tiên trên trời dưới đất, chứng giám cho con được làm lễ tiễn thần Thổ công Táo quân về trời.
Kính lạy Thổ thần Thổ địa, Thổ công Táo quân, Thổ kỳ lai sàng chứng giám. Trong năm qua, nhờ ân phúc của các ngài, chúng con được mạnh khoẻ, hạnh phúc, mọi điều may mắn. Nay con làm lễ với tấm lòng thành kính tiễn ngài về trời tấu xin Thượng đế, Ngũ đế cùng chư vị thần tiên phù hộ độ trì cho đất nước con, quê hương con, gia tộc và gia đình con được mạnh khoẻ hạnh phúc, an khang thịnh vượng.
Con cầu xin Thượng đế, Ngũ đế các vị thần tiên cùng chư ngài chứng giám cho tấm lòng thành kính của con. Kính chúc Thượng đế, Ngũ đế, các vị thần tiên cùng chư ngài thiên thiên tuế!
Con xin đa tạ (3 lần)
Đặt mâm lễ cúng ông Công ông Táo ở đâu?
Theo quan niệm của một số người, ông Công là thần thổ công cần được cúng trên bàn thờ chính trong nhà; ông Táo là vị thần trông coi việc bếp núc, vì vậy lễ cúng cần được tiến hành ở dưới bếp.
Các chuyên gia nghiên cứu văn hóa cho biết, theo truyền thống văn hóa dân gian thì bàn thờ ông Táo được đặt trong bếp, cụ thể là bên cạnh hoặc bên trên bếp, vì đây là vị thần cai quản chuyện bếp núc trong mỗi gia đình.Thờ thần bếp là mong muốn giữ cho bếp luôn đỏ lửa, gia đình no ấm, thuận hòa.
Ngày xưa, mâm cúng Táo quân thường đặt trong bếp, nơi có ban thờ Táo quân. Tuy nhiên trong ngôi nhà hiện đại ngày nay, thiết kế bếp không tiện việc đặt ban thờ, không nhiều gia đình có ban thờ riêng cho ông Táo. Do đó, việc đặt mâm lễ cúng ông Công ông Táo ở đâu tùy thuộc vào tình hình thực tiễn và quan niệm từng gia đình.
Trên thực tế, không có một tài liệu nào quy định rõ ràng về việc vị trí đặt mâm lễ cúng ông Công ông Táo ở đâu bởi còn khá nhiều quan niệm khác nhau xoay quanh vấn đề này. Tuy nhiên, theo quan niệm của đa số người Việt Nam, cúng bái luôn là việc yêu cầu sự trang nghiêm nên lễ cúng ông Công ông Táo cũng nên được thực hiện ở nơi trang trọng.
Một số gia đình có bàn thờ ông Táo riêng, điều này sẽ giúp lễ cúng thêm trang nghiêm hơn. Còn nếu gia đình nào không có ban thờ ông Công ông Táo riêng thì nên thực hiện lễ cúng ông Công ông Táo ở ban thờ thần linh hoặc gia tiên chứ không nên đặt trong nhà bếp.
Mặc dù còn khá nhiều quan niệm khác nhau xung quanh việc cúng ông Công ông Táo ở đâu thế nhưng dù thực hiện lễ cúng này ở trong bếp hay ở bàn thờ riêng, hay bàn thờ thần linh thì gia chủ cũng cần thể hiện sự thành tâm của mình.
Lâm Hà
(Tổng hợp)
Bổ ích
Xúc động
Sáng tạo
Độc đáo