Về bảng xếp hạng các trường đại học Việt Nam (VUR)
Bảng xếp hạng (BXH) các trường đại học (ĐH) Việt Nam (VUR) do nhóm tác giả được gọi là “nhóm chuyên gia độc lập” (do TS. Lưu Quang Hưng – ĐH Melbourne, Úc chủ biên) kết hợp với Tạp chí Tia sáng công bố ngày 6-9 vừa qua, đã nhận được sự quan tâm của dư luận.
Đây cũng được cho là BXH các trường ĐH Việt Nam thành văn đầu tiên, được thực hiện trong vòng 3 năm với quy mô thu thập thông tin là 100 trường ĐH. Mặc dù chỉ có 49 trường đáp ứng được đầy đủ thông số theo chỉ tiêu của nhóm, nhưng bảng VUR 2017 lần này đã góp phần định hình thêm nền tảng thực tiễn cho việc triển khai Nghị định về quy định xếp hạng các cơ sở giáo dục ĐH mà Chính phủ đã ban hành vào tháng 10-2015 (cùng với hai BXH các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam được nhiều người biết đến nhất là Webometrics của Phòng thí nghiệm Cybermetrics và Scientometrics for Vietnam của Nhóm trắc lượng khoa học Việt Nam – mà nhóm nghiên cứu đã nhắc tới khi đề cập đến nhu cầu xếp hạng ĐH ở Việt Nam trong báo cáo của mình).
Đại học Tôn Đức Thắng (TPHCM) được xếp hạng 2 đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều
Bảng xếp hạng VUR tập trung vào 3 tiêu chí quan trọng là: (i) Nghiên cứu khoa học, (ii) Giáo dục – đào tạo (GD – ĐT), (iii) Cơ sở vật chất và quản trị với cách tính toán được nêu trong bộ tiêu chí (TC) và trọng số công khai trên trang thông tin xephangdaihoc.org của nhóm. Mặc dù nhóm không công bố đầy đủ số liệu chi tiết của từng trọng số khi tính điểm cho các trường (chỉ công bố số liệu tổng hợp của từng TC), nhưng qua các chỉ tiêu và phương pháp tính, có thể thấy một số vấn đề cần phải bàn thêm như sau:
Thứ nhất, nhóm đặt nặng trọng tâm xếp hạng vào TC về quy mô và chất lượng nghiên cứu (chiếm 20% trọng số – cao nhất trong các điểm thành phần), nhưng lại chưa phân loại các trường ĐH theo nhóm đặc thù như (i) nhóm trường ĐH định hướng nghiên cứu (có chỉ số công bố quốc tế cao hơn) và nhóm trường ĐH có định hướng khoa học ứng dụng – thực hành, hay (ii) nhóm trường ĐH Khoa học tự nhiên và nhóm trường ĐH Khoa học xã hội. Các trường có quan điểm và định hướng khác nhau không thể đánh giá cùng một nhóm TC. Với TC này, việc phân biệt nhóm ngành và thấy được độ khó dễ của các công bố quốc tế là rất cần thiết. Do đó, có nhiều trường hợp các trường ĐH chuyên ngành kinh tế do không có nhiều bài công bố quốc tế nên đã bị đánh giá thứ hạng thấp trong bảng xếp hạng VUR, mặc dù chất lượng đào tạo nói chung của các trường này được đánh giá ở mức cao hơn.
TS. Bùi Hải Đăng
Thứ hai, do quá chú trọng vào mục tiêu “tạo ra tri thức mới” (tập trung vào quy mô nghiên cứu) nên nhóm đã bỏ qua hoặc không chú trọng đến các chỉ số kiểm định chất lượng giảng dạy (mà Bộ GD – ĐT hiện đã nâng cấp lên Bộ tiêu chuẩn kiểm định mới vào ngày 19-5-2017, tuy nhóm có thể sử dụng số liệu từ Bộ tiêu chuẩn cũ trong thời gian trước). Đây là chỉ tiêu quan trọng nhất để đánh giá chỉ tiêu về “chất lượng giảng dạy” có chiều sâu. Việc bỏ qua chỉ tiêu này là thiếu sót lớn, khiến cho toàn bộ TC thứ 2 về GD-ĐT của nhóm nghiên cứu thiên hẳn về số lượng (các chỉ số B1, B2, B3) mà chưa có sự kiểm định thực tế về chất lượng.
Thứ ba, do chưa có đủ thông tin về chuẩn đầu ra của các trường, nên bảng xếp hạng VUR hoàn toàn thiếu TC đánh giá về số lượng sinh viên tốt nghiệp có việc làm (đúng ngành/không đúng ngành), một trong những TC quan trọng bậc nhất trong đánh giá hiệu quả của giáo dục bậc ĐH. Bảng xếp hạng vì vậy chỉ có thể tập trung vào TC chuẩn đầu vào (chỉ số B4) để đánh giá chất lượng sinh viên. Điều này đã được nhóm nghiên cứu xác nhận, và cũng là một thiếu sót trong việc công bố số liệu đầu ra nói chung – một thực trạng cần khắc phục của đa số các trường ĐH hiện nay.
Ngoài ra, dựa vào các TC mà nhóm đưa ra để đánh giá và xếp hạng hai ĐH Quốc gia, các ĐH vùng trong cùng bảng xếp hạng với các trường ĐH khác là rất không hợp lý, vì ĐH Quốc gia hay ĐH vùng là một tổ hợp các trường ĐH thành viên.
