Wonder week 8 – Điểm bắt đầu – Thời gian – Biểu hiện của bé

Nếu bé đang ở giai đoạn 7-9 tuần, thì có thể con đang bước vào giai đoạn phát triển mới – tuần khủng hoảng 8 (tuần wonder week 8): Thế giới của những kiểu mẫu. Chúng ta sẽ thấy bất ngờ vì sự thay đổi chóng mặt của bé. Có thể buổi sáng con vẫn là một em bé thiên thần. Nhưng đến tối lại quấy khóc khủng khiếp, con biếng ăn, khó ngủ, gắt ngủ, khóc đêm.

Wonder week 8 là gì?

Bước sang tuần thứ 8-9, em bé của mẹ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ về cả thể chất và tinh thần. Có lúc mẹ bắt gặp em bé đang chăm chú ngắm nhìn bóng nắng hắt trên khung cửa rất lâu. Có lúc bé giơ tay lên ngắm nghía như thể đang xem đồng hồ vậy. Có lúc bé lại cáu gắt nhặng xị không ngừng khiến mẹ vô cùng bối rối. Em bé đang chuẩn bị bước sang tuần khủng hoảng 8 – hay còn gọi là wonder week tuần 8.  

Đặc trưng của tuần wonder week 8 là bé bắt đầu nhận ra cách thức hoạt động của các sự vật xung quanh và trong chính cơ thể mình, hay có thể gọi là những mẫu hình (Thế giới của những kiểu mẫu).

Những mẫu hình xảy ra hàng ngày xung quanh chúng ta. Chúng ta cảm nhận và xử lý các mẫu hình một cách vô thức thông qua các giác quan và vận động của cơ thể. 

Ở tuần này, em bé bắt đầu nhận ra một vài mẫu hình như thế, dù chỉ rất đơn giản thôi. Đây là tiền đề để bé bắt đầu học cách kiểm soát cơ thể và sử dụng các giác quan thành thục hơn, từ đó hình thành sở thích và xa hơn là hình thành tính cách.

Wonder week 8 bắt đầu khi nào?

Wonder week 8 xảy đến vào khoảng tuần tuổi từ 7-9. Mẹ cần lưu ý cách tính tuổi của con theo tuần. Thời điểm bắt đầu tính wonder week cho bé là ngày dự sinh, không phải ngày bé chào đời. 

Ví dụ đơn giản như sau: Nếu bé dự sinh vào ngày 30/10 nhưng chào đời vào ngày 05/10 thì mẹ sẽ tính tuần tuổi cho bé từ ngày dự sinh là ngày 30/10.

Mẹ có thể tham khảo chi tiết hơn về cách tính Wonder week cho bé.

Wonder week 8 biểu hiện như thế nào? 

Wonder week 8 - Bé quấy khóc nhiều hơn bình thường

Tại tuần khủng hoảng 8, bé thường có các biểu hiện sau:

  • Bé quấy khóc nhiều hơn bình thường: Khóc vẫn là ngôn ngữ cơ thể hiệu quả để bé thể hiện cho mẹ thấy rằng bé đang lạc lõng, bất an và cần được quan tâm vỗ về.
  • Bé khó ngủ, khóc đêm: Giai đoạn này mẹ sẽ thấy bé trở nên khó ngủ, hay dậy sớm hơn, vào giấc đêm muộn hơn, ngủ không sâu giấc và tỉnh giấc giữa đêm để khóc. Và việc thiếu ngủ lại dẫn đến hệ quả là bé khóc nhiều hơn.
  • Bé bám mẹ: Mẹ có thể thấy khi mẹ chuẩn bị đặt nằm, bé ôm chặt mẹ hơn, những ngón tay bám chặt vào áo mẹ, còn chân thì quắp vào mẹ tìm điểm bám víu.
  • Bé đòi hỏi sự chú ý của mẹ nhiều hơn bằng việc muốn mẹ chơi cùng, mẹ trò chuyện hoặc đơn giản là có mẹ ở bên cạnh.
  • Bé ăn không ngon miệng: Cho dù bé có xu hướng đòi ngậm ti nhiều hơn nhưng mẹ có thể nhận thấy bé gần như không có nhu cầu mút sữa. Việc ngậm ti chỉ đơn giản là cách bé tự an ủi vỗ về bản thân. 
  • Bé có thể tỏ ra nhút nhát khi tiếp xúc với người lạ.

