Việt Nam tiếp nhận và tiếp biến các yếu tố văn hóa ngoại lai như thế nào?

1. Gốc Đông Nam Á

Trong thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên, vào thời đại đồ đồng, bản sắc dân tộc Việt đã hình thành ở lưu vực sông Hồng. Đó là kết quả của sự kết hợp nhiều yếu tố: địa lý, chủng tộc, kinh tế, ngôn ngữ, văn hóa trong một quá trình lịch sử gắn bó cộng đồng đấu tranh chống ngoại xâm phương Bắc và thiên tai (lụt sông Hồng).

Mặc dù bị Trung Quốc và Pháp đô hộ trong những thời gian dài, gốc văn hóa Đông Nam Á vẫn tồn tại qua những thời kỳ lịch sử cho đến nay. Nó vẫn tàng ẩn nhiều hình thái như huyền thoại, ngôn ngữ, tín ngưỡng, phong tục tập quán…

Nó vẫn nằm sâu lắng trong tiềm thức cộng đồng Việt. Nó là chất liệu của dòng văn hóa dân gian đi song song với văn hóa bác học và đóng góp hiệu quả vào việc bảo tồn bản sắc dân tộc vào những thời kỳ bị đô hộ.

2. Tiếp biến văn hóa với Trung Quốc (179 trước CN – 1858)

Ta tiếp biến văn hóa với Trung Quốc qua hai giai đoạn: giai đoạn Bắc thuộc và giai đoạn các vương triều Việt Nam độc lập

Trong giai đoạn Bắc thuộc (179 tr CN – 838) “đối đầu văn hóa” là chủ yếu. Người Trung Quốc thống trị áp đặt văn hóa Hán, người Việt chống lại để bảo vệ văn hóa gốc. Chính trong cuộc đấu tranh ấy, bản sắc Việt được mài giũa sáng tỏ hơn và tự khẳng định mạnh mẽ (Xem Kênh Taylor – THE BIRTH OF VIETNAM).

Người Việt đã tiếp biến một số khái niệm và tổ chức chính trị Trung Quốc để tạo ra một khối dân tộc gắn bó keo sơn, đặc biệt Khổng học trở thành một triết lý chính trị có hiệu quả (người Chàm sở dĩ thất bại một phần cũng do thiếu một triết lý chính trị thiết thực).

Làng xã Việt Nam cũng là nơi bảo tồn nhiều yếu tố văn hóa gốc. Tuy đối đầu văn hóa là chủ yếu thời Bắc thuộc, đối thoại văn hóa cũng diễn ra do các tầng lớp trên tiếp thụ văn hóa Hán (do chủ trương các Thái thú tiến bộ như Tích Quang, Nhâm Diên, Sĩ Nhiếp…).

Trong giai đoạn các vương triều độc lập (thế kỷ l0-19) với các nhà Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần, Hồ, Lê, Mạc, Nguyễn, đối thoại văn hóa với Trung Quốc là chủ yếu tuy đối đầu vẫn tiếp tục.

Qua hai giai đoạn dài 2000 năm, tiếp biến văn hóa đã đem lại một số kết quả tích cực cho ta. Về mặt văn minh vật chất, ta đã tiếp thụ nhiều kỹ thuật (lưỡi cày sắt thay cho đồng, các nghề thủ công như dệt, in, giấy…).

Về mặt văn hóa phi vật thể, ta đã du nhập và cải biến nhiều thứ của Trung Quốc. Ta đã học chữ Hán nhưng cũng tạo ra chữ Nôm và các từ Hán – Việt. Khổng học và Phật học mang những nét Việt hóa, kể cả những thể chế, lễ nghi, tập quán gốc Trung Quốc. Làng xã là nơi chính quyền thực dân (Trung Quốc và sau này cả Pháp) không với tới, do đó là đồn lũy bảo tồn gốc dân tộc với những công trình tôn giáo (chùa, đền, đình…) dân gian.

Trong thời kỳ tiếp biến văn hóa chủ yếu với Trung Quốc, ta không nên quên hiện tượng đối thoại với văn hóa Ấn Độ.

Tiếp biến văn hóa với Trung Quốc mang tính liên tục, trực tiếp và thường qua đối đầu (chiến tranh, đô hộ), còn với Ấn Độ thì qua đối thoại (truyền giáo, buôn bán), thường gián tiếp và không liên tục. Ảnh hưởng lớn nhất của Ấn Độ là qua tôn giáo (Phật giáo Ấn Độ giáo).

Ngoài ra, cũng cần nhắc đến đối thoại văn hóa giữa 54 dân tộc ở Việt Nam, không đặt ra trong phạm vi bài này.

