Vắng dần những nồi bánh chưng ngày Tết
–
Thứ sáu, 06/01/2023 08:48 (GMT+7)
Hà Tĩnh – Tết cổ truyền dân tộc với hình ảnh quây quần bên nồi bánh chưng là dịp để mọi thành viên gia đình đoàn tụ, tâm tình thắt chặt tình thân nhưng những năm gần đây đã vắng dần những nồi bánh chưng do người dân chuyển sang đi mua sẵn.
Bà Hường dù trồng đầy cây lá dong trong vườn nhưng nhiều năm nay không gói, nấu bánh chưng dịp Tết Nguyên đán nữa. Ảnh: Trần Tuấn.
Nhà trồng đầy cây lá dong… cũng không nấu bánh
Bà Lê Thị Hường (71 tuổi, trú tổ dân phố 3, phường Đại Nài, thành phố Hà Tĩnh) chia sẻ, đã vài chục năm nay, vào dịp Tết Nguyên đán, gia đình bà không gói, nấu bánh chưng nữa mà cứ mua sẵn ít cái ở chợ về cúng Tết.
“Nhà tôi trồng mấy bụi lá dong tốt um tùm sau vườn đó nhưng không nấu bánh chưng Tết nữa nên không dùng đến. Để đó anh em, bà con ai cần xin thì cho họ thôi” – bà Hường chia sẻ.
Về việc ngày Tết mà không nấu bánh chưng, bà Hường thừa nhận như vậy nó như mất đi một phần không khí Tết. Tuy nhiên, vì thực tế nhu cầu ăn bánh chưng cũng không lớn như ngày còn đói khổ trước đây nữa nên không nấu cũng là điều dễ hiểu.
“Không riêng gì gia đình ở thành phố như tôi mà hiện nay nhiều gia đình ở nông thôn người ta cũng đã không gói, nấu bánh chưng ngày Tết nữa. Họ cứ mua sẵn về cho nhanh, khỏe người” – bà Hường nói.
Bánh chưng là lễ vật không thể thiếu để cúng Tết và một số lễ giỗ quan trọng của người Việt Nam. Ảnh: Trần Tuấn.
Bà Nguyễn Thị Liên (65 tuổi, trú xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) cũng chia sẻ, nhiều năm nay, gia đình bà không nấu bánh chưng dịp Tết cổ truyền dân tộc nữa mà đi mua về cúng Tết.
“Nói thật, tôi vẫn thích cái không khí đêm 30 Tết, cả nhà quây quần nấu bánh chưng, chuyện trò vui vẻ bên ánh lửa hồng. Thế nhưng nấu ít thì không đáng bỏ công mà nấu nhiều thì ăn không hết rồi hỏng, ôi thiu phải đổ phí lắm.
Có những năm ra Tết trời nắng, bánh chưng ôi thiu đồng loạt, nhà tôi phải đổ vài chục cái mà xót lắm” – bà Liên chia sẻ.
Bà Liên thông tin thêm, do nhiều gia đình không còn nấu bánh chưng ngày Tết, trong khi đó là một lễ vật không thể thiếu để cúng Tết nên có cung thì có cầu.
Mấy năm nay có vài hộ dân trong thôn đã làm dịch vụ nấu bánh chưng bán Tết. Người dân cần bao nhiều thì đặt là họ nấu đáp ứng nhu cầu bấy nhiêu.
“Nên gắng duy trì nét đẹp nấu bánh chưng ngày Tết”
Bà Nguyễn Thị Oanh – Phó trưởng phụ trách Phòng Văn hóa huyện Cẩm Xuyên cho rằng, đúng là gần đây vào dịp Tết Nguyên đán, số gia đình giữ truyền thống nấu bánh chưng đã giảm nhiều. Không những ở thành thị mà ngay cả dân nông thôn, nhiều gia đình không nấu bánh chưng nữa.
“Do cuộc sống hiện đại công việc bận rộn và nhu cầu ăn bánh chưng cũng không nhiều như trước đây nữa nên người ta ít nấu dần.
Tuy nhiên, theo tôi, ngày Tết nấu bánh chưng là một nét đẹp văn hóa cổ truyền dân tộc cần cố gắng lưu giữ.
Bởi lúc nấu bánh cũng là thời gian để thành viên trong gia đình quây quần bên nhau chuyện trò vui vẻ giúp gắn kết tình yêu thương gia đình tốt hơn” – bà Oanh bày tỏ.
Hình ảnh nồi bánh chưng quen thuộc của Tết xưa dần hiếm đi ở Tết nay. Ảnh: Trần Tuấn.
Ông Võ Văn Trình – Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh (nguyên Trưởng Phòng Văn hóa huyện Hương Khê) khẳng định, đúng là những năm gần đây vào dịp Tết Nguyên đán, số hộ dân không nấu bánh chưng tăng lên.
Theo cảm nhận của ông Trình, ở huyện Hương Khê chỉ còn khoảng 30% hộ dân còn nấu bánh chứng dịp Tết, số còn lại đi mua bánh chưng về cúng Tết.
“Do đời sống người dân ngày càng cao, nhu cầu ăn bánh chưng không nhiều như trước đây nữa nên họ không muốn nấu.
Bây giờ ngày thường, bánh chưng cũng bán đầy chợ, ai muốn ăn thì mua ăn. Thêm nữa, nhiều hộ dân cũng đã nấu bếp ga, bỏ không còn nấu bếp củi nên cũng lười không muốn nhóm lửa nấu bánh chưng trên bếp củi” – ông Trình chia sẻ.
Một thực tế là hiện nay, rất nhiều người trẻ không biết gói bánh chưng mà việc gói bánh phần lớn do người già thực hiện. Ảnh: Trần Tuấn.
Ông Trình cũng cho rằng, không nấu bánh chưng ngày Tết đúng là có mất đi một phần không khí của ngày Tết cổ truyền. Tuy nhiên, đó cũng là điều tất yếu của sự phát triển xã hội có phần ngày càng thực tế, thực dụng hơn, cái gì tiện lợi, khỏe hơn thường được ưu tiên.