Xây dựng hệ giá trị văn hóa Việt Nam: Sức mạnh mềm thời 4.0
Áo dài truyền thống mang đậm bản sắc Việt Nam.
Cần sự đồng thuận
Mới đây, Thông báo kết luận của Chính phủ về Chương trình tổng thể quốc gia về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023 – 2030 nhấn mạnh, để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước, ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội, cần thiết phải xây dựng Chương trình tổng thể mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam cho giai đoạn 2025 – 2035, tầm nhìn đến năm 2045. Yêu cầu này cho thấy sự cấp thiết của việc xây dựng hệ giá trị Việt Nam.
Có thể đâu đó vẫn còn những cách lý giải khác nhau về hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn chung, các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa khá thống nhất khi cho rằng, hệ giá trị văn hóa được hiểu là những chuẩn mực về tư tưởng, nhận thức, hành động của cộng đồng, được cộng đồng thừa nhận.
Con người là chủ thể của văn hóa, nên hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người tuy không đồng nhất nhưng có liên quan chặt chẽ đến nhau. Nhiều yếu tố của hệ giá trị văn hóa là sự biểu hiện của chuẩn mực con người; ngược lại, hệ giá trị văn hóa khi đã hình thành và ổn định sẽ tác động trở lại đến những chuẩn mực con người. Cả hai đều nhằm hướng tới xây dựng một xã hội, cộng đồng tốt đẹp hơn. Hệ giá trị văn hóa của mỗi quốc gia chính là nền tảng hình thành nên hệ giá trị quốc gia.
GS Từ Thị Loan – Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam bày tỏ: Nếu có một hệ giá trị quốc gia chuẩn xác, phù hợp, có sức thuyết phục thì chúng ta có thể cổ vũ, dẫn dắt, “khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc” trong các tầng lớp nhân dân, vượt qua các thách thức, khó khăn.
Ví dụ vượt qua khủng hoảng do đại dịch Covid-19, các khó khăn trong cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại, tranh giành thị trường và nhiều nguy cơ, thách thức khác. Khi có một hệ giá trị quốc gia phù hợp giúp bồi đắp lòng yêu nước, nâng cao ý chí độc lập, tự cường sẽ góp phần tập hợp ý chí, sức mạnh của toàn dân tộc đứng vững trước âm mưu thôn tính của các thế lực bên ngoài, giữ vững biên cương, lãnh thổ từ sớm, từ xa.
GS Từ Thị Loan nhấn mạnh, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa, nếu có hệ giá trị quốc gia dẫn dắt, định hướng đúng đắn sẽ giúp chúng ta chấn hưng văn hóa, ngăn chặn tình trạng xuống cấp đạo đức, tha hóa nhân cách, các biểu hiện tiêu cực, phản văn hóa, phi giá trị trong xã hội… Khi soi vào các kết quả mà chúng tôi điều tra, khảo sát trong đề tài khoa học cấp Nhà nước có tên “Hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” do TS Nguyễn Ngọc Thiện làm chủ nhiệm, cho thấy có nhiều giá trị truyền thống của con người Việt Nam cần phải được kế thừa, phát huy như: Yêu nước là 76%; nhân ái là 39,8%; trung thực là 63,5%…
Như vậy, việc giữ gìn, phát huy và phát triển các hệ giá trị, trong đó có hệ giá trị quốc gia – hệ giá trị nền tảng, tiên quyết, chi phối các hệ giá trị khác hiện nay là cấp bách hơn bao giờ hết. Hệ giá trị quốc gia sẽ góp phần đoàn kết, quy tụ toàn dân Việt Nam hướng đến những mục tiêu chung, tạo nên sức mạnh tổng hợp, giúp chúng ta xây dựng một đất nước độc lập, tự chủ, hùng cường, phồn vinh và hạnh phúc.
Để gỡ các điểm nghẽn trong thực hiện hệ giá trị quốc gia, theo GS Từ Thị Loan cần những giải pháp tổng thể và đồng bộ cả ở tầm vĩ mô và vi mô. Và mấu chốt vấn đề hiện nay là phải đồng thuận để xây dựng hệ giá trị, thống nhất lựa chọn được những giá trị phù hợp, làm nền tảng cho sự phát triển. Đây chính là điểm nghẽn khó nhất cần phải tháo gỡ. Để lâu là muộn, là mất cơ hội.
Nhìn từ góc độ vĩ mô, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm cho rằng, việc xây dựng những hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa góp phần soi chiếu và định ra những chiến lược phát triển của đất nước trong hiện tại và tương lai. Hệ giá trị quốc gia là nền tảng để phát triển xã hội, hệ giá trị này để soi chiếu lại các hành vi về đạo đức, văn hóa ứng xử. Qua đó để khắc phục những điểm hạn chế và tăng cường điểm mạnh để xã hội phát triển bền vững.
