Việt Nam không có trường Đại học nào lọt danh sách 1000 trường Đại học của thế giới, Thái Lan có 3 đại diện, Đại học Havard đứng đầu
Năm 2022, CWUR chọn lọc từ 19.788 trường Đại học (ĐH) trên thế giới, tiếp tục chọn ra 2000 trường ĐH. Đứng đầu danh sách là ĐH Havard với số điểm 100, Học viện Công nghệ Massachusetts xếp thứ hai với số điểm 96,7, đứng thứ 3 là ĐH Standford, đạt 95,1. Cả ba trường đứng đầu đều thuộc Mỹ.
Trong danh sách 2000 trường ĐH, Việt Nam góp mặt 6 cái tên, không có đại diện trường ĐH nào của Việt Nam lọt danh sách xếp hạng 1000 trường Đại học trên thế giới của CWUR.
10 trường đứng đầu đã lọt vào danh sách Global 2000 năm 2022 của CWUR, chọn lọc từ 19.788 tổ chức được xếp hạng. Ảnh: CWUR /Website
Về phía các nước Đông Nam Á trong thứ hạng 1.000 trường, Malaysia có 4 đại diện (ĐH Malaya, ĐH Putra, ĐH Khoa học Malaysia, ĐH Quốc gia Malaysia và ĐH Công nghệ Malaysia) Thái Lan có 3 đại diện (ĐH Chulalongkorn, ĐH Mahidol và ĐH Chiang Mai), Singapore có 2 đại diện (ĐH Quốc gia Singapore, ĐH Công nghệ Nanyang).
Về danh sách 2000 trường Đại học (ĐH), năm 2022, Việt Nam có sáu cái tên, đứng đầu trường ĐH tại Việt Nam là ĐH Duy Tân (xếp hạng 1.140), tiếp theo lần lượt là ĐH Tôn Đức Thắng (xếp hạng 1.199), ĐH Quốc gia Hà Nội (xếp hạng 1.204), ĐH Quốc gia TP HCM (xếp hạng 1.492), ĐH Bách Khoa Hà Nội (xếp hạng 1.958) và ĐH Y Hà Nội (1.994).
6 trường ĐH tại Việt Nam lọt vào danh sách Global 2000 năm 2022 của CWUR. Ảnh: CWUR /Website
CWUR (thuộc Trung tâm Xếp hạng các Đại học trên Thế giới – The Center of World University Rankings) xếp hạng 2.000 trường trên tổng số khoảng 20.000 trường Đại học trên toàn thế giới, được xem là đơn vị xếp hạng số lượng trường ĐH nhiều nhất trên thế giới.
Về cơ bản, hệ thống Xếp hạng CWUR được tính điểm theo 4 tiêu chí sau:
1. Chất lượng giáo dục (25%): dựa trên số lượng cựu sinh viên trường đã giành được những huy chương và giải thưởng quốc tế hàng đầu, tương ứng với số lượng sinh viên của trường.
2. Việc làm của cựu sinh viên (25%): dựa trên số lượng cựu sinh viên của trường nắm giữ các vị trí CEO (giám đốc điều hành) ở các công ty, tập đoàn hàng đầu thế giới, tương ứng với số lượng sinh viên của trường.
3. Chất lượng giảng viên (10%): dựa trên số lượng những học giả, nhà nghiên cứu của trường đã giành được những huy chương, huy hiệu, và giải thưởng hàng đầu thế giới.
4. Hiệu quả nghiên cứu (40%):
– Khối lượng Nghiên cứu (10%): dựa trên tổng số bài báo nghiên cứu khoa học (quốc tế);
– Chất lượng Xuất bản (10%): dựa trên số lượng bài báo được xuất bản trên các tạp chí hàng đầu thế giới;
– Ảnh hưởng của Nghiên cứu (10%): dựa trên số lượng bài báo được xuất bản trên các tạp chí có ảnh hưởng;
– Lượng Trích dẫn (10%): dựa trên số lượng những bài báo được trích dẫn nhiều nhất.
Năm 2021, Việt Nam có 5 trường Đại học lọt vào Danh sách Bảng xếp hạng các Đại học trên thế giới, gồm có ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (HCM), ĐH Duy Tân, ĐH Tôn Đức Thắng và ĐH Bách khoa Hà Nội.