Vì sao ngành Hàn Quốc học có điểm chuẩn cao ngất, đánh bại các ngôn ngữ khác?

 Dần “soán ngôi” các ngành ngôn ngữ

Trước đây, tại các trường ĐH, ngành ngôn ngữ Anh luôn có mức điểm chuẩn cao nhất trong số các ngành ngôn ngữ. Nhưng vài năm trở lại đây thì ngôi vị đó lại nhường chỗ cho ngành Hàn Quốc học hoặc ngôn ngữ Hàn.

Chẳng hạn, năm 2020, tại Trường ĐH Hà Nội, điểm chuẩn của ngành ngôn ngữ Hàn là 35,38 (ngoại ngữ hệ số 2), cao hơn cả ngôn ngữ Anh (34,82). Trong khi đó, tại Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội), năm 2020, ở khối sư phạm, ngành sư phạm tiếng Hàn có điểm trúng tuyển cao thứ 2 – 35,87 điểm, cao hơn cả sư phạm tiếng Anh (34,82). Ở khối ngôn ngữ hệ chất lượng cao, ngành ngôn ngữ Hàn là 34,68, cao nhất trong số các ngành ngôn ngữ chất lượng cao của trường này. Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM năm 2020 cũng có mức điểm chuẩn 25,2 cho ngành Hàn Quốc học, cao hơn nhiều ngành ngôn ngữ khác.

Ảnh minh họa: Để trở thành sinh viên ngành ngôn ngữ Hàn hay Hàn Quốc học, thí sinh phải đạt số điểm rất cao (ảnh chụp vào tháng 12.2020)

LÊ VĂN LỘC

Ngành ngôn ngữ Hàn Quốc, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm nay có mức điểm chuẩn 25,8, cao hơn rất nhiều ngành ngôn ngữ khác và chỉ kém ngành ngôn ngữ Anh 0,2 điểm.

Cá biệt, năm nay tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, điểm chuẩn ngành Hàn Quốc học ở tổ hợp môn khối C lên tới 30 điểm, chiếm ngôi vị đầu bảng trong tổng số gần 30 ngành của trường này và là con số kỷ lục từ trước đến nay. Điều đó có nghĩa thí sinh khu vực 3, không thuộc đối tượng ưu tiên nào, muốn đậu phải đạt điểm tuyệt đối cả 3 môn thi trong tổ hợp.

Nhu cầu nhân lực rất lớn

Lý giải về việc ngành ngôn ngữ Hàn Quốc và Hàn Quốc học ngày càng “nóng”, tiến sĩ Lưu Tuấn Anh, Chủ nhiệm Bộ môn Hàn Quốc học, Khoa Đông Phương học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, cho biết: “Trong hơn 25 năm qua, Hàn Quốc đã nỗ lực và thành công trong việc xây dựng hình ảnh quốc gia tại Việt Nam. Nhờ đó, mối quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc trong một thời gian ngắn đã được nâng lên thành mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược. Hàn Quốc cũng vươn lên trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại nước ta. Cùng với tốc độ phát triển quan hệ ngoại giao, kinh tế, văn hoá giữa 2 nước, hình ảnh đất nước và con người Hàn Quốc được đông đảo người dân Việt Nam biết đến và yêu mến”.

Ảnh minh họa: Nhu cầu tuyển dụng lớn nên sinh viên ngành ngôn ngữ Hàn và Hàn Quốc học tốt nghiệp là có việc làm ngay (ảnh chụp vào tháng 12.2020)

LÊ VĂN LỘC

Theo tiến sĩ Tuấn Anh, những năm gần đây, nhu cầu tuyển dụng sinh viên học ngành Hàn quốc học và biết tiếng Hàn ngày càng cao, do có nhiều tập đoàn lớn của Hàn đầu tư sang Việt Nam như Samsung, LG, Hyundai… “Không chỉ có cơ hội việc làm lớn ở các doanh nghiệp, sinh viên tốt nghiệp còn có thể làm biên phiên dịch cho các cơ quan Chính phủ, viện nghiên cứu, tổ chức về văn hoá, giáo dục , ngoại giao, thương mại… Thực tế nhiều năm qua cho thấy, sinh viên ngành này của trường đã được các doanh nghiệp nhận vào làm việc bán thời gian ngay từ năm 3. Sau khi tốt nghiệp là được tuyển dụng chính thức gần như 100%”, tiến sĩ Tuấn Anh cho hay.