 

Wonder week 8 kéo dài bao lâu?

Không có câu trả lời cố định cho việc bao lâu thì một em bé sẽ hết “khó ở” ở tuần khủng hoảng 8 này. Bởi vì mỗi em bé có tốc độ học kỹ năng mới khác nhau. Nếu mẹ để ý quan sát, mẹ sẽ dễ dàng nhận ra khoảng thời gian “khó ở” của bé sẽ kết thúc sau 1-2 tuần hoặc khi bé xuất hiện những kỹ năng mới.

Sau wonder week 8 con phát triển kỹ năng gì mới?

Khả năng kiểm soát cơ thể được cải thiện.

Nếu như tuần khủng hoảng đầu tiên giúp bé làm quen với các giác quan của mình thì bước sang giai đoạn này, bé bắt đầu sử dụng các giác quan để nắm bắt được những hình dạng của sự vật, những hiện tượng đơn giản, những sự việc lặp đi lặp lại và phản ứng lại với những sự vật, sự việc đó. Đây có thể là sự vật sự việc xảy ra xung quanh bé, cũng có thể là những gì xảy ra trong chính cơ thể bé.

  • Kỹ năng vận động: Khả năng kiểm soát cơ thể được cải thiện. Bé đã bắt đầu thực hiện được một số tư thế cụ thể không chỉ bằng đầu, tay, chân mà còn bằng các nhóm cơ nhỏ hơn như ở mắt, khuôn mặt, dây thanh quản…
  • Giữ thẳng đầu khi tập trung
  • Quay đầu có ý thức khi có tiếng động thu hút sự chú ý
  • Nghiêng người sang một bên
  • Đá chân và khua tay có ý thức hơn
  • Thực hiện được các biểu cảm khuôn mặt khác nhau
  • Cố gắng đập tay vào đồ chơi treo trước mặt
  • Cầm đồ vật trong tay và khua loạn xạ

 

  • Nhận thức: Bé tỏ ra chú ý quan sát các sự vật, hiện tượng diễn ra xung quanh một cách có ý thức 
  • Tập trung quan sát mọi người và vật nuôi xung quanh di chuyển
  • Nhìn ngắm những chuyển động rung rinh, đu đưa của sự vật xung quanh như rèm cửa lay động, lá rơi ngoài cửa sổ
  • Thích ngắm nghía các bức tranh
  • Theo dõi mọi người nhai thức ăn  
  • Khám phá tay và chân của mình
  • Cảm xúc – Xã hội: Bé bắt đầu thể hiện cảm xúc vui thích với những sự vật, sự việc mà bé thấy thú vị và có sự phản ứng lại bằng các giác quan.
  • Tỏ ra thích thú khi mẹ nói chuyện với bé
  • Mỉm cười khi nhìn vào đồ vật mà bé thấy thú vị
  • Có thể phát âm “ê ê” khi thích thú hoặc gây sự chú ý
  • Thích thú với những âm thanh cao độ, những đồ chơi phát ra tiếng động

Trải nghiệm wonder week 8 của mẹ

Ở tuần khủng hoảng thứ hai này mẹ đã bớt bối rối so với tuần khủng hoảng đầu tiên. Uy vậy, đã là khủng hoảng thì nhiều khi mẹ không tránh khỏi những cảm xúc tiêu cực.

  • Mệt mỏi và kiệt sức: Việc em bé khóc lóc vật vã cả ngày lẫn đêm dẫn đến kết quả tất yếu là cả nhà đều mất ngủ. Và mất ngủ thì đều khiến cho bất cứ ai cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức.
  • Lo lắng: Khi con cứ khóc mãi không thôi, bao nhiêu câu hỏi nảy số trong đầu mẹ: Con đau ở đâu nhỉ? Hay bỉm con bị ướt? Con có đói không? Mình có làm sai gì không? Mình bế con nhiều thế này rồi sẽ làm hư con mất hay sao? Mẹ trở nên mềm yếu và dễ dàng đổi lỗi cho bản thân như thế đó! Mẹ cảm thấy thất bại trong việc làm mẹ và có những khi khóc nhiều không kém con.
  • Một chút khó chịu và một chút tội lỗi: Nếu coi chăm sóc em bé là công việc toàn thời gian của mẹ thì nó còn toàn thời gian đến mức kéo dài 24 tiếng một ngày. Trong khi mẹ còn một núi việc chưa làm, bé thì bám dính hễ mẹ chuẩn bị đặt xuống là gào khóc nức nở đôi khi khiến mẹ cảm thấy khó chịu. Và mẹ nghĩ con mình sao mà hư đến vậy! Rồi bản năng yêu thương của người mẹ lại khiến mẹ vô cùng tội lỗi khi lỡ bực bội, cáu gắt với con.