Truyền dạy hát Xoan cho lớp trẻ tại Phú Thọ.
Gìn giữ bản sắc trong phát triển, hội nhập
Cùng với xây dựng các hệ giá trị trong bối cảnh hiện nay, vấn đề đặt ra là phải tiếp tục tạo được sự bứt phá mạnh mẽ trong phát triển văn hóa với tư cách là một trụ cột của sự phát triển, là sức mạnh mềm văn hóa trong cấu trúc sức mạnh tổng thể quốc gia. Vừa qua, tại diễn đàn Hội thảo quốc gia “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam – Khởi nguồn và động lực phát triển”, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý cùng khẳng định giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam, cũng như bàn luận về vai trò của văn hóa đối với đất nước và việc vận dụng linh hoạt Đề cương về văn hóa Việt Nam để văn hóa ngày càng giàu có cùng với sự phát triển của kinh tế đất nước. Tại sự kiện này, vấn đề giữ vững tính chất Việt Nam được đặt ra.
TS Nguyễn Thị Hoàn – Phó Trưởng Khoa Cơ bản (Trường Đại học Trưng Vương) cho rằng: Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, có thể thấy, xu hướng bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống hình thành bản sắc riêng của mỗi dân tộc vẫn được xem là xu hướng chủ đạo. Ở nước ta, các giá trị truyền thống của dân tộc như: Tinh thần yêu nước, tinh thần cố kết cộng đồng, lòng khoan dung, tinh thần hiếu học, cần cù siêng năng, lạc quan, yêu lao động… là những giá trị tiêu biểu của hệ giá trị con người Việt Nam giai đoạn đổi mới và hội nhập quốc tế.
Nhấn mạnh vai trò của các giá trị truyền thống trong giai đoạn mới, bà Hoàn cho rằng: Đảng đã khẳng định đi vào nền kinh tế thị trường, mở rộng giao lưu quốc tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tiếp thu những tinh hoa của nhân loại, song phải luôn coi trọng những giá trị truyền thống và bản sắc dân tộc, quyết không tự đánh mất mình, trở thành cái bóng mờ hoặc bản sao chép của người khác và phải đặc biệt quan tâm giữ gìn và nâng cao bản sắc văn hóa dân tộc, kế thừa và phát triển truyền thống đạo đức, tập quán tốt đẹp và lòng tự hào dân tộc.
“Ngày nay, hội nhập quốc tế với những tác động đa chiều và diễn biến ngày càng sôi động, những nguy cơ mai một. Điều này không phải không có cơ sở, nhất là hiện nay, sự xâm nhập của các luồng văn hóa ngoại lai, sự xuất hiện lối sống, cách sống mới không phù hợp với các giá trị truyền thống của dân tộc đang ngày càng gia tăng”, bà Hoàn nêu.
Lo ngại nguy cơ lớn nhất đối với các nền văn hóa là mất bản sắc văn hóa dân tộc trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, Th.S Nguyễn Trung Bình – Trung tâm Dữ liệu Di sản Văn hóa, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết: Ceác quốc gia, một mặt, đẩy mạnh quá trình hội nhập văn hóa khu vực và thế giới, đẩy mạnh phát triển nền văn hóa theo hướng tiên tiến; mặt khác, đặc biệt quan tâm, giữ gìn và phát triển bản sắc dân tộc. Để có một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc thì bản thân nền văn hóa đó phải hội nhập với văn hóa các nước trong khu vực và trên thế giới, từ đó học hỏi, tiếp thu, tiếp biến một cách có chọn lọc, có sáng tạo các tinh hoa văn hóa của nhân loại để làm giàu thêm nền văn hóa dân tộc mình.
Đề cập tới việc giáo dục ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân về việc giữ gìn bản sắc văn hóa của cộng đồng, Th.S Đặng Hoàng Giang – Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội cho rằng: Chúng ta đã nói nhiều đến việc tiếp thu có chọn lọc những yếu tố văn hóa ngoại lai hay chủ động hội nhập để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc… nhưng cái quan trọng nhất ở đây đó là việc giáo dục, tuyên truyền đầy đủ để người dân có tình yêu, thái độ tôn trọng và ý thức giữ gìn văn hóa của quốc gia mình trước khi tiếp nhận nền văn hóa của một quốc gia khác. Có thể nói, đây chính là liều vaccine phòng ngừa để bản sắc văn hóa Việt không bị mai một trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Mặt khác, đánh giá về thị trường sản phẩm, dịch vụ văn hóa và đơn vị hoạt động, theo PGS.TS Phạm Thị Thu Hương – Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội nhấn mạnh: Chúng ta đã hình thành thị trường sách, thị trường điện ảnh, thị trường biểu diễn nghệ thuật, thị trường tranh nhưng còn chậm phát triển, quy mô nhỏ, mang tính tự phát, thiếu tính chuyên nghiệp. Sản phẩm văn hóa ở một số lĩnh vực còn nghèo nàn, đơn điệu, sức cạnh tranh yếu, chưa thu hút được nhiều sự quan tâm của công chúng trong và ngoài nước. Thị trường sản phẩm văn hóa nội địa có dấu hiệu bị các sản phẩm văn hóa nước ngoài lấn lướt, áp đảo. Chất lượng các sản phẩm văn hóa chưa cao nên khó hội nhập với thị trường văn hóa thế giới. Việc xuất khẩu, quảng bá các sản phẩm văn hóa Việt Nam ra nước ngoài còn hạn chế. Công tác quản lý xuất, nhập khẩu văn hóa chưa chặt chẽ dẫn đến để lọt vào trong nước các sản phẩm nước ngoài chưa phù hợp với thuần phong, mỹ tục, truyền thống văn hóa, đạo đức, thẩm mỹ của dân tộc, thậm chí có nhiều sản phẩm độc hại, tác động tiêu cực đến đời sống xã hội….
Vì thế, theo PGS.TS Thu Hương, để hoàn thiện và phát triển thị trường văn hóa cần phải có những đổi mới căn bản trong thể chế văn hóa và phương thức quản lý văn hóa. Ở đó, Nhà nước cần đóng vai trò định hướng, tạo cơ chế, điều chỉnh và kiểm soát, còn những khâu khác có thể huy động nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân. Làm được điều đó, chắc chắn thị trường văn hóa được rộng mở, các nguồn lực được khai thông, các tiềm năng văn hóa được phát lộ và có cơ hội phát triển. Bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống và sáng tạo, bổ sung giá trị văn hóa mới là giải pháp để phát triển văn hóa theo hướng bền vững nhưng nền văn hóa ấy cần có đặc trưng tính chất gì lại là một vấn để đặt ra cần giải quyết, để văn hóa Việt Nam có thể đứng vững và giữ được bản sắc của mình chứ không bị hòa tan trong quá trình giao lưu và hội nhập quốc tế, đó là tiếp tục giữ vững tính chất của nền văn hóa Việt Nam.
Để các hệ giá trị gắn với thực tiễn
Trở lại với vấn đề xây dựng hệ giá trị, có thể thấy trong bối cảnh xã hội đương đại với sự gia tăng của toàn cầu hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, hệ giá trị văn hóa ở Việt Nam ngày càng trở nên phức tạp với sự cùng tồn tại của hệ giá trị truyền thống, hệ giá trị mới, hệ giá trị phổ quát, hệ giá trị cốt lõi, hệ giá trị phái sinh… Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay, xung đột giá trị, thậm chí khủng hoảng giá trị, “sốc” giá trị cũng đã xảy ra càng làm gia tăng thêm tinh phức tạp nhưng cũng làm lộ rõ sự cần thiết phải nhìn nhận lại việc xây dựng hệ giá trị văn hóa hiện nay.
PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm – Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa nêu quan điểm: Hệ giá trị văn hóa là một phương diện quan trọng của một nền văn hóa và thể hiện rõ nhất bản sắc văn hóa. Hệ giá trị văn hóa đã và đang được thực hành đa dạng sống động trong đời sống xã hội, việc gọi tên, đúc kết và xây dựng hệ giá trị văn hóa là vô cùng quan trọng, giúp cho chúng ta có những nhìn nhận bao quát hơn, đầy đủ hơn và phát huy được hiệu quả hơn chức năng định hướng, đánh giá, điều chỉnh của hệ giá trị văn hóa. Hơn nữa, việc xây dựng hệ giá trị văn hóa còn thể hiện mong muốn, khát vọng của chúng ta về những hệ giá trị tốt đẹp sẽ được thực hành phổ biến tạo nên sự phát triển phồn vinh và bền vững cho xã hội.
Bà Châm phân tích, qua văn kiện của các kỳ Đại hội Đảng và Cương lĩnh xây dựng đất nước qua các thời kỳ, Đảng ta đã từng bước định hình rõ nhiệm vụ sáng tạo, hoàn thiện, đúc kết, nghiên cứu, triển khai xây dựng hệ giá trị văn hóa. Theo đó, hệ giá trị văn hóa mang tính khái quát được đề cập là: dân tộc, nhân văn, dân chủ, pháp quyền, khoa học và 7 đặc tính cơ bản được xác định là những chuẩn mực giá trị của con người Việt Nam: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.