3. Tiếp biến văn hóa với Pháp: Hiện đại hóa lần thứ nhất (1858-1945)

Nói một cách cụ thể, đối với Việt Nam và các nước Khổng học châu Á nói chung, “hiện đại hóa” (MODERNIZATION) có nghĩa là “Tây phương hóa” (WESTERNIZATION) với nội dung chủ yếu là “công nghiệp hóa” (INDUSTRIALIZATION), thị thành hóa (URBANIZATION).

Ở Việt Nam, thời kỳ “hiện đại hóa” lần thứ nhất là thời kỳ Pháp thuộc. Nhưng do chịu tác động phương Tây thời kỳ này chủ yếu là xã hội thị dân một số thành phố lớn, nên Việt Nam vẫn còn là một nước thuộc địa bán phong kiến. Do đó, tôi vẫn gọi là Việt Nam thời kỳ truyền thống (TRADITIONAL) chứ chưa gọi là Việt Nam hiện đại (Contemporary Vietnam) từ 1945.

Thời Pháp thuộc, đối đầu văn hóa là chủ yếu, nhất là giai đoạn đầu: Trí thức Nho học phản ứng, không muốn đổi “bút lông” lấy “bút chì”, học Quốc Ngữ và tiếng Pháp.

Từ những năm 20-30 thế kỷ 20, song song với đối đầu văn hóa, có hiện tượng đối thoại văn hóa. Các nhà nho hiện đại như Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, các trí thức mới như Dương Quảng Hàm, Hoàng Xuân Hãn, Nhất Linh… muốn đưa khoa học và dân chủ phương Tây vào.

Khái niệm “cái tôi” của phương Tây và đặc biệt chủ nghĩa lãng mạn Pháp đã giúp tạo ra Thơ mới và cả một dòng văn học Việt Nam.

Theo tôi, muốn đánh giá khách quan một hiện tượng, một vấn đề, một nhân vật thời thục dân (Pháp), phải xét về 3 mặt: ý đồ chủ nghĩa thực dân (đối đầu văn hóa), đối thoại văn hóa Đông Tây, vai trò của cá nhân trong 2 quá trình trên (nặng về hướng nào). Xin đơn cử hai thí dụ: chữ Quốc Ngữ và trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.

Vào thế kỷ 17, các giáo sĩ phương Tây, đặc biệt một giáo sĩ Pháp đặt ra chữ Quốc Ngữ để truyền đạo Thiên chúa ở ta. Khi thực dân Pháp chiếm nước ta, ý đồ của họ là dạy chữ Quốc Ngữ là để phục vụ mục đích cai trị của họ. Những người yêu nước Việt Nam sử dụng Quốc Ngữ để truyền bá lòng yêu nước, đấu tranh cho độc lập, xây dựng một nền khoa học Việt Nam. Đó là vai trò cá nhân khác nhau trong tiếp biến văn hóa.

Chính phủ thuộc địa Pháp mở các trường đại học nhằm đào tạo người bản xứ phục vụ công cuộc cai trị. Việc thành lập trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương không thể nằm ngoài ý đồ ấy. Nhưng Tardieu và Nam Sơn đã hợp tác với nhau (đối thoại văn hóa Đông – Tây) để tạo ra một nền hội họa Việt Nam hiện đại. Nếu Gonchère làm Hiệu trưởng thì Trường từ đầu đã đi theo hướng khác.

4. Việt Nam thời kỳ hiện đại (từ cách mạng 1945)

Tôi Cho là Việt Nam hiện đại bắt đầu từ Cách mạng tháng Tám 1945. Vì thời kỳ ta hiện đại hóa (= Tây phương hóa) lần thứ nhất (Pháp thuộc: 1858-1945), văn hóa phương Tây chỉ tác động cơ bản đến xã hội thị dân một số tỉnh to; hơn 90% nhân dân ở nông thôn. Do đó, tư duy và phong tục tập quán in đậm dấu truyền thống, nặng ảnh hưởng Khổng học, phong kiến.

Chỉ từ sau 1945, xã hội mới thực sự hiện đại, qua hiện đại hóa lần thứ hai với những biến đổi cơ bản do cách mạng và chiến tranh, ảnh hưởng thế giới đa dạng và sâu sắc, những cố gắng công nghiệp hóa và đô thị hóa có hệ thống.

Tiếp biến văn hóa ở Việt Nam hiện đại qua hai giai đoạn, trước và từ đổi mới (1986).