Mẹ cảm thấy căng thẳng và mệt mỏi do thiếu ngủ.

Và sau tất cả, dù có mệt mỏi đến thế nào đi nữa thì cảm xúc của mẹ đối với con vẫn luôn là tình yêu thương vô bờ bến! Những cử chỉ nhỏ bé như bám chặt những ngón tay nhỏ xinh vào áo mẹ để níu mẹ đừng đặt con xuống hay ánh mắt con nhìn mẹ cầu cứu khi người lạ ở khoảng cách quá gần đều khiến mẹ mềm lòng và tan chảy.

Mẹ nên làm gì khi nhận ra các dấu hiệu của wonder week 8?

Kiểm tra kỹ các nguyên nhân khiến bé khó chịu

Việc đầu tiên là mẹ luôn phải nhớ kiểm tra kỹ các nguyên nhân khách quan khiến bé khó chịu. Các nguyên nhân này bao gồm đói, tã bị bẩn, buồn ngủ, đầy bụng do vỗ ợ chưa kỹ để kịp thời đáp ứng và tránh tối đa cảm giác khó chịu cho bé.

Mẹ tạo cảm giác an toàn cho bé

Bé buồn bực, cáu gắt chỉ vì chưa đủ thời gian để thích nghi với những biến chuyển. Đó là lý do vì sao bé cần có mẹ bên cạnh để được trở về cảm giác an toàn bao bọc như khi còn ở trong bụng mẹ trước đây. Chỉ khi có mẹ bên cạnh, bé mới an tâm và đủ tự tin để khám phá thế giới xung quanh. 

  • Mẹ tắm nước ấm cho bé, rồi đặt bé vào khăn tắm mềm, nhẹ nhàng massage cho bé để bé cảm thấy dễ chịu..
  • Mẹ hát, bật cho bé nghe những bài hát có âm điệu nhẹ nhàng, du dương. Nếu bé thích tiếng ồn trắng, mẹ bật cho bé mỗi khi đi ngủ.
  • Mẹ đừng quên ôm ấp, vuốt ve, đung đưa nhẹ nhàng để bé cảm nhận được mẹ vẫn luôn ở bên yêu thương và an ủi. 

Mẹ cần giúp bé bình tĩnh và hỗ trợ bé phát triển kỹ năng.

Mẹ hỗ trợ bé phát triển kỹ năng

  • Các em bé đều thích thú khám phá thế giới bằng mắt. Mẹ hãy cung cấp cho bé những mẫu hình bằng hình ảnh để bé quan sát. Đó có thể là những bức tranh màu sắc tương phản dán xung quanh khu vực bé ăn, ngủ, chơi. Cũng có thể là những tấm flashcard được di chuyển chầm chậm sang trái, sang phải, lên trên, xuống dưới để bé được luyện tập các cơ ở mắt.
  • Các tư thế khác nhau của cơ thể sẽ đem lại cho bé cảm nhận khác nhau và cũng là các mẫu hình mới bên trong cơ thể để bé học hỏi. Cơ đầu và cơ cổ của bé đã cứng cáp hơn, mẹ có thể chơi trò kéo người lên cùng bé. Mẹ để gón tay cái của mẹ vào lòng bàn tay bé để bé nắm chặt, các ngón tay còn lại của mẹ vẫn có thể giữ phòng khi bé tuột tay. 

Mẹ kéo bé lên tư thế ngồi, rồi lên tư thế đứng để bé căng người đứng thẳng lên. Mẹ lưu ý chơi từ từ và cảm nhận lực nắm ở tay cũng như độ cứng cáp của bé để thực hành bài tập an toàn. Ngoài ra mẹ cũng có thể đặt bé nằm ngửa rồi nằm sấp trên một tấm khăn rộng và từ từ kéo mép khăn để bé cảm nhận được chuyển động của cơ thể trong không gian.

  • Mẹ đừng quên trò chuyện với bé thường xuyên vì những cuộc trò chuyện giữa mẹ và con giúp bé phát triển kỹ năng về nhiều mặt một cách tự nhiên và tạo ra cảm giác gắn bó, được đón nhận cho bé. 

Mẹ có thể trò chuyện về bất cứ chủ đề gì từ những chuyện xảy ra trong ngày, chuyện hai mẹ con sẽ cùng làm trong tương lai cho đến chuyện mẹ yêu bé như thế nào. 

Những cuộc trò chuyện giúp bé phát triển kỹ năng về nhiều mặt một cách tự nhiên

Mẹ hãy tạo ra các tư thế trò chuyện khác nhau như trò chuyện khi bé nằm ngửa, khi bé nằm sấp, hoặc mẹ tựa lưng vào ghế đặt bé nửa ngồi trên bụng mẹ, lưng bé tựa vào chân của mẹ. Mẹ cần lưu ý dù ở tư thế nào mẹ luôn tương tác mắt với bé, tạo ra các biểu cảm khuôn mặt thu hút và luôn thoải mái khi trò chuyện với bé.

Mẹ chú ý điều tiết hoạt động phù hợp với bé

Việc luyện tập một kỹ năng mới rất thú vị khiến bé có thể say sưa chơi rất lâu, nhưng cũng có thể rất mệt mỏi đối với một em bé. Vậy làm sao để mẹ biết như thế nào là đủ?

Sau khi chơi trong một khoảng thời gian, bé sẽ có một số biểu hiện cho mẹ thấy bé đang bị quá tải. Mẹ có thể thấy một số dấu hiệu cơ thể rõ ràng như nhìn đi chỗ khác hoặc quay người để tránh đi. Việc mẹ cần làm là dừng ngay hoạt động đó lại để bé được nghỉ ngơi. 

Giai đoạn này khả năng kiểm soát cơ thể của bé đã được cải thiện nhưng những động tác của bé vẫn còn cứng nhắc và giật cục. Bé cũng chưa có khả năng với tay chạm vào đồ vật chuyển động phía trước nên mẹ đừng quá nóng vội thúc ép bé. Mẹ nên nhớ dù học bất kỳ điều gì mới cũng luôn cần có thời gian đủ để thẩm thấu.

Mẹ nên dừng hoạt động khi cảm thấy bé đã chơi vừa đủ.

Bé có khả năng nhận ra các mẫu hình cũng đồng nghĩa với việc nhận ra những sự vật, sự việc giống nhau hoặc được lặp đi lặp lại. Vì thế ở giai đoạn này bé bắt đầu thể hiện sự buồn chán khi mọi thứ xung quanh không có gì thay đổi để bé khám phá.

Mẹ có thể phân loại các đồ chơi treo và chia thành các hộp nhỏ. Cứ mỗi ba ngày hoặc mẹ dựa vào phản ứng của con để luân phiên các món đồ chơi treo này để bé luôn thấy mới mẻ. Mẹ cũng có thể bế bé đi quanh nhà, ra ngoài dạo chơi để chỉ cho bé thấy các đồ vật, khung cảnh mới xung quanh bé.

Xem về các giai đoạn Wonder weeks tiếp theo của bé

Cùng HiChiu tìm hiểu về wonder weeks – những tuần khủng hoảng của bé, chế độ ăn dặm, nuôi con bằng sữa mẹ và các kiến thức khác giúp ba mẹ tự tin nuôi dạy những em bé khỏe mạnh và hạnh phúc!

Cùng tìm hiểu chi tiết về các giai đoạn wonder weeks của bé:

Các bài viết của HiChiu chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Nếu cảm thấy bé có những dấu hiệu bất ổn hoặc biểu hiện khác thường khác bạn nên cho bé thăm khám và điều trị dưới sự hướng dẫn của y, bác sĩ. 

Tham khảo: The wonder week – Hetty van de Rijt, Frans Plooij – Nguồn: Wonder Week 8 | The World of Patterns (Leap 2) | BellyBelly