Vàng hưởng lợi nếu bế tắc về trần nợ công của Mỹ kéo dài
(KTSG Online) – Khả năng Nhà Trắng và phe Cộng hòa ở quốc hội Mỹ trì hoãn thỏa thuận tăng trần nợ công của chính phủ đến sát, thậm chí vượt thời hạn chót, khi Bộ Tài chính Mỹ cạn kiệt tiền chi tiêu, đang tăng lên. Trong một kịch bản như vậy, giá vàng có thể tăng dần lên và lập đỉnh nếu các bên dàn xếp được thỏa thuận giống như những gì đã xảy ra vào năm 2011 khi đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa “thi gan” đến phút cuối mới thỏa hiệp để tăng trần nợ công.
Vấn đề trần nợ công của nước Mỹ đang giống như câu chuyện thời tiết. Mọi người đều nói về nó nhưng không thể thay đổi được gì nhiều. Cuộc đàm phán nâng trần nợ công giữa Nhà Trắng và phe Cộng hòa, nắm quyền kiểm soát ở hạ viện Mỹ, tiếp tục bế tắc. Dựa vào dữ liệu lịch sử, ít có khả năng hai bên giải quyết được vấn đề này cho đến sát ngày X, khi ngân khố của Bộ Tài chính Mỹ rốt cục trống rỗng.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cảnh báo ngày X sẽ đến sớm nhất là vào ngày 1-6. Trong khi đó, Ủy ban ngân sách quốc hội Mỹ (CBO) dự báo ngày này sẽ đến trước ngày 15-6, hoặc chậm nhất là cuối tháng 7.
Greg Valliere, Giám đốc chiến lược chính sách Mỹ của AGF Investments, cho rằng quốc hội Mỹ có thể trì hoãn thỏa thuận nâng trần nợ công cho đến trước kỳ nghỉ kéo dài một tuần bắt đầu vào ngày 4-7, hoặc thậm chí đến cuối năm tài khóa hiện tại kết thúc vào ngày 30-9.
Vào thời điểm này, giới đầu tư đang di chuyển tiền vào các tài sản an toàn truyền thống bao gồm các quỹ thị trường tiền tệ có lợi suất đến 5% sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ tăng lãi suất lần thứ 10 liên tiếp hồi đầu tháng 5. Lợi suất của các quỹ chuyên đầu tư vào các chứng khoán có thu nhập cố định có rủi ro thấp này đang ở mức cao chưa từng thấy kể từ trước khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 nổ ra.
Dù bế tắc về trần nợ công và đối mặt nguy cơ vỡ nợ, chính phủ Mỹ vẫn dễ dàng huy động hàng tỉ đô la từ thị trường nợ. Tuy nhiên, chi phí huy động vốn ngắn hạn của Mỹ đang tăng nhanh. Trong phiên đấu giá hôm 11-5, các lô trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 4 tuần được bán với giá chiết khấu 5,605%, tương tương với lợi suất 5,723%. Điều này rõ ràng là do giới đầu tư lo ngại trong kịch bản Mỹ vỡ nợ, họ sẽ không được thanh toán kịp thời vào thời điểm trái phiếu đáo hạn ngày 13-6.
Ngược lại, trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 8 tuần được bán với tỷ lệ chiết khấu thấp hơn nhiều là 4,680%, tương đương với lợi suất 4,793%. Các nhà đầu tư tổ chức chấp nhận mức lợi suất thấp hơn vì họ tin rằng trái phiếu kỳ hạn hai tháng sẽ được thanh toán mà không gặp trở ngại nào khi đáo hạn vào ngày 11-7, thời điểm mà họ giả định Nhà Trắng và phe Cộng hòa đã đạt được thỏa thuận về mức trần nợ công mới.
