Xây dựng Gia đình văn hóa mới – Yếu tố quan trọng trong xây dựng nền văn hóa mới XHCN

          Nói đến gia đình là nói đến nhóm tâm lý – tình cảm xã hội đặc thù, các mối quan hệ trong gia đình, sự cấu kết giữa các thành viên trong gia đình bắt nguồn từ quan hệ huyết thống ruột thịt và quan hệ tình cảm, trách nhiệm. Trong gia đình, các thành viên gắn bó với nhau bằng những sợi dây liên hệ thường xuyên, lâu dài, suốt đời người. Lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”. Gia đình là một tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc muốn tồn tại và phát triển đều phải biết chăm sóc và bảo vệ gia đình.
          Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc. Những giá trị truyền thống quý báu như lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù sáng tạo trong lao động, bất khuất, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách đã được gia đình Việt Nam giữ gìn, vun đắp và phát huy trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước. Qua nhiều thời kỳ phát triển, cấu trúc và quan hệ trong gia đình Việt Nam có những thay đổi, nhưng chức năng cơ bản của gia đình vẫn còn tồn tại và gia đình vẫn là một nhân tố quan trọng, không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế –  xã hội của đất nước. Ngày 28 tháng 6 năm 2000, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 55-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của các cấy uỷ Đảng của cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Ngày 4 tháng 5 năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg về ngày Gia đình Việt Nam. Quyết định nêu rõ: lấy ngày 28/6 hàng năm là ngày Gia đình Việt Nam, nhằm đề cao trách nhiệm lãnh đạo của các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
          Với vị trí, ý nghĩa to lớn đó của gia đình, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách để phát triển sự nghiệp gia đình. Các cấp uỷ Đảng và chính quyền đã chủ động rà soát, đánh giá tình hình công tác quản lý nhà nước về gia đình tại địa phương, xác định công tác gia đình là một nội dung quan trọng, nhiệm vụ thường xuyên khi xây dựng và triển khai thực hiện các kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế – xã hội hàng năm của địa phương. Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả việc xoá bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình; phòng chống các tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình; đấu tranh chống lối sống thực dụng, vị kỷ, đồi truỵ; tăng cường công tác chăm sóc và giáo dục trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nhà nước và xã hội có trách nhiệm bảo vệ sự ổn định và phát triển của gia đình. Đảng viên và cán bộ, công chức, viên chức gương mẫu chăm lo xây dựng gia đình văn hoá và vận động nhân dân xây dựng đời sống văn hoá; gắn việc xây dựng gia đình với sự giải phóng phụ nữ. Gia đình không chỉ là mối quan tâm của từng người, không phải là việc nghiên cứu của một số nhà khoa học mà là sự quan tâm của cả một thiết chế xã hội được thể hiện qua nhận thức và hành động của Đảng, nhà nước và nhân dân. Và ngày nay gia đình không còn là vấn đề cá biệt, riêng lẻ nữa, mà trở thành vấn đề chung của quốc gia và quốc tế.
          Hiện nay, thực hiện tốt vai trò và chức năng của gia đình trong thời kỳ Công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cần phải:
          Thứ nhất, giáo dục cho các thành viên trong gia đình phải biết kế thừa, giữ gìn và phát huy các giá trị đạo đức tốt đẹp của gia đình truyền thống Việt Nam như; kính già, yêu trẻ, tinh thần tương thân tương ái, lòng trung thực, thật thà, khiêm tốn, dũng cảm. Biết bảo vệ cái đúng, cái tốt đẹp, đồng thời biết lên án cái xấu.
          Thứ hai, giáo dục ý thức tôn tọng và chấp hành đúng chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước như: chế độ hôn nhân tự nguyện, thực hiện chế độ hôn nhân một vợ một chồng.
          Thứ ba, giáo dục văn hóa, tri thức khoa học nhằm nâng cao trình độ ngay chính trong từng gia đình. Khi được trang bị đầy đủ tri thức văn hóa mới có sự hiểu sâu, biết rộng và có sự định hướng giá trị đúng đắn.
          Thứ tư, giáo dục về các quan hệ bình đẳng, thương yêu, có trách nhiệm, cùng chia sẻ gánh vác công việc để thực hiện các chức năng cơ bản của gia đình và nghĩa vụ với xã hội.
          Thứ năm, giáo dục tinh thần, ý thức lao động, năng lực phát triển kinh tế gia đình đồng thời không ngừng đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục gia đình.
          Như vậy, gia đình là một xã hội thu nhỏ, là một thiết chế xã hội đặc thù, gia đình vừa là sản phẩm chịu sự tác động mạnh mẽ, liên tục của các chuyển biến xã hội, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển xã hội. Ở bất cứ xã hội nào, gia đình luôn giữ vai trò, vị trí quan trọng nhất là trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ của Đảng ta chỉ rõ: gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi thân yêu nuôi dưỡng cả đời người, là môi trường quan trọng giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách. Do vậy, mọi chính sách của Đảng, Nhà nước vừa phải chú ý tới giáo dục gia đình nhằm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hoà thuận, tiến bộ, vừa phải nâng cao ý thức về nghĩa vụ của gia đình đối với xã hội, coi gia đình vừa là mục đích vừa là động lực của sự phát triển.