“Có thể nhận thấy, tên gọi các hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam được xem là đã có sẵn và các hệ giá trị được xác định cần xây dựng đều là các mỹ từ, nghe rất hay, rất quen thuộc, tạo cảm giác như chúng ta đã có hết rồi song thực tế lại không hẳn như vậy. Dường như những khái quát này vẫn chưa ghi nhận, phản ánh hết được những hệ giá trị văn hóa đa dạng mà các nhóm địa phương, tộc người trên cả nước đang thực hành trong thực tế cuộc sống thường ngày của họ. Điều này khiến các hệ giá trị văn hóa được xác định vẫn chưa thực sự gắn với thực tiễn, chưa đi vào cuộc sống”, bà Châm nhận định, đồng thời cho rằng, nếu quan tâm đúng mức hơn đến tính thực tiễn của hệ giá trị văn hóa, chúng ta sẽ khắc phục được căn bệnh “chung chung”, hô hào, hình thức trong xây dựng hệ giá trị văn hóa. Tính thực tiễn ở đây là hệ giá trị văn hóa phải được xây dựng từ thực tiễn và rồi phải được thực hành sâu, rộng trong thực tiễn, trở thành lối sống thói quen, tập tính hằng ngày của con người. Chỉ có như vậy, việc xây dựng hệ giá trị văn hóa mới được xem là đạt hiệu quả.
Đồng quan điểm, GS Từ Thị Loan cũng bày tỏ: Xây dựng và củng cố hệ giá trị quốc gia là một cuộc chiến lâu dài, khó khăn, phức tạp, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự triển khai một cách đồng bộ, căn cơ các giải pháp, sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. Công việc này phải được tiến hành bền bỉ, kiên trì, thường xuyên, không chạy theo hình thức, phong trào.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Nâng cao nhận thức về hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa
Thực tiễn cho thấy các quốc gia phát triển thành công, trở thành các dân tộc tiên phong trong nền văn minh nhân loại thường có một hệ giá trị quốc gia phù hợp, chuẩn xác, giúp huy động được các nguồn lực xã hội hướng đến sự hòa bình, ổn định, tiến bộ và phát triển.
Một trong những giải pháp quan trọng nhất để xây dựng và triển khai hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị quốc gia trong cuộc sống là phải đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức một cách thực chất, bài bản về hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa. Nếu có thể thì nên biến thành một cuộc vận động sâu rộng, quy mô, mang tầm chiến lược, dài hơi như các cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” hay phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Bên cạnh đó cần phát huy vai trò của các thiết chế xã hội quan trọng như: gia đình, nhà trường, cộng đồng trong việc giáo dục, trau dồi các giá trị. Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của gia đình – chiếc nôi đầu tiên hình thành, nuôi dưỡng các giá trị. Phải kết hợp giữa “xây” và “chống”. Xây dựng, bồi đắp và củng cố những giá trị tốt đẹp, chống lại những thói hư, tập xấu trong xã hội… Cuối cùng, nền tảng chung và điều kiện cơ bản nhất để hiện thực hóa hệ giá trị quốc gia cũng như văn hóa chính là phải đổi mới, hoàn thiện thể chế quản lý và điều hành đất nước trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, vì tất cả những điều đó đều có ảnh hưởng trực tiếp tới hệ giá trị. Thể chế nào sẽ sinh ra những mẫu người và văn hóa đó.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng: Xây dựng các nền tảng số của văn hóa Việt Nam
Chúng ta phải xây dựng được một trợ lý ảo, dạng như ChatGPT, chỉ chuyên về văn hóa Việt Nam, để mọi người Việt Nam có thể vào đó đối thoại, có cái để hỏi, có cái để nói chuyện, để mang hiểu biết mọi lúc, mọi nơi. Nếu dùng ChatGPT thì có thể không tìm được những câu trả lời chính xác lắm trong một số trường hợp, vì nó làm cho mọi lĩnh vực, cho mọi quốc gia nên rất khó đạt đến mức xuất sắc. Nhưng nếu xây dựng chat về văn hóa Việt Nam với dữ liệu phải xử lý giảm đi hàng ngàn lần thì nó sẽ đạt được mức xuất sắc.
Ứng dụng này cũng sẽ giúp cho người Việt Nam hiểu giống nhau và làm giống nhau về văn hóa Việt Nam. Tôi cho rằng, hoàn cảnh, môi trường sống mới do quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay tạo ra cần văn hóa mới, con người mới, đó là văn hóa số, con người số, bên cạnh môi trường thực mà chúng ta đã quen qua hàng ngàn năm. Việc hình thành văn hóa số phải được tuyên truyền thường xuyên, cần thiết đưa vào từ giáo dục phổ thông. Tới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đồng hành với ngành văn hóa trong việc xây dựng các nền tảng số của văn hóa Việt Nam.