Nhiều chuyên gia có thể cho rằng lợi suất trái phiếu tăng sẽ tác động tiêu cực đến giá vàng, vốn là tài sản không có lãi suất. Tuy nhiên, thực tế là điều đó không ngăn được đà tăng giá của vàng trong thời gian qua khi các ngân hàng trung ương ở nước ngoài đẩy mạnh mua vàng để giảm sự phụ thuộc của kho dữ trữ ngoài hối vào đồng đô la Mỹ. Đà tăng giá vàng trong thời kỳ lãi suất cao hơn là lời cảnh báo về tình hình tài chính của Mỹ và vị thế thống trị thương mại quốc tế của đồng đô la. Theo Hội đồng Vàng thế giới (WGC), các ngân hàng trung ương đã mua thêm 228 tấn vàng trong quí đầu tiên sau khi mua kỷ lục 1.136 tấn vàng trong năm 2022.
Dù ít được chú ý hơn nhưng giá vàng vẫn chậm rãi tăng trong những tuần qua, với các hợp đồng vàng giao ngay trong tháng của sàn giao dịch Comex (Mỹ) đạt mức cao nhất trong 52 tuần là 2.048 đô la/ounce vào ngày 4-5, chỉ kém một chút so với mức cao kỷ lục 2.051,5 đô la/ounce vào ngày 6-8-2020. Kể từ đó, giá vàng đã lùi về mức 2.014,7 đô la vào ngày 11-5 nhưng vẫn đang cao hơn 10,72% so với đầu năm.
Theo quan sát của nhóm nghiên cứu chính sách của Washington ở Công ty môi giới Strategas Securities, thị trường vàng dường như đang giao dịch giống như mùa hè năm 2011, thời điểm mà cuộc khủng hoảng về trần nợ công khiến Standard & Poor’s hạ bậc tín dụng dài hạn của Mỹ từ AA+ xuống AAA.
Vào tháng 8-2011, đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ chỉ đạt được thỏa thuận nâng trần nợ công vài giờ trước thời hạn cuối. Do đó, các tài sản đã phản ứng tiêu cực, với đô la Mỹ bị bán tháo và chứng khoán Mỹ sụt giảm. Lần này không loại trừ khả năng xảy ra kịch bản tương tự. Khi các nhà chính trị vẫn đối đầu căng thẳng về vấn đề trần nợ công, các nhà phân tích dự báo biến động của thị trường sẽ tăng cao, đặc biệt là khi gần đến ngày X vào tháng 6.
Khi phân tích tác động của vấn đề trần nợ công với thị trường vàng, sẽ rất hữu ích nếu nhìn lại diễn biến giá cả của kim loại quý này cho đến tháng 8 -2011 và sau đó. Vàng đã tăng giá vào tháng 8 và tháng 9 -2011, lần đầu tiên vượt ngưỡng 1.900 đô la/ounce và đạt mức cao kỷ lục vào thời điểm đó là 1.910 đô la/ounce.
Tuy nhiên, việc vấn đề trần nợ công được giải quyết đã đánh dấu thời điểm vàng lập đỉnh. Sau tháng 9, thị trường bước vào chu kỳ giảm giá dài hạn và chỉ có thể vượt qua ngưỡng 1.900 đô la vào tháng 7-2020.
Nhà chiến lược Michael Boutros của Forex.com nhận định một mô hình tương tự có thể xảy ra trong khoảng thời gian này, với giá vàng sẽ tăng cao hơn khi gần đến tháng 6. Và sau đó, khi Nhà Trắng và quốc hội Mỹ nhất trí nâng trần nợ công, giá vàng sẽ đạt đỉnh.
“Trong trường hợp xếp hạng tín dụng của Mỹ bị hạ thấp hoặc Mỹ gần như vỡ nợ hoặc đối mặt với điều gì đó cực đoan, vàng sẽ tăng giá. Nhưng một khi vấn đề trần nợ công được giải quyết, bạn phải đề phòng một đợt bán tháo vàng lớn hơn”, Boutros nói.
Nhà chiến lược Christopher Louney của RBC Capital Markets cũng cho rằng các cuộc đàm phán căng thẳng về trần nợ công đang tạo tiền đề cho một đợt tăng giá ngắn hạn đối giá vàng ngay cả khi thị trường giả định rốt cục, trần nợ công sẽ được nâng. Ông nhận định vàng có thể tài sản phòng ngừa rủi ro tốt nhất khi khủng hoảng trần nợ công của Mỹ tiếp diễn.
Theo Barron’s , Kitco News, Bloomberg