Xây dựng Hệ giá trị quốc gia, văn hóa trên nền tảng thống nhất trong đa dạng
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa chủ trì Phiên thảo luận; Giáo sư – Tiến sỹ Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương điều hành Phiên thảo luận. Cùng tham gia Đoàn Chủ tịch điều hành Hội thảo có Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng.
7 tham luận của các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý văn hóa trình bày tại Phiên thảo luận đều khẳng định, hệ giá trị quốc gia và hệ giá trị văn hóa là vấn đề rất lớn. Do đó, các thảo luận đã tập trung làm rõ về vị trí và ý nghĩa của hai hệ giá trị này trong đời sống hiện đại; phân tích đánh giá và đề xuất về nội hàm cốt lõi của hai hệ giá trị này; tìm ra mối liên hệ biện chứng trong thực tiễn và cả lý luận, từ đó đề xuất những giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Tôn trọng thực tiễn trong định hình hệ giá trị văn hóa
Trong tham luận mở đầu phiên thảo luận với tiêu đề “Một số nhận thức về hệ giá trị văn hóa”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa cho rằng: Hệ giá trị văn hóa là vấn đề không mới nhưng chưa bao giờ cũ mà luôn được đề cập tới trong các văn bản, nghị quyết, diễn đàn thảo luận về vấn đề văn hóa, xã hội, trong các công trình nghiên cứu văn hóa và trên truyền thông.
Trong bối cảnh hiện nay, khi đất nước đang đổi mới theo hướng hiện đại và hội nhập sâu rộng, khi con đường phấn đấu trở thành nước phát triển, thu nhập cao đã được xác định rõ, các vấn đề về giá trị, hệ giá trị văn hóa được đặt ra và nói tới hàng ngày trong các diễn ngôn chính trị, văn hóa, xã hội, đặc biệt là xuất hiện thường xuyên, liên tục trong các văn kiện, nghị quyết quan trọng của Đảng hơn hai thập kỷ qua.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Phương Châm, hệ giá trị văn hóa là nền tảng, là chuẩn mực quy định và đánh giá hành vi “tốt” hay “xấu”, “phù hợp” hay “không phù hợp”. Hệ giá trị là yếu tố quan trọng trong tổng thể văn hóa, góp phần khẳng định bản sắc văn hóa.
“Việt Nam là một đất nước có sự đa dạng về sinh thái (sông, biển, đảo, núi, rừng, đồi, đồng bằng,…), đa dạng về tộc người (54 tộc người và nhiều nhóm tộc người trong đó), đa dạng các biểu đạt văn hóa, các dạng thức văn hóa, các vùng văn hóa. Đi cùng với sự đa dạng này là đa dạng hệ giá trị văn hóa. Mỗi vùng sinh thái, vùng văn hóa, mỗi địa phương, mỗi tộc người, nhóm người sáng tạo và duy trì các hệ giá trị văn hóa khác nhau, tạo nên tổng thể đa dạng của hệ giá trị văn hóa ở Việt Nam”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Phương Châm cho biết.
Với tính đa dạng của nền văn hóa, cùng bối cảnh toàn cầu hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Phương Châm cho rằng, hệ giá trị văn hóa ở Việt Nam ngày càng trở nên phức tạp với sự cùng tồn tại của hệ giá trị truyền thống, hệ giá trị mới, hệ giá trị phổ quát, hệ giá trị đặc thù, hệ giá trị cốt lõi, hệ giá trị phái sinh…
Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay, xung đột giá trị, thậm chí khủng hoảng giá trị, “sốc” giá trị cũng đã xảy ra, càng làm gia tăng thêm tính phức tạp, nhưng cũng làm lộ rõ sự cần thiết nhìn nhận lại việc xây dựng hệ giá trị văn hóa hiện nay.
Về cách thức xây dựng hệ giá trị văn hóa, theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Phương Châm, cần phải đảm bảo tính thực tiễn, tôn trọng thực tiễn. “Nếu quan tâm đúng mức hơn đến tính thực tiễn của hệ giá trị văn hóa thì chúng ta sẽ khắc phục được sự chung chung, hô hào, hình thức trong xây dựng hệ giá trị văn hóa. Tính thực tiễn ở đây là hệ giá trị văn hóa phải được xây dựng từ thực tiễn và phải được thực hành sâu rộng trong thực tiễn, trở thành lối sống, thói quen, tập tính hàng ngày của con người. Chỉ như vậy, việc xây dựng hệ giá trị văn hóa mới được xem là đạt hiệu quả”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Phương Châm nhấn mạnh.
Bước phát triển nhận thức về xây dựng hệ giá trị quốc gia
Với tham luận “Một số vấn đề về xây dựng hệ giá trị quốc gia”, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Phòng, nguyên Viện trưởng Viện Triết học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, mỗi quốc gia, dân tộc trên con đường xây dựng và phát triển luôn luôn xây dựng cho mình một hệ thống giá trị nhất định, hay còn gọi là hệ giá trị quốc gia.
Hệ giá trị quốc gia vừa như là đích đến, vừa như là tiêu chuẩn để đánh giá ý nghĩa của các sự vật, hiện tượng đối với cá nhân, cộng đồng xã hội, quốc gia, được các cá nhân, cộng đồng xã hội, quốc gia thừa nhận, trở thành điểm tựa tinh thần để mọi cá nhân, cộng đồng xã hội và cả quốc gia vươn theo, hướng tới và hành động theo.
Với ý nghĩa đó, Giáo sư, Tiến sỹ Trần Văn Phòng đưa ra khái niệm về hệ giá trị quốc gia, đó là tất cả những gì mang lại ý nghĩa nhất định cho quốc gia, được cả quốc gia thừa nhận, trở thành mục tiêu, chỗ dựa tinh thần để con người trong quốc gia và cả quốc gia khao khát, hướng tới và hành động theo. Giá trị quốc gia vừa mang những nét riêng có của dân tộc, vừa mang những nét chung phổ biến của nhân loại.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Phòng, Đại hội XIII của Đảng đánh dấu bước phát triển quan trọng trong nhận thức tầm quan trọng, sự cần thiết phải nghiên cứu, xác định hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người trong sự gắn kết với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam.
“Đây là điểm mới, bởi lẽ chỉ trên cơ sở xác định các hệ giá trị này chúng ta mới khơi dậy, phát huy, phát triển nguồn lực và nguồn động lực to lớn này cho phát triển đất nước nhanh và bền vững. Như vậy, hệ giá trị quốc gia nằm trong sự gắn kết, thống nhất với hệ giá trị văn hóa quốc gia, hệ giá trị (chuẩn mực) con người Việt Nam mới, hệ giá trị gia đình Việt Nam. Tổng hợp những giá trị này là nền tảng tinh thần của xã hội mà chúng ta dựa trên vừa phấn đấu xây dựng, vừa hướng tới hành động theo”, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Phòng phát biểu.
Nêu quan điểm về nội hàm của hệ giá trị quốc gia Việt Nam thời kỳ mới, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Phòng cho rằng hệ giá trị quốc gia Việt Nam hiện nay sẽ bao gồm các thành tố mà Cương lĩnh 2011 đã nêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; trong đó nhân dân là chủ thể, là vị trí trung tâm trong xã hội xã hội chủ nghĩa, là đối tượng mà Đảng, Nhà nước ta phục vụ.
Bên cạnh đó, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Phòng cũng đề nghị bổ sung thêm thành tố “hạnh phúc” vào hệ giá trị quốc gia thành “Dân giàu, hạnh phúc, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Bởi trong Cương lĩnh bổ sung, phát triển 2011, Đảng đã khẳng định “Mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ ở nước ta là xây dựng được về cơ bản nền tảng kinh tế của chủ nghĩa xã hội với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hóa phù hợp, tạo cơ sở để nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”.
Cuối phiên thảo luận thứ hai là thảo luận bàn tròn với sự tham gia của các diễn giả: Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Xuân Dũng; Giáo sư, Tiến sỹ Từ Thị Loan; Phó Giáo sư, Tiến sỹ Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Trần Ngọc Thêm (từ điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh). Các diễn giả đã trao đổi, làm cụ thể hóa hơn những vấn đề liên quan đến các giá trị văn hóa, quốc gia và ý nghĩa của việc triển khai các hệ giá trị này trong cuộc sống.