Vĩnh Phúc: Phát triển kinh tế – xã hội gắn với xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc
Bảo tồn những giá trị văn hóa tốt đẹp
Vĩnh Phúc được biết đến là miền đất giao thoa giữa vùng văn hóa Hùng Vương với văn hóa Kinh Bắc – Thăng Long; nơi lưu giữ các giá trị của hơn 1.300 di tích lịch sử – văn hóa với đủ loại hình, trong đó có 446 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 65 di tích cấp quốc gia và 3 di tích quốc gia đặc biệt, 1 bảo vật quốc gia.
Không chỉ vậy, Vĩnh Phúc còn là trung tâm sinh tụ, nơi phát lộ dấu tích của người Việt cổ; một trong những trung tâm nho học, với 86 Tiến sĩ. Đặc biệt, trải qua mỗi chặng đường lịch sử, truyền thống văn hóa của tỉnh Vĩnh Phúc lại được kết tinh, bồi đắp thêm những lớp giá trị và di sản vô giá. Con người Vĩnh Phúc được tôi rèn thêm những phẩm chất đặc thù, xứng đáng là chủ nhân của một vùng trọng địa, thiêng liêng.
Như Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan phát biểu tại cuộc Hội thảo về văn hóa, con người Vĩnh Phúc mới đây: “Hòa cùng dòng chảy văn hóa của dân tộc, Vĩnh Phúc đã tạo dựng nên diện mạo một vùng đất vừa mang hồn cốt chung của dân tộc Việt Nam, vừa mang cốt cách riêng của miền quê văn hiến. Con người nơi đây hội tụ, giao thoa trong sự thống nhất đa dạng của nền văn minh sông Hồng, có tình yêu quê hương, đất nước nồng nàn, kiên cường, dũng cảm chống giặc ngoại xâm, khắc phục, chế ngự thiên nhiên; có truyền thống hiếu học, khoa bảng với nhiều danh nhân kiệt xuất. Suốt chiều dài lịch sử, các thế hệ người dân Vĩnh Phúc đã đồng lòng, chung sức vượt qua khó khăn, gian khổ, đoàn kết, nhân ái, nghĩa tình, khát vọng, sáng tạo, đổi mới cùng dựng xây quê hương, đất nước”.
Để thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh gắn với phát triển bền vững, một trong những yếu tố quan trọng là tìm hiểu, nghiên cứu đầy đủ hơn, sâu sắc hơn và làm rõ nét giá trị văn hóa của vùng đất, con người Vĩnh Phúc; về vai trò, vị trí, những đóng góp của Vĩnh Phúc trong tiến trình phát triển của dân tộc; qua đó xác định nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc, đó là một trong những mục tiêu quan trọng của sự nghiệp phát triển bền vững, tạo tiền đề để xây dựng và phát triển tỉnh Vĩnh Phúc giàu có, phồn vinh.
Chính vì vậy, công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa được tỉnh Vĩnh Phúc quan tâm đặc biệt, với việc ban hành nhiều đề án, chương trình hành động; hướng dẫn, tiếp nhận, hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền xét tặng nghệ nhân dân gian, nghệ nhân ưu tú và công nhận các loại hình di sản văn hóa… góp phần giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh của Nhân dân.
Hun đúc tinh thần tìm hiểu, học hỏi về văn hóa trong giới trẻ
Theo đó, những hoạt động thư viện, văn hóa đọc trong cộng đồng được mở rộng; hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật phát triển tích cực, phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao ở cơ sở ngày càng phát triển.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở được đầu tư xây dựng, nâng cấp, gần 100% xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa, trên 90% thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa hoặc khu thể thao bảo đảm tiêu chí theo quy định; số lượng người thường xuyên tham gia luyện tập thể dục thể thao ngày càng cao, chất lượng dân số từng bước được cải thiện. Phong trào xây dựng gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến được triển khai sâu rộng và hiệu quả.
Nghị quyết xây dựng con người và văn hóa
Không chỉ vậy, với mục tiêu phát triển văn hóa Vĩnh Phúc ngang tầm với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, hướng tới chân – thiện – mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học, Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đã góp phần xây dựng con người Vĩnh Phúc có những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam, đồng thời phát huy các đặc điểm nổi trội: Tiên phong, sáng tạo, khát vọng, đổi mới.
Xác định đúng trọng tâm, trọng điểm đầu tư phát triển văn hóa phù hợp, bảo đảm sự cân đối, hài hòa, tính hiệu quả của đầu tư, phù hợp với điều kiện lịch sử và thực tiễn của tỉnh. Xây dựng và phát triển văn hóa là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân; Nhân dân là chủ thể sáng tạo và hưởng thụ văn hóa; đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng, vì vậy, Nghị quyết 15 đã đề ra các chỉ tiêu cụ thể từ năm 2025 – 2030, như: Tỷ lệ gia đình, thôn, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa trên 92 – 95%; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa trên 93 – 95%; phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị trên 50 – 55%.
Đến năm 2025: 100% các khu dân cư có và thực hiện tốt hương ước, quy ước nếp sống văn minh phù hợp với truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tuân thủ quy định của pháp luật. 100% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp xây dựng và thực hiện tốt quy định văn hóa công sở; 80-90% thư viện công lập trên địa bàn tỉnh hoàn thiện và phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, triển khai liên thông với hệ thống thư viện trên toàn quốc; 100% thanh, thiếu nhi trong các trường học phổ thông được giáo dục về giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống Vĩnh Phúc, giáo dục thể chất, kỹ năng sống, giao tiếp ứng xử; số người tập luyện thể thao thường xuyên đạt trên 57% và số gia đình tập luyện thể thao đạt trên 50%.
Những nét văn hóa đặc trưng là niềm tự hào của người dân Vĩnh Phúc
Đến năm 2030: Số người tập luyện thể thao thường xuyên đạt trên 60%, số gia đình tập luyện thể thao đạt trên 55%; tỷ lệ hộ gia đình được tiếp cận thông tin của các phương tiện thông tin và truyền thông đạt trên 96%; tỷ lệ người sử dụng Internet đạt trên 60% dân số; 100% xã, phường, thị trấn có điểm cung cấp dịch vụ bưu chính viễn thông, internet và điểm đọc sách.
Theo đó, Nghị quyết đã đề ra những nhiệm vụ và giải pháp về xây dựng con người Vĩnh Phúc phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; từng bước xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Vĩnh Phúc thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; nâng cao tầm vóc, thể lực con người Vĩnh Phúc.
Xây dựng môi trường, nếp sống văn hóa, văn minh, hiện đại, giàu bản sắc; kiên quyết đấu tranh chống lối sống thực dụng, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình. Xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế; đẩy mạnh xây dựng văn hóa trong Đảng, trong cơ quan Nhà nước và các tổ chức chính trị của tỉnh, coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; chú trọng yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế…