Vì sao Bộ GD-ĐT bỏ tính điểm trung bình các môn học cấp THCS, THPT?
Đại diện Bộ GD-ĐT đã làm rõ những nội dung trong thông tư 22 vừa ban hành quy định việc đánh giá học sinh THCS và THPT, sẽ thực hiện ngay từ ngày 5/9 năm nay với học sinh lớp 6.
Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) cho hay, điểm mới của Thông tư 22/2021 quy định về đánh giá học sinh THCS và THPT (gọi tắt là Thông tư 22) là áp dụng cho chương trình phổ thông mới. Năm nay mới chỉ áp dụng đối với khối lớp 6, các năm học tiếp sau lần lượt thực hiện đối với lớp 7 và lớp 10; lớp 8 và lớp 11; lớp 9 và lớp 12.
Thông tư 22/2021/TT-BGDDT về quy định đánh giá học sinh THCS, THPT
PV: – Theo thông tư 22, một số môn học ngoài đánh giá bằng điểm số như trước đây còn có đánh giá bằng nhận xét? Ông có thể nói rõ cách đánh giá này và lý do điều chỉnh?
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành: Theo thông tư, có 2 hệ thống môn học: các môn đánh giá chỉ bằng nhận xét (Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Âm nhạc, Mỹ thuật, Nội dung giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp); các môn đánh giá bằng nhận xét kết hợp điểm số (các môn học còn lại).
Tinh thần của thông tư này là đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh, coi trọng sự động viên, khuyến khích học sinh và sự tương tác giữa thầy và trò, chứ không phải chỉ ghi nhận xét vào trong sổ. Giáo viên có thể nhận xét, đánh giá ngay ở những bài tập và không phải bởi những điều chung chung (có cố gắng, có tiến bộ) mà cụ thể, trực tiếp vào những nội dung dạy học trong quá trình dạy.
Giáo viên dùng hình thức nói, viết để đánh giá, nhận xét sự tiến bộ, những ưu điểm nổi bật, hạn chế chủ yếu của học sinh trong quá trình học tập và kết quả rèn luyện, học tập của học sinh.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT). Ảnh: Thanh Hùng.
Cũng cần làm rõ cho các giáo viên thắc mắc các môn học đánh giá bằng điểm số thì nhận xét ra sao, rằng đánh giá quá trình học tập của học sinh trong môn học, đó là những sự tiến bộ, ưu điểm nổi bật, những hạn chế chủ yếu,… trong quá trình học tập môn học hoặc một nhiệm vụ cụ thể,…
Như vậy, việc đánh giá bằng nhận xét như là một phương pháp dạy học. Điểm số là để đánh giá kết quả học tập. Các giáo viên cần hiểu cụm “kết hợp giữa đánh giá bằng nhận xét và điểm số” là như vậy, để thực hiện phù hợp trong quá trình dạy học theo đặc thù môn học; ưu tiên đánh giá bằng nhận xét trong quá trình tổ chức dạy học để giúp học sinh tiến bộ, tránh việc thực hiện không đúng hoặc máy móc, không hiệu quả, tạo áp lực không đáng có.
– Tiêu chí điểm trung bình tất cả các môn học đã được bỏ trong việc đánh giá kết quả học tập của học sinh. Vì sao lại có sự thay đổi này, thưa ông?
Trước đây chúng ta có quan điểm cộng điểm các môn học rồi tính điểm trung bình, từ 8 điểm trở lên mới được xếp học lực Giỏi. Với cách này, sẽ là lấy điểm môn này bù môn kia, mà không quan tâm nhiều đến việc học sinh đó mạnh ở các môn học nào.
Do đó, Bộ GD-ĐT không muốn quy định kiểu tính trung bình, đánh giá chung chung này nữa, mà muốn khi đánh giá học sinh sẽ nhìn vào từng em có năng lực, xu hướng học tốt ở những môn nào. Từ đó, có kế hoạch tập trung, phát triển tiềm năng của học sinh.
– Ngoài ra, còn có thay đổi khi đánh giá rèn luyện từ “Tốt, Khá, Trung bình, Yếu”, thành “Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt”. Tương tự, học lực trước đây được xếp thành 5 loại: “Giỏi, Khá, Trung bình, Yếu, Kém”, giờ được chuyển thành 4 mức: “Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt”. Ý nghĩa của sự thay đổi này là gì?
Thực ra mà nói từ “hạnh kiểm” trước đây cũng nói về phẩm chất, đạo đức. Tuy nhiên, vì chương trình phổ thông mới theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực và việc đánh giá căn cứ vào yêu cầu cần đạt của chương trình. Do đó, chúng ta không gọi “Trung bình, Yếu” của hạnh kiểm, mà thay vào đó đánh giá học sinh đạt các yêu cầu của chương trình đến mức nào – “Đạt hay Chưa Đạt”.
Tương tự, đối với đánh giá kết quả học tập, không đánh giá “Giỏi, Khá, Trung bình, Yếu, Kém” bởi giờ đây không quan niệm đánh giá học lực mà đánh giá sự phát triển năng lực của học sinh. Nghĩa là đánh giá năng lực sử dụng kiến thức được học trong chương trình để vận dụng giải quyết các vấn đề của học sinh. Do đó, không đánh giá theo học lực nữa mà đánh giá kết quả học tập theo yêu cầu cần đạt của chương trình.
