Việt Nam luôn coi trọng hợp tác phát triển văn hoá, nghệ thuật với các quốc gia ASEAN

Thứ Năm 27/10/2022 | 11:15 GMT+7

VHO- Nhận lời mời của Bộ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào, đoàn đại biểu Bộ VHTTDL Việt Nam do Thứ trưởng Tạ Quang Đông dẫn đầu tham dự Hội nghị Bộ trưởng Văn hóa và Nghệ thuật ASEAN lần thứ X và các Hội nghị liên quan với các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Sự kiện diễn ra vào ngày 27.10 theo hình thức trực tuyến với chủ đề “Thúc đẩy vai trò của Văn hóa và Nghệ thuật trong bối cảnh hậu Covid-19 vì sự phát triển bền vững”.

Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Bộ VHTTDL

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin, Văn hoá và Du lịch Lào Suansavanh Viyaketh cho biết: “Các nước ASEAN luôn coi trọng việc phát triển văn hoá, nghệ thuật. Giữ gìn, tôn tạo các giá trị văn hóa là vấn đề rất quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với mỗi quốc gia. Đồng thời, văn hóa là nguồn lực quan trọng phục vụ phát triển du lịch. Nền văn hoá của các quốc gia ASEAN có nhiều nét tương đồng, là tiền đề quan trọng để các nước trong khu vực thúc đẩy hợp tác, cùng nhau phát triển. Trong thời gian tới, tôi hy vọng các thành viên của ASEAN sẽ tăng cường các hoạt động hợp tác hữu nghị như giao lưu văn hoá để nhân dân các quốc gia có cơ hội tìm hiểu về văn hoá của nhau, dành cho nhau những tình cảm đặc biệt”.

Bộ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào Suansavanh Viyaketh phát biểu chào mừng Hội nghị

Về phần mình, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông nhấn mạnh: “Văn hóa, nghệ thuật ngày càng có vai trò nổi bật trong quá trình xây dựng chính sách phát triển bền vững của các quốc gia. Ý nghĩa đặc biệt quan trọng này đã được các quốc gia tiếp tục khẳng định tại Hội nghị Thế giới về Chính sách văn hóa và Phát triển bền vững năm 2022 tại Mexico. Trên tinh thần đó, Việt Nam đánh giá cao phía Lào lựa chọn chủ đề “Thúc đẩy vai trò của văn hóa và nghệ thuật ASEAN trong bối cảnh hậu Covid-19 vì sự phát triển bền vững” cho Hội nghị lần này. Đây cũng là dịp để các nước ASEAN cùng thảo luận, đề ra các biện pháp thúc đẩy hơn nữa vai trò của văn hóa, nghệ thuật vì sự phát triển của ASEAN trong bối cảnh hiện nay”. 

Đối với Việt Nam, Thứ trưởng nêu rõ Việt Nam luôn coi xây dựng và phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững là một trong những nhiệm vụ, mục tiêu quan trọng mà Việt Nam đã đề ra trong chiến lược phát triển đất nước, nhằm tạo động lực cho phát triển kinh tế – xã hội theohướng bền vững. Trong chính sách đối ngoại, Việt Nam xác định không ngừng nâng tầm đối ngoại đa phương. Trong đó, hợp tác ASEAN là một trong những kênh đối ngoại đa phương được ưu tiên hàng đầu. 

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông phát biểu tại Hội nghị

“Để nâng cao hơn nữa đối ngoại đa phương trong lĩnh vực văn hóa và phát huy sáng tạo, thời gian qua, Việt Nam đã xây dựng và triển khai Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự về phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc đến năm 2030, triển khai Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 với trọng tâm tập trung vào bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của đất nước, quảng bá hình ảnh quốc gia, con người Việt Nam; xác lập các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa; phát triển các ngành công nghiệp văn hóa để góp phần phát triển kinh tế – xã hội. Ngoài ra, Việt Nam đã và đang thực hiện quá trình chuyển đổi số trong phát triển văn hóa, mở rộng các không gian văn hóa sáng tạo. Việt Nam cũng là một trong 12 quốc gia được thụ hưởng các giá trị từ dự án của UNESCO trong triển khai thí điểm Bộ Chỉ số Văn hóa 2030 nhằm rà soát hệ thống dữ liệu thống kê văn hóa; đánh giá toàn diện khuôn khổ chính sách và các chương trình phát triển văn hóa hiện có đểlàm căn cứ cho việc triển khai Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam”, Thứ trưởng cho hay.

Trong bối cảnh thế giới và khu vực còn đó nhiều biến động mạnh mẽ, khó lường, cùng những tác động từ dịch bệnh Covid-19, Thứ trưởng Tạ Quang Đông đề nghị ASEAN tiếp tục khẳng định vai trò trung tâm, là mô hình điển hình của hợp tác khu vực thành công. Trong đó, lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật ngày càng được đề cao. Để làm được điều này, Việt Nam đề xuất các thành viên ASEAN tiếp tục nỗ lực, hợp tác triển khai một số nhiệm vụ. Cụ thể, các thành viên tiếp tục xác định hợp tác văn hóa ASEAN là chất gắn kết, gìn giữ và lan tỏa ý thức, bản sắc cộng đồng trong ASEAN. Đồng thời từ phát triển văn hoá, nghệ thuật, hình thành sức mạnh mềm cho mỗi quốc gia trong tạo lợi thế phát triển kinh tế – xã hội toàn khu vực ASEAN. Các nước còn cần trang bị cho người dân những kiến thức, kỹ năng để nhận biết giá trị văn hóa đích thực, nhằm khơi dậy tình đoàn kết, hài hoà có được trong cộng đồng ASEAN.

Tiết mục trình diễn nghệ thuật đậm màu sắc văn hoá ASEAN

Đối với các ngành công nghiệp văn hoá, Thứ trưởng một lần nữa khẳng định: “ASEAN cần tập trung phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn mà các nước thành viên ASEAN có thế mạnh;hợp tác, hình thành, kết nối mạng lưới các không gian sáng tạo tại các đô thị lớn trong ASEAN nhằm lan toả về hình ảnh các đô thị đáng sống từ văn hoá, nghệ thuật. Ngoài ra, ASEAN nên dành nguồn lực ưu tiên cho phát triển văn hoá số trong bối cảnh xã hội số, nền kinh tế số để tạo cơ hội và đòn bẩy để ASEAN bứt phá, phát triển”.

Cũng tại Hội nghị, các bên đã thảo luận về một số vấn đề như trao đổi các biện pháp thúc đẩy vai trò của văn hóa và nghệ thuật ASEAN đối với sự phát triển bền vững; lựa chọn Thủ đô Viêng Chăn (Lào) là thành phố văn hóa ASEAN giai đoạn 2022 – 2024; trao đổi về tiến độ nghiên cứu khả thi của Danh sách Di sản Văn hóa ASEAN; tiến độ thực hiện kế hoạch Công tác ASEAN +3 về hợp tác văn hóa và nghệ thuật giai đoạn 2022 – 2025, đặc biệt trong lĩnh vưc trao đổi văn hóa, quản lý di sản văn hóa và phát triển nguồn lực; hợp tác văn hoá, nghệ thuật giữa ASEAN và Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…

ĐÌNH TOÁN