Như trong lời nói đầu của báo cáo, nhóm nghiên cứu đã chỉ rõ bảng xếp hạng này chỉ mang tính tham khảo và cần bổ sung rất nhiều tham số, nên sau những góp ý từ các chuyên gia và công bố thông tin minh bạch hơn từ các trường ĐH, hy vọng bảng xếp hạng VUR sẽ có nhiều bước tiến và trở nên cụ thể, chính xác hơn, tạo nền tảng cho việc xây dựng khung xếp hạng cơ sở giáo dục ĐH chuẩn mực cho Việt Nam trong tương lai.
Trao đổi với PV Báo CATP vào chiều 7-9, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền – giảng viên Khoa Khoa học giáo dục, ĐHSP TPHCM, đại diện nhóm Xếp hạng ĐH Việt Nam, cho biết:
Báo cáo kết quả xếp hạng đã trình bày rõ bộ tiêu chí (BTC), cách thức thu thập số liệu, nguồn số liệu mà nhóm sử dụng để đánh giá, xếp hạng, có tham khảo kinh nghiệm của các BXH phổ biến trên thế giới khi xây dựng BTC. Chúng tôi nhận định rằng chất lượng của cơ sở giáo dục ĐH nằm chủ yếu ở các sản phẩm mà nó tạo ra và ở nguồn lực giúp nó tạo ra các sản phẩm đó. Sản phẩm của cơ sở giáo dục ĐH về cơ bản bao gồm tri thức đóng góp cho xã hội và nguồn nhân lực do các trường ĐH đào tạo ra. Nguồn lực mà cơ sở giáo dục ĐH có, là tiêu chí (TC) quan trọng, vì đó là nền tảng đảm bảo một môi trường học thuật có chất lượng.
Theo cách này, chúng tôi xây dựng 3 thước đo (indicator/proxy) dùng để xếp hạng các cơ sở giáo dục ĐH ở Việt Nam gồm: Nghiên cứu khoa học, chiếm 40% điểm số; Giáo dục – đào tạo, chiếm 40% điểm số; Cơ sở vật chất và quản trị, chiếm 20% điểm số. Các TC này lại được chia thành nhiều TC nhỏ hơn để thu thập số liệu và đánh giá. Cách xếp hạng các trường ĐH Việt Nam được đề xuất trong báo cáo này tham khảo hướng dẫn của Bộ nguyên tắc Berlin – bộ nguyên tắc được thống nhất bởi nhóm chuyên gia xếp hạng ĐH trên thế giới tại Hội nghị Berlin năm 2006.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền
Với mỗi TC, chúng tôi cố gắng cân bằng giữa quy mô và năng suất. Nếu chỉ tập trung vào quy mô, các cơ sở giáo dục ĐH lớn (về số lượng sinh viên, đội ngũ giảng viên và nguồn lực về cơ sở vật chất) sẽ dễ dàng có vị trí rất cao trong BXH. Ngược lại, nếu chỉ tập trung vào năng suất, những đơn vị nhỏ (về quy mô) lại có thể có thứ hạng cao.
Cũng cần nói thêm rằng có nhiều TC chúng tôi muốn đưa vào để xem xét, ví dụ như tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi ra trường như một thước đo chất lượng đào tạo, nhưng do dữ liệu thiếu hụt nên chưa thể đưa vào. Trong tương lai, khi số liệu về những TC này trở nên sẵn có và mang tính tin cậy, chúng tôi sẽ cân nhắc để sử dụng.
Sau khi công bố BXH, chúng tôi đã nhận được rất nhiều ý kiến, có ý kiến ủng hộ, có ý kiến còn nghi ngờ điểm này điểm khác về phương pháp và số liệu, nhưng cơ bản theo đánh giá của chúng tôi là cộng đồng và xã hội cho rằng việc có một bảng xếp hạng ĐH để tham khảo là điều được hoan nghênh. Quan điểm chủ đạo của nhóm chúng tôi là luôn lắng nghe để tiếp thu những ý kiến đóng góp, trên trang xephangdaihoc.org chúng tôi cũng để ngỏ hòm thư để mọi người có thể góp ý.
Chúng tôi cũng mong muốn duy trì công việc này trong những năm tới. Tuy nhiên, đây là công việc đòi hỏi nhiều cam kết và nguồn lực, lại là công việc vô vị lợi, thực hiện trên tinh thần tự nguyện của các thành viên, nên chúng tôi đang thảo luận xem sẽ làm tiếp thế nào cho hiệu quả. Nếu thực hiện tiếp, chúng tôi hy vọng các trường ĐH sẽ quan tâm, hợp tác, hỗ trợ trong việc cung cấp dữ liệu hoặc tạo điều kiện cho chúng tôi thu thập dữ liệu sao cho khách quan, chính xác. Đồng thời, như đã nói ở trên, chúng tôi sẽ nghiên cứu, tiếp thu và có thể cân nhắc có những điều chỉnh phù hợp nhất. Chúng tôi hy vọng rằng, với sự cộng tác của cộng đồng, chúng ta sẽ có một BXH toàn cảnh, đầy đủ và chính xác hơn.
DUY LUÂN – THANH THỦY (ghi)