Có thể hiểu là học sinh đã đạt được kết quả ở mức “Tốt, Khá, Đạt hoặc Chưa đạt” so với yêu cầu cần đạt của chương trình.
Từ những năm tới sẽ không còn danh hiệu ‘Học sinh tiên tiến’
– Trước đây, để đạt loại Giỏi, học sinh phải đạt điểm trung bình các môn học từ 8 trở lên, trong đó điểm trung bình môn Toán hoặc Ngữ văn phải từ 8 trở lên. Tuy nhiên, theo cách đánh giá mới thì học sinh chỉ cần có 6 môn bất kì đạt trung bình trên 8. Liệu có phải việc đánh giá dễ dãi hơn và 2 môn Toán, Ngữ văn không còn được xem trọng như trước?
Với cấp THCS, có 4 môn đánh giá bằng nhận xét (Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Nội dung giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp), còn cấp THPT có 5 môn (Giáo dục thể chất, Âm nhạc, Mỹ thuật, Nội dung giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp); như vậy còn lại 8 môn đánh giá bằng nhận xét kết hợp điểm số. Học sinh mức Tốt phải có ít nhất 6/8 môn có điểm trung bình từ 8 trở lên và tối đa cũng chỉ 2 môn được phép ở ngưỡng từ 6,5 đến dưới 8,0.
Tương tự, trước đây, học sinh Khá phải có điểm trung bình tất cả các môn học từ 6,5 trở lên, trong đó bắt buộc Toán hoặc Văn từ 6,5 trở lên thì theo thông tư mới cần có ít nhất 6/8 môn học có điểm trung bình từ 6,5 điểm trở lên, chỉ 2 môn được phép ở ngưỡng từ 5 đến dưới 6,5.
Do đó, nói “dễ dãi” hơn là không hẳn.
Việc này cũng giúp không nảy sinh phân biệt môn chính, môn phụ mà tất cả sẽ bình đẳng như nhau. Ngoài ra, cũng giúp các học sinh có thể được phát triển và được ghi nhận mọi năng khiếu, năng lực của mình.
– Về khen thưởng, chỉ còn 2 danh hiệu “Học sinh xuất sắc” và “Học sinh giỏi”, không còn danh hiệu “Học sinh tiên tiến”?
Cuối năm học, việc khen thưởng danh hiệu “Học sinh xuất sắc” đối với những học sinh có kết quả rèn luyện được đánh giá Tốt, kết quả học tập được đánh giá mức Tốt và có ít nhất 6/8 môn học được đánh giá bằng nhận xét kết hợp điểm số có điểm trung bình từ 9 trở lên.
Danh hiệu “Học sinh giỏi” đối với những học sinh có kết quả rèn luyện và học tập cùng được đánh giá Tốt. Có nghĩa phải có 6 môn đạt 8 điểm trở lên và các môn đều phải trên 6,5.
Trước đây, chúng ta có khen thưởng danh hiệu “Học sinh tiên tiến” và “Học sinh giỏi” thì nay đưa ra các mức khen thưởng “Học sinh giỏi” và “Học sinh xuất sắc”, về cơ bản chỉ là cách gọi các mức khen thưởng. Khái niệm “tiên tiến” trước đây liên quan đánh giá hạnh kiểm từ loại Khá trở lên, còn danh hiệu “Học sinh xuất sắc” và “Học sinh giỏi” giờ đây theo mức đạt được yêu cầu phẩm chất và năng lực học sinh.
Khi chúng ta để mức “Học sinh tiên tiến” như trước thì danh hiệu sẽ quá nhiều, mà khi danh hiệu nhiều dẫn đến không còn giá trị, động lực phấn đấu cho học sinh.
– Có lo ngại là giáo viên sẽ vất vả hơn để thực hiện tốt việc đánh giá học sinh theo thông tư này. Ông có lưu ý gì?
Việc dạy học đi liền với kiểm tra, đánh giá. Để thực hiện tốt thông tư này, tức để “nhàn” trong việc đánh giá, các giáo viên cần hiểu đúng và vận dụng linh hoạt các hình thức đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, cũng như kết hợp điểm số.
Đó có thể là đánh giá thông qua hỏi đáp, viết, nhận xét thông qua việc học sinh thuyết trình, làm thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập,… trong quá trình dạy học.
Có thể giáo viên chuẩn bị bài phải kỹ lưỡng và vất vả hơn nhưng đến khi dạy học sẽ nhàn hơn. Giáo viên khi chuẩn bị bài cho lớp này, thì khi đến lớp sau sẽ có những kinh nghiệm để hoàn thiện hơn. Năm nay, chúng ta chuẩn bị kế hoạch bài học cho lớp 6 chẳng hạn, sau 1 năm sẽ có những phản hồi và sang năm có thể chỉ cần cập nhật bài dạy lên chứ không cần làm lại từ đầu.
Thanh Hùng (thực hiện)
Mục lục bài viết
Bỏ tính điểm trung bình tất cả môn học cấp THCS, THPT
Theo thông tư mới về việc đánh giá học sinh THCS và THPT, kết quả rèn luyện và học tập của học sinh trong từng học kỳ và cả năm học đều được đánh giá theo 4 mức: Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt.