Vùng du lịch Việt Bắc: Phát huy lợi thế “địa chỉ đỏ”
Trong đó, 6 tỉnh thuộc Chiến khu Việt Bắc trước đây: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên nằm trong vùng trung du, miền núi Bắc Bộ. Khu vực này có nhiều lợi thế về hệ thống di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng nhưng sự phát triển du lịch ở vùng này vẫn còn rất khiêm tốn.
Những vị khách đặc biệt
Như thường lệ, cứ 2-3 tháng một lần, tháng 7 vừa rồi, cựu chiến binh (CCB) Trần Hữu Quân (55 tuổi, Hà Nội, nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 165, Sư đoàn 312) lại về Hà Giang thăm chiến trường xưa, trong đó có hang Dơi (xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang).
Từ trung tâm TP Hà Giang theo hướng Quốc lộ 2 đường Hà Giang-Thanh Thủy chừng 20km thì đến hang Dơi-giờ thành di tích. Các trường học trên địa bàn vào các dịp đặc biệt như: Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4); Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12) vẫn thường tổ chức cho các em học sinh tới đây tham quan.
Tại hang Dơi, chúng tôi cùng các em học sinh, các thầy, cô giáo của Trường THPT Tân Quang (Hà Giang) được CCB Trần Hữu Quân cùng cha là nhà văn Trần Hữu Tòng, nguyên phóng viên Phòng Văn hóa-Văn nghệ (nay là Phòng Biên tập Văn hóa-Thể thao), Báo Quân đội nhân dân kể lại câu chuyện xúc động về “địa chỉ đỏ” này. Đây cũng là nơi mà 35 năm trước, hai cha con ông gặp nhau…
Sáng 30-11-1987, chiến sĩ Trịnh Hồng Thắng (quê Nghệ An) từ hang Dơi ra bờ suối Thanh Thủy lấy nước. Anh vừa bước xuống suối thì nghe tiếng nổ đầu nòng, bèn nhao người xuống nước tránh đạn nhưng không kịp. Mảnh đạn khiến anh bị thương nặng. Lúc này, đồng chí Lê Văn Phương (quê Hà Nội) đang viết thư cho người yêu, bỗng nghe tiếng pháo rồi có tiếng hét thất thanh. Đồng chí Phương lao ra, cùng Vũ Hữu Thắng bế thốc đồng đội lên, cố kéo về phía hang trú ẩn.
Cựu chiến binh Trần Hữu Quân (ngoài cùng, bên trái) kể chuyện truyền thống với học sinh Trường THPT Tân Quang (Hà Giang) tại hang Dơi, tháng 7-2020.
Địch bắn tiếp một loạt nữa. Lê Văn Phương và Vũ Hữu Thắng lấy thân mình che cho đồng đội bị thương. Vũ Hữu Thắng bị nhiều mảnh bom găm vào người, hy sinh tại chỗ; Lê Văn Phương bị thương ở đầu và bụng. Đồng chí Trịnh Hồng Thắng vì thế mà sống sót. Trong tình thế pháo bắn liên tục, đồng đội không thể đưa đồng chí Phương ra hậu cứ để cứu chữa ngay mà phải chờ đến tối. Do vết thương quá nặng, đồng chí Phương đã hy sinh.
Nghe CCB Trần Hữu Quân kể, nhiều em học sinh không kìm được cảm xúc, mắt đỏ hoe. Dù sống gần di tích nhưng các em lúc này mới biết đến câu chuyện xúc động, kiên cường của bộ đội ta. Được biết, từ năm 2015, CCB Trần Hữu Quân cùng đồng đội đã đóng góp, xây dựng nhà tưởng niệm, tu sửa đường đi lối lại ở hang Dơi. Không chỉ dừng lại ở đó, những “du khách” đặc biệt này nhiều năm qua còn rất tích cực đóng góp cả vật chất, tinh thần để xây dựng, phát triển mảnh đất Vị Xuyên.
Mục lục bài viết
Còn rất “sơ khai”
Hà Giang từ lâu đã được biết đến với nhiều di tích cách mạng nổi tiếng như: Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên, Căng Bắc Mê, tiểu khu Trọng Con, Điểm cao 468,… cùng nhiều danh thắng nổi tiếng. Hà Giang nằm trong hệ thống 6 tỉnh thuộc khu vực du lịch Chiến khu Việt Bắc (sau đây viết tắt là Việt Bắc) với hơn 1.000 di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng cùng những giá trị văn hóa đặc sắc. Thế nhưng, “sự phát triển du lịch trên địa bàn còn quá khiêm tốn so với tiềm năng vốn có”, TS Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đánh giá.
Trước đó, năm 2019, khi ngành du lịch nước nhà chưa bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, khu vực du lịch Việt Bắc chỉ đón tổng cộng gần 8,4 triệu lượt khách, một con số khiêm tốn so với khu vực du lịch Tây Bắc (gồm 6 tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái) với gần 35 triệu lượt.
Tại Hội thảo “Liên kết phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử cách mạng Chiến khu Việt Bắc” do Hội đồng Dân tộc phối hợp với Viện Kinh tế, Văn hóa thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức đầu tháng 8 mới đây, các nhà khoa học, đại biểu khách mời đã nêu thực trạng, đưa ra nhiều nguyên nhân khiến du lịch Việt Bắc vẫn còn “èo uột”, dù đã được quan tâm, đầu tư.
Nhằm phát huy lợi thế khu vực có nhiều di tích cách mạng nổi tiếng để phát triển du lịch, đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã đầu tư, tôn tạo gần 20 lượt di tích lịch sử với số tiền hơn 50 tỷ đồng và đầu tư xây dựng một số địa điểm có thể phát triển du lịch về nguồn như Đền thờ Liệt sĩ huyện Bắc Sơn hơn 15 tỷ đồng, Đền thờ Liệt sĩ huyện Chi Lăng hơn 100 tỷ đồng… Tuy nhiên, số lượt du khách đến thăm những địa chỉ này khá hiếm hoi”.
Về nguyên nhân, theo đồng chí Dương Xuân Huyên: Hoạt động xúc tiến, quảng bá cho loại hình du lịch này ở tỉnh chưa hiệu quả. Dễ dàng nhận thấy tại các di tích lịch sử, số lượng các điểm vui chơi, giải trí, dịch vụ đi kèm còn rất hạn chế, phần lớn những “địa chỉ đỏ” mới đang ở dạng đầu tư ban đầu, hoặc chỉ ở dạng tiềm năng. Một số điểm di tích được tôn tạo với mục đích tưởng niệm là chủ yếu. Vì thế, những điểm này thường chỉ là các điểm phụ nằm trên tuyến hành trình của du khách ghé thăm với thời gian ngắn nên không mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bên cạnh đó, hình thức du lịch thăm các “địa chỉ đỏ” chủ yếu xuất phát từ nhu cầu cá nhân và các tổ chức đoàn thể với mục đích thăm lại chiến trường xưa, tưởng nhớ đồng đội hay giáo dục thế hệ trẻ trong thời gian ngắn, chi tiêu không đáng kể. Các đề án tiếp thị, giới thiệu điểm đến, xác định thị trường, dòng khách gần như chưa có mà chủ yếu đang là tự phát. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp lữ hành không mấy mặn mà khi tổ chức các tour du lịch, nhất là du lịch thăm các địa điểm cách mạng.
Tạo dấu ấn riêng
Để thu hút du khách, theo PGS, TS Bùi Thanh Thủy, Chủ nhiệm Khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng, việc nghiên cứu các giá trị di sản để tạo ra hiệu ứng thu hút khách cần được đầu tư, quan tâm hơn. Các di tích lịch sử cách mạng phải bảo đảm nguyên tắc giữ gìn tính nguyên gốc nên hình thức phổ biến vẫn là nhà trưng bày hình ảnh, hiện vật, sự kiện với cách thức bài trí, hoạt động na ná nhau. Vì vậy rất cần có những nghiên cứu cụ thể, chi tiết từ góc nhìn du lịch, từ đó thiết kế không gian cảnh quan, thủ pháp kiến trúc, nghệ thuật có tính hấp dẫn, đặc sắc khi xây dựng, tôn tạo các công trình để mỗi di tích có dấu ấn riêng biệt.
Bên cạnh đó, việc nâng cao chất lượng hướng dẫn viên du lịch, khâu thuyết minh cũng rất quan trọng. Một số di tích áp dụng công nghệ thuyết minh tự động theo yêu cầu khi tham quan di tích như Nhà tù Hỏa Lò được du khách đón nhận, đánh giá cao. Dịch vụ này đem lại thêm nguồn thu đáng kể cho di tích.
Theo Thượng tướng, Viện sĩ, TS Nguyễn Huy Hiệu, trong việc thúc đẩy du lịch, các hãng hàng không, vận tải đóng vai trò quan trọng. Đã có thời gian các đơn vị này thu hút du khách bằng những chương trình khuyến mãi, tạo ra các sản phẩm tour có giả giảm 30-40% so với thông thường. Tháng 9 tới đây, nhu cầu du lịch hè giảm, do đó, các hãng hàng không, vận tải, đơn vị du lịch nên tiếp tục có các khuyến mãi sản phẩm tour cụ thể phục vụ một số đối tượng như cựu chiến binh, người cao tuổi, sinh viên… đối với một số đường bay, phục vụ một số chương trình mang tính giáo dục truyền thống, lịch sử.
Quay trở lại di tích hang Dơi, dù mới được nâng cấp, tu bổ nhưng nơi đây đã trở thành điểm đến không thể bỏ qua trong hành trình du lịch Vị Xuyên nói riêng, Hà Giang nói chung. Được biết, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang đang tiến hành khảo sát và thành lập hồ sơ xây dựng tour du lịch tâm linh, lịch sử “Thăm chiến trường xưa”, nhằm tạo thành một chuỗi điểm đến, dịch vụ mang dấu ấn, câu chuyện riêng trên bản đồ du lịch của tỉnh. Đây cũng là mô hình hay để liên kết các “địa chỉ đỏ”, từ đó truyền thông để thu hút du khách không chỉ tại riêng địa bàn tỉnh Hà Giang mà còn cả khu vực du lịch Chiến khu Việt Bắc.
Bài và ảnh: HOÀNG VIỆT