Giai đoạn trước Đổi mới (1945-1986):

Có thể gọi đây là giai đoạn quốc tế hóa vấn đề Việt Nam, được đánh dấu bởi hai cuộc chiến tranh Việt Nam mang tính quốc tế. Trong 80 năm Pháp thuộc, các phong trào đấu tranh cho độc lập đều thất bại.

Hồ Chí Minh đã thành công do chiến lược gắn vấn đề Việt Nam với đại cục quốc tế, do đó được sự ủng hộ của các lực lượng tiến bộ trên thế giới. Độc lập dân tộc được thực hiện qua con đường xã hội chủ nghĩa; văn hóa Việt Nam hiện đại mang tính chất dân tộc, đại chúng và khoa học.

Như một tác giả nức ngoài đã nhận xét, Hồ Chí Minh là “con người hiện đại tiêu biểu nhất cho nước Việt Nam)(2). Vì vậy, vượt qua chủ nghĩa thực dân, nếu muốn tìm hiểu đối thoại văn hóa (văn minh) Đông – Tây của Việt Nam, không gì hơn là nghiên cứu trường hợp điển hình Hố Chí Minh.

Bôn ba hải ngoại tìm con đường cứu nước, ông luôn gìn giữ những giá trị vĩnh cửu của Việt Nam, kính già yêu trẻ, trọng nghĩa khinh tài (David Halberstam). Tâm hồn Việt tồn tại trong ông: ý thức cộng đồng, tình cảm gia tộc, quê hương, cần cù, tính hài hước, gần gũi thiên nhiên, năng khiếu thi ca.

Ông không bài bác Khổng học mà áp dụng những cái hay của nó. Nho học đã đem lại cho ông một số yếu tố phù hợp với sự lựa chọn mác xít của ông: chủ nghĩa duy lý, lòng tin vào giáo dục cải tạo con người, đề cao đạo đúc xã hội và thực tiễn (praxis). Hồ Chí Minh nói: “Đức Phật tổ đại từ bi, tốt biết bao!”.

Trong thơ ông cũng phảng phất cái siêu nhiên của Lão học. Paul Mus đã đưa ra lập luận bác học để nắm bắt qua Hồ Chí Minh “tâm linh của Việt Nam và châu Á”.

Hồ Chí Minh, người Việt Nam và châu Á 100% như vậy đã đối thoại thành công với văn hóa phương Tây.

Năm 1946, Bộ trưởng Pháp Edmond Michelet thuộc phái De Gaulle, cho là “ông Hồ Chí Minh rất Pháp”. Jean Lacouture nhận xét là Hồ Chí Minh “có những dấu hiệu rõ ràng về những mối liên hệ tri thức và chính trị với nhân dân Mỹ”. Tư tưởng phương Tây lấy lý tính và khoa học làm tiêu chuẩn chân lý.

Từ thời trẻ, Hồ Chí Minh đã học ở đó phương pháp phân tích duy vật biện chứng mác xít. Sự phân tích lý tính kiểu Descartes không bóp nghẹt trong Hồ Chí Minh tư duy phương Đông hướng về tổng hợp và trực giác là một tiền đề của sự nhạy bén chính trị.

Xuất phát từ một nước thuộc địa bán phong kiến, Hồ Chí Minh đã tiếp thụ những lý tưởng Cách mạng tiến bộ, tự do, dân chủ của phương Tây qua lăng kính chống thực dân, giải phóng dân tộc bằng con đường xã hội chủ nghĩa.

Theo Bộ trưởng Pháp Edmond Michelet, “ông là người đã chọn Chủ nghĩa Cộng sản, đúng thế, và có một chủ nghĩa nhân văn sâu sắc”.

Ở Việt Nam, sau khi Pháp thua ở Điện Biên Phủ, các cường quốc dàn xếp chia đôi Việt Nam để phục vụ chiến tranh lạnh.

Trong cuộc tiếp biến văn hóa, miền Nam chịu ảnh hưởng văn hóa phương Tây, còn miền Bắc chịu ảnh hưởng văn hóa xã hội chủ nghĩa nói chung và tiếp thụ được cả tinh hoa văn hóa cổ điển các nước xã hội chủ nghĩa (Nga, Trung Hoa, Cu ba, Đông âu…).

Dưới sự kích thích của cách mạng và chiến tranh, các giá trị văn hóa tạo ra do tiếp biến thời Pháp thuộc đã đem lại nhiều thành tích trong khuôn khổ độc lập dân tộc (văn học, nghệ thuật, đặc biệt có hai thế hệ nhà khoa học Việt Nam hiện đại đầu tiên).

Giai đoạn từ đổi mới 1986

Giai đoạn này được đánh dấu ở ta bởi toàn cầu hóa, khu vực hóa (gia nhập ASEAN, 1995) và gia nhập khối Pháp ngữ.

Thời kỳ hậu chiến (sau 1975) có ba vấn đề nổi cộm: Khủng hoảng kinh tế xã hội 15 năm (đến 1995) do thiên tai, các vấn đề Khmer Đỏ và Trung Quốc, một số chính sách kinh tế gây ra “thuyền nhân”.

Đuổi theo kinh tế các nước ASEAN, không tụt hậu.

Cạnh tranh trong hoàn cảnh toàn cầu hóa. ? Chính sách đổi mới đã góp phần quyết định giải quyết các vấn đề trên với hai yếu tố: áp dụng kinh tế thị trường và mở cửa.

“Đổi mới” ra đời khoảng lúc xuất hiện toàn cầu hóa. Theo Từ điển Pháp ngữ bao quát (1997), toàn cầu hóa là “sự biến đổi từ một nền kinh tế quốc tế sang một nền kinh tế toàn cầu được đặc trưng bởi sự cạnh tranh phổ biến, hòa nhập tất cả các quốc gia trên cơ sở tư nhân và không chính trị, trong một không gian kinh tế toàn cầu, phần nào vượt ra ngoài sự kiểm soát của các quốc gia”.

Toàn cầu hóa là kết quả một quá trình biến diễn kinh tế tư bản lâu dài, được khẳng định vào thập kỷ 90 thế kỷ 20 do hậu quả cuộc cách mạng viễn-thông tin (télématique).

A.O.Altwaipi nhận định: “nó là một cản trở chủ yếu đối với lời kêu gọi toàn thế giới đối thoại giữa các nền văn minh. Nó áp đặt… một khái niệm phương Tây nhằm bắt phải theo những giá trị vật chất của nó và những khái niệm dựa trên cơ sở số lượng làm hại cho những giá trị nhân bản và những chuẩn mức chất lượng”.

C.Muzaffar cho là toàn cầu hóa phát động ở phương Tây gốc từ chủ nghĩa thực dân.

M.Bousnina nêu lên hai mặt của toàn cầu hóa: “Tri thức công nghiệp và máy tính hóa… tăng thêm rất nhiều cho phúc lợi loài người, đồng thời cũng đe dọa sự tồn tại của loài người”.

Tyler Cowen, người bênh vực toàn cầu hóa, cũng công nhận đó là một lực lượng phá hoại sáng tạo (creative destruction).

Nói chung, toàn cầu hóa có lợi nhiều cho các nước giàu và hại nhiều hơn lợi đối với các nước nghèo. Toàn cầu hóa văn hóa có thể dẫn đến tương đồng văn hóa (homogenisation), làm mất bản sắc của các dân tộc nghèo. Nhưng vì không tránh được toàn cầu hóa, phải chấp nhận nó, đấu tranh cho nó có một bộ mặt nhân bản, khai thác các cạnh khía tích cực của nó để đảm bảo cho đa dạng văn hóa (UNESCO, Tuyên bố năm 2001) và đối thoại các nền văn minh (UNESCO, năm 2001).

Đối diện toàn cầu hóa, trong cuộc đối thoại văn hóa, Việt Nam có thuận lợi lịch sử là đã tiếp biến văn hóa thành công khi đối đầu với văn hóa Trung Quốc và phương Tây (Pháp) mà vẫn giữ được và làm phong phú thêm bản sắc dân tộc.

Một khó khăn lớn của ta là kinh tế còn phát triển thậm, việc kiểm soát những văn hóa phẩm vật thể và phi vật thể nước ngoài tràn ngập vào, không phải dễ dàng bảo vệ bản sắc dân tộc.

Không thể quan niệm bản sắc dân tộc một cách tĩnh: qua thời gian có thể có những giá trị cổ truyền phải bỏ (thí dụ: răng đen), có những giá trị ngoại lai cần được tiếp thụ và cải biến làm giàu bản sắc văn hóa của mình (thí dụ: biến nghề sơn thủ công thành nghệ thuật sơn mài).

Ta cần sử dụng những cơ hội do cách mạng thông tin và giao thông tạo ra để đóng góp với thế giới tiếng nói văn hóa của ta (thí dụ: múa rối nước, áo dài, nem, phở, hội họa, văn học…). Đồng thời, cũng phải hòa mình vào cuộc đấu tranh của xã hội dân sự thế giới (như ở Porto AllegTe, Bom bay…) để toàn cầu hóa mang lại hòa bình và ấm no cho nhân loại./.