Tiến sĩ Trần Nguyễn Nguyên Hân, Chủ nhiệm khoa Tiếng Hàn Quốc, Trường ĐH Sư Phạm TP.HCM , cũng cho rằng mối quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc phát triển là nguyên nhân chính khiến cho ngành học liên quan đến quốc gia này ngày càng “hot”.

“Hàn Quốc có nhiều thành tựu về giáo dục muốn chuyển giao cho Việt Nam, giúp Việt Nam đào tạo nhân tài. Quốc gia này cũng đang là nhà đầu tư dẫn đầu tại nước ta, với hơn 9.000 doanh nghiệp đang có mặt tại 3 miền. Những yếu tố đó đòi hỏi nguồn nhân lực lớn để đáp ứng nhu cầu. Chưa kể, Bộ GD-ĐT cũng đã có quyết định Ban hành Chương trình giáo dục phổ thông , theo đó, môn tiếng Hàn được thí điểm là ngoại ngữ 1 trong chương trình giáo dục phổ thông dạy từ lớp 3 đến lớp 12 nên ngành học liên quan đến Hàn Quốc càng nóng hơn bao giờ hết”.

Ảnh minh họa: viên ngành ngôn ngữ Hàn Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (ảnh chụp tháng 6.2020)

ANH THƯ

Theo tiến sĩ Bùi Phan Anh Thư, Trưởng Khoa Hàn Quốc học, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, trong bối cảnh mối quan hệ Việt – Hàn phát triển, các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam và các cơ quan, tổ chức văn hoá, giáo dục, thương mại hai nước đang có nhu cầu tuyển dụng nhân sự rất lớn. “Nhất là các tập đoàn, các nhà máy lớn rất cần nhân lực tốt nghiệp ĐH biết tiếng Hàn, am hiểu quốc gia Hàn. Mỗi năm, ngành ngôn ngữ Hàn và Hàn Quốc học của trường tuyển khoảng gần 200 chỉ tiêu. Tốt nghiệp là các em được tuyển dụng ngay”, tiến sĩ Anh Thư chia sẻ.

Thiếu giảng viên trầm trọng

Tiến sĩ Trần Nguyễn Nguyên Hân cho biết nhu cầu học các ngành ngôn ngữ Hàn, Hàn Quốc học hiện nay rất lớn, nhưng giảng viên các ngành này đang thiếu trầm trọng. Nguyên nhân là vì thu nhập của giảng viên còn thấp, trong khi áp lực lớn, phải học thạc sĩ, tiến sĩ đúng chuyên ngành. “Hiện khoa tiếng Hàn Quốc tuyển giảng viên rất khó khăn. Chúng tôi tìm cách tăng thu nhập cho giảng viên bằng việc cho phép giảng viên được dạy thỉnh giảng bên ngoài, hoặc giới thiệu để thầy cô tham gia các dự án về nghiên cứu, giảng dạy khác”, tiến sĩ Nguyên Hân thông tin.

Cũng chỉ vì thiếu giảng viên nên hiện Trường ĐH Sư phạm TP.HCM chưa thể mở được ngành sư phạm tiếng Hàn. “Khi ngôn ngữ Hàn Quốc được thí điểm là ngoại ngữ 1 trong giáo dục phổ thông, thì cần phải có một lực lượng giáo viên rất lớn. Vì vậy, chúng tôi đang nỗ lực thu hút nhân sự để có thể sớm mở được ngành sư phạm tiếng Hàn đáp ứng nhu cầu thực tế”, tiến sĩ Nguyên Hân bày tỏ.

Tiến sĩ Bùi Phan Anh Thư cũng cho rằng do giảng viên thiếu nên hiện các trường không thể đào tạo nhiều chỉ tiêu hơn, dù nhu cầu học là rất lớn.