Xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trở thành di sản Việt Nam

Mang ý kiến tâm huyết đến với hội thảo, NGND – họa sĩ Huỳnh Văn Mười phân tích: “Trước khi bàn sâu vào nhận thức và hành động, chúng ta cần xác định 2 điểm được coi là mấu chốt nhất: Không gian văn hóa Hồ Chí Minh phải là hình thái không gian tâm linh, được xây dựng hoàn hảo trên sự nghiên cứu, thấu hiểu, thể hiện cho được bản sắc văn hóa của dân tộc Việt xuyên suốt các thời đại; toát lên hồn văn hóa của dòng dõi con Rồng cháu Tiên. Tuyệt đối tránh sự lai tạp hay mơ hồ trong nhận thức lịch sử, sự lung linh trong hình ảnh lẫn phong cách thể hiện. Thứ hai, là tất cả hình thái kiến trúc xây dựng, trang trí tuyệt đối lưu ý đến phong cách của Bác Hồ là giản dị, trang nhã, tiết kiệm…, đồng thời nên khai thác các nguyên vật liệu tại chỗ, cây cảnh trồng trong khuôn viên cũng theo thổ nhưỡng từng vùng miền sao cho phù hợp với khí hậu”.

Xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh  trở thành di sản Việt Nam - Ảnh 1.

GS-TS Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM, phát biểu tại hội thảo

QUỲNH TRÂN

GS-TS Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM, cho rằng: “Xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh để TP mang tên Bác dần hình thành một không gian văn hóa mang tên Hồ Chí Minh với những đặc điểm, tính chất, giá trị riêng gắn liền với các đặc điểm, tính chất, giá trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tư tưởng, đạo đức, phong cách, sự nghiệp…, với sự tiếp nối trên 4.000 năm dựng nước, giữ nước của cha ông ta và trên 300 năm mở cõi”.

Việc thiếu các công trình điêu khắc tượng đài tại TP.HCM cho Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được GS-TS Trương Quốc Bình (Hội Di sản văn hóa VN) đặt ra khi “số lượng sau này chỉ đếm trên đầu ngón tay”. “Rõ ràng, với một đô thị lớn và hiện đại, có bề dày lịch sử văn hóa như TP.HCM, các tác phẩm điêu khắc, tượng đài hiện nay là hết sức khiêm tốn, thể hiện sự thiếu khuyết về nghệ thuật công cộng tại đô thị đang trong thời kỳ công nghiệp hóa và hiện đại hóa”, ông Trương Quốc Bình nhấn mạnh.

Các ý kiến còn đề nghị trong xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh phải kết hợp xây dựng các bia thuyết minh hướng dẫn tại các bảo tàng, khu di tích và những công trình công cộng để thu hút khách tham quan tại nhiều địa danh: NVH Thanh Niên từng là Trường thi Gia Định – nơi nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu cùng nhiều sĩ tử Nam kỳ lui tới. Hay Dinh Thượng Thơ là nơi đặt tòa soạn Gia Định báo – tờ báo quốc ngữ thủy tổ mang dấu ấn các cây bút Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký… Ngoài ra, việc cần làm ngay là quy hoạch bài bản, có hệ thống những công trình điêu khắc công cộng đạt chuẩn về chất lượng, phù hợp với cảnh quan không gian và đảm bảo tính thẩm mỹ môi trường của một TP hiện đại và